DẠY CÁCH TÔN TRỌNG CON NGƯỜI Đây là bài viết đầu tiên tôi cho là có cái nhìn chuẩn xác trên ba khía cạnh: Góc độ giáo dục, góc độ tâm ...
DẠY CÁCH TÔN TRỌNG CON NGƯỜI
Đây là bài viết đầu tiên tôi cho là có cái nhìn chuẩn xác trên ba khía cạnh: Góc độ giáo dục, góc độ tâm lý và bằng một sự đánh giá trên cơ sở cần tuân theo luật pháp.
Đứa trẻ không thể biết được chúng sẽ được tôn trọng một khi đứng trước những người lớn chỉ là sự đe nẹt, những hình phạt và sự đàn áp bất kể là chúng có muốn (dù chưa đủ nhận thức lý tính về sự đúng đắn của nó) hoặc là có cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, tổn thương hay không.
Con người ta chỉ thực sự trưởng thành khi chính họ nhận được sự tôn trọng, dù ở cương vị nào đi nữa, mà đặc biệt là những đứa trẻ, khi bạn truyền thụ cho chúng những hành xử nào thì cũng đồng nghĩa trong chúng bắt đầu nảy mầm và hình thành nên những hình hài của các hành xử kiểu như thế, mà thường là ngày càng tiêu cực hơn, khi lớn lên để đối xử với người khác. Hơn thế, một người dành cho người khác một hành xử nào đó, thì cũng có nghĩa trong tâm thức con người đó cũng luôn tồn tại một nghĩa vụ về hành xử tương ứng như vậy trước một kẻ khác khi nó được yêu cầu.
Học vấn không hẳn phải là giá trị quan trọng nhất trong giáo dục, mà là cách dạy để chúng sống thế nào, tức đề cao những phẩm chất và đức hạnh. Điều đó quý giá hơn là việc nhồi vào đầu chúng những mớ kiến thức từ phía các nhà giáo dục. Nếu dạy chúng các kỹ năng sống và cách để tư duy, thì việc lĩnh hội tri thức hay học vấn sẽ dễ dàng hơn với chúng và cũng bớt đi gánh nặng cho chính những người với vai trò đào tạo.
Nếu hệ thống giáo dục nào đó cứ nhất mực dùng những phương cách cứng rắn với mục đích để rèn giũa cho những đứa trẻ phải đạt một chuẩn kiến thức học thuật nào đó mà quên mất hay là xem nhẹ những mưu cầu và khả năng của chúng, thì hệ thống đó sẽ chỉ đào tạo nên những người đi học với tâm thế luôn để sẵn sàng trả lại cho chính hệ thống đó những gì họ mong muốn chứ không và hoàn toàn không phải là những giá trị những người học cần đến hay là có ích cho bản thân chúng trong cuộc sống. Mà những giá trị đó mới thực là những động lực bên trong để thúc đẩy chúng đến với những ngôi trường để tìm tòi, học hỏi và khám phá ra điều gì đó mới mẻ.
Những đứa trẻ chỉ biết mình được tôn trọng khi chúng được giáo dục về vị thế của bản thân mình và được đối xử như một nhân cách bình thường của một con người độc lập, chứ không phải là để đạt được một định mức của gia đình, nhà trường hay đáp ứng một sự đòi hỏi chung chung nào đó của xã hội ngoài kia.
Chỉ khi thực sự tôn trọng và được chỉ dạy về vị thế của một con người, lúc ấy, những đứa trẻ lớn lên mới không phải quỳ gối hay trở nên là những tâm hồn ích kỷ, nhút nhát, mặc cảm, tự ti và kể cả là bạo lực, dù là ngôn từ hay là bằng hành động, đối với bất cứ ai khi chúng bước chân ra ngoài xã hội để sống cuộc đời của và bằng vị thế của chính mình.
Đừng bắt những đứa trẻ mang vác trên mình gánh nặng tâm trí và hình hài của những người lớn già nua và mỗi ngày đều đã trở nên lạc hậu.
Lê Luân
Lê Luân |
DẠY CÁCH TÔN TRỌNG CON NGƯỜI |
Không có nhận xét nào