Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

30 NĂM HẢI CHIẾN GẠC MA, VÌ SAO và THẾ NÀO?

30 NĂM HẢI CHIẾN GẠC MA, VÌ SAO và THẾ NÀO? // Khi các bạn đang đọc những dòng này, thì cách đây 30 năm,vào buổi trưa ngày 14/3/1988 những n...

30 NĂM HẢI CHIẾN GẠC MA, VÌ SAO và THẾ NÀO?

//


Khi các bạn đang đọc những dòng này, thì cách đây 30 năm,vào buổi trưa ngày 14/3/1988 những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đã lần lượt ngã xuống trước họng súng của Quân đội Trung Quốc, trên chính hòn đảo Gạc Ma mà bây giờ chúng ta đang nhắc về.
Từ khoảng 7 năm trở lại đây, các bạn sẽ thường xuyên bắt gặp các từ khóa, các bài báo kỷ niệm về Gạc Ma, và tần suất xuất hiện đã trở nên thường xuyên ở các báo chính thống. Vậy, “hải chiến Gạc Ma” là như thế nào? Vì sao sinh ra? Diễn ra như thế nào? Vì sao bị lãng quên? Vì sao hôm nay trở lại? Bài viết này của tôi sẽ cố gắng vẽ ra một bức tranh toàn cảnh cho các bạn.

1. Vì sao sinh ra?

Trong thế kỷ 20, đất nước Việt Nam có ba cuộc chiến tranh, đó là chiến tranh chống Pháp, chiến tranh chống Mỹ, và chiến tranh chống… Trung Quốc. Trước giờ chúng ta chỉ được học nhiều và đọc nhiều về 2 cuộc chiến tranh trước. Còn cuộc chiến thứ 3 (chống Trung Quốc), là một cuộc chiến ít nhiều bị lãng quên. Cuộc chiến tranh thứ 3 với Bắc Kinh mang trong lòng tới 2 cuộc chiến: chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, và chiến tranh biên giới Tây Nam với Pol Pot (là sản phẩm được Trung Quốc bảo vệ). Việt Nam đã quen với chuyện này, khi mà vào thế kỷ 11, Trung Quốc cũng kêu Chăm Pa đánh trước. Đáng tiếc cho TQ,  năm đó Đại Việt sinh được 1 bậc anh hùng. Đấy là Lý Thường Kiệt. Ông đưa quân xuống vả luôn Chăm Pa, trước khi kéo nốt quân lên châu Ung, châu Khiêm vả tiếp Trung Quốc vài phát nữa.
Nhưng thế kỷ XX có nhiều điểm khác thế kỷ XI, đấy là vấn đề về Liên Hợp Quốc, là bao vây kinh tế, đã đẩy Việt Nam vào thế yếu, là mối quan hệ chồng chéo của Liên Xô – Trung Quốc – Hoa Kỳ, mà sự đứng giữa của Việt Nam trở nên bấp bênh trong vấn đề lợi ích của 3 cường quốc kia. Cuộc chiến cũng khác, khi mà kéo dài hơn, và nhiều mệt mỏi hơn. Chiến tranh biên giới Tây Nam kéo dài từ năm 1977 đến năm 1989. Còn chiến tranh phía Bắc dù kết thúc đẫm máu sau 30 ngày (17/2/1979-18/3/1979), nhưng xung đột vũ trang thì kéo dài đến tận năm 1990. Trong khoảng thời gian này có 2 cuộc chiến quan trọng:

1/ Cuộc chiến Vị Xuyên kéo dài từ tháng 4/1984 đến 5/1989
2/ Hải chiến Trường Sa. Gạc Ma năm 1988.

Đến đây có lẽ các bạn đã mường tượng ra hoàn cảnh rồi. Một sự thật rất đơn giản, “Hải chiến Gạc Ma” vốn chỉ nằm trong chuỗi “Chiến tranh với Bắc Kinh” kéo dài từ sau năm 1975 mà thôi. Gạc Ma được nhắc đến nhiều, vì cùng Biên giới 1979, Vị Xuyên 1984 thì Gạc Ma 1988 nằm trong nhóm 3 cuộc chiến nhỏ trong lòng 1 cuộc chiến lớn bị lãng quên cùng thời điểm.

