CẢI CÁCH GIÁO DỤC KHÔNG TỐN MỘT XU Cách đây gần 4 năm, cả nước giật mình khi biết tin Bộ GD &ĐT đề nghị xin 34 275 tỷ đồng để đổi ...
CẢI CÁCH GIÁO DỤC KHÔNG TỐN MỘT XU
Cách đây gần 4 năm, cả nước giật mình khi biết tin Bộ GD &ĐT đề nghị xin 34 275 tỷ đồng để đổi mới sách giáo khoa. Trả lời chất vấn, ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải chống chế rằng “Con số đó là do một cán bộ bị khớp mà đọc ra, chứ chưa bàn bạc…”. Để sáng ngày 25/4/2014 tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ông Phạm Vũ Luận phải xin rút lại dự án 34 275 tỷ. Nhắc lại chuyện này để thấy một số người trong Bộ GD&ĐT siêu giỏi về vẽ dự án.
Còn hiện nay, theo bà Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng (Giám đốc Chương trình phát triển các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT, chịu trách nhiệm vận hành dự án vay 100 triệu USD để đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông) cho biết: “Những vấn đề trong chương trình mới không hề quá xa lạ mà chỉ là tên gọi mới.” (giaoduc.net.vn, 01/02/2018: Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn có dạy được Vật lý, Hóa học không? Nếu không, đừng ép)).
“Những vấn đề chỉ là tên gọi mới” mà phải đi vay cả 100 triệu USD, thì xem ra khả năng vẽ dự án dưới thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng không hề kém cạnh thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
I. CẢI CÁCH GIÁO DỤC KHÔNG TỐN MỘT XU
1. VIẾT SÁCH GIÁO KHOA KHÔNG MẤT TIỀN
Chúng ta có hàng chục vạn thầy cô giáo, hàng chục ngàn người là giáo sư tiến sĩ, đang giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng, PTTH, ở các viện nghiên cứu, được nhà nước trả lương, sao lại không giao được nhiệm vụ viết sách giáo khoa cho họ?
Bộ GD&ĐT có thể chọn và giao cho hai tập thể các thầy cô giáo giỏi, chia làm hai hội đồng, biên soạn độc lập hai bộ sách giáo khoa. Từ đó mà so sánh để lựa chọn ra bộ sách giáo khoa tốt nhất.
Bộ GD&ĐT cũng cần cho phép các nhóm tác giả độc lập khác, được quyền viết sách giáo khoa để tham gia vào cuộc tuyển chọn. Cụ thể là cho hai bộ sách độc lập tham gia tuyển chọn. Như vậy, những người viết sách độc lập có thể hợp lại trong hai hội đồng viết sách.
Tổng thể là cả nước sẽ có 4 bộ sách giáo khoa để các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cùng lựa chọn. Từ đó sẽ có một hoặc hai bộ sách được chấp nhận cuối cùng. Hoặc nếu cả 4 bộ đều tốt thì có thể chấp nhận cả 4. Việc lựa chọn dạy như thế nào sẽ tùy vào từng trường và từng thầy cô giáo, dựa trên các bộ sách đã được quyết định. Ở đất nước gần 100 triệu dân với các vùng miền văn hóa khác nhau, thì 4 bộ sách của 4 tập thể chắc chắn sẽ tốt hơn là chỉ 1 bộ của 1 tập thể.
Viết sách giáo khoa, ngoài nhiệm vụ, còn là vinh dự được đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nên sẽ có các thầy cô giáo, các nhà khoa học sẵn sàng tham gia viết sách giáo khoa mà không đòi hỏi kinh phí. Miễn là bộ sách của họ được phép tham gia sòng phẳng trong cuộc tuyển chọn.
2. IN SÁCH KHÔNG CẦN KINH PHÍ
Bộ sách giáo khoa in ra sẽ được bán cho học sinh. Các bậc phụ huynh sẽ là người phải trả tiền mua sách giáo khoa cho con em mình. Nhà xuất bản tính đúng giá thành để xác định đúng giá bán. Như vậy nhà nước cũng không phải mất thêm kinh phí.
