Người Mỹ có yêu nước không ? Mình sáng nay có đi gặp hai người bạn, da trắng cả, dòng họ chắc ở Mỹ cũng hơn 4 hay 5 đời rồi, nói với...
Người Mỹ có yêu nước không ?
Mình sáng nay có đi gặp hai người bạn, da trắng cả, dòng họ chắc ở Mỹ cũng hơn 4 hay 5 đời rồi, nói với nhau về công việc xong rồi rủ nhau đi ăn trưa.
Thế rồi mình muốn hỏi phá các bạn ấy về khái niệm dân tộc, về lòng yêu nước, nên mình hỏi "hey guys, humor me this, since George Washington's family was of English gentry descent, and George himself in his youth was a major in the militia of the British Province of Virginia, am I right to assume that George Washington should NOT be considered as our (American) first president and he should definitely NOT be considered as one of our country's founding fathers, due to his deep tie to England ? We should not be proud of George Washington because he was anything but American, right ? ".
Anh chàng, J, hả họng "what the f*, Brian ? That's lame, dude".
Anh chàng H, thì cười nhẹ vì logics của mình hơi tùm lum.
Nhưng mình là một người sống giữa 2 dòng văn hóa, văn hóa Mỹ và văn hóa Việt, và câu hỏi ấy chưa bao giờ là chuyện đáng cười cả. Mình hỏi để biết.
Vì trong con mắt của người Mỹ, dù gia đình ông Washington là một gia đình giàu có tiếng gốc gác người Anh, bản thân gia đình ông là dòng họ đại điền chủ và có nhiều nô lệ, lẫn ông Washington đã từng là sĩ quan thuộc lực lượng dân quân Anh tại tiểu bang Virginia, đã chiến đấu dưới lá cờ Anh Quốc đánh Pháp và người bản thổ Indians, nhưng nước Mỹ và người Mỹ chưa bao giờ có ai, từ đảng Dân Chủ đến đảng Cộng Hòa, hoặc ai đó, từ da đen đến da trắng, da vàng tới da đỏ, lên tiếng chê trách ông George Washington là người Anh, là có lý lịch dính líu tới nước Anh trước khi tham chiến cuộc cách mạng Mỹ, và vì vậy mà ông không xứng đáng là vị tổng thổng đầu tiên của nước Mỹ cả. Ngược lại, người ta lại còn coi ông là anh hùng dân tộc. Chưa người Mỹ nào coi ông George Washington là "quan người Anh" cả.
Còn người Việt ta, với 4 ngàn năm văn hóa, đến nay vẫn còn tranh cãi rất nhiều về nhân vật Triệu Đà, Sĩ Nhiếp. Nghe nói có vị còn suy ra họ thuộc quan lại bên Tàu qua cai trị ta, chứ không có công lao gì cả. Và ở thế kỷ 21 này, vẫn còn đầy sự phân biệt chủng tộc giữa người Việt cùng người Việt.
Rồi ở Mỹ, có ông Benedict Arnold bị gọi là kẻ phản nước đấy, nhưng chưa ai bao giờ đem ông Benedict Arnold ra để chê, để lấy sự phản nước của ông ấy làm cái nền cho sự yêu nước của mình cả. Chả ai đem ông Benedict Arnold ra để đánh bóng cho lòng yêu nước của họ. Mà đáng kinh ngạc hơn, là các học giả Mỹ còn đi tìm và thâu thập những quyển sách hoặc tài liệu được viết bởi ông Benedict Arnold để giữ lại cho người đời biết về thời gian trước và sau khi ông thay đổi thái độ với chính quyền Mỹ. Người khen Benedict Arnold không hề thiếu.
Còn người Việt ta, nghe đâu ở thế kỷ 21 năm 2017 có cả Hội Nhà Văn vào cuộc phán xử tư tưởng phản động của một nhà văn viết khen nhân vật Trần Ích Tắc, mặc dù cụ Trần Ích Tắc mất chắc cũng đã ngàn năm. Theo mình biết, việc đời nay người nước ta vẫn còn trách cụ Trần Ích Tắc vì người nước ta lúc nào cũng nhớ rõ tư tưởng "tha thứ chứ không quên" ngàn đời đấy. Tức là người nước ta rất bao dung, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ tội đồ dân tộc, nhưng không cho phép mình quên sự bậy của các nhân vật lịch sử ấy. Nhưng sự "tha thứ chứ không quên" này của người Việt ta, thì lại đáng ngại ở chỗ không thể áp dụng vào nhiều trường hợp khác, ví dụ vụ Văn Thân giết người Việt, ví dụ vụ nhà Tây Sơn giết cướp lung tung, ví dụ thời Minh Mạng muốn xóa cả văn hóa người Chăm, và đầy những ví dụ như thế trong thời cận đại nữa. Mình chưa nghe người Việt nào nói "ta tha thứ chứ không quên" việc Văn Thân giết người Việt hoặc "ta tha thứ chứ không quên" việc nhà Tây Sơn giết cướp lung tung. Không đâu, trong các trường hợp trên, thì người Việt lại đánh giá đây là các "phong trào yêu nước nhưng hơi quá tay" đấy bạn ạ. Vâng, "hơi quá tay" thôi bạn ạ.
