CHÍNH PHỦ ĐỨC CÂN NHẮC ÁP DỤNG THÊM LỆNH TRỪNG PHẠT VỚI csvn SAU VỤ TXT. . Chính phủ Đức vẫn tiếp tục theo đuổi vụ Trịnh Xuân Thanh bị ...
CHÍNH PHỦ ĐỨC CÂN NHẮC ÁP DỤNG THÊM LỆNH TRỪNG PHẠT VỚI csvn SAU VỤ TXT.
.
Chính phủ Đức vẫn tiếp tục theo đuổi vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Đức đến cùng. Hiện Đức đang tiếp tục cân nhắc áp dụng thêm các biện pháp cứng rắn đối với CSVN. Xem xét đình chỉ Hiệp định hàng không và bảo hiểm xuất khẩu, đầu tư cho Việt Nam trị giá 847,4 triệu Euro.
*
Theo sưu tra của các đài truyền hình lớn như ARD, NDR, WDR và nhất là 2 bài báo của tờ Süddeutsche Zeitung, số ra ngày 13.03.2018, hầu như tất cả các diễn tiến chính yếu trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã được làm sáng tỏ. Đáng chú ý là bản cáo trạng, dầy 90 trang, truy tố nghi can Nguyễn Hải Long, đây là lần đầu tiên Tổng Công tố viện Liên bang Đức đã trình bày tất cả những gì mà đã điều tra ra được về vụ bắt cóc Trịnh XuânThanh. Đặc biệt, vai trò của Trung tướng tình báo Đường Minh Hưng và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin nay trở nên rõ ràng hơn.
➢ Trung tướng Đường Minh Hưng đã ngồi trong xe BMW X5 theo dõi người tình của Trịnh Xuân Thanh
Tổng công tố Liên bang Đức đã bắt đầu tiến hành điều tra Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an Việt Nam với cáo buộc vào tháng 7 năm trước, ông Hưng đã tới Đức để trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.
Một tuần trước khi vụ bắt cóc xảy ra, Trung tướng tình báo Đường Minh Hưng cùng với những nhân viên mật vụ khác đã hạ cánh xuống Berlin vào giữa tháng 7 năm 2017. Trung tướng Đường Minh Hưng lưu trú tại khách sạn "Berlin, Berlin" và nơi đây ông đã gặp Đại tá Nguyễn Đức Thoa, đại diện tình báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
Cả hai đều biết rằng Trịnh Xuân Thanh có một người tình Đỗ Minh Phương, 26 tuổi, từ Việt Nam sẽ bay sang Berlin để gặp nhau. Kế hoạch của họ là bám sát cô gái này để bắt được Trịnh Xuân Thanh. Sáng ngày 19 tháng 7, tức 4 ngày trước khi vụ bắt cóc xảy ra, Trung tướng Đường Minh Hưng và những đặc vụ của ông lái xe đến sân bay Tegel ở Berlin và chờ cho đến khi cô nhân tình này hạ cánh. Cô ấy lấy taxi đi đến khách sạn Sheraton, các đặc vụ ngồi trong chiếc BMW X5 bám theo sát xe taxi đến tận khách sạn và theo dõi liên tục cũng như giám sát cô ấy trong suốt những ngày tiếp theo.
Đây là chiếc xe BMW (h5) mà trước đó, nhân viên tình báo Nguyễn Hải Long đã thuê tại một cửa hàng cho thuê ô tô ở Praha - CH Séc (thời gian thuê từ ngày 18 đến 22.07.2017). Nhờ vào hệ thống định vị GPS gắn trên xe BMW X5 và xe taxi, cảnh sát điều tra biết được chiếc xe này đã theo sát chiếc Taxi chở cô Đỗ Minh Phương về khách sạn.
Điểm đáng lưu ý, khách sạn “Berlin, Berlin” nơi Trung tướng Đường Minh Hưng trú ngụ chỉ cách khách sạn Sheraton khoảng 100 mét. Chi tiết này cho thấy tình báo Việt Nam đã biết trước nơi lưu trú của cô Đỗ Minh Phương, nên Trung tướng Hưng đã chọn khách sạn gần đó, rất thuận lợi cho việc theo dõi và giám sát.
