Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HỌC ĐƯỜNG THỜI BAO CẤP!

HỌC ĐƯỜNG THỜI BAO CẤP! Nguồn: F/B Dinh Nho Tuan  GIÁO DỤC DÉP CAO SU Thế hệ tôi, việc thầy giáo, cô giáo phang học sinh, nhiều vô k...

HỌC ĐƯỜNG THỜI BAO CẤP!
Nguồn: F/B Dinh Nho Tuan 
GIÁO DỤC DÉP CAO SU
Thế hệ tôi, việc thầy giáo, cô giáo phang học sinh, nhiều vô kể, nhớ không xuể. Việc học sinh phang thầy cô thì hiếm, rất hiếm.

Còn việc cha mẹ học sinh phang thầy cô thì quả là không thấy. Không có trường hợp nào.

Tuổi thơ nhiều kỷ niệm, nhiều chuyện nhớ mãi, nhưng nhớ nhất vẫn là chuyện phang nhau, đặc biệt, cảnh thầy cô phang học sinh.

Những năm 79-80, chúng tôi học trường Nghi Phú, Vinh. Hiệu trưởng trường là thầy Thăng (tôi quên mất họ của thầy). Thầy cao lớn, tóc bạc trắng, mũi khoằm. Trông thầy y chang Wenger, huấn luyện viên đội Arsenal bây giờ. Thầy đi đôi dép cao su dễ chừng số 45-46. Đôi dép to bằng nửa cái cặp sách. Thầy Thăng khét tiếng hay đánh học sinh. Đánh ác. Thầy không đánh bằng tay mà bằng đôi dép của thầy.

Một buổi chào cờ sáng ngày thứ hai đầu tuần tôi nhớ mãi.

Buổi sáng, cái nắng vừa lên sao mà gay gắt. Khắp thân thể chúng tôi rôm sảy đốt tùm lum, mồ hôi ướt hết lưng, đậu lấm tấm trên mặt. Thầy Thăng đứng trên cao hô nghiêm, chúng tôi mỗi lớp xếp hai hàng, thẳng tắp. Đứa nhỏ đứng trước, đứa to đứng sau. Cuối hàng quân là thằng Công. Thằng này to nhất trường. To hơn cả bọn năm trên. Công con nhà buôn thịt lợn. Thời đó buôn thịt lợn là oách lắm, giàu lắm. Có thể so sánh như làm quan bây giờ. Thằng Công hay mặc áo ca rô Thái, quần xi ống loe Thái, dép tông cũng Thái. Thi thoảng hắn mượn con Honda 67 chở lợn của cha hắn phóng đến trường. Bọn tôi lác mắt. Công rất nghịch, mà chuyện hắn nghịch và sao chảnh là tất yếu. Hắn còn coi thường cả thầy cô nữa.

Thầy Thăng đang hô nghiêm, nhìn xuống vẫn thấy một thằng cuối hàng đội mũ lá rộng vành. Thầy thét lạc cả giọng:”Thằng kia, bỏ mũ xuống!”. Thằng Công đang bận tán mấy đứa con gái cuối hàng nên không nghe. Thầy Thăng huỳnh huỵch lao xuống. Trên đường chạy, thầy đã kịp tháo đôi dép cao su ra. Thầy lao vào thằng Công như mãnh hổ. Hai tay thầy quai hết sức vào đầu, vào vai, vào lưng thằng Công. Tiếng đập của thầy nghe bốp bốp, chạp chạp, dứt khoát lắm. Thằng Công quằn quại trên sân. Thầy Thăng hổn hển thở. Bọn chúng tôi chết lặng. Tôi thấy từ chân thằng Tiến đứng trước tôi một dòng nước chảy xuống. Mà có lẽ, không chỉ Tiến đái cả quần, nhiều đứa còn ỉa ra không chừng. Hồi đó, dù đã học lớp Sáu, lớp Bảy, lũ chúng tôi chưa có đứa nào có quần đùi hay quần xịp mặc trong. Cứ tồng ngồng vậy. Vì thế mà không may, đái hay ỉa ra thì “sản phẩm” rơi ngay xuống chân. Thầy Thăng đánh thằng Công chê chán rồi đi lên. Thằng Công bầm dập cầm cái mũ lá rộng vành đã tươm ra, lết khỏi hành quân. Hắn về nhà ư! Không. Hắn về lớp ư! Không. Hắn làm một việc khó ai ngờ. Hắn ra ngay đầu cổng trường, tay ôm ngực, chõ miệng thét vô:”Đ.M thằng Thăng! Đ.M thằng Thăng! Mày ta đây, ông giết! Ông giết!”.

Buổi lễ chào cờ vì thế mà đổ bể. Thầy Thăng cho giải tán.

Vài ngày sau thấy thằng Công đi học lại. Ai hỏi về đoạn kết hôm trước, hắn cười nhép:”Lão Thăng ra xin lỗi tao, mời vào học. Học thì học, tao đéo sợ!”.

Còn chuyện thằng Sơn đánh thầy Kỳ thì như thế này.

