Đánh trâu cho tự do. Tự do là khái niệm có tính tương đối và tùy theo nhận thức chủ quan, nhưng chắc chắn rằng tự do thân thể và tự do...
Đánh trâu cho tự do.
Tự do là khái niệm có tính tương đối và tùy theo nhận thức chủ quan, nhưng chắc chắn rằng tự do thân thể và tự do tư tưởng là 2 thứ mà người ta cần phải có, và một khi bị tước đoạt mất đi thì phải đấu tranh đòi lại.
Nhiều người nói ở một đất nước có số dân chiếm 1/4 địa cầu, đang sống dưới một chế độ cai trị không có tự do, nghĩa là tập hợp số dân này đang thiếu tự do một cách trầm trọng. Ví dụ rằng người ở địa phương (tỉnh) này không được phép mua ruộng đất hay bất động sản ở 1 địa phương (tỉnh) khác ngoài nơi có hộ khẩu thường trú. Nhưng có một vài nhận định khác về cuộc sống con người ở đây thì có tự do tối đa "trong giới hạn cho phép" , nghĩa là bạn giống như một con chim được bay nhảy thoải mái do trong một cái lồng khổng lồ. Vậy thực chất khái niệm "tự do" là nên hiểu như thế nào? tự do trong khuôn khổ hay tự do không giới hạn? Làm gì có cái tự do không giới hạn? vấn đề là giới hạn ít hay nhiều mà thôi.
Ở một nơi quen quen, cuộc sống và xã hội vẫn được cho là thiếu tự do và các quyền cơ bản, hoặc có nhưng là một thứ giả hiệu. Sẽ có người so sánh nơi chật hẹp quen quen này với cái nơi khổng lồ bị nhốt trong lồng kia và cho rằng nơi quen quen vẫn còn tự do chán. Nhưng theo như đã nói, tự do có tính tương đối: tương đối theo đối tượng hưởng thụ tự do và tương đối theo không gian tồn tại tự do.
Việc "đánh trâu" giành lại tự do đã bị tước đoạt là một quá trình lâu dài bền bỉ, và nội hàm của "tự do" cũng sẽ biến đổi theo hoàn cảnh lịch sử và thời đại kỷ nguyên mà "tự do" được đề cập xét đến. Nghĩa là thứ tự do cũ đã tồn tại có thể sau nhiều năm không còn đủ tiêu chuẩn là "tự do" nữa, hoặc người giành tự do cho mình lại đi tước đoạt hay hạn chế tự do của người khác về sau.
"Tự do" cùng với "độc lập" và "hạnh phúc" là tôn chỉ xuyên suốt của triều đại hiện hành của nước quen, nó là mục tiêu hướng đến và là lý tưởng cao đẹp. Cũng giống như mục tiêu xây dựng một xã hội thiên đường, về bản chất là không xấu, khẩu hiệu không bao giờ sai, chỉ có thực thi như thế nào và có hiện thực hóa được hay không mà thôi.
Những người "đánh trâu" đòi lại "tự do" đã bị tước đoạt hay kìm tỏa, hay chưa được thực thi hoặc bị lãng quên gạt bỏ sang một bên như trong tôn chỉ xây dựng triều đại hiện hành cho rằng họ sẵn sàng dấn thân, đối đầu và chấp nhận đánh đổi chút tự do cá nhân để đòi lại tự do cho quảng đại quần chúng. Nhưng trước khi họ bị bắt ngồi tù và bị lấy đi tự do cá nhân của họ, họ vẫn được tự do tư tưởng, tự do thể hiện trong một chừng mực giới hạn và tự do "đánh trâu". Sự tự do ít ỏi hiếm hoi đó cho thấy rằng những gì bọn họ đòi hỏi có thể sẽ còn có không gian mở rộng hơn nữa, nếu như biết kích hoạt đúng chỗ, đúng thời điểm và hợp lý cũng như hợp tình.
