NHÂN DÂN VIỆT NAM ĐÃ ĐÁNH MẤT QUYỀN LỰC CỦA MÌNH VÀO TAY ĐẢNG CỘNG SẢN. MUỐN GIẢI QUYẾT TẬN GỐC CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI BỨC THIẾT HIỆN NAY ...
NHÂN DÂN VIỆT NAM ĐÃ ĐÁNH MẤT QUYỀN LỰC CỦA MÌNH VÀO TAY ĐẢNG CỘNG SẢN.
MUỐN GIẢI QUYẾT TẬN GỐC CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI BỨC THIẾT HIỆN NAY HỌ PHẢI BẰNG MỌI CÁCH LẤY LẠI QUYỀN LỰC CỦA MÌNH.
LẤY LẠI NHƯ THẾ NÀO ? ĐÓ LÀ CON ĐƯỜNG MÀ 30 NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI ĐÃ LÀM : BẤT TUÂN DÂN SỰ.
Hôm qua mình có đề cập đến vấn đề về quyền lực nhân dân đã bị đánh mất và người dân Việt Nam hiện nay đang chỉ mong chờ vào "quyền lực tâm linh". Chế độ cộng sản hiện nay cũng đang hướng người dân vào việc đó bằng cách bỏ chủ nghĩa duy vật biện chứng vào sọt rác. Chúng trước đây luôn mồm kêu gào bài trừ mê tín dị đoan thì đầu năm cho báo chí đăng tin lễ phóng sinh, lễ hội chùa Hương, chém lợn, các quan xe biển xanh đua nhau đi chùa dâng sao giải hạn, cầu lộc thánh...Các hủ tục mọc lên như nấm, ngay cả hủ tục cướp vợ vi phạm quyền con người cũng được ngang nhiên duy trì...
Tất cả chỉ nhằm mục đích khiến người dân xa rời quyền lực nhân dân.
Điều này căn cứ trên những luận cứ của John Locke(1632–1704) là nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh.
- “Con người bởi bản chất là tự do, bình đẳng, độc lập, nên không ai… bị buộc phải phục tùng quyền lực chính trị của người khác, mà không có sự đồng thuận của anh ta”.
- " Mục đích chính và vĩ đại mà con người liên kết thành một cộng đồng, và đặt họ bên dưới một chính quyền, là để bảo vệ tài sản của họ.”
- “Bất cứ khi nào chính quyền tìm cách tước đoạt và phá hoại tài sản của người dân, hoặc đẩy họ vào cảnh nô lệ dưới một thứ quyền hành tùy tiện, thì chính quyền đã tự đặt mình vào tình trạng chiến tranh với người dân, do vậy người dân không cần phải phục tùng chính quyền thêm nữa.”
- “Quyền lực tối cao vĩnh viễn nằm trong tay cộng đồng để bảo vệ người dân trước những nỗ lực hay mưu đồ của bất kỳ ai – kể cả các nhà lập pháp của họ – khi mà những người này trở nên quá ngu xuẩn hay quá độc ác khi thực hiện những ý định chống lại các quyền tự do và sở hữu của người dân”.
Từ những luận cứ vững chắc về quyền lực tối cao này các nhà lập pháp nước Mỹ đã xây dựng một bản hiến pháp và một cơ chế kiểm soát quyền lực dựa trên nền tảng của lý trí. Trên cơ sở này một chính quyền dù giỏi mị dân đến đâu cũng phải chịu sự cai trị của nhân dân không thể trở thành ông chủ của người dân bằng sự ngụy biện. Điều mà Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đang làm với dân Trung Quốc và Việt Nam để thu tóm quyền lực.
Người dân Việt Nam đang lầm tưởng chế độ họ đang sống hiện nay là chế độ dân chủ, là chế độ "của dân, do dân và vì dân". Thật sự họ đang bị lừa dối bởi một hệ thống truyền thông, bởi thơ văn của một đảng chính trị độc tài. Và cũng bởi vì họ không có một tư duy logic,khoa học để hiểu thế nào là một chế độ dân chủ thật sự. Điều mà nền đệ nhị VNCH đã đem đến cho họ cách đây đúng nửa thế kỷ. Đáng tiếc là do nhận thức họ đã "cầm vàng mà để vàng rơi"
Một chế độ chính trị dân chủ là một chế độ mà trong đó quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền lực thuộc về nhân dân có nghĩa là gì ? Làm sao mà toàn bộ nhân dân có thể nắm quyền ?
