CA SĨ TRỞ VỀ VIỆT NAM HÁT, NÊN HAY KHÔNG ? Có đến 43 ca nhạc sĩ Hải Ngoại trở về "sống bám" vào chính sách Game Show, hài nhả...
CA SĨ TRỞ VỀ VIỆT NAM HÁT, NÊN HAY KHÔNG ?
Có đến 43 ca nhạc sĩ Hải Ngoại trở về "sống bám" vào chính sách Game Show, hài nhảm của chế độ CSVN dưới danh nghĩa trở về phục vụ nhân dân, mong muốn được hát , được trình diễn trước khán giả quê nhà. Nghe ra thật cảm động nhưng ai cũng biết, trong thời buổi này thứ duy nhất có thể khiến họ trở về chính là TIỀN. Tiền bán vé VIP, vé thường cao ngất ngưỡng cho một Live Show, cát sê một đêm ngồi ghế giám khảo mà nhà đài trả cho các ca sĩ hải ngoại để nâng lượng rating của khán giả xem truyền hình nhằm bán quảng cáo là động lực lớn nhất.
Với một chương trình truyền hình hay ca nhạc hiện nay chỉ cần xem lượng spot quảng cáo dày đặc trong đó ta có thể biết nó có thể thu hút bao nhiêu người quan tâm.
Nếu như cách đây mấy thập niên đã có một lượng lớn ca sĩ chạy trốn cái đói nghèo của chế độ bao cấp, vượt biên vượt biển ra đi nhằm tìm tự do, để rồi thành danh trên các sân khấu ca nhạc hải ngoại như Trung Tâm Asia, Paris By Night thì ngày nay cũng những con người ấy đang chạy vạy giấy phép của Cục Nghệ thuật và Biễu Diễn ở Việt Nam để quay trở về. Một phần vì do internet phát triển đã triệt tiêu các sản phẩm băng dĩa, một phần vì các thế hệ hải ngoại lớn lên tại Mỹ, châu Âu đã không mặn mà lắm với âm nhạc quê hương khi ảnh hưởng khá đậm văn hóa Mỹ và Hàn Quốc. Sân khấu trở nên vắng bóng và các bầu Show hải ngoại thường lỗ vốn khi tổ chức các đêm diễn. Chỉ còn lại các hội đoàn, nhà thờ, chùa tổ chức khi muốn gây quỹ.
Nữ MC Kỳ Duyên là một trong những người mang quan điểm "nghệ thuật phi chính trị" để bào chữa cho việc hợp tác với chính quyền CS. Và các ca nhạc sĩ khác cũng lợi dụng quan điểm này để cho rằng bất cứ những ai phản đối họ cũng đều là những phần tử cực đoan.
Thật sự xưa nay không hề có thứ "nghệ thuật phi chính trị" và càng không hề có thứ "nghệ thuật vị nghệ thuật" khi một đất nước rơi vào tay một thế lực độc tài. Bởi lẻ một điều đơn giản: trong khi thế giới sáng tạo ra phương pháp bất tuân dân sự để giải thể độc tài trên tất cả các phương diện chính trị,kinh tế ,ngoại giao, văn hóa, thể thao... thì người nghệ sĩ phải là người đi đầu để làm một tấm gương cho nhân dân , để nhằm tách dân ra khỏi chính quyền và từ đó khiến chúng có thể sụp đổ để trả lại quyền tự quyết cho dân.
Thật vô lý khi mới ngày nào đó trên sân khấu hải ngoại anh cất lên tiếng hát với "Đêm chôn dầu vượt biển" bằng những lời ca đẫm nước mắt " Anh phải bỏ đi thắp lên ngọn lửa hy vọng. Anh phải rời xa mẹ Việt Nam yêu dấu" hoặc "Bên em đang có ta, thống thiết kêu van lương tâm thế gian"... nay lại quay về ca ngợi "thật may mắn khi về Việt Nam vào thời điểm này, được chứng kiến không khí tự hào dân tộc với hình ảnh cờ đỏ, sao vàng tràn ngập các con phố."
Chúng ta hãy lấy tấm gương của nữ ca sĩ người Cu Ba Gloria Estefan để thấy rằng "nghệ sĩ chân chính " là người như thế nào ?Ngoài việc đã giành được 7 giải Grammy. Estefan cũng nhận được một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng của Hollywood và Las Vegas Walk of Fame. Năm 2015, cô đã nhận Huân chương Tự do của Tổng thống về những đóng góp của cô cho âm nhạc Mỹ và nhận được Trung tâm Kennedy vinh danh trong tháng 12 năm 2017 vì những đóng góp của cô cho Cuộc sống Văn hoá Mỹ. Estefan cũng giành được giải thưởng Video Music MTV, cô đã vinh dự được nhận Giải thưởng Âm nhạc Hoa Kỳ cho Thành tựu Trọn đời, cũng như được đặt tên là Nhà soạn nhạc BMI của năm. Cô được giới thiệu vào Halls of the Songwriters và đã nhận được nhiều giải Billboard. Cô cũng nằm trong danh sách 100 nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại của VH1 và trong 100 nghệ sỹ vĩ đại nhất mọi thời đại của Billboard.
