Lễ truyền chức Linh mục đặc biệt tại trại tập trung Dachau Ngày 27 tháng 1 năm 1945, hồng quân Liên xô đã giải phóng trại tập trung A...
Lễ truyền chức Linh mục đặc biệt tại trại tập trung Dachau
Ngày 27 tháng 1 năm 1945, hồng quân Liên xô đã giải phóng trại tập trung Auschwitz, nơi quân đội Đức quốc xã đã giam giữ và giết hại hàng triệu người, đặc biệt là các nạn nhân người Do thái. Hàng triệu người thuộc các quốc tịch, đa số là người Do thái, đã là nạn nhân của chế độ độc tài Hitler. Trong số các nạn nhân của chế độ tàn bạo này cũng có các Giám mục, Linh mục và tu sĩ, là những người đã chống lại chế độ độc tài này hoặc đã can đảm giúp đỡ cho những người Do thái.
Từ năm 1940, Đức quốc xã tập trung các tu sĩ bị bắt vì chống lại chế độ và giam cầm tại trại tập trung Dachau. Tháng 12 năm 1944, trong bầu khí chết chóc của trại Dachau, một nghi lễ truyền chức Linh mục thật cảm động đã được cử hành. Tù nhân mang số 103001, với chiếc nhẫn Giám mục được làm bằng đồng, Thánh giá trước ngực được khắc từ một mảnh gỗ sồi và ngay cả chiếc mũ Giám muc cũng được làm cách bí mật. Với các biểu tượng của một Giám mục, tù nhân này đã đặt tay truyền chức cho một bạn tù trẻ. Trong khi nghi thức truyền chức Linh mục đang diễn ra, thì một tù nhân người Do thái, với chiếc đàn violon, đứng ngoài cửa kéo những khúc nhạc để đánh tan sự chú ý của đám lính Đức quốc xã đang canh gác. Vào cuối nghi thức, mọi người cùng uống cà phê mà các mục sư Tin lành đã chuẩn bị để chúc mừng sự kiện này.
Tân linh mục ngày hôm đó tên là Karl Leisner. Cha Leisner sinh ra tại giáo phận Munster, nước Đức. Năm 1939 Leisner gia nhập chủng viện và được Đức cha Clemens von Galen, một trong những vị lãnh đạo Công giáo can đảm nhất trong số những người chống lại chế độ Đức quốc xã, truyền chức phó tế. Tuy nhiên, chỉ ít tháng sau đó, thầy sáu Leisner đã bị bắt vì một câu nói bị xem là chống lại Hitler. Thầy Leisner bị bắt và bị giam ở Saachsenhausen, và năm 1940 bị chuyển đến trại tập trung Dachau. Khi đến đây, thầy Leisner đã bị lao phổi và tình trạng cực khổ ở trại tập trung đã làm cho bệnh tình của thầy càng thêm tồi tệ hơn. Nhiều lần thầy Leisner được đưa từ khu trại giam các linh mục đến khu bệnh xá và thầy đã lợi dụng những cơ hội này để thi hành sứ vụ mục tử đối với các bệnh nhân khác trong trại.
Nhìn thấy tình trạng sức khỏe của thầy Leisner ngày mỗi kém đi, các Linh mục khác trong trại mong muốn thầy có thể ít nhất được lãnh nhận thiên chức Linh mục trước khi qua đời, nhưng vì không có Giám mục nên ước mơ này không thể thực hiện được. Tháng 9 năm 1944, lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống năm 1944, Đức cha Gabriel Piguet của Giáo phận Clermont-Ferrand đã bị bắt tại nhà thờ chính tòa, trước sự hiện diện của các tín hữu, vì đã giúp cho một Linh mục chống chế độ và vì nhiều trường học Công giáo trong Giáo phận đã che dấu các trẻ em và thanh thiếu niên Do thái. Ngài cũng bị đưa đến trại Dachau.
Khi nghe biết về câu chuyện của thầy Leisner, Đức cha đã đồng ý chủ sự lễ truyền chức cách bí mật cho thầy. Nhận được phép của Đức cha giáo phận của thầy Leisner, Đức cha Piguet đã cử hành Thánh lễ vào Chúa nhật 17 tháng 12 năm 1944. Vì quá yếu, nên cho đến ngày 26 tháng 12 tân linh mục Leisner mới có thể cử hành Thánh lễ đầu tiên. Khi quân đội Hoa kỳ giải phóng trại vào cuối tháng 4 năm 1945, cha Leisner vẫn còn sống, nhưng vì quá yếu, cha đã qua đời vào ngày 12 tháng 8 năm 1945. Những lời cuối cùng của cha Leisner trong cuốn nhật ký là: “Lạy Chúa Tối cao, xin chúc lành cho cả kẻ thù của con.” Cha đã nói với mẹ mình trước khi qua đời: “Mẹ ơi, con phải nói với mẹ vài điều; trên hết là mẹ đừng buồn. Con biết con sắp chết nhưng con hạnh phúc.”
Ngày 23 tháng 6 năm 1996, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong cha Leisner lên hàng chân phước và đặt ngài làm gương mẫu cho giới trẻ châu Âu.
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào