Tôi không còn quan tâm đến những tình huống khách hàng gửi tín dụng bị chiếm đoạt tiền tại Eximbank, tôi quan tâm đến thân phận của hai nữ n...
Tôi không còn quan tâm đến những tình huống khách hàng gửi tín dụng bị chiếm đoạt tiền tại Eximbank, tôi quan tâm đến thân phận của hai nữ nhân viên bị bắt giữ nhiều hơn.
Hôm qua, khi tôi viết “Chiều nay, mẹ không về”, nhiều anh chị khẳng khái “Sai thì chịu tội, không có gì đáng thương”. Tôi đồng ý hết những đồng thuận hay phản biện của các anh chị, tôi chỉ muốn nói về những đứa trẻ ngóng mẹ, về mớ rau con cá trong tủ lạnh sẽ không được chế biến thành món ăn tối, về những dự định của họ…
Tôi là một nhà báo, tôi biết nhiều hơn những rạch ròi trắng đen mà tư duy của chúng ta – những công dân – luôn ao ước hướng đến. Quan trọng hơn, tôi hiểu bọn trẻ cần bố mẹ nhiều ra sao, tôi thương cảm xúc ấy.
Hôm nay, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank trả lời báo Tuổi Trẻ, “Khẳng định các nhân viên này không cố ý nhưng bị yêu cầu, nhận chứng từ từ Lê Nguyễn Hưng và chỉ thị rút tiền có chữ ký của bà Chu Thị Bình, nên đã xác nhận giấy ủy quyền không có sự hiện diện của khách."Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất mà vướng vào vòng lao lý không đáng có"”.
Mấy chữ, “Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất” khiến tôi thật sự phẫn nộ.
Một ngân hàng, không đảm bảo quy trình giám sát nhân viên, dòng tiền gửi rút, đề bạt loại cán bộ lãnh đạo có tà tâm như Lê Nguyễn Hưng (Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM) lại ráo hoảnh khi nhân viên của mình bị bắt “Đây là cái giá phải trả”.
Nếu có cái giá phải trả, tôi tin rằng bộ sậu lãnh đạo của Ngân hàng này đáng bị trả giá hơn ai hết, từ 245 tỷ của khách bị bốc hơi, đến 50 tỷ của khách bị bốc hơi, đến 3 lượng vàng của khách bị bốc hơi.
Trong khi đã xác định “ Các nhân viên này không cố ý nhưng bị yêu cầu”, họ phải chỉ đạo các luật sư của ngân hàng tiếp cận vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho nhân viên của mình.
Thế nhưng, họ mặc kệ, họ như những kẻ ác – những kẻ vô cùng gian ác – “là cái gía phải trả cho sự sơ suất”.
Những nhân viên ngân hàng bị bắt, họ thật sự cô độc khi mà nơi họ cống hiến và nhận lương đã chối bỏ họ.
Từ chối bỏ quyền lợi của khách hàng cho đến chối bỏ luôn cả nhân viên của mình, Eximbank – tôi nghĩ rằng họ không đáng để tồn tại nữa.
Bởi cho dẫu thương trường hay chiến trường, tôi vẫn luôn tin rằng, tình người nhất thiết phải được lưu giữ. Không còn tình người, không còn gì cả!
Ngô Nguyệt Hữu
Không có nhận xét nào