Dĩ nhiên, tất cả mọi người dân trong một xã hội đều không thể trực tiếp nắm quyền. Vậy thì sao có thể nói quyền lực thuộc về nhân dân ?
Nhân dân thể hiện quyền lực của mình theo cách nào. Theo một số hình thức sau đây :
1. Người dân trực tiếp thông qua các luật và các quyết định quan trọng của quốc gia, và trực tiếp chọn các đại diện hành pháp cho mình. Hình thức này gọi là dân chủ trực tiếp. Trong một nền dân chủ trực tiếp, công dân trực tiếp thực hiện quyền của mình, không qua các tổ chức đại diện.
2. Người dân bầu ra các đại diện của mình, các đại diện này làm việc theo một nhiệm kỳ được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Các đại diện này sẽ quyết định các luật và các công việc hành pháp. Hình thức này gọi là dân chủ đại diện.
3. Người dân được mời tham gia quyết định một số luật, thông qua trưng cầu dân ý, hoặc để bác bỏ một dự án luật, hoặc để đề nghị một dự án luật. Hình thức này gọi là dân chủ bán trực tiếp.
Ngày nay, các nền dân chủ đều chọn hình thức dân chủ đại diện, bởi vì việc toàn bộ nhân dân trực tiếp thông qua các luật và các quyết định quan trọng không phải một việc dễ thực hiện.
Vì sao nói Việt Nam không phải là một thể chế dân chủ, dù rằng Hiến pháp có ghi quyền làm chủ thuộc về nhân dân?
Người dân Việt Nam trên thực tế không có quyền quyết định các đại diện lãnh đạo của mình. Bởi vì điều 4 Hiến Pháp quy định quyền lãnh đạo thuộc về Đảng cộng sản. Và trên thực tế, chỉ có đảng cộng sản có quyền lãnh đạo mà thôi. Trên thực tế, danh sách lãnh đạo là do ĐCS chọn, chứ không phải do dân chọn.
Nếu quyền lực thuộc về nhân dân, thì nhân dân sẽ tự chọn lãnh đạo cho mình, dù những người đó có thuộc ĐCS hay không. Nếu quyền lực thuộc về nhân dân, thì nhân dân có quyền thành lập các tổ chức chính trị của mình, và các tổ chức đó không nhất thiết phải lấy chủ nghĩa cộng sản làm phương châm tư tưởng, mà có thể lấy bất kỳ khuynh hướng tư tưởng nào. Sự tồn tại các tổ chức chính trị khác nhau là một điều kiện căn bản cho một hệ thống chính trị dân chủ. Vì chính các tổ chức chính trị này đại diện cho người dân về các khuynh hướng chính trị.
Chúng ta từng chứng kiến bầu cử tổng thống ở Mỹ và bầu cử tổng thống ở Pháp. Chúng ta đã thấy người dân chọn đại diện của mình như thế nào. Chúng đã thấy thế nào là bầu cử dân chủ và thế nào là tranh cử dân chủ. Nhưng những người sống ở Việt Nam thì không được chứng kiến trực tiếp, nên mình nêu ra đây vài điểm, để làm rõ hơn vấn đề.
Trong một chế độ dân chủ, khi muốn ra làm lãnh đạo phải tiến hành chiến dịch tranh cử. Tranh cử là gì ? Là tự giới thiệu chương trình chính trị của mình cho người dân được biết, là nói rõ nếu được dân bầu lên làm lãnh đạo thì sẽ làm gì, về kinh tế, về chính trị, về giáo dục, về môi trường, về quốc phòng… Chương trình chính trị phải nêu cụ thể những việc sẽ làm để giải quyết các vấn đề đang tồn đọng của quốc gia và để phát triển quốc gia.
