Kinh Tế Cũng Là Chính Trị Nguyễn-Xuân Nghĩa (Người Việt ngày 100105 - đầu Tháng Giêng 2010) Ăn Quặng Để Cán Thép... Mà Chơi ...
Kinh Tế Cũng Là Chính Trị
Nguyễn-Xuân Nghĩa
(Người Việt ngày 100105 - đầu Tháng Giêng 2010)
Ăn Quặng Để Cán Thép... Mà Chơi
Trận đấu về quặng sắt của Trung Quốc
Mở đầu năm mới, Trung Quốc lại lao vào một trận đấu, là đấu về giá quặng sắt. Và như năm ngoái, nhiều phần sẽ là chiến bại. Nguyên nhân: vì kinh tế cũng là chính trị.
Hãy nói chuyện về kinh tế trước.
Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng thép. Thép ở đây là loại thô, sơ đẳng, cần thiết cho kỹ nghệ xây cất chẳng hạn. Trung Quốc cũng tiêu thụ nhiều quặng sắt nhất thế giới vì sản xuất ra thép là nhờ quặng sắt (iron ore - "thiết khoáng"). Trong quy trình sản xuất, thép là "đầu ra" và quặng sắt là "đầu vào", và 95% lượng quặng trên thế giới là để cung cấp cho việc sản xuất thép. Nhưng hai sản phẩm này lại thuộc hai thị trường khác nhau với giá cả quy định khác nhau - nhất là vào một năm mà kinh tế toàn cầu bị suy trầm và số cầu về thép sút giảm đáng kể.
Hãy cứ nhớ cho dễ hiểu, thế giới nói chung có các công ty khai thác khoáng sản cung cấp quặng sắt cho các doanh nghiệp sản xuất thép.
Công ty khoáng sản lệ thuộc vào.... hóa công, tùy theo mạch đào có nhiều quặng hay không. Phí tổn sản xuất vì vậy là một ẩn số. Mà số quốc gia có loại khoáng sản trời cho như vậy lại không nhiều. Ba đại gia quốc tế là hai tổ hợp Anh-Úc BHP Billiton và Rio Tinto, và công ty Compagna Vale do Rio Doce của xứ Ba Tây (công ty Vale của Brazil). Họ làm chủ thị trường cung cấp và định giá theo mùa, tùy kết quả khai thác.
Đầu bên này, ở gốc thì doanh nghiệp thép phải tùy vào một nhóm nhỏ các công ty hay quốc gia cung cấp khoáng sản, ở ngọn thì tùy thuộc vào số cầu của kinh tế - là yếu tố quyết định về giá cả. Các doanh nghiệp thép phải cạnh tranh với nhau để có nhập lượng ấy, và phải chấp nhận cái giá cao hay thấp do công ty khoáng sản định ra. Nói chung, doanh nghiệp thép của các nước kỹ nghệ đều tập trung vào một nhóm nhỏ, chừng bốn năm tổ hợp là kiểm soát được tới 80% sản lượng.
Vì điều kiện kinh tế đặc biệt ấy, hàng năm, doanh nghiệp thép phải thương thảo với công ty khoáng sản về giá biểu quặng sắt sẽ áp dụng cho cả năm. Thà vậy còn hơn là đến khi có nhu cầu thì mới mua trên "thị trường hiện giá" spot market, theo kiểu tiền trao cháo múc và đắt rẻ thế nào cũng đành chịu. Quy tắc thỏa thuận ấy có lợi cho cả hai bên vì công ty khoáng sản biết trước sẽ bán với giá nào, có lời bao nhiêu; doanh nghiệp thép thì cũng biết trước cái giá đã định thay vì lệ thuộc vào những thăng trầm nhất thời của thị trường.