Về cá nhân những người "đánh trâu" cho tự do, có thể họ ý thức được hoặc không ý thức được, vì lẽ mục tiêu "tự do" hoàn toàn không phải chỉ là mong muốn của cá nhân họ hay những ai có cùng lý tưởng suy nghĩ như họ, mà ở đây có sự song hành chung với cả tầng lớp cai trị, với quảng đại quần chúng. Đây là điều quan trọng cần nhận biết để quy tụ và tập hợp hiệu triệu sức mạnh đồng lòng trong mục tiêu lớn lao và lâu dài.
Thành quả của "đánh trâu" cho tự do có thể đánh giá cụ thể, nó không là những gì quá to tát xa vời và khó khăn. Các chỉ số đánh giá tự do có đầy đủ, chỉ cần áp vào mà thôi. Do đó, đo lường hiệu quả là thứ dễ thấy nhất: khi xã hội càng tự do, con người càng tự do thì sẽ giải phóng cho các suy nghĩ và hành động bị trói buộc hoặc hạn chế, phát huy hết tiềm năng vốn có của cá nhân và tổng hòa xã hội, do đó tất yếu sẽ dẫn đến xã hội phồn vinh, còn con người hạnh phúc (hạnh phúc chính là được làm điều mình muốn, được làm điều mình muốn tức là tự do).
Và ở góc độ này, cho thấy những cá nhân tạm thời mất đi tự do bản thân khi đang bị giam hãm tù túng vì hành động "đánh trâu" của mình sẽ không nên than vãn, không nên bi quan, không nên thất vọng, không nên uất ức, không nên căm thù... vì đó chính là biểu hiện cho việc tạm thời hy sinh tự do cá nhân để lấy lại tự do cho cộng đồng, sẽ cho thấy hành động và mục tiêu "đánh trâu" của mình là cao thượng, là vô tư, là trong sáng, là "mình vì mọi người" chứ không phải "mọi người vì mình".
Có người thường bảo, nếu trong xã hội không có tự do hoặc thiếu tự do, ở đâu cũng là nhà tù. Lao ngục, xà lim là nhà tù nhỏ, xã hội, cuộc sống là nhà tù lớn. Do vậy, việc ở nhà tù nhỏ chỉ là thử thách cho bản lĩnh của người "đánh trâu" mà nếu nhà tù nhỏ còn không vượt qua được thì làm sao đối diện nổi với thách thức của nhà tù lớn? Còn xem ra thì sự mất tự do là như nhau, nhà tù nhỏ hay nhà tù lớn đều không có sự khác biệt, mà một khi tư tưởng bị cầm tù, nó còn nguy hiểm và đáng sợ hơn là thân thể bị cầm tù.
"Trên đời nghìn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do" ?
( nhật ký trong tù - Hồ Chí Minh)
Như trên đã nói: khái niệm tự do có tính tương đối, đặc biệt phụ thuộc về không gian và nhận thức cá nhân. Người viết cho rằng, có tự do hay không là trước tiên ở trong suy nghĩ bản thân vì tư tưởng là thứ người ngoài không thể can thiệp Còn tự do trong một khung cảnh địa lý nhất định có tính chuyên biệt rất cao. Tiêu chuẩn tự do thay đổi theo từng quốc gia, vùng miền riêng biệt, những hành vi được cho là tự do ở nơi này chưa chắc là tự do ở những nơi khác và ngược lại.
Những người thuộc giới "đánh trâu" hay tự xưng mình chiến đấu cho tự do, nhưng có khi họ chà đạp lên tự do của người khác, hoặc áp đặt cái chuẩn mực tự do theo ý chí của họ. Do vậy, những người "đánh trâu" nếu muốn được người khác coi trọng hoặc đánh giá cao, trước tiên phải đòi hỏi và tranh đấu cho những mục tiêu tự do theo tiêu chuẩn phổ quát được đại đa số và cộng đồng thế giới thống nhất chung một mẫu số, bằng không, họ cũng chính là một kẻ tự do giả hiệu mà thôi.