3. KHÔNG PHẢI TẬP HUẤN
Sách giáo khoa có nội dung trong khuôn khổ của chương trình phổ thông, nên không thể vượt quá khả năng của các thầy cô giáo. Vì thế các thầy cô giáo sẽ không phải đi học thêm, càng không phải đi tập huấn.
Một bộ sách giáo khoa tốt sẽ làm cho học trò dễ học và thầy cô giáo dễ giảng dạy. Một bộ sách giáo khoa tốt là không trói buộc khả năng sáng tạo của thầy cô giáo. Các thầy cô giáo sẽ tự biết phải dạy như thế nào.
Với ba điểm nêu trên, cải cách giáo dục sẽ không phải tốn thêm một xu kinh phí.
Có người sẽ viện dẫn đến mua sắm trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy, cơ sở thí nghiệm... liên quan đến sách giáo khoa mới, để nêu lên vấn đề kinh phí.
Từ bao đời, cơ sở vật chất, trang thiết bị là vấn đề độc lập. Có kinh phí bao nhiêu thì trang bị bấy nhiêu. Trong nhiều năm, chúng ta đã từng học trong điều kiện chưa bao giờ đủ đồ dùng giảng dạy và không có phòng thí nghiệm. Đừng nhầm lẫn vấn đề trang bị nhiều năm với chương trình cải cách giáo dục.
Cũng có người sẽ phản biện là không khả thi, viện dẫn ra nhiều khó khăn. Khả thi hay không, phụ thuộc vào tài năng của người đứng đầu Bộ GD&ĐT.
Chắc chắn sẽ có người đảm đương chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiến hành được cả 3 mục trên mà không cần xin thêm kinh phí. Trên thực tế thì dưới thời của GS Nguyễn Văn Huyên và GS Tạ Quang Bửu đã thực thi như vậy. Lúc đó đâu có yêu cầu hàng trăm, hàng chục ngàn tỷ đồng như bây giờ.
Cũng đừng nghĩ rằng, lúc nào cũng phải nhờ đến tiền của nhà nước. Sẽ có nhiều trí thức tham gia vào cải cách giáo dục, vì tương lai dân tộc, mà không lấy tài chính làm mục tiêu tiên quyết. Chưa nói đến việc huy động lòng hảo tâm của các mạnh thường quân trong xã hội.
Nếu Chính phủ không tin, Chính phủ hãy đưa ra yêu cầu, tất có người sẽ đứng ra đảm nhận. Tiếc là chính quyền chưa thích nghi với những thay đổi như vậy.
II. ĐỪNG HỌC THEO MÙ QUÁNG
Có người đang ca ngợi giáo dục Phần Lan là nhất thế giới. Có người đang viện dẫn vào tích hợp của Singapore. Có người dựa vào các trường quốc tế.v.v. Còn trước đó thì ông Phạm Vũ Luận đã triển khai VNEN của Colombia.
Xin hỏi những người ca ngợi giáo dục Phần Lan, rằng họ có thuyết phục được những người kia, những người ca ngợi Singapore, trường quốc tế, Colombia... để họ du nhập trọn gói giáo dục Phần Lan về Việt Nam?
Và ngược lại, xin hỏi những người ca ngợi Singapore, muốn đưa “tích hợp” của Singapore về Việt Nam, họ có thuyết phục được những người yêu Phần Lan, yêu Colombia, yêu trường quốc tế... kia, để mà copy giáo dục Singapore về Việt Nam?
Phương thức giáo dục không duy nhất. Vì thế các nước sẽ có chương trình giáo dục không đồng nhất. Mỗi phương thức sẽ có mặt yếu mặt mạnh. Cho nên không thể cứ học ở nước nào thì ca ngợi nước ấy là nhất. Đừng học theo mù quáng.