Nên sự "tha thứ chứ không quên" này của người Việt được áp dụng rất lõng lẻo và tùy theo quan điểm dân ta, mà chính vì vậy mà bạn có là ông cụ ngàn năm, bạn cũng là một kẻ bán nước nếu người ta muốn vậy, và dù các nhân vật lịch sử mới vài trăm năm trước giết người như ngóe, các nhân vật ấy lại được đánh giá là "phong trào yêu nước chỉ vì hơi quá tay nên làm bậy". Mà sự lõng lẻo và đầy sự chủ quan này mình không thấy ai lên tiếng nhỉ ? Dù ngày nay, người người nhà nhà dân Việt ta đều hô hào nhất định "tha thứ chứ không quên" cả đấy. Thế bạn đã bao giờ hỏi thử xem, bạn có công bằng khi áp dụng tư tưởng "tha thứ chứ không quên" này của bạn không ?
Mà trớ trêu hơn nữa, là Hội Nhà Văn Việt Nam trở thành phiên tòa phán xử tư tưởng nhà văn, nhưng bản thân Hội Nhà Văn nghe đâu đã có lần in sai cả thơ và hình nhà văn trong Hội Thơ, làm trò cười cho thiên hạ. Thế Hội Nhà Văn in sai cả thơ lẫn hình nhà văn, thì Hội lấy tư cách gì mà đánh giá tư tưởng nhà văn nhỉ ? Hình và thơ là cái thấy và đọc được mà còn sai, thì các cụ Hội Nhà Văn có hiểu được ý tưởng, là cái không thấy được, của nhà văn khi chấp bút một câu truyện không ? Mình đồ rằng không và do đó, các cụ Hội Nhà Văn chỉ được cái phán bừa.
Mà đã bao giờ Hội Nhà Văn trở thành một phiên tòa phán xử tư tưởng nhà văn nhỉ ? Sao không thấy Hội đem thử vài thầy PGS TS mình đã phân tích dịch và viết sai lung tung ra mà phán xử, mà lại đi phán xử tư tưởng nhà văn làm gì ? Hội Nhà Văn chứ có là chốn bà tám đâu mà phán xử tư tưởng ? Hãy quét đống rác các tác giả viết và dịch bậy trước, rồi sau đó Hội có phán xử tư tưởng nhà văn cũng chưa muộn đâu các cụ ạ.
Và vì mình đang sống ở Mỹ nên được thoải mái đọc lịch sử thế giới, nên mình mới thấy quá trình dựng và giữ nước của người Việt đẹp ra sao. Quá trình này cũng đầy máu và nước mắt đấy, nhưng rất đáng tự hào.
Còn sự tự hào dân tộc của quý vị nào đó, đầy hồng trong đấy, đầy giả dối, mình xin trả lại. May là sử thế giới viết đầy về những sai lầm và khát máu trong ấy, nên mình mới biết quý về mạng người và sự thận trọng trong quyết định là gì. Chứ còn đọc theo các vị, con chuột bò ra cũng thấy xấu hổ.
Phải chi các quý vị qua Mỹ tranh luận với người Mỹ về sử nhỉ ? Chắc sẽ thú vị lắm.
Mà nghe đâu, muốn tranh luận với người trên thế giới, thì một người Việt phải biết chút tiếng Anh hay tiếng Pháp để nói và tranh luận, chứ chắc không thể đòi hỏi cả thế giới, là nước Việt ta có 4 ngàn năm lịch sử, nên thế giới phải hạ mình xuống mà học tiếng Việt để tranh luận lịch sử, đúng không bạn ? Chắc mình phải đợi vụ này rất lâu há. Biết sao bây giờ ?
Mình rất yêu sử Việt nên đang ráng chịu khó học thêm chữ Hán.
Và mình vẫn ráng đợi xem có cụ nào ở Hội Nhà Văn có phát hiện gì mới về văn thơ ngài Trần Ích Tắc không, có nghiêm khắc phê bình các PGS TS dịch và viết bậy không, hay các cụ lại sẽ có một phiên tòa xét xử tư tưởng nhà văn mới năm 2018 ?
Và mình vẫn ráng đợi xem thầy Chu Mộng Long sẽ phản luận học thuật thầy Nguyễn Duy Chính ra sao.
Và mình vẫn còn tràn đầy hy vọng, là người Việt bọn mình, bầy sư tử lãng mạn, sẽ cùng nắm tay nhau, chắp cánh cho văn hóa và sử Việt được bay thật cao và xa.
Tối 26 tháng 2 năm 2018 @ California
Trời hơi lạnh, mình lại nghĩ về món bún đậu mắm tôm.
Brian
Không có nhận xét nào