Cái bi kịch nhất là một người văn nghệ sĩ, những nhà văn nhà thơ khi mang trong mình sự lãng mạn của một tâm hồn đôi khi chất chứa đầy ủy mị...
Cái bi kịch nhất là một người văn nghệ sĩ, những nhà văn nhà thơ khi mang trong mình sự lãng mạn của một tâm hồn đôi khi chất chứa đầy ủy mị mà đi làm chính trị, làm cách mạng.
Văn nghệ sĩ là để hoạt động nghệ thuật hoặc biểu diễn, nhà văn nhà thơ là sáng tác tác phẩm. Khi lựa chọn và trụ lâu dài với nghiệp văn chương và con đường nghệ thuật, các tâm hồn thi sĩ khó có thể đứng trên mặt đất để không cho nó bay bổng của mình trong khoảng không sáng tác mà tỉnh táo cho các quyết định mang tính ảnh hưởng đến sinh mạng và cuộc sống của nhiều người.
Một ông nhà thơ cách mạng, trưởng thành trong ngục tù thực dân đế quốc, đi làm cách mạng chính trị và sau ngoi lên đến chức ủy viên bộ chính trị, phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng, đã đưa ra những quyết sách sai lầm về kinh tế dẫn đến sự điêu linh khốn cùng cho dân chúng mà di họa còn ảnh hưởng và kéo dài mãi đến suốt hơn 30 năm về sau.
Một ông nhà thơ lãng mạn hay sầu, nổi tiếng trong phong trào "thơ mới", khi cách mạng vùng lên đã dẫn đầu phái đoàn chính quyền mới của cách mạng đi về cố đô tiếp nhận ấn tín thoái vị của hoàng đế tiền triều, đánh dấu cho sự cáo chung của chế độ phong kiến tồn tại hơn cả ngàn năm. Công lao tột đỉnh, là khai quốc công thần, tham gia nội các, mà sau này đứa con hống hách ỷ thế cha làm nhiễu loạn triều cương.
Tôi biết một nhà thơ nổi tiếng của xứ cố đô, qua những bà thơ tình của ông trước khi biết ông là một nhà cách mạng vào rừng kháng chiến. Người ta quy kết cho ông là tên đồ tể khát máu thảm sát hơn ngàn người trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm ấy. Nhưng tôi đọc thơ ông thấy chứa chan tình cảm của một tâm hồn nghệ sĩ đầy lãng mạn. Giờ đây ông đã già, gần đất xa trời trong cơn đau yếu sắp về với các bậc tiền bối cách mạng, ông thừa nhận sai lầm khi không tham gia vào vụ nổi dậy nhưng lại tự nhận là có, thành ra nhiều người quy kết ông là đồ tể khát máu. Dù ông nói thật trong lúc thời gian của ông không còn nhiều, nhưng theo tôi, ông chính là cái bi kịch của một nhà thơ mà hăng hái tham gia làm cách mạng, hăng hái tham gia đấu tranh chính trị.
Tâm hồn bay bổng bao nhiêu thì sự tỉnh táo càng thiếu trong những quyết định mang tính sống còn cho quảng đại quần chúng bấy nhiêu. Có khi gạt qua sự ủy mị yếu đuối hay lãng mạn thi nhân thì có thể sẽ biến người thi sĩ trở nên một người máu lạnh, lúc đó hậu quả càng khôn lường.
Bởi vậy, theo tôi, văn nghệ sĩ nhà văn nhà thơ thi nhân... hãy cứ là thi nhân và hoạt động nghệ thuật. đừng đi làm cách mạng, đừng đi làm chính khách vì đó sẽ là một thảm họa và bi kịch nhiều hơn là những gì tốt đẹp mà các văn nghệ sĩ nhà văn nhà thơ đã cống hiến qua những tác phẩm xuất sắc để đời.
Không có nhận xét nào