III. SAO LẠI PHẢI HỌC TÍCH HỢP KIỂU SINGAPORE?
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy trong bài viết “Trên thế giới có cái gọi là sách giáo khoa dạy tích hợp Lý-Hóa-Sinh không?”(giaoduc.net.vn, 09/02/2018) có viện dẫn sách giáo khoa Singapore, dẫn chứng Singapore dạy môn Science (là tổng hợp các môn Lý, Hóa, Sinh, Khoa học Trái đất) ở Tiểu học (lớp 1-6) và THCS. Bà khẳng định rằng: “Các chủ đề này gồm các nội dung khoa học cơ bản của 3 môn học Vật lý, Hóa học và Sinh học được tích hợp ở mức độ sâu (xuyên môn) và phân hóa thành các môn học riêng rẽ: Vật lý, Hóa học, Sinh học ở Trung học phổ thông (High School)”.
Tưởng là môn mới, hóa ra cuối cùng cũng “phân hóa thành các môn học riêng rẽ: Vật lý, Hóa học, Sinh học ở Trung học phổ thông”!.
Nếu là môn học “tích hợp sâu xuyên môn” như bà Thủy nhận định, thì hà cớ chi không tiếp tục “tích hợp sâu xuyên môn” mà phải “phân hóa thành các môn học riêng rẽ: Vật lý, Hóa học, Sinh học ở Trung học phổ thông ”?
Để thêm một lần khẳng định rằng Lý, Hóa, Sinh là các môn độc lập. Việc gộp lại ở bậc Tiểu học và THCS là để dạy thường thức với mức độ sơ đẳng (Primary) và cấp hai độ thấp ( Lower Secondary) như tên trường đã chỉ ra, chứ không phải ở mức độ cao siêu, càng không thể “tích hợp sâu xuyên môn” !
Như vậy, mấu chốt vấn đề là thời điểm tách môn. Hết bậc Tiểu học? Hết bậc THCS? Hay hết THPT? Là tùy thuộc vào quan điểm giáo dục của mỗi người.
Xin nhắc lại là môn Khoa học thường thức này, thời GS Nguyễn Văn Huyên thì Việt Nam chỉ dậy ở cấp 1. Việt Nam đi sớm hơn Singapore trong việc tách môn, chứ không phải chậm hơn Singapore hai chục năm như bà Thủy kết luận.
Câu hỏi giản đơn là: Ai muốn học chuyên ngành sớm? Đó là những người có năng khiếu chuyên ngành.
Một người có năng khiếu về khoa học hay âm nhạc hay thể thao, hay bất cứ lĩnh vực nào, đều rất cần được học với thầy giỏi theo chuyên ngành từ sớm. Lấy thí dụ về thể thao. Trước đây người ta hay bắt đầu đào tạo từ 8,9 tuổi. Bây giờ bắt đầu từ 4, 5 tuổi. Cụ thể hơn, lấy môn golf làm thí dụ. Golf nữ Thái Lan hiện nay đã lọt vào nhóm các cường quốc golf nữ thế giới. Thái Lan có số golf thủ nữ chơi ở giải nhà nghề LPGA Tour của Mỹ đông thứ 3, sau Mỹ và Hàn Quốc, trên cả Nhật Bản , Trung Quốc và các nước châu Âu. Họ có người đứng đầu bảng xếp hạng thế giới trong một thời gian. Nhiều golf thủ nữ Thái Lan được học từ 4,5 tuổi. Học hết bậc THCS là thôi học. Chỉ tập golf và chuyển sang thi đấu nhà nghề. Bởi thế Thái Lan mới có bước tiến dài và nhanh như vậy. Không chuyên môn hóa sớm, không có cửa đua tranh quốc tế.
Bảng xếp hạng 350 trường đại học tốt nhất châu Á gần đây không có trường ĐH nào của Việt Nam, còn Singapore lại có trường ở top đầu. Đó là sự xấu hổ cho Việt Nam. Nhưng xét cụ thể theo ngành, thì chẳng hạn, ngành Toán của Việt Nam về chất lượng các công trình công bố cũng như uy tín quốc tế không thua kém Singapore. Học sinh Việt Nam học toán cũng không thua kém học sinh Singapore. Tin rằng các môn Lý-Hóa-Sinh cũng như vậy.