Bây giờ đi đến câu hỏi, tại sao Hải Chiến Trường Sa 1988 lại diễn ra? Tại sao đang đánh nhau trên đất liền, mà đột nhiên Trung Quốc lại đi ra biển?

Lịch sử vốn vận động theo vòng tròn đồng tâm. Cứ nắm lấy lịch sử, ắt nhìn được hiện tại và tương lai. Và chuyện này cũng tương tự như thế. Lần đầu Trung Quốc đi ra biển đánh nhau với Việt Nam trong thế kỷ 20 là Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Đối thủ của Trung Quốc khi đó chính là những người lính của Việt Nam Cộng Hòa (mà nhiều người gọi là “ngụy” đấy). Hoàng Sa chính là được vua Gia Long lấy về (mà nhiều người vẫn chửi ông sấp mặt đấy). Lịch sử phải công bằng ở đây. Và sự thật là những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa. Nếu Gạc Ma chết 64 người, thì Hoàng Sa chết 74 người. Không quên Gạc Ma, thì cũng đừng quên Hoàng Sa. Cả hai cuộc chiến đều thất bại. Chỉ có 1 kẻ thắng duy nhất, đấy là Trung Quốc. Còn các bạn thì vẫn sẵn sàng chửi tôi (người viết bài này vì dám viết ra điều trên), hay sẵn sàng chửi nhau, dù cùng dòng giống Việt đã giương súng bảo vệ chủ quyền dân tộc. Vẫn chỉ có 1 kẻ thắng duy nhất, Trung Quốc.

Vậy có điểm gì tương đồng giữa hai cuộc chiến này: ĐỒNG MINH THÁO CHẠY !

Năm 1974, người bảo vệ cho Việt Nam Cộng Hòa là Hoa Kỳ đã bỏ rơi Sài Gòn, trước đó hai năm, tháng 2/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh, và bình thường hóa quan hệ. Trung Quốc khi muốn vươn ra biển, đã lợi dụng sự bơ vơ của VNCH để trực tiếp tấn công Hoàng Sa, trên lá bài giúp đỡ miền bắc, và vì mới làm lành nên không thể gây xích mích, Mỹ đã để yên cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, bất chấp sự phản đối của tổng thống VNCH khi đó là Nguyễn Văn Thiệu. Đồng thời sâu xa còn có một lá bài quỷ quyệt hơn, đó là CIA nhìn được dã tâm của Bắc Kinh, nên muốn để vấn đề này trở thành sự khúc mắc mới của Hà Nội và Bắc Kinh nếu như Miền Nam thất bại. "Mỹ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo này", Ngoại trưởng Kissinger nói trong cuộc gặp với ông Hàn Tự, quyền trưởng phái đoàn liên lạc của Trung Quốc tại Washington. 14 năm sau, các bạn sẽ gặp lại câu đó, nhưng ở miệng người khác. Đấy là Liên Xô. 

Năm 1985, Mikhail Gorbachev trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô. Khi ấy hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu đã suy yếu rất nghiêm trọng, và bản thân Liên Xô như một kẻ khổng lồ với đủ bệnh tật mang trên người. Gorbachev cố gắng chạy chữa cho Liên Xô (dù thực tế là tiêm thuốc độc). Trong những nỗ lực chạy chữa ấy, có việc phải bình thường quan hệ với Trung Quốc. Khi Trung Quốc nhận được tín hiệu đèn xanh từ Liên Xô, họ thực hiện đúng bước tiếp theo mà 14 năm trước họ đã từng thực hiện: tiếp tục dong thuyền lên biển, mục tiêu ở đây là hòn đảo còn lại của Việt Nam: Trường Sa. Và hải chiến Trường Sa, Gạc Ma 1988 đã xảy ra như các bạn đã biết. 