Nguyễn Hải Long là chủ một cửa hàng chuyển tiền MoneyGram trong khu chợ Sapa của người Việt ở Praha, trước đây ông Long là người lao động hợp đồng ở Đông Đức cũ, sau khi nước Đức thống nhất ông bị bác đơn xin tỵ nạn và sau đó phiêu bạt sang nước Tiệp Khắc– nay là CH-Séc. Trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, mặc dù Nguyễn Hải Long, 47 tuổi, dường như chỉ là một "con cá nhỏ“, nhưng ông ta là nghi can đầu tiên mà bị ông Peter Frank -Tổng công tố viên Liên bang Đức- truy tố về tội gián điệp và tước đoạt tự do.
Theo các nhà điều tra, Trung tướng Đường Minh Hưng là nhân vật then chốt của vụ bắt cóc. Trong tuần ông ở Berlin, ông đã thực hiện hơn một trăm cuộc gọi điện thoại di động và tin nhắn SMS với những người khác tham gia vụ bắt cóc và phối hợp các nhiệm vụ của họ.
Hai ngày trước khi bắt cóc ông ta đã thay đổi chổ ở, chuyển đến khách sạn "Sylter Hof" gần đấy. Căn phòng này được ông ta sử dụng như một "trung tâm chỉ huy", cho đến thời điểm xảy ra vụ bắt cóc ông ta hầu như không rời khỏi phòng, mỗi lần ông đi ra ngoài chỉ trong thời gian rất ngắn.
Nguyễn Hải Long cũng thuê ở Praha một chiếc xe thứ hai từ ngày 20 đến 24.07.2017, mà ông đích thân lái đến Berlin trong ngày đầu tiên. Đó là chiếc xe VW Multivan T5 mà vào sáng Chủ Nhật 23.07. 2017 gần 11 giờ sáng Trịnh Xuân Thanh và người tình bị lôi kéo vào xe bằng vũ lực. Trong xe, các nhà điều tra tìm thấy dấu vết máu của Trịnh Xuân Thanh, cho thấy ông Thanh đã chống cự dữ dội.
Nhờ hệ thống định vị GPS gắn trên xe VW-Multivan nên cảnh sát điều tra biết được chính xác lộ trình của xe và xác định chính xác hành trình di chuyển đúng từng giây. Theo điều tra của cảnh sát, ngay sau khi bị bắt cóc, chiếc xe đã chở Trịnh Xuân Thanh từ công viên Vườn Thú (Tiergarten) về Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và chiếc xe bắt cóc VW-Multivan màu xám bạc đã đổ xe trong sân suốt 5 tiếng đồng hồ.
➢ Những nhân viên nào của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin dính líu đến vụ bắt cóc ?
Trong thời gian ở đại sứ quán, một nữ nhân viên của Đại sứ quán -người này là vợ của Tùy viên Quân sự- đã gọi điện thoại đến một công ty du lịch ở Berlin và đặt mua ba vé máy bay về Việt Nam cho buổi tối cùng ngày 23.07.2017 để đưa cô nhân tình Đỗ Minh Phương về lại Việt Nam dưới sự canh phòng của 2 người đi tháp tùng. Đây là hãng máy bay Trung Quốc, máy bay cất cánh từ sân bay Tegel ở Berlin lúc 19 giờ 40 bay về Hà Nội ngang qua Bắc Kinh và Soul (thủ đô Nam Hàn). Cô bị gẫy tay, nên khi về đến Hà Nội được đưa vào bệnh viện Việt Đức chữa trị dưới sự canh phòng của công an.
Hai tiếng đồng hồ trước khi máy bay cất cánh, Đại sứ quán đã cử người đến dọn đồ đạc để lại trong phòng khách sạn Sheraton, nơi Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Minh Phương trú ngụ. Người được cử đi dọn phòng là một nam nhân viên cấp cao, Bí thứ thứ nhất, phụ trách về bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Đức tại Berlin.