Điều làm cho giáo dục Việt Nam tụt hạng, như trong bài GIÁO DỤC VIỆT NAM: NỖI ĐAU NHIỀU KIẾP CHƯA TAN đã lưu ý, là do cơ chế độc quyền và do Bộ trường Bộ GD&ĐT kém. Chứ không phải do không tích gộp các môn Lý-Hóa- Sinh ở bậc THCS như Singapore.
Mặt khác, chúng ta đã tách môn ở THCS mấy chục năm nay, hàng vạn giáo viên Lý, Hóa. Sinh đã được đào tạo, hà cớ chi lại phải theo Singapore để nhập môn lại. Học sinh chúng ta học Science như Singaporer thì các em sẽ biết Lý, Hóa, Sinh, tốt hơn ư? Đã vậy sao lại phải dạy Lý, Hóa , Sinh riêng rẽ ở bậc THPT? Nếu bà Thủy và các nhà ngụy cải cách muốn viện dẫn rằng học sinh Singapore có kiến thức Lý, Hóa, Sinh cao siêu hơn học sinh Việt Nam ở PTTH thì hãy viện dẫn kiến thức ở bậc cao nhất là THPT!
Một câu hỏi đơn giản nữa, rằng, nếu bây giờ Singapore họ thay đổi, dạy Science ở bậc THPT thì Việt Nam cũng phải học theo, gộp Lý – Hóa – Sinh và Địa ở THPT ư?
Có vẻ như, chúng ta đang tiến hành cải cách giáo dục theo công thức tích hợp: Thầy bói xem voi + đẽo cày giữa đường!
IV. DẠY CHO HỌC TRÒ ĐIỀU GÌ?
Trong vô vàn kiến thức, người thầy sẽ dạy cho học trò điều gì?
Khi người thầy nhận học trò, người thầy quan sát đánh giá học trò, rồi quyết định sẽ dạy cho học trò những gì?
Học trò sẽ cần những thứ để giúp mưu sinh, để đối mặt với hiện thực cuộc sống, và để thực hiện ước mơ mục đích của mình.
1. DẠY NHỮNG ĐIỀU HỌC TRÒ CẦN
Vì thời gian, phương tiện, năng lực có hạn, nên người thầy sẽ chọn dạy cho học trò những kiến thức để học trò làm tốt nghề nghiệp mưu sinh của mình. Người thầy sẽ không dạy cho học trò những kiến thức mà sau này học trò không cần đến.
Chẳng hạn, một em sau này sẽ làm nghề thanh nhạc, thì người thầy sẽ không bắt em phải giải các phương trình lượng giác phức tạp ngoằn nghèo. Người thầy có thể giởi thiệu cho em khái niệm đạo hàm, tích phân và các ứng dụng và chỉ ra nơi tra cứu khi cần, mà không bắt các em phải nhớ, phải giải bài tập, càng không phải thi về những điều đó.
Ở mặt khác, người thầy sẽ buộc phải dạy cho em những kiến thức, tuy không phải dùng cho nghề nghiệp, nhưng lại phải đối mặt trong cuộc sống. Chẳng hạn như làm cho thân thể nhanh nhẹn khỏe mạnh, phải biết bơi, phải học võ, phải biết sử dụng các loại vũ khí thông thường, phải biết lúc nào mưa nắng, phải biết đối phó khi có bệnh tật, phải biết xử lý các tình huống cấp bách... là những điều cơ bản mà em hay phải đối mặt trong đời sống hàng ngày.
Như vậy, người thầy chỉ dạy cho học trò điều mà học trò cần cho nghề nghiệp và cần cho cuộc sống.
2. DẠY NHỮNG ĐIỀU HỌC TRÒ THÍCH
Không chỉ mưu sinh, người học trò có ước mơ, có sở thích, có mục đích cuộc sống. Cho nên người thầy, trong khả năng của mình, sẽ dạy cho học trò những điều học trò thích. Có thích điều gì thì mới toàn tâm học tập, mới nhanh tiến bộ được, mới tiến xa được. Học những điều không thích luôn là gánh nặng cho bất cứ ai.