Thằng Sơn cũng ngổ ngáo như thằng Công, lại học dốt nữa. Dốt như con bò. Thầy Kỳ nhiều lần nhắc nhở nhưng hắn chẳng thay đổi gì. Thành tích của lớp bết bát, một phần, cũng tại thằng Sơn. Hôm xảy ra “chiến sự” là do thằng Sơn không làm bài tập toán, thầy Kỳ dùng thước gỗ lim (cái thước gỗ lim dài một mét, rộng chừng 7-8 phân, nặng độ nửa ký là nỗi khiếp đảm của lũ chúng tôi. Viết về cái thước này chắc phải tốn một tập giấy A4, loại 500 tờ). Thầy Kỳ quật vào hai bàn tay úp trên bàn của thằng Sơn. Tôi tính, nếu thầy Kỳ phang mạnh hơn chút, hai bàn tay của thằng Sơn văng ra khỏi người hắn không chừng. Thầy mới quật được hai nhát thì Sơn vùng bỏ chạy. Hắn chạy đi đâu không biết, độ mười phút sau, hắn chạy vào lớp, hai tay cầm hai cục đá, hắn lao vào thầy Kỳ, thầy Kỳ né được, bằng một thế rất chi là con nhà võ, thầy thoát ra được khỏi lớp, thầy chạy thoát thân. Thằng Sơn truy sát phía sau. Thầy Kỳ do cũng đi dép cao su như thầy Thăng nên chạy lạch bạch. Thằng Sơn chân ngắn nên cũng không thể chạy nhanh. Hai thầy trò đuổi nhau qua nhiều dãy phòng học. Chạy qua rồi chạy lại. Chúng tôi mỏi hết cổ để theo dõi. Một số không kìm được hiếu kỳ nên tháo dép chạy theo hai thầy trò. Cảnh tượng huyên náo và gay cấn. Cuộc rượt đuổi thực sự chấm dứt khi cả hai sắp đứt hơi. Thầy Kỳ quay về lớp. Hai con mắt của thầy lồi hẳn ra ngoài vì bị hơi thở gấp của thầy đẩy ra. Mồm thầy há hốc, tóc tai xoã lung tung giữa mặt. Thầy thoát chết. Sau vụ đó, thằng Sơn bỏ học. Nghe đồn, hắn vẫn hay chặn đường con thầy đánh te tưa. Mấy đứa con chịu không nổi, về nói với cha:”Cha dạy được thì dạy, không dạy được thì bỏ nghề, để thằng khốn nạn kia ngày nào cũng đánh bọn con, chắc chết!”. Nghĩ mà thương thầy quá!

Chuyện học trò phang lại thầy, tôi hết vốn. Chỉ có chuyện của thằng Sơn thôi.

Trường tôi còn có nhiều thầy cô khác hay phang học trò. Có cô Tư cũng ác chiến lắm. Món “khoái khẩu” của cô là lao thước gỗ lim (giống thước thầy Kỳ) vào bất cứ đứa nào. Nói chuyện: lao. Liếc bài: lao. Ngáp: lao. Nói chung là lao hết. Cô Tư dùng thước thiện xạ lắm, thi thoảng mới trượt sang mục tiêu “vô tội” bên cạnh thôi. Cô chẳng kém gì một gã da đỏ với cây lao trong tay. Học giờ cô, trong mấy chục phút đó, chúng tôi phải ngồi thụp xuống bàn mấy lần. May mà có cái bàn chứ không thì đi viện cả. Cũng có nhiều trường hợp chưa đủ trình để né nên gãy răng, phồng môi, toét má. Ấy vậy mà không thấy phụ huynh nào kiện tụng gì. Thật may.

Còn nhiều chuyện phang nhau thời học sinh của tôi để kể, nhưng cuối cùng thì cũng sẽ kết luận thế này: Chuyện phang nhau trong trường học của ta đã trở thành truyền thống. Mà cái gì đầy đủ sức khỏe để trở thành truyền thống thì khó mai một.

Vài chục năm nay, ngành giáo dục nước nhà có nhiều đổi thay, các thầy cô giáo cũng được khuyến cáo là không nên dùng vũ lực với học sinh; các học sinh luôn được giáo dục tính nhân văn, nhân ái, không đánh nhau, thương yêu nhau, tương trợ nhau. Ấy vậy mà thực tế không được như mong muốn. Truyền thống phang nhau đang bùng lên dữ dội. Thầy trò phang nhau, nam nữ phang nhau, đặc biệt những năm gần đây, các học sinh nữ phang nhau rất khỏe, lên YouTube gõ: học sinh nữ đánh nhau, xem cả ngày không hết. “Điểm sáng” gần đây là phụ huynh nhiều nơi phang thầy cô giáo, sỉ nhục bằng nhiều hình thức, bắt quỳ gối, khủng bố, có nơi phụ huynh còn đưa cả súng ống vào trường, làm cả trường chạy như vịt.

Nhiều chuyện rùng rợn trước đây không có thì giờ có. Phong trào phang nhau không chỉ trong học đường, mà ngóc ngách nào của cuộc sống cũng phát triển mạnh. Mạnh hơn bao giờ hết. Bất cứ lý do nào, dù nhỏ như cái móng tay, cũng sẵn sàng phang nhau. Không hiểu cái giáo dục của ta sẽ đi về đâu! Truyền thống phang nhau bao giờ mai một?!

Thế mà có ai đó nhận định đất nước ta chưa bao giờ được như hôm nay, ngẫm thấy buồn.

ĐNT 2018
HỌC ĐƯỜNG THỜI BAO CẤP!
HỌC ĐƯỜNG THỜI BAO CẤP!

Không có nhận xét nào