Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Brian Wu - Hội thảo Khoa học Đỗ Thúc Tĩnh

Vài điều mình xin lên tiếng cho những ai đang hồ hởi chuẩn bị tham gia viết bài cho cuộc Hội thảo Khoa học Đỗ Thúc Tĩnh Mà hổm rày,...

Vài điều mình xin lên tiếng cho những ai đang hồ hởi chuẩn bị tham gia viết bài cho cuộc Hội thảo Khoa học Đỗ Thúc Tĩnh




Mà hổm rày, trên status các bạn, mình thấy có ghi về việc sẽ diễn ra cuộc Hội thảo Khoa học về ngài Đỗ Thúc Tĩnh vào đầu tháng 3 năm 2018. 

Mà hình như theo thông lệ bên Việt Nam, là cuộc hội thảo nào khi kết thúc, cũng đều có quyển Kỷ Yếu in ra.  Mà mình đã được đọc một hai quyển kỷ yếu, và có nhận xét là phần lớn các bài viết trong kỷ yếu không giúp ích gì được cho độc giả hoặc các nhà nghiên cứu.  Kỷ yếu khá vô dụng.  Đọc 1 bài, khỏi đọc thêm các bài khác vì 80% ý trong các bài viết đều giống nhau cả.  Đọc mà tưởng các cụ bình dân học vụ truyền nhau cách viết một bài viết mẫu đấy.  Mà viết như vậy là hơi xem thường độc giả, vì 1 cuộc hội thảo mà nếu 50% bài viết không có sự phát hiện gì mới, và 80% các bài đều cọp dê ý tưởng y hệt nhau như ra chung từ 1 lò, đó không là một bản kỷ yếu của dân tiến sĩ, mà chỉ là bản in rô nê ô bác Ba Phi của dân amateur uống cà phê giải trí cuối tuần.

Vậy mình tra lại sử về ngài Đỗ Thúc Tĩnh, và xin có vài lời sau đây, để các độc giả khi cầm quyển kỷ yếu của cuộc hội thảo này, tự đánh giá, xem các tiến sĩ có viết được gì mới không, hay toàn ra chung 1 lò cả ? Và bạn ạ, mình chỉ ngồi và đọc sử 2 tiếng đã phát hiện ra các điều này.  Nên nếu bạn đọc các bài viết của các tiến sĩ hoặc nhà nghiên cứu mà giống nhau và cũ rích, bạn có quyền chê họ vì họ là dân trong nghề, họ đáng ra là các nhà nghiên cứu, phải nghiên cứu và đưa ra những điều mà bạn chưa biết và muốn biết.  Còn họ không đưa ra được điều gì mới, đáng lẽ họ không nên viết hoặc không nên được mời tham dự cuộc hội thảo, vì họ chỉ có tiếng mà không có kiến thức gì để viết bạn ạ.

Như mình nêu bên trên, 1 kỷ yếu mà có 50% bài viết không cho độc giả biết điều mới, mà toàn nhắc lại các điều cũ rích, và viết kiểu nâng bi, kiểu nịnh bợ, kiểu tiền trao cháo múc, thì độc giả đừng đọc, vì bạn đang đọc truyền đơn của nhóm người bình dân học vụ, họ viết cho dân chăn vịt đọc, chứ không là một quyển sách kỷ yếu cho giới trí thức đâu.

Đây, mình xin mời bạn tham khảo .  Đã có ai nói cho bạn biết những điều này về ngài Đỗ Thúc Tĩnh chưa ?  Trong 2 tiếng mình tìm bao nhiêu điều này nè bạn:

1.  Xin đừng gọi ngài Đỗ Thúc Tĩnh là cụ.  Ngài mất năm 45 tuổi nên chưa thể gọi là cụ.  Khi ngài ở Diên Khánh, ngài độ tuổi 40.  Tại sao bạn nghĩ gọi ngài cụ là đúng ?  Thế bạn có gọi vua Quang Trung, cũng độ 40 tuổi khi mất đấy, là cụ không ?  Mình chưa thấy người Việt nào gọi vua Quang Trung là "cụ Quang Trung" cả.