3. DẠY NHỮNG ĐIỀU HỌC TRÒ CÓ NĂNG KHIẾU
Học trò có thể thích một điều mà em không có nhiều năng khiếu. Điều quan trọng nhất của các bậc thầy giỏi là nhìn thấu học trò, biết năng lực đích thực của học trò, biết phát huy tối đa khả năng của học trò. Người thầy có trách nhiệm chỉ cho học trò biết điều sở trường nhất của học trò. Người thầy giỏi biết làm cho học trò thăng hoa. Các huấn luyện viên bóng đá được trả lương cao cũng là vì tài năng đó.
4. DẠY NHỮNG ĐIỀU CÓ ÍCH CHO CỘNG ĐỒNG
Trong những năm chiến tranh, khi gửi học sinh du học, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp thời GS Tạ Quang Bửu đã phân theo học các ngành theo nhu cầu xây dựng đất nước sau này. Như vậy là học vì lợi ích cộng đồng.
Lấy một thí dụ đơn giản, chẳng hạn có 4 học trò học giỏi toán thì vì lợi ích cộng đồng mà phân một người đi theo con đường khoa học, một người theo kinh tế, một người theo quốc phòng, một người theo nghề y.
Hay chẳng hạn như trong võ thuật, cần phân người học theo các môn khác nhau, chứ không thể tập trung chỉ một môn. Cũng như vậy là trong bóng đá, phải có người là tiền đạo, người tiền vệ, người hậu vệ, người trấn giữ khung thành, chứ không phải ai cũng là tiền đạo.
Giáo dục vì lợi ích cộng đồng, cũng là một tiêu chí quan trọng của giáo dục. Người thầy giỏi phải biết hướng học trò tới điều đó. Vì lợi ích cộng đồng, người học nhiều khi phải hy sinh sở thích cá nhân và từ bỏ cả sở trường của mình.
V. KHÔNG DẠY HỌC TRÒ NHƯ NHAU
Từ các điều nêu trên có thể thấy, tùy theo học trò mà người thầy sẽ quyết định dạy điều gì. Có nghĩa là không dạy như nhau cho tất cả học trò. Thế nhưng, hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay đang làm ngược lại.
Một trong những yếu điểm cốt lõi của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là bắt học trò học như nhau và thi như nhau.
Như thí dụ ở phần trên, một em sẽ đi nghề thanh nhạc thì tại sao lại bắt em làm bài tập về khảo sát biến thiên hàm số hay là thi về phương trình lượng giác?
Cũng như vậy, một em sẽ trở thành cầu thủ bóng đá thì tại sao bắt em phải thuộc những đoạn văn trong “Người lái đò sông Đà”?
Bắt học như nhau là điều không khoa học. Cho nên thời GS Nguyễn Văn Huyên cho tách môn sớm cấp 2 là vì thế. Điều mà chúng ta không hiểu được tư tưởng của các bậc tiền bối là khi tách môn, chúng vẫn dạy như nhau và bắt thi như nhau. Đó là gánh nặng cho học trò khi phải học, phải thi nhiều chuyên ngành! Đó là nỗi sợ của phụ huynh khi bắt học trò học nhiều thứ sau này không cần thiết. Đó là mấu chốt của vấn đề, chứ không phải gộp Lý-Hóa-Sinh và Sử-Địa.
VI. ĐỪNG DẠY THỪA CHO NGƯỜI NÀY VÀ DẠY THIẾU CHO NGƯỜI KHÁC
Nhiều người đang mong muốn giảm tải. Bởi vì chúng ta dạy mọi người như nhau. Và đó chính là dạy thừa cho người này, và dạy thiếu cho người khác.
