Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CÁC NGÀI CÒN BIẾT LÀM GÌ NGOÀI TĂNG THUẾ.

Cách đây hai tháng, anh bạn tôi mua chiếc ô tô, giá 1,2 tỷ đồng. Tôi hỏi, sao không để qua năm thuế nhập khẩu về 0% rồi hãy mua, có phải rẻ ...

Cách đây hai tháng, anh bạn tôi mua chiếc ô tô, giá 1,2 tỷ đồng. Tôi hỏi, sao không để qua năm thuế nhập khẩu về 0% rồi hãy mua, có phải rẻ hơn không? Anh ta cười khẩy, nói: Đừng tin chúng nó, giảm cái này thì lại tăng cái kia, đâu lại vào đấy cả thôi. Hãy nghĩ đi, với bộ máy cồng kềnh đó, tham nhũng như thế, làm ăn thất bại như vậy nếu giảm thuế lấy nguồn nào để chi tiêu. Như xăng dầu chẳng hạn, Hiệp định thương mại tự do trong nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (Hiệp định ACFTA) Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (Hiệp định AKFTA) đã ký rồi, nhưng giá xăng có giảm không, chẳng đời nào (Khi ký kết hiệp định này, Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu). Không tin cứ chờ đó mà xem. Nghe vậy, tôi bán tín bán nghi.

Mấy ngày nay cái tin Bộ tài chính dự định tăng thuế môi trường lên gấp đôi hoặc gấp ba hiện nay (từ 3.000 - 8.000 đồng/lít) đang làm nóng các trang báo. Báo Đất Việt “1lít xăng Việt gánh 8.000đ thuế môi trường: Cao gấp rưỡi Mỹ”. Báo Dân trí “1 lít xăng gánh tới 8.000đ: tăng rồi tiền để làm gì?". Báo Người lao động: “Cân nhắc tăng thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu”. Báo Tuổi trẻ “Bảo vệ môi trường, thuế và sức mua”… Vtc.vn “Thuế môi trường tăng đến 8.000 đồng/lít: Giá xăng sẽ lên tới đâu?" Vietnamnet.vn “Tăng cao nhất 8.000 đồng/lít xăng: Liên tiếp tăng tốc thu thuế”…

Tin này thực sự làm người dân choáng váng. Nhưng cũng chưa đến độ phải ngất lịm nhập viện như tin vàng miếng SJC bị từ chối.

Lý do của việc tăng thuế xăng dầu được ban soạn thảo luật giải thích: nhằm tạo dư địa mức thuế để điều chỉnh, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế…

Nghe mà điên, nhưng có lẽ còn điên hơn khi mỗi lần đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu thì ông Bộ trưởng Bộ Tài chính lại cam kết, tăng thuế không làm tăng giá xăng dầu - Năm 2015, khi thuế môi trường tăng từ 1000đ lên 3000đ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói, xăng không tăng sau khi áp dụng thuế môi trường song thực tế lại tăng tới hai lần sau đó. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn – thứ trưởng Bộ tài chính còn nói kinh hơn “Tăng thu thuế môi trường sẽ được lòng dân hơn”.

Bây giờ nếu thuế môi trường xăng dầu lên 8.000đ, chẳng ai tin là giá xăng không tăng. Mà giá xăng tăng thì tất nhiên các hàng hóa khác sẽ tăng theo. Vì chẳng có cái phương tiện nào không dùng xăng dầu để vận chuyển hàng hóa (kể cả gián tiếp là bằng điện). Ví dụ như vận tải hành khách: Giá xăng tăng, nhà xe buộc phải tăng giá vé. Ai mua vé? là người dân. Cuối cùng đích ngắm vẫn túi tiền của người dân.

Và không minh bạch ở chỗ, không một quan chức nào nói cho người dân biết số tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường đó để bảo vệ môi trường như thế nào ? Nói trắng ra rằng, chẳng có bảo vệ gì ở đây cả, tăng thuế xăng dầu để bù vào cái ngân sách Nhà nước đang trống rổng. Báo Tuổi Trẻ đã đưa ra số liệu tổng thu và tổng chi thuế môi trường rất rõ ràng.

Theo số liệu thống kê Việt nam tiêu thụ khoảng 38 triệu lít xăng dầu mỗi ngày. Với xăng dầu thì thuế suất thuế nhập khẩu đang là 18%, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, thuế GTGT 10%, phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng. Áp dụng công thức tính giá cơ sở dựa trên các chi phí đầu vào như trên có thể thấy giá thành mỗi lít xăng đã bị đẩy lên khoảng 8.000 đồng. Nếu nay tăng thêm 7.000 đồng thuế môi trường vậy mỗi một lít xăng dầu đã gánh tới 15.000đ tiền thuế.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tiền xăng hiện tại chiếm khoảng 7% thu nhập hàng tháng của người dân. Trong khi đó chi phí xăng dầu trên thu nhập bình quân của các nước Đông Nam Á chỉ nằm trong khoảng 0,5 - 3,5% thu nhập.

Thực tế chỉ ra rằng: Ngay cả những nước có nền công nghiệp hàng đầu - khí thải làm ô nhiễm môi trường trầm trọng như Mỹ, Nhật… cũng không có cái thứ thuế lạ lùng như ở nước ta. Giá xăng ở Mỹ rẻ hơn Việt Nam, ấy vậy mà hơn 90 triệu dân Việt vẫn cứ im lặng cam chịu, thế mới biết dân ta giỏi chịu đựng. Lời Tản Đà nói không sai: Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/ Cho nên quân nó dễ làm quan/Đào mà đào được nên đào mãi…

Thử nghĩ mà xem, các ngài lãnh đạo ở nước ta có làm được gì mang để mang lợi ích cho người dân ngoài việc nghĩ ra các thứ thuế, và làm sao để tăng thuế, để moi tiền của dân. Hiện tại có khoảng 15 loại thuế chính và hơn 300 loại phí, lệ phí. Và các loại thuế, phí này không ngừng tăng: Học phí tăng, viện phí tăng, giá điện tăng, giá nước tăng, phí cầu đường tăng, thuế xăng tăng… thử hỏi còn cái gì không thuế phí, còn loại thuế phí nào đã có lại không tăng?

Định An/Lê Vi



Không có nhận xét nào