VŨ NHÔM VÀ BÌNH PHONG Phan Văn Anh Vũ tức Vũ Nhôm đã bị khởi tố thêm tội " lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ...
VŨ NHÔM VÀ BÌNH PHONG
Phan Văn Anh Vũ tức Vũ Nhôm đã bị khởi tố thêm tội " lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ" , như vậy là cơ quan an ninh đã chính thức xác nhận là Vũ Nhôm là người có "chức vụ, quyền hạn", nghĩa là thân phận một sĩ quan công an chìm là đúng, sau một thời gian lập lờ chỉ xác quyết là Vũ Nhôm là một "đại gia bất động sản".
Như vậy nếu Vũ Nhôm là một công an chìm của tổng cục 5 bộ Công An, mà cấp bậc như bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa từng tiết lộ là "cấp tá", một câu hỏi đặt ra là Vũ Nhôm xuất thân là công an mới đi làm doanh nhân hay Vũ Nhôm từ làm doanh nhân rồi mới được "tuyển mộ" vào ngành công an?
Nếu Vũ Nhôm là công an từ trước, thì chắc chắn là những tài sản, những thương vụ hàng trăm tỷ của Vũ Nhôm là tài sản của cơ quan chủ quản Vũ Nhôm, ở đây là tổng cục 5. còn Vũ Nhôm chỉ là một người đứng tên làm "bình phong", làm nhiệm vụ thuần túy cấp trên giao.
Nếu Vũ Nhôm là một doanh nhân thực thụ chả có tí nghiệp vu công an tình báo nào mà được thu dụng làm công an thì vấn đề là tại sao Vũ Nhôm có thể trở thành công an với cấp tá, trong khi theo tin ngoài lề thì Vũ Nhôm chỉ học tới lớp 11, nghĩa là trình độ học vấn không đủ? Ai đã cho Vũ Nhôm vào ngành , và liệu Vũ Nhôm có dùng tiền mua chức sau khi đã thành "đại gia bất động sản" để vênh váo với đời hay không?
Vũ Nhôm dùng thân phận sĩ quan an ninh tình báo để làm bình phong cho hoạt động kinh doanh hay lấy hoạt động kinh doanh làm bình phong cho hoạt động tình báo? Đây là một câu hỏi rất đáng đặt ra với Vũ nhôm và không ít sự thú vị.
Nhưng với tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" cộng với "cố ý tiết lộ bí mật nhà nước", rõ ràng thân phận công an chìm của Vũ Nhôm là đã khẳng định chắc chắn. Như vậy đống tài sản của Vũ Nhôm có bao nhiêu phần trăm của cá nhân ông ta? có bao nhiêu tài sản của cơ quan chủ quản đã trở thành tài sản riêng của Vũ Nhôm và của các quan chức ô dù bảo kê cho Vũ Nhôm? Hành trình xác định truy nguồn và thu hồi số tài sản này không kém phần hấp dẫn và thú vị cho những ai quan tâm đến việc chống tham nhũng và chiến dịch "đốt lò".
Sự hống hách của Vũ Nhôm khi vừa có tiền vừa có quyền trong lúc đỉnh cao chính là một trong những lý do làm cho Vũ Nhôm ngã ngựa rơi đài. Vũ Nhôm quên rằng ông ta chỉ là người đang "thực hiện công vụ" và chức vụ và quyền hạn cũng như đống tài sản tiền bạc ông ta có là phục vụ cho nhiệm vụ được giao. Vì lẽ đó, cái cấp bậc thượng tá hay danh phận tổng giám đốc tập đoàn Nova Bắc Nam 79 cũng chỉ là nhiệm vụ của ông, nó hoàn toàn không phải là tài sản của cá nhân ông, cũng không phải quyền lực của cá nhân ông. Người ta cung cấp và đưa cho ông được thì cũng có thể thu hồi và lấy lại được. Vũ Nhôm vốn ngạo mạn, hay quá thấp kém vì trình độ hiểu biết kiến thức chưa tới tầm hay vì quá hăng say trên đỉnh cao mà quên mất điều đó.
Việc của Vũ Nhôm, cùng với Trịnh Xuân Thanh và Út Trọc được đưa ra phơi bày trong thời gian qua cho thấy một điều đang tồn tại ở trong xã hội này: đó là việc "đứng tên" làm bình phong cho các thế lực kim tiền và quyền lực mà ở góc độ và cương vị của những người có thế lực đó họ không tiện ra mặt. Có một lớp người mà tư chất thông minh, lanh lợi, luồn cúi, trung thành,... được chọn mặt gửi vàng để thay thế "ông chủ" đi giao dịch, đi quan hệ v.v... và những người này được dựng lên làm "bình phong", làm cascadeur cho những sếp VIP và siêu VIP phía sau.
Vũ Nhôm, Xuân Thanh, Út Trọc,... chẳng qua cũng chỉ là quân lính, là môn khách, như những Kinh Kha, Yêu Ly, Dự Nhượng,.. thời xưa mà thôi. gặp thời thì phất lên, gặp lúc tao loạn thì có thể thành danh như Yết Kiêu, Dã Tượng còn khi hết giá trị sử dụng rồi thì sẽ là thân phận "nuôi quân nghìn ngày, dùng quân một khắc". Nhưng những người như Vũ, Thanh, Út,.. hơn hẳn những kẻ khác khi họ dám chấp nhận thân phận "bình phong" như một thực tại và lựa chọn nó cho sự nghiệp và tiến thân, mà trong lúc nhiều người vì sĩ diện, vì đạo đức, vì thân thế hay đơn giản không có cơ hội mà từ chối hoặc không được nhận làm những công việc này.
Những Vũ Nhôm (hay những Trịnh Xuân Thanh, Út Trọc) khác, ở trình và cấp độ thấp hoặc cao hơn là một trong những case đáng để nghiên cứu đối với giới xã hội học, giới tinh hoa elite chính trị vì nó là một tồn tại thực tế khách quan, một khi trong xã hội còn thiếu minh bạch và nhiều vụ áp phe (cả kinh tế và chính trị) mờ ám, thì những người như họ, là những nhân vật tuy bề ngoài là những diễn viên chính nhưng sau hậu trường chỉ là kép phụ, chính là bộ mặt góp phần sinh động cho nền chính trị và kinh tế của một đất nước.
Không có nhận xét nào