Khi ta bắt học sinh theo nghề văn phải khảo sát biến thiên hàm số và nhớ các phương trình lượng giác là đã dạy thừa cho họ. Và họ không có thời gian để học sâu hơn về văn học, là nghiệp mà họ đeo đuổi.
Còn khi ta bắt học sinh sẽ đi về nghề lý phải thuộc văn trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” là ta đã tước đi thời gian và sức lực của họ dành cho chuyên sâu môn lý.
Chúng ta đang dạy thừa cho người này và dạy thiếu cho người kia. Học sinh bị quá tải, phải học những điều không dùng, và không được học sâu những điều mình cần.
Mục đích tách môn sớm, mục đích học theo môn chọn, cũng chỉ là để học điều cần, không học điều thừa. Làm được như vậy, tức khắc sẽ giảm tải, sẽ làm học sinh thích thú học tập hơn, làm cho học sinh phát huy sớm sở trường của mình để trua tranh nghề nghiệp.
Các cuốn sách giáo khoa dày cộm thêm sau mỗi lần xuất bản là bởi tham lam nhồi nhét kiến thức như nhau cho mọi người, và người viết sau muốn khác đi với người viết trước để chứng tỏ sách mới và mong bán được nhiều hơn. Hậu quả là học sinh thời nay phải mang cả một ba lô sách vở đến trường, nặng “như ba lô chú bộ đội”. Khác xa với những cuốn sách giáo khoa mỏng dính trước đây.
Cho nên, những người viết sách giáo khoa mới cần chú ý đến dạy gì cho học trò. Khi đó sách giáo khoa sẽ mỏng trở lại. Tất cả các kiến thức chuyên sâu sẽ được học từ thầy cô và các tài liệu tham khảo. Như trên đã lưu ý, bộ sách giáo khoa tốt là bộ sách giáo khoa không tham lam đưa những phương án rối rắm trước bộ óc đơn gian trong sạch của trẻ thơ, làm các em phải lẫn lộn. Một bộ sách giáo khoa tốt là bộ sách không tham lam đòi làm hết nhiệm vụ của thầy cô giáo. Làm như thế chỉ làm cho sách dày thêm, và hạn chế sự tỏa sáng tài năng của thầy cô giáo.
VI. LỖI Ở HỆ THỐNG ĐÁNH GIÁ VÀ THI CỬ
Tại sao lại quá tải? Tại sao lại dạy như nhau? Tại sao lại dạy thừa cho người này và dạy thiếu cho người khác?
Đó là lỗi của hệ thống cho điểm và hệ thống thi cử.
Tham vọng về một mặt bằng đánh giá chung trên toàn quốc là một nhược điểm lớn trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay.
Một em sẽ đi về nghề văn, một em sẽ đi về nghề toán, mà thảng điểm ở bậc phổ thông cho như nhau. Thi tốt nghiệp THPT cùng một đề là không khoa học, không công bằng, không sòng phẳng.
1. KHÔNG CHO ĐIỂM HẠ THẤP NHÂN PHẨM
Khi ra một bài toán khó, em bé giỏi toán được cho điểm 10, còn em bé không giỏi toán bị cho điểm 0, là cách ra đề và cho điểm hạ thấp nhân phẩm.
Em bé bị cho điểm 0 sẽ tự thấy mình dốt, kém, nhụt ý chí và không thích học toán. Còn phụ huynh thì buồn vì con mình hoặc không chịu học bài, hoặc không có năng lực.
Hay chẳng hạn, một em đi nghề thể thao không có năng khiếu hát, mà thi khoa thanh nhạc, người đó chắc chắn sẽ không được lựa chọn vào khoa thanh nhạc, nhưng điểm thi thì cần phải được cho trung bình hoặc trên trung bình.
Tại sao ? Bởi vì con người ta, bất cứ trong lĩnh vực nào, ai cũng có năng lực tối thiểu. Năng lực tối thiểu ấy phải được cho điểm trung bình trên thang điểm đánh giá phổ cập, chứ không bao giờ bị điểm liệt hay dưới trung bình.