Khi đồng minh đã tháo chạy, thì mọi thứ đều giống nhau hết. Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô đã đến gặp Igor Rogachev, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Liên Xô và đề nghị Việt Nam và Liên Xô sẽ cùng phối hợp lên án Trung Quốc đã chiếm trái phép các đảo, đúng như hiệp định đối tác đồng minh toàn diện mà hai bên đã ký năm 1978. Rogachev đã nói ngay: “Sẽ không có tuyên bố chung nào như vậy”. Vâng, chẳng khác gì lời Kissinger cho phía VNCH 14 năm trước cả. Cả Hoa Kỳ lẫn Liên Xô đều vẫy tay từ biệt VNCH lẫn VNDCCH, vì họ không muốn chỉ vài hòn đảo nào đó, lại có thể làm trở ngại đến cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc ở các năm 1974 (với Mỹ) và 1988 (với Liên Xô). 

Lịch sử chỉ có dám nhìn thẳng mới không tô hồng lên hiện tại và sai lầm về tương lai. Khi đọc đến đây, chúng ta sẽ hiểu là đừng mong chờ quá nhiều vào một nước lớn nào cả, cũng đừng biến mình thành kẻ thù 100% của các nước lớn. Khi sự cố xảy ra, họ vẫn chọn nhau thôi, chứ không quan tâm ta đâu. Nga, Mỹ, hay Trung Quốc đều đã từng giúp đỡ Việt Nam, đều đã từng viện trợ. Nhưng đừng đặt 100% trái tim vào họ bởi dân tộc mới là điều quan trọng nhất, "Trên thế giới này không có đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh cửu". Cả Liên Xô, cả Trung Quốc, cả Hoa Kỳ đều làm rất tốt bài học đó. Việt Nam ta, sau bao nhiêu đau thương, chẳng lẽ còn không thuộc bài?   

2. Diễn ra như thế nào?

- Ngày 14/2/1988, Trung Quốc đưa 3 tàu chiến tới vùng biển Trường Sa. 
- Ngày 15/2/1988, tàu HQ 701 nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam lao cắm vào đảo chìm Đá Lớn, lấy tàu làm bia chủ quyền. 
- Ngày 6/2/1988, tàu HQ 701 khi trên đường đưa hàng Tết ra đảo Nam Yết, đã được lệnh neo lại đảo Đá Lớn, chờ đợi tình hình chiến sự. 
- Tháng 3/1988 (sau khi ăn tết xong), Trung Quốc huy động hai hạm đội xuống khuvực quần đảo Trường Sa. 
- Ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 được lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. 
- 5 giờ sáng ngày 14/3, tổ bảo vệ cờ do Thiếu úy Trần Văn Phương chỉ huy đổ bộ lên đảo chìm để cắm cờ. Đồng thời nhóm công binh của Trung đoàn công binh 83 vận chuyển vật liệu đưa vào đảo Gạc Ma để làm nhà cao chân.
- Lập tức,hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền và 50 lính đổ bộ lên đảo, giành giật lá cờ.
- Thấy quân Trung Quốc xông vào cướp cờ, Thiếu úy Trần Văn Phương (anh quê ở Quảng Trạch – Quảng Bình), cùng các chiến sĩ lao vào giành lại. Các chiến sĩ công binh chỉ có cuốc, xẻng, gạch đá cũng lao vào bảo vệ. 
- Trung Quốc bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương, chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, đâm trọng thương Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Sau đó từ trên chiến hạm, Trung Quốc bắn pháo 100 mm làm chìm tàu HQ-604. 
- Sau khi thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo, tăng tốc cho tàu ủi bãi. Tàu HQ-505 đã kịp trườn được hai phần ba thân lên đảo Co Lin trước khi bị bắn cháy. Trong khói lửa nghi ngút, và cái chết của những đồng đội, hai phần ba thân tàu ấy, đã bảo vệ được hòn đảo Co Lin.
- Đồng thời, tàu HQ-605 của Hải Quân Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc bắn tại đảo Len Đao. Giữa cơn mưa đạn của kẻ thù, họ vẫn giữ rịt được đảo Len Đao. 

64 chiến sĩ hải quân đã ngã xuống để giữ cho được chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao. Còn Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma.

Đấy là diễn biến về trận hải chiến Gạc Ma 1988.

Một trận chiến chỉ được ghi vài dòng trong sử sách, vốn được viết nên bởi vạn giọt máu tươi.