Gloria Estafan từ Cuba qua Mỹ từ lúc nhỏ, có cha từng phục vụ trong Quân Đội Mỹ tại Việt Nam, hiện sống tại Miami. Danh cô vang lừng thế giới, không chỉ vì sự nghiệp ca hát, mà còn và nhất là bởi lập trường của một người tỵ nạn chân chính cương quyết chống chế độ cộng sản phi nhân Fidel Castro .
– Một lần được mời trở về Cuba hát nhân dịp Đức Giáo Hoàng viếng thăm, cô đã từ chối.
– Lần khác, được mời qua Vatican hát trong một đại lễ, cô chấp nhận với một điều kiện duy nhất: Xin Đức Thánh Cha cầu nguyện, và làm mọi cách, cho đất nước Cuba của cô được tìm lại tự do, nhân quyền.
Cô đã sáng tác và trình bày một ca khúc mang tên ‘’Go away’’ bình dị, tương tự ‘’Việt Nam tôi đâu ?’’ của Việt Khang, trong đó cô nhẹ nhàng lên tiếng chỉ trích và yêu cầu Fidel Castro cuốn gói rời khỏi Cuba:
Go away
Won’t you just go away
Don’t you come back one day
Take your stuff
Take all of your precious things
Leave right now ...
Chúng ta rất thông cảm với việc được hát và được cống hiến trên sân khấu ca nhạc của các nghệ sĩ, nhưng chúng ta cũng càng phải hiểu rằng việc hát, việc góp công vào thị trường truyền hình ấy đang tạo ra một "gánh xiếc " mà các nhà chính trị học cổ xưa đã chỉ ra, đó là góp phần đắc lực giúp chế độ độc tài tồn tại khi người dân bị ru ngủ không còn biết tạo ra các cuộc cách mạng phản kháng.
Những đồng tiền mà các ca sĩ ấy kiếm được hôm nay cũng đang lấy từ nước mắt và cả máu của đồng bào mình mai sau. Khi họ đã tạo ra một thứ thuốc phiện bằng những bài hát "phi chính trị" họ cũng đã góp sức tạo tính chính danh cho thể chế một đảng tồn tại. Đó là chưa kể chính quyền đang lợi dụng tên tuổi họ, lượng Fan hâm mộ của họ để lái suy nghĩ của người dân rằng: chính quyền chúng đang lãnh đạo toàn dân theo đúng những nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền và chỉ có thế ca sĩ hải ngoại mới quay về.
Đáng thương thay cho dân tộc ta khi một phần đông ca sĩ đều phản ánh được câu nói "xướng ca vô loài" của các cụ ngày xưa. Họ đã quên mất những ngày thơ ấu sống cay đắng ,tủi nhục, tôn thờ một vị cha già dân tộc và một đảng chính trị bán nước ra sao. Họ đã quên mất đồng bào hải ngoại đã dang tay cứu vớt họ khi họ mới bước vào nghề , chẳng là ai trên thế gian này ra sao. Chính nhờ khán giả hải ngoại mới có họ. Thế mà nay họ lại ngoảnh mặt với những con người ấy khi cha anh họ lại là những sĩ quan VNCH từng chịu biết bao cay đắng trong nhà tù cộng sản. Lý luận lấy kinh tế biện minh cho mục đích là một lý luận ngụy biện khi ở nước ngoài họ vẫn sống đầy đủ và cat xê cho một tuần diễn cũng cao gấp 5,6 lần một NVHN bình thường khác.
Chỉ có thể là "cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền" mới là lý luận xác thực nhất.
Nhưng không sao. Sự trở về của họ cũng chỉ làm tôn thêm giá trị đích thực của các ca sĩ như " Anh Chi, Thế Sơn, Trần Thái Hòa, Lâm Nhật Tiến, Don Hồ, Lâm Thúy Vân..." những ca sĩ mà tôi nghĩ đồng tiền không mua chuộc được họ. Các ca sĩ đang livestream,dùng Facebook để khai dân trí, dùng tiếng hát để đấu tranh với chế độ độc tài trên tất cả các phương tiện truyền thông mạng xã hội ở hải ngoại.
Chính quyền tất nhiên là sẽ không cấp phép biễu diễn cho các ca sĩ này về nước và nhiều người dân vẫn còn mê muội sẽ cho họ là "chống cộng cực đoan"... Nhưng không sao một ngày nào đó khi đất nước có dân chủ , người dân sẽ hiểu rằng ai mới là kẻ thực lòng yêu đất nước này hơn.
Rời xa hay trở lại. "Leave or come back?"
Dương Hoài Linh
Không có nhận xét nào