2. PHÂN LỚP MẶT BẰNG ĐỂ CHO ĐIỂM
Người thầy giỏi là biết cho điểm theo năng khiếu và nghề nghiệp của học trò. Chẳng hạn khi cho điểm môn toán, em theo nghiệp toán được điểm 7 về toán, em theo nghiệp văn cũng được điểm 7 về toán, nhưng đề thi cho hai người rất khác nhau. Điểm 7 về toán của em đi nghề văn sẽ chẳng bao giờ làm ảnh hưởng đến điểm 7 về toán cho em đi nghiệp toán cả. Em theo nghề toán có đấu trường riêng. Em theo nghiệp văn cũng có đấu trường riêng. Khi học sinh đi về ngành văn thì điểm văn của họ sẽ được phân hạng rất chi tiết, còn điểm toán thì được cho qua. Ngược lại, khi học sinh đi về ngành toán, thì điểm toán được phân hóa sâu sắc, còn điểm môn văn thì được cho qua.
Cho nên, ở bậc giáo dục phổ thông, cho điểm phải theo định hướng nghề nghiệp, phải theo hoàn cảnh, theo địa phương. Phải phân lớp mặt bẳng để cho điểm. Không thể cho điềm theo một mặt bằng chung trên toàn quốc.
3. KHÔNG THI NHƯ NHAU
Người thầy dạy giỏi không ra một đề thi như nhau cho toàn lớp học. Càng không thể có một đề thi như nhau trên toàn quốc cho cả triệu học sinh. Đề thi đáp ứng được các em ở vùng sâu vùng xa, thì sẽ không phù hợp cho các em học ở thành phố.
Để “đền bù” sự khập khiễng, Bộ GD&ĐT đã bao lần đưa ra các điểm ưu tiên vùng miền, và tất cả đều không thể hợp lý. Sẽ không tồn tại một thang điểm ưu tiên hợp lý.
Cho nên, nếu còn phải tổ chức thi công nhận tốt nghiệp PTTH thì phải đưa về địa phương. Không chỉ đến cấp tỉnh mà phải xuống huyện, cấp trường.
4. CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP PTTH
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ như hiện nay, học trò được thu nhận kiến thức từ nhiều nguồn thông tin, từ các công cụ tìm kiếm, rất thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Phổ cập PTTH là điều đương nhiên.
Giải pháp tốt nhất, là để các trường công nhận và cấp chứng chỉ tốt nghiệp PTTH. Ở nhiều nước đã thực hiện điều này.
Thi tốt nghiệp PTTH toàn quốc là rất tốn kém, lãng phí, và quan trọng hơn là không có giá trị thực tiễn. Đừng sợ vì không thi tốt nghiệp mà chất lượng kém. Các trường đại học, các trường nghề sẽ biết cách tuyển chọn và đào tạo. Các doanh nghiệp sẽ biết cách chọn người làm việc. Theo yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học mà học sinh PTTH phải lo đáp ứng đầu vào. Theo yêu cầu tuyển người của doanh nghiệp mà các trường đại học phải lo đáp ứng đầu ra. Đó là sự thích nghi tự nhiên.
Cùng với từ bỏ thi tốt nghiệp PTTH trên toàn quốc, là xóa bỏ tất cả các chỉ số thành tích và các hình thức thi đua giáo dục ở các tỉnh, các huyện, các trường. Đó là những điều hình thức, vô bổ nhưng tốn kém. Không tin hãy hỏi ý kiến giáo viên trên toàn quốc.
VII. ĐIỀU CỐT LÕI
Cũng là Đảng, nhưng tại sao thời Cụ Hồ lại chọn được GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Văn Huyên, còn bây giờ toàn những ông bộ trưởng yếu kém?
Như vậy là Đảng của Cụ Hồ khác Đảng bây giờ!
Như trong bài “GIÁO DỤC VIỆT NAM: NỖI ĐAU NHIỀU KIẾP CHƯA TAN” đã lưu ý, ĐỘC QUYỀN là nguyên nhân thống soái, còn Bộ Trưởng là nguyên nhân số 1, đó là hai nguyên nhân cốt lõi đã dẫn đến tình trạng giáo dục tuột dốc hiện nay.