2. Xin đừng tuyên truyền việc người Diên Khánh gọi ngài là Đỗ Phụ tức người cha họ Đỗ.  Theo các bài báo, truyền thuyết này là do ngài Đỗ Thúc Tĩnh có công với người Diên Khánh nên họ trọng ngài như người đời Tây Tấn bên Tàu trọng ngài Đỗ Dự vậy.  Và nguồn của truyền thuyết này là từ quyển Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện Tập 4.  Và khi mình đọc phần Đại Nam Liệt Truyện này, thì trong ấy có ghi là "được người ta gọi là Đỗ phụ" và đây là việc trước năm 1854.  Mà nếu ngài Đỗ Thúc Tĩnh sinh năm 1818, thì trước năm 1854, ngài Đỗ Thúc Tĩnh chưa quá 36 tuổi.  Mà xưa nay làm gì có vị quan nào chưa quá 36 tuổi đã được dân gọi là Phụ tức cha nhỉ ?  Còn ngài Đỗ Dự nhà Tây Tấn, đấy là do ông sống đến 63 tuổi, có công lao đánh giặc lẫn trị nước lừng lẫy nên người đời sau gọi ông là Phụ đấy, là cách gọi rất tự nhiên.  Còn một vị quan mới 36 tuổi có công với một địa phương nho nhỏ mà đã được gọi là Phụ tức cha, thì mình xin được đặt dấu chấm hỏi rất lớn.  Xin bạn xem lại việc này.

3. Đoạn Đại Nam Thực Lục "Tri phủ phủ Diên Khánh là Đỗ Thúc Tĩnh được thăng thự Ngự sử đạo Định - An, dân hạt ấy giữ Tĩnh lưu lại."  mà các bạn cọp dê là bậy đấy.  Đạo này là đạo Định-Yên tức là chỉ cho đạo Nam Định / Hưng Yên.  Dịch "đạo Định-An" là do Viện Sử Học dịch, và vâng, Viện Sử Học có dịch sai tên gọi địa danh trong bản dịch Đại Nam Thực Lục, hình như không hẳn chỉ là 1 hoặc 2 trường hợp đâu bạn.

4. Đoạn Đại Nam Thực Lục "Những khe núi, khe rừng rậm, dân người Kinh không dám cày cấy khai khẩn, thì lại mộ được hơn 10 người dân Chi Man((1) Chi Man : tên một bộ lạc người Man.1) ở đấy khai khẩn, tuỳ tiện làm ăn sinh sống, nhưng xin nộp thuế theo như sách Man trước." mà các bạn cọp dê là bậy đấy.  Vì một - trong bản chữ Hán Đại Nam Thực Lục, không hề có chữ "người Kinh" mà là "Hán dân" 漢民 bạn ạ.  Thời Nguyễn, gọi dân ta là Hán dân tức khen người nước ta là có văn hóa cao đấy.  Nhưng khi dịch sang Quốc ngữ, thì các cán bộ viện Sử Học thuộc nhóm thầy Đào Duy Anh đã đổi luôn cụm từ "Hán dân" thành ra "người Kinh" và bạn cứ cả chục năm nay dẫn nguồn "người Kinh", rất đáng xấu hổ.  Nên bạn đừng nghĩ là sử gia nhà Nguyễn đã viết "người Kinh" từ thời ấy bạn nhé, thời Nguyễn không có "người Kinh" bạn ạ.  Vì hai - đoạn chú "Chi Man : tên một bộ lạc người Man" là của nhóm dịch giả viện Sử Học đã tự chú, chứ trong bản chữ Hán không có lời chú này đâu bạn ạ.  Đoạn chữ Hán viết là Hựu mộ đắc Đê man thập dư 又募得氐氐蠻十餘, nên chắc ở đây, cụm từ này là Đê Man 氐蠻 chứ không là Chi Man 氏蠻, và chắc Đê Man là người Ê Đê / Rade đúng không bạn ? Còn tại sao Viện Sử Học lại dịch Đê 氐 thành ra Chi 氏 rồi lại chú Chi Man: tên một bộ lạc người Man thì mình chịu.  Bạn cứ đem đi hỏi các cán bộ Viện Sử Học.

5. Cần xem lại về chức Tuần phủ Định Tường của ngài Đỗ Thúc Tĩnh.  Vì theo Đại Nam Thực Lục, vào năm 1861, chính vua Tự Đức đã than "Nay 2 tỉnh Gia Định, Định Tường là nơi quãng giữa trong 6 tỉnh, trên từ bọn sơn Man, dưới đến cửa biển, người Tây dương đã chiếm giữ được cả ; còn 3 tỉnh Vĩnh Long, An, Hà thì cách trở không thông, Biên Hòa đã liền sáp với nó.".  Như vậy khi mà triều đình ban cho ngài Đỗ Thúc Tĩnh chức Tuần phủ Định Tường, thì ngài có thực quyền không ?  Hay đó chỉ là một chức trống không được vua Tự Đức ban cho ngài Đỗ Thúc Tĩnh để ngài có "danh chính ngôn thuận" mà kêu gọi người dân miền Nam chống Pháp ? 