Tôi thấy nhiều người tự xưng là "đánh trâu" cho tự do, nhưng kỳ thực họ chỉ là mong muốn có cái tự do cho bản thân họ hoặc tự do theo cách suy nghĩ cá nhân chủ quan của họ. Đối với họ, chuẩn mực tự do là phải ABC này nọ mà các chuẩn mực này lấy của một nơi, một quốc gia XYZ nào đấy mà không rõ nó có phù hợp hay không. Do mang trong mình lối suy nghĩ này, họ luôn tôn vinh, ca ngợi xứ/nước XYZ là bến bờ của tự do. Và thế là lý tưởng của họ là biến nơi đây thành tự do theo kiểu bản sao của XYZ, hoặc bằng không, khi sức tàn lực kiệt hoặc phát hiện thấy rằng đó là một công việc quá sức quá tầm của mình, họ đi tìm tự do cho bản thân theo tiêu chuẩn XYZ chính cống bằng cách tìm đến vùng trời tự do XYZ, hòa mình vào thứ tự do đã có sẵn mà những người tiên phong của nước XYZ đã chiến đấu, xây dựng và giành lấy . Những người "đánh trâu" này tự lột cái mặt nạ cao cả mà trước đây họ đã mang lên mặt, trở thành kẻ hưởng thụ thành quả tự do của người khác, mà trước đây họ huênh hoang rêu rao bản thân mình là người dấn thân, chiến đấu hy sinh cho những người ở lại.
Điều đó giải thích lý do vì sao nhiều người phỉ nhổ, coi khinh các thành phần tự xưng là "đánh trâu" cho tự do, nhưng bỏ chạy tìm tự do cho bản thân mình, vì khi biết mình không thể làm nổi một công việc đòi hỏi dấn thân, hy sinh, mất mát, đòi hỏi công sức, trí tuệ, thời gian, tiền của... mà thành quả là hưởng chung cho xã hội. Xét cho cùng, tự do là cái người ta kiếm tìm và mưu cầu cho cá nhân trước hết, theo một thứ chủ nghĩa vị kỷ mà Ayn Rand cho rằng: "con người phải chọn cho mình các giá trị và hành động theo lý trí; và rằng cá nhân có quyền để tồn tại vì lợi ích của chính bản thân mình, không hy sinh bản thân cho người khác hoặc người khác vì mình; và rằng không ai có quyền chiếm đoạt những gì thuộc về người khác bằng bạo lực hay lừa dối, hoặc áp đặt tiêu chuẩn đạo đức của mình lên người khác bằng bạo lực". Do đó, một khi tìm thấy bến bờ tự do của cá nhân mình, họ sẽ ra đi để hướng về phía bến bờ đó, vì mục tiêu tự do đã đạt , bỏ lại sau lưng những gì đã làm được hoặc chưa làm được, hay những lời tuyên bố đao to búa lớn với mục tiêu cao cả giờ trở nên sáo rỗng bất kể người khác lên án hay chửi rủa họ.
Và còn thật tệ hại và đốn mạt hơn khi việc tìm tự do ở một nơi xa chỉ là mục đích cho cá nhân bản thân mình mà trong khi đó họ, những người khoác áo "đánh trâu" chỉ mượn danh nghĩa của việc chiến đấu cho tự do làm bàn đạp và phương tiện để họ thực hiện mục đích cá nhân. Đó giải thích vì sao những phường tư lợi này bị đa số người dân gọi là hạng xôi thịt.
Nhưng cũng có người lại thông cảm cho những ai đã bỏ chạy tự tìm tự do cho bản thân ở phương trời khác, vì một phần thông cảm cho ý thức vị kỷ của họ. Và đó chính là... tự do.
p/s: chém gió nhân có tin nhiều "chiến sĩ đánh trâu" cho tự do đã tìm thấy bến bờ tự do cho cá nhân mình. :D
Không có nhận xét nào