HỒN BƯỚM MƠ TIÊN (phiên bản mới) Thời học trò, tôi mê truyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng. Chẳng biết có ai còn nhớ đến truyện này, nhưng ...
HỒN BƯỚM MƠ TIÊN (phiên bản mới)
Thời học trò, tôi mê truyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng. Chẳng biết có ai còn nhớ đến truyện này, nhưng câu chuyện làm tôi liên tưởng đến một chuyện thời sự ngày nay về một cao tăng tham gia chính trị ...
Hồn Bướm Mơ Tiên. Cái tựa đề cuốn tiểu thuyết đã mang tính siêu thoát. Bướm và tiên. Đó là một câu chuyện tình thiệt đẹp, diễn ra dưới một ngôi chùa ở Bắc Ninh. Tôi đọc truyện mà mơ mộng những cảnh đồi núi chập chùng, những mái chùa rêu phong, nói chung là phong cảnh bán thần tiên. (Nhưng phải một lần đến Bắc Ninh thì tôi mới tỉnh mộng, nhưng đó là chuyện khác.) Chuyện tôi muốn chia xẻ có thể đặt tựa đề “Hồn Bướm Mơ Tiên hiện đại.” Đó là câu chuyện chính trị dưới mái chùa, dưới bóng từ bi.
Quay lại truyện Hồn Bướm Mơ Tiên. Đó là một câu chuyện tình lãng mạn và thánh thiện dưới mái chùa có tên rất đẹp: Long Giáng. Chùa Long Giáng ở Bắc Ninh, quê hương của hát Quan họ. Chuyện tình giữa một chàng trai Tây học tên Ngọc và một chú tiểu tên Lan. Lan thật ra là gái giả trai đi tu, trốn cảnh trần. Ngọc về quê sau mùa học và thăm chùa Long Giáng. Ở đó, chàng quen biết chú tiểu Lan và đem lòng yêu, vì Ngọc nghi ngờ chú tiểu Lan là gái chứ không phải trai. Chàng tinh ý ghê! Cuối cùng thì Ngọc cũng phát hiện Lan quả thật là gái giả trai.
Chuyện tình tuyệt đẹp, lồng vào quang cảnh thơ mộng của Bắc Ninh và ngôi chùa cổ từ thời triều Lý. Khái Hưng mô tả những dằng co tâm lí giữa một bên là tình yêu trai gái và một bên là lòng mộ đạo, một bên là mộng ảo và một bên là hiện thực. Cuối cùng thì Lan không chịu tiến tới hôn nhân, mà chỉ muốn dâng mình cho đạo lí. Hai người hứa với nhau rằng họ chỉ yêu nhau trong tâm hồn và sẽ thỉnh thoảng gặp nhau khi Ngọc có dịp về thăm quê.
Chuyện ngày nay là một nhà sư nhưng cũng là một đảng viên kì cựu. Ông là một hoà thượng, một cao tăng, nhưng cũng là một đảng viên đảng cộng sản suốt 50 năm. Câu chuyện thật là thú vị. Một bên là Phật pháp, một bên là chủ nghĩa Mác-Lê-Mao. Chắc là một sự giằng co dữ lắm giữa một bên là bể khổ và một bên là diệt khổ.
Chẳng hiểu sao tôi cứ liên tưởng câu chuyện thời nay với Hồn Bướm Mơ Tiên. Hoà thượng cũng là người xuất phát từ vùng dân ca Quan họ Bắc Ninh. Có khác chăng là một bên là tiểu thuyết và một bên là thực tại. Theo tôi biết, khi đã xuất gia theo Phật thì không theo đảng phái nào cả, và nhìn mọi sự việc là ‘vô thường.’ Bởi vậy, chú tiểu Lan không muốn vướn bụi trần, và chàng Ngọc lãng tử kia cũng tôn trọng sự dấn thân đó của Lan. Cái ý tưởng chi bộ đảng trong chùa chắc chưa được Phật nghĩ đến.
Mỗi người hiểu Phật một cách, và theo tôi hiểu thì Phật giáo không cấm Phật tử tham gia chính trị, vì đó là một thiết chế xã hội. Làm chính trị để diệt khổ là tốt thôi. Nhưng làm chính trị để đạt quyền thế và gieo rắc hay tiếp tay gieo rắc khổ đau cho xã hội thì chắc không nằm trong suy nghĩ của Phật. Phật không chấp nhận bạo động và hận thù, nhưng “nhân tình” mà chàng Ngọc thời nay theo đuổi lại lấy bạo động làm chủ trương, là phương tiện để đạt cứu cánh. Phật nói: "Kẻ chiến thắng gieo hận thù, kẻ chiến bại sống đời lầm than. Ai là kẻ từ bỏ cả thắng lẫn bại, kẻ đó hạnh phúc và an lạc".
Vậy thì câu chuyện hoà thượng vừa quá cố nên hiểu sao đây? Tôi muốn nhìn câu chuyện hoà thượng là chàng Ngọc theo Tây học trong tiểu thuyết của Khái Hưng, và Phật là chú tiểu Lan. Chàng Ngọc suy nghĩ theo Tây (và tin tưởng vào Mác-Lê-Mao), chàng là người ngoại đạo, nên chàng nhìn Phật như ... nhân tình. Nhân tình tinh thần. Nhân tình chủ trương bất bạo động và dứt bỏ bụi trần, còn chàng Ngọc thời nay thì theo đuổi những ý tưởng mà nhân tình không ủng hộ. Một sự giằng co tâm lí ghê gớm. Sự giằng co kéo dài suốt nửa thế kỉ, và có thể còn lâu hơn nữa. Cũng có thể chẳng có giằng co nào cả mà chỉ là một nhiệm vụ chính trị. Trong cả hai trường hợp, cái nghịch cảnh lớn và cũng là thảm trạng lớn nhất của dân tộc là ở chỗ đó. Vị hoà thượng, nói cho cùng, chỉ là nạn nhân của nghịch cảnh dân tộc mà thôi.
Theo Nguyễn Tuấn
Không có nhận xét nào