Về Hổ Trướng Khu Cơ - Phép phá xích sắt Mình đang đọc và suy gẫm lại tại sao thấy nhiều phép nhà binh trong quyển này có gì đó không đ...
Về Hổ Trướng Khu Cơ - Phép phá xích sắt
Mình đang đọc và suy gẫm lại tại sao thấy nhiều phép nhà binh trong quyển này có gì đó không đúng. Mình ví dụ, ở trang 40 (trang 18 PDF)
****
2 - Phép phá xích sắt
Khi chiến thuyền ta vào giang phận của giặc, bỗng gặp giặc dùng dây sắt chắn sông thì làm thế nào ? Người làm tướng ngày thường nên sai thợ sắt đúc một cái thiết đề, miệng ngang rộng 2 thước, cán gỗ dài 3 thước, để ở trong chiến hạm. Khi gặp có xích sắt chắn sông thì lấy ba vị là diêm tiêu, lưu hoàng, nao sa cùng với than gỗ phóng vào trong thiết đề, thổi lửa nấu cho đỏ rực lên, đem đến chỗ xích sắt mà đốt, chốc lát xích sắt đỏ ra thì lấy búa lớn mà chặt, xích sắt phải gãy, thuyền ta thẳng tới như đi trên đất bằng, không ai ngăn được. Đấy là nghĩa hỏa khắc kim, trí tướng nên biết trước điều ấy.
****
Như vậy, thiết đề là vật gì ? Mình tra mạng, thì thấy thiết đề 鐵蹄 là cái móng sắt của ngựa (iron heel, a.k.a horseshoe) , nên chắc thiết đề ở đây là một cái vật gì đó bằng sắt, như một cái thau hay cái hộp hình tròn hay hình thoi, bằng sắt, bên trong rỗng, có cán dài bằng gỗ để di chuyển. Rồi khi cần phá xích sắt, thì người ta đem cái thiết đề này ra, đổ diêm tiêu, lưu hoàng, nao sa vô trong thiết đề này, rồi thổi lửa lên, để dây xích sắt vô trong đó, như bễ lò rèn, đợi tới khi xích sắt đỏ ra, rồi chặt.
Nhưng điểm này cho thấy có khuyết điểm chết người - đó là nó chỉ có thể sử dụng khi không còn cuộc chiến ở khu vực có xích sắt thôi đúng không bạn ? Nếu bạn đọc vài bài về phép dùng xích sắt ngang sông, thì người ta ở hai bên sông, còn có những đội quân để kéo ròng rọc, hạ xích sắt lên xuống. Chả có quân đội nào mà giăng xích sắt ở chỗ đồng không hiu quạnh rồi để trống không cả, mà chắc là họ để ở khúc gần nơi quanh co của eo sông, hay nơi hai bên có đồi cao, hoặc họ đắp ụ, rồi để quân mai phục lẫn để đại bác chỉa xuống. Hễ bên địch mà tới khúc đó, cứ thoải mái mà bắn đại bác xuống, cứ thẳng tới mà bắn tên lửa vào, như khi ta xem film đoạn đầu của Saving Private Ryan vậy.
Vậy lúc trong chiến trận ác liệt, làm gì mà còn có chiến hạm nào có đủ thời giờ mà ngừng lại, rồi lính thổi bễ thiết đề, rồi ngồi đợi cho xích sắt nóng lên để chặt nhỉ ? Vụ này chắc cũng phải hơn cả tiếng mới xong, mà cả tiếng đó chiến hạm nằm giữa sông như vậy, thật chả khác nào "lạy ông tôi ở bụi này". Rồi khi quân thổi lửa trên thuyền, thì khói bay lên mù trời, làm cho quân địch lại có điểm để mà nhắm bắn. Quân địch cứ nhè chỗ thiết đề và "nhằm thẳng quân thù mà bắn", tựa như trận của ngài Chế Bồng Nga vậy, thì có 100 chiến hạm cũng tanh bành luôn, đúng không bạn ?
Vậy phép phá xích sắt này ở đây, chỉ sử dụng khi không còn chiến trận, mà nếu đã không còn chiến trận, thì còn gì là phép đánh giặc nữa nhỉ ?
Hay là thời xưa, người Việt ta làm xích sắt nhỏ bằng cánh tay, tựa dây thừng, đốt 15 phút là xong ?
Hoặc giả ngài Đào Duy Từ chỉ khéo tưởng tượng chứ chưa bao giờ là vị tướng ngoài biên trận cả ?
Hoặc ai đó viết rồi gán cho ngài Đào Duy Từ ?
Nên mình đọc, thấy thì OK lắm, nhưng khi suy nghĩ lại về khi ra chiến tuyến trận đầu, thấy đầy lỗi trong đấy. Vậy kế này mà đem ra làm phép đánh giặc, có đúng là kế của "anh hùng bàn phím" không bạn ?
Mời bạn cứ lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Brian
Không có nhận xét nào