6. Lẫn bạn có biết chức Hồng Lô Tự Khanh có trách nhiệm gì không ?  Là chức chuyên về tiếp đón sứ đoàn đó bạn, tức việc ngoại giao.  Nên nếu bạn mà có viết là ngài rất giỏi đánh giặc, xin xem lại.  Vì ngay trong Đại Nam Thực Lục, chính vua Tự Đức đã muốn "Đỗ Thúc Tĩnh thì cho đem tờ dụ Chỉ đi ngựa trạm đến ngay các tỉnh Long, Tường, An, Hà, tuyên bảo sĩ dân các tỉnh chiêu mộ nghĩa dõng. Nhưng phải hiệp theo Tổng đốc Trương Văn Uyển, Tuần phủ Phan Khắc Thận cùng bàn làm việc quân.".  Nên bạn mà có bịa ra đủ thứ về việc ngài đánh Pháp gì đó như một viên võ tướng, như ngài Trương Định, thì xin bạn xem lại, vì đó là viết bậy đó bạn.

7. Và không bạn ạ, không hề có việc "Tất cả các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn đều phiên âm tên cụ là “Đỗ Thúc Tĩnh”. Riêng ở Quảng Nam – Đà nẵng hoặc một số sách thì gọi tên cụ là “Đỗ Thúc Tịnh” (https://khoahocnet.com/2015/05/18/nguyen-van-nghe-cu-do-thuc-tinh-mot-vi-quan-co-tieng-can-can-cong-liem-duoc-vua-quan-dan-tin-nhiem-ai-mo/).  Tác giả Nguyễn Văn Nghệ đã viết bậy và vu oan cho các sử gia triều Nguyễn.  Các vị sử gia triều Nguyễn chưa bao giờ viết Quốc Ngữ Tĩnh hay Tịnh cả, các cụ đều viết chữ Hán.  Còn Tĩnh hay Tịnh đều là do cán bộ Viện Sử Học hoặc cán bộ tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng hoặc các nhà nghiên cứu Việt Nam ngày nay tự phiên âm ra cả.  

Và không bạn ạ, tác giả Nguyễn Văn Nghệ đã không đúng khi viết là tên ngài chỉ đọc là Tĩnh.  Vì nếu bạn tra Khang Hy Tự Điển, chữ 静 có 2 cách phát âm:

. 《集韻》《韻會》《正韻》疾郢切,音穽 tức Tật Dĩnh thiết, âm 穽, tức phát âm là Tĩnh
.  又《韻會》《正韻》疾正切,音淨 tức Tật Chính thiết, âm 淨, tức phát âm là Tịnh.  Chính quyển từ điển Thiều Chửu cũng ghi chữ 淨 phát âm là Tịnh.

Nên vì vậy, tên của ngài có thể đọc Tĩnh hay Tịnh.

Còn việc tác giả Nguyễn Văn Nghệ nêu là ông biết chữ 静 chỉ phát âm là Tĩnh do ông dò từ điển Thiều Chửu, là có đầy vấn đề trong đó, vì chưa ai tra tìm việc phát âm một chữ Hán bằng cách chỉ dò từ điển Thiều Chửu của người Việt cả.  

Còn việc ta nên đọc tên ngài ra sao trong tiếng Việt, thì đó lại là một điều khác mà ta cần bàn sâu hơn nữa.  Nhưng chắc chắn ai đó muốn bàn, cần biết chút chữ Hán, còn không biết xin đừng tham gia hoặc cho tham gia, vì nếu người ấy chỉ biết Quốc Ngữ, anh / cô ta không thể giúp được gì cả, ngoài việc cãi bừa để giữ thể diện không bị coi là kẻ dốt trong một cuộc bàn luận về chữ Hán.

8. Và khi bạn viết về sự "yêu nước" của ngài Đỗ Thúc Tĩnh, hãy nêu rõ là người trẻ thời nay cần học gì ở ngài về lòng yêu nước ?  Vì trong lịch sử nước ta đâu có thiếu các nhà yêu nước thời Nguyễn ?  Vậy sự khác nhau giữa lòng yêu nước của ngài Đỗ Thúc Tĩnh và các ngài khác triều Nguyễn là gì ?  Xin đừng viết chung chung về lòng yêu nước.  Ngài yêu nước ở đâu, đã làm gì ?  Nếu ta nói việc ngài hết lòng vì dân Diên Khánh thì đó không là yêu nước bạn ạ, vì đó là trách nhiệm tối thiểu của một vị quan xưa, chứ chưa bao giờ là sự yêu nước rất đặc biệt gì cả.  Còn nếu ta nói ngài tự nguyện vào Nam giúp cho việc đánh Pháp thì đúng là lòng yêu nước đấy, thế nhưng việc yêu nước của ngài chỉ có vậy, vì thời ngài vào Nam, sử sách không hề chép gì về công trạng ngài cả, ngoại trừ việc vua Tự Đức khen ngài biết sắp xếp, dùng người Anh người Thanh dọ thám.  Những việc làm ấy không hề có gì quá ghê gớm cả, nên xin bạn đừng viết lên tới mây luôn như là xưa nay chưa ai làm được cả.  Hãy viết những gì thật đặc biệt mà ngài đã làm khi vào Nam xem sao.  Vì biết đâu bạn chả có gì để viết ngoại trừ việc ngài tự nguyện vào Nam giúp việc đánh Pháp ?