3. Vì sao bị lãng quên?

Sau năm 1990, nhằm phục hồi kinh tế, làm bạn với các nước, vào Liên Hợp Quốc. Điều đầu tiên Việt Nam cần làm chính là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Những vấn đề tuyên truyền về cuộc chiến với Bắc Kinh kéo dài hơn 10 năm ấy dần dần được lượt bớt đi. Đấy là lý do các bạn không được thấy nhiều trong thập kỷ 90 và đầu thế kỷ XXI. 

Người ghét thì bảo là hèn và nhục, người khen thì bảo ấy là “biết nhẫn nhịn”. Tùy các bạn đánh giá? 

Chỉ cần nhớ rằng: Hòa bình là hạnh phúc.

4. Vì sao quay trở lại?

Có những thứ không nên mãi mãi là chôn sâu, khi mà Trung Quốc càng ngày càng quá đáng ở trên biển. Đấy là các sự việc liên quan đến đường lưỡi bò, mà tham vọng rõ ràng là nuốt trọn cả Biển Đông. Và khi mà Mỹ đang có ý định xoay trục về phía Châu Á, thì bản thân Việt Nam cũng cần một sự đối phó đặc biệt khác. Đấy là ở trong một liên minh vô hình hòng ngăn chặn sự độc bá của Trung Quốc, khiến người ta không thấy mình cô đơn, hèn yếu. Chúng ta cần có sự cạnh tranh của các nước lớn trong bàn cờ gầm ghè nhau để đưa cái lợi về cho bản thân mình. Đấy còn là một thái độ có tính dân tộc cao hơn, để biết Việt Nam phải tự lực, chứ không nên đặt mình vào sự phụ thuộc hoàn toàn vào một nước lớn. Bài học quá khứ đã đủ lắm rồi.

Nhắc về Gạc Ma không chỉ để nhớ, để tưởng niệm về những con người đã khuất, đã hy sinh và bị lãng quên quá lâu, mà nhắc về Gạc Ma còn là để biết là không thể sống thiếu các nước lớn nhưng cũng không thể không đề phòng với Trung Quốc. Và nhắc về Gạc Ma cũng là biết để cẩn thận với cả Hoa Kỳ và Nga đấy ! 

Lời kết:

14/3/1988-14/3/2018, 30 năm trước, đã có 64 người lính ngã xuống để giữ lấy hải đảo cho tổ quốc. Một hình ảnh tột cùng cảm động đã xảy ra trong biển máu ấy. Ở sát na sinh tử sau khi mất Gạc Ma, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ vẫn ra thêm một lệnh nữa. Đấy là phải đưa bằng được xác của anh em ở đảo Gạc Ma về. Trung úy Dương Hải Nam là người xung phong nhận nhiệm vụ nguy hiểm đó, anh cùng với 5 chiến sĩ nữa bước lên chiếc xuồng vá chằng vá đụp. Trên tay họ, chỉ có 3 khẩu AK phòng thân và 1 chiếc xuồng rách nát. Đến nơi, vừa bơi, vừa chạy giữa một vùng biển san hô đỏ máu để kéo xác của từng đồng đội mình về. Họ vừa bơi, vừa khóc, vừa thương đồng đội, chạy vội về tàu, còn sau lưng quân Trung Quốc đang đuổi riết. Hôm đó, họ giữ được 2 trên 3 đảo.

Tôi hỏi bạn? Anh hùng như thế, đau thương như thế? Tại sao thế hệ trẻ hôm nay, lại không thể không nhớ về họ?

Tôi tin rằng các anh không sợ hy sinh, những người đồng đội của các anh cũng vậy, các anh chỉ sợ bị lãng quên mà thôi. Hãy sống và nhớ sao cho xứng đáng với những máu xương ấy. Để hôm nay khi hô “Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam” cũng không thẹn với lòng về một lần cúi đầu trước những vong hồn năm xưa ấy.Lũ CS hèn hạ ngày nay đến 1 lễ tưởng niệm cho 64 anh hùng còn không có
© Dũng Phan
SaiGon - 14/3/2018

Không có nhận xét nào