Và đấy cũng là cách duy nhất để người dân đưa ra quyết định lựa chọn. Bởi vì nếu các ứng viên vào chức vụ lãnh đạo không đưa ra chương trình hành động của mình, thì người dân sẽ không biết tại sao mình phải bầu người ấy làm đại diện cho mình trong việc quyết định các vấn đề chung của cộng đồng, cũng tức là các vấn đề của chính mình ?
Dừng lại ở đây để nói rằng ở Việt Nam không có tranh cử. Tất cả các kỳ thay đổi lãnh đạo, người dân chỉ được phát cho một cái danh sách do ĐCS chọn ra, với vài dòng tiểu sử. Người dân Việt Nam không hề biết người mà mình phải bầu sẽ làm gì cho đất nước, sẽ làm gì cho cộng đồng. Và chỉ có trong một chế độ độc đảng như ở Việt Nam mới xảy ra chuyện chưa bầu mà người dân đã biết ai giữ chức vụ nào. Tin đồn thổi lang thang nhiều tháng trước khi bầu vậy mà tới ngày bầu cử thì đúng y hệt.
Bầu cử trong một chế độ dân chủ không thể có chuyện biết trước ai sẽ được bầu. Bởi vì sự lựa chọn của người dân sẽ thay đổi tuỳ theo ứng xử, hành động và sự phát triển của chương trình của các ứng viên. Và các ứng viên vào chức vụ lãnh đạo sẽ phải chịu mọi sự phân tích, mọi bình luận, mọi chỉ trích, từ tất cả các hướng. Phân tích, bình luận cũng là một thứ quyền lực của nhân dân. Quyền lực này tác động lên các ứng viên, buộc họ phải thể hiện một cách tốt nhất, từ bản lĩnh, đến chương trình chính trị, đến phát ngôn, đến việc tổ chức các buổi gặp gỡ với cử tri... Các ứng viên vào chức vụ lãnh đạo còn phải tranh luận trực tiếp với nhau để cho người dân có điều kiện so sánh trực tiếp họ với nhau, để dễ dàng hơn khi họ quyết định chọn ai.
Ở Việt Nam hoàn toàn không có những hoạt động này. Người dân không biết vì sao mình phải bầu cho một ai đó. Đấy là vì do ĐCS quyết định hết. Hậu quả của việc người dân đánh mất quyền lực là gì ? Là lãnh đạo muốn làm gì thì làm, bất chấp mọi hậu quả. Hậu quả của việc người dân đánh mất quyền lực của mình là giờ đây Việt Nam đối diện với nguy cơ trở thành một phiên thuộc kiểu mới cho Trung Quốc, đối diện với hiểm hoạ huỷ diệt môi trường, hiểm hoạ ung thư, bệnh tật đủ các loại, đối diện với một nền giáo dục băng hoại, một nền văn hoá xuống cấp. Bởi vì những người được ĐCS chọn vào vị trí lãnh đạo chỉ bị một áp lực duy nhất thôi, đó là áp lực của đảng. Họ không phải chịu áp lực của người dân, họ không phải chịu áp lực của báo chí, không phải chịu áp lực của luật pháp. Và khi ĐCS đánh mất tinh thần trách nhiệm, khi ĐCS đã tự đối lập mình với nhân dân, coi đất nước chỉ là phương tiện để thực hiện một mục đích duy nhất là bảo vệ quyền lực của đảng, đặt đảng lên cao hơn Tổ quốc và nhân dân, thì những người lãnh đạo do đảng chọn cũng sẽ chỉ thực hiện một mục đích đó mà thôi (dĩ nhiên là cả quyền lợi cá nhân của họ).
Tất cả những vấn đề của Việt Nam hiện nay có nguyên do ở chỗ người dân đánh mất quyền lực của mình, đánh mất quyền quyết định. Và có lẽ đa số đang không ý thức được điều đó. Muốn giải quyết các vấn nạn hiện nay, người dân Việt Nam, không có cách nào khác, phải lấy lại quyền lực của mình, phải lấy lại quyền tự quyết, phải lấy lại quyền chọn lãnh đạo cho mình.
Dương Hoài Linh
Không có nhận xét nào