Đảng không muốn xóa bỏ nguyên nhân thống soái, vì đó là độc quyền lãnh đạo của Đảng. Nhưng Đảng có thể giải quyết nguyên nhân số 1. Muốn cải thiện nền giáo dục, Đảng cần phải chọn cho được ông Bộ trưởng Bộ GD &ĐT giỏi hơn.
Chính sách bổ nhiệm các bộ trưởng của Đảng hiện nay đương làm cho Đất nước ngày càng thua xa Singapore và Thái Lan, càng không bao giờ mơ được vị trí Cao Ly - Hàn Quốc.
VIII. TẠI SAO LẠI CẦN ĐẾN DỰ ÁN TỐN KÉM ?
Quay lại vấn đề chi tiền cho cải cách giáo dục. Không phải chúng ta viện dẫn những năm 60 của thế kỷ trước, dùng điều kiện thời đó phản biện sự tốn kém của dự án cải cách giáo dục hiện thời, để bắt tất cả phải quay ngược lại thời khốn khó.
Mà dự án cải cách giáo dục hiện nay thực sự vô cùng hoang phí. Nhìn rộng hơn ra ngoài cả lĩnh vực giáo dục, thi phần lớn cán bộ có chức quyền bây giờ không vì nước, không thương dân.
Khi mà chi tiêu hàng ngày của người dân vùng nông thôn, miền núi không quá 50 000 đồng một ngày, sống trong những căn nhà lụp xụp, thì ngược lại, tiền bạc của cán bộ có chức có quyền “đông hơn quân nguyên”, nhà cửa của họ như lâu đài, trang trại của họ mênh mông hơn chúa đất.
Có người cán bộ cấp cao nào bây giờ mà không giàu có? Đến thửa đất mai táng mà họ đang cố dành ưu tiên cho mình ở nơi dư thừa phong thủy với kiến trúc nguy nga tráng lệ, thì còn đâu sự hy sinh vì dân vì nước!
Dự án đang là bình phong bòn rút tiền bạc. Từ giao thông cho đến xây dựng, từ kinh tế cho đến quốc phòng, từ giáo dục cho đến y tế..., ở khắp mọi nơi đang thêu dệt viễn cảnh bằng các dự án. Dự án càng lớn, viễn cảnh càng đẹp, thất thoát càng nhiều.
Nhưng giáo dục là rường cột của ngôi nhà dân trí, là động lực của tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Giáo dục không thể là nơi để cho ai đó lợi dụng bòn rút. Khi mà môi trường giáo dục bị biến thành thị trường kiếm chác, thì đó là vận xấu của Đất nước.
Chúng ta ủng hộ cải cách giáo dục. Nhưng chúng ta không đồng tình với phương thức mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT đang tiến hành. Cần phải có một phương thức khoa học cẩn trọng hơn nhiều. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần phải lắng nghe ý kiến của đội ngũ giáo viên và các nhà khoa học. Hãy dừng dự án để tìm kiếm một giải pháp tốt hơn. Đừng sợ dừng dự án là thua dư luận, là thua giáo viên, là thất bại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ca ngợi một phần nhờ vào quyết định rút quân ngay trước thời điểm khai hỏa chiến dịch Điện Biên Phủ, từ bỏ cách đánh nướng quân của cố vấn Trung Quốc. Những lãnh đạo tài ba bao giờ cũng có những quyết định sáng suốt vào thời điểm gay cấn nhất.
Những người đương chức đừng nghĩ rằng, quyền trong tay mình thì muốn làm gì cũng được. Chỉ làm được khi đang có chức quyền thôi. Mà không ai có chức quyền vĩnh viễn cả.
Lịch sử luôn sang trang. Chỉ không đầy hai mươi năm nữa thôi, lịch sử lại sang trang. Đừng để lịch sử lên án, phỉ nhổ.
Nguyễn Ngọc Chu
Không có nhận xét nào