Bí thứ thứ nhất này đã dùng xe công vụ của Đại sứ quán đến đón một người phụ việc (một người đàn ông) để cùng đi dọn phòng. Người này nhận được một tờ giấy Ủy nhiệm được ký bởi một nữ nhân viên cấp cao, phụ trách về bộ phận chính trị của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.
Sau đó lúc 19 giờ 40, trên máy bay ngoài cô Đỗ Minh Phương còn có 2 người đi kèm theo, áp tải cô về Việt Nam. Một trong 2 người là nam nhân viên phụ trách về công việc hành chính cho Đại sứ quán. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhân viên này đã trở lại Berlin làm việc như cũ. Có lẽ đó là người thứ hai của Đại sứ quán đã bị phía Đức trục xuất về Việt Nam.
Riêng Trịnh Xuân Thanh dường như được đưa về Việt Nam qua ngã Moscow dưới hình thức một bệnh nhân nằm trên cán cứu thương. Ngày 3 tháng 8, mười ngày sau khi bị bắt cóc ở Berlin, Trịnh được đưa trình diện trên truyền hình nhà nước và nói ông đã tự nguyện về nước và ra đầu thú với cơ quan tư pháp.
➢ Chính phủ Đức cân nhắc áp dụng thêm những biện pháp thật cứng rắn
Sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cho đến nay Chính phủ Đức đã áp dụng những biện pháp trừng phạt Nhà nước Việt Nam như sau:
• Trục xuất 2 nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin về nước, trong đó có Đại tá Nguyễn Đức Thoa, đại diện tình báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
• Tạm đình chỉ miễn visa nhập cảnh vào Đức đối với hộ chiếu ngoại giao Việt nam
• Và biện pháp nặng nề nhất là tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
• Ngoài ra, trên bình diện Liên minh châu Âu (EU) Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU cũng bị trì hoãn do hậu quả của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Tờ báo Süddeutsche Zeitung cho biết, địa điểm xảy ra vụ bắt cóc là một khu vực cạnh đại lộ Hofjägerallee của công viên rộng lớn Tiergarten, như vậy chỗ này không cách xa Dinh thủ tướng là mấy, vẫn còn trong tầm nhìn - hầu như không có khiêu khích nào lớn hơn thế. Nhưng cho đến nay chính phủ Đức chưa áp dụng thêm những biện pháp trừng phạt thật cứng rắn.
Tờ báo Süddeutsche Zeitung viết rõ: „Một số nhân vật trong chính phủ đã kêu gọi áp dụng biện pháp cứng rắn hơn, các quan chức cao cấp đã nhiều lần thảo luận và cân nhắc về việc này trong Dinh Thủ tướng. Những yêu cầu và đề nghị như:
• Tuyên bố “persona non grata” (nhân vật không được hoan nghênh) đối với ông Đại sứ Việt Nam tại Berlin (tức là áp dụng biện pháp trục xuất ông Đại sứ Đoàn Xuân Hưng)
• Hủy bỏ Bảo hiểm Hermes của Chính phủ Đức. Hiện nay Bảo hiểm xuất khẩu Hermes dành cho các công ty Đức kinh doanh với Việt Nam là 847 triệu Euro. Riêng trong năm vừa qua, số tiền Chính phủ Đức bảo đảm xuất khẩu sang Việt Nam là 79 triệu Euro.
• Đình chỉ Hiệp định Hàng không với Việt Nam, đã không có kết quả. Đặc biệt, Cơ quan Liên bang Bảo vệ Hiến pháp đã "giận dữ“.
Tuy nhiên, nhật báo Süddeutsche Zeitung nhận định rằng quyết định điều tra Trung tướng Đường Mình Hưng mới đây đã đẩy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh lên một tầm mức chính trị cao hơn.
Như thế, trong thời gian tới sau khi có kết thúc cuộc điều tra Trung tướng Đường Minh Hưng, thì không loại trừ trường hợp Chính phủ Đức có thể sẽ áp dụng thêm một hoặc các biện pháp cứng rắn kể trên.
*Thu Dang chuyển*
Không có nhận xét nào