Vậy với 8 điều trên, trước khi bạn hồ hởi tham gia vào Hội thảo Khoa học Đỗ Thúc Tĩnh, bạn cũng nên xem lại bạn đã đủ tư cách lẫn đủ tài để phát hiện ra những điểm gì mới về ngài Đỗ Thúc Tĩnh để mà viết chưa.  Như mình viết bên trên, một cuộc hội thảo khoa học mà có dưới 50% bài viết phát hiện ra các điều mới, thì cuộc hội thảo ấy hoàn toàn thất bại và chỉ được tiếng là cuộc hội thảo nói suông cho xong chuyện.  Mình muốn biết các tiến sĩ sử học Việt Nam đã làm gì, viết gì, nghiên cứu gì để mà độc giả người Việt phục là họ xứng đáng được mời dự một cuộc hội thảo "khoa học" ấy.  Còn tiến sĩ mà viết bài nào cũng từa tựa nhau, như là ra cùng 1 lò, lấy cùng 1 dữ liệu, chả buồn đọc bản Hán Đại Nam Thực Lục, không đặt những câu hỏi xưa nay chưa ai hỏi, thì mình đồ xin miễn viết và miễn tham dự là hơn.

Và nếu có ngầu hơn nữa, mình mời luôn cơ quan ban ngành nào đó tổ chức cuộc Hội thảo Khoa học này, cứ open source hay nôm na là cho ra miễn phí quyển kỷ yếu của cuộc hội thảo xem sao.  Vì biết đâu 500 anh chị em mình sẽ đem quyển kỷ yếu này ra phân tích, và sẽ chỉ rõ từng vị tiến sĩ, tác giả đã viết đúng sai ra sao, để cả người Việt Nam biết về họ có đúng là đã viết hết lòng không, hay chỉ viết qua quýt cho xong chuyện. 

Mình nghĩ hội thảo khoa học tại Việt Nam cần được nâng cấp về học thuật lẫn về chất lượng các bài viết.  Xưa nay nhiều bạn đề nghị cho mình coi miễn phí hay phụ mình mua kỷ yếu nhưng mình từ chối.  Mình từ chối không phải vì mình kiêu ngạo mà vì mình xưa nay nghĩ, các bài viết trong kỷ yếu, cũng giống như tổ yến vậy, là những bài viết mà các tiến sĩ, tác giả lấy cả máu mình ra mà viết, mà ho ra máu để viết, để độc giả khi cầm lên nâng niu quyển kỷ yếu và cho rằng quyển ấy thật đáng để đầu giường.  Kỷ yếu chưa bao giờ nên được coi như là một quyển sách thừa trong đống rác tại Việt Nam cả.   Nên mình không muốn cầm quyển kỷ yếu rồi càng đọc, càng bực mình và lại muốn đạp đổ cả những hình ảnh rất đẹp mình vẫn nghĩ gì người tiến sĩ, hoặc Giáo sư Việt Nam.  Nếu được, mình rất muốn thấy cơ quan nào đó tổ chức buổi hội thảo, hãy làm như ngài Lã Bất Vi xưa, đó là thách thức thiên hạ tìm được cái sai trong quyển kỷ yếu.  Để cùng nhau tranh luận học thuật, chứ không phải là người ta đếm họ viết được rất nhiều bài học thuật, rồi đăng báo tự hào gì đó, mà khi bị đem ra mổ xẻ, lại cảm thấy như người khác muốn dìm hàng mình. 

Và mình đề nghị với cơ quan tổ chức hội thảo, trước khi nhận bài viết của các tiến sĩ, tác giả, hãy tra hỏi họ đã đọc kỹ bộ Đại Nam Thực Lục chưa, họ đã tra thử bản chữ Hán chưa, vì không chừng, họ không viết được điều gì mới, còn làm xấu hổ cho cả buổi hội thảo này trong mắt độc giả qua bản kỷ yếu kém chất lượng. 

Mà các cơ quan có biết là độc giả người Việt ngày nay họ rất chịu khó tra sử và nâng cao kiến thức không ?  Không chừng cơ quan nên suy nghĩ thiệt nghĩ trước khi in kỷ yếu để khoe thiên hạ đấy.  

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian

Không có nhận xét nào