Hàng năm, việc thương thảo tất nhiên là gay go vì đôi bên đều chưa biết trước về tình hình cung và cầu trong tương lai. Riêng trong năm 2008-2009 thì sự gay go lên tới cực điểm vì hoàn cảnh bất ổn của thị trường thế giới sau vụ khủng hoảng tài chánh Tháng Chín năm 2008 tại Mỹ. Doanh nghiệp thép thấy số cầu sút giảm đột ngột nên quay về công ty khoáng sản để thương thuyết lại cái giá mua đã thỏa thuận trước đó. Các doanh nghiệp yêu cầu được giảm giá mua trung bình chừng 30%.
Riêng Trung Quốc thì đòi giảm giá mua từ 40 đến 50%. Các công ty khoáng sản thì liên kết với nhau để nhượng bộ tối thiểu. Đó là hoàn cảnh của trận đánh vừa qua và Trung Quốc sở dĩ đòi nhiều hơn thiên hạ vì là nhà tiêu thụ lớn nhất.
Bây giờ mới nói về hoàn cảnh Trung Quốc và chuyện chính trị - kiểu con trời.
Trung Quốc ngốn quặng như rồng cuốn mà không có đủ loại khoáng sản này trên lãnh thổ bát ngát của mình. Thực tế thì doanh nghiệp thép Trung Quốc lại quá phân tán và sản xuất quá thừa cho nhu cầu - đầu ra bị ứ mà vẫn không ngừng được nên lỗ chỏng gọng (xin xem lại bài "Trung Quốc Sắt Thép" trên cột báo này trong số ra ngày 06 tháng 10 năm ngoái). Trong năm 2009, xứ này sản xuất hơn 47% sản lượng thép của thế giới và tiêu thụ chừng 64% sản lượng quặng sắt toàn cầu - so với hơn 52% vào năm 2008.
Và vì quặng nội không đủ, có phẩm chất kém lại chuyển vận khó khăn ngay trong nội địa, nên phải nhập cảng tới hơn phân nửa nhu cầu. Trong năm 2008 họ nhập hơn 443 triệu tấn thước khối, trị giá hơn 60 tỷ Mỹ kim. Dù kinh tế trì trệ, sản lượng thép năm ngoái của xứ này tăng 12%, qua năm 2010 có thể tăng 7% và đến 2011 thì tăng hơn 10%. Các doanh nghiệp thép thấy mức lời bị cán mỏng, lỗ lã triền miên.
Trước viễn ảnh đó và với tư thế là nhà nhập cảng lớn nhất, Bắc Kinh nghĩ là mình có ưu thế mặc cả giá quặng cho rẻ để cấp cứu kỹ nghệ thép. Sự thật đã đổi khác mà lãnh đạo không theo kịp.
Trung Quốc cần sản xuất bằng mọi giá trong mọi hoản cảnh vì phải tạo ra công việc làm cho một dân số rất đông. Nếu không là gặp loạn. Họ sản xuất tối đa bằng kỹ thuật thâm dụng lao động - labor intensive - thay vì thâm dụng tư bản là capital intensive. Tức là dùng tối đa lao động để cung cấp cùng một đơn vị sản phẩm, nên không phải kỹ thuật tối tân nhất và có hiệu năng rất thấp, giá thành rất tốn, ô nhiễm rất cao. Vì mục tiêu kinh tế ở đây là ổn định xã hội và an toàn chính trị, lãnh đạo phải coi yêu cầu tăng trưởng là ưu tiên chiến lược, với cái giá phải trả là sự hoang phí của kỹ nghệ thép. Kỹ thuật thô thiển ấy của ngành thép có nghĩa là phải ngốn rất nhiều quặng.
Chi bằng, làm chủ thị trường này ngay từ gốc, nhất là vào một năm mà kinh tế thế giới bị sa sút!
Với tư thế là xứ tiêu thụ nhiều nhất, lại nằm dưới chế độ chính trị độc đảng, Trung Quốc mở chiến dịch đầu tư vào gốc là mua cổ phần và hùn hạp vào các công ty khoáng sản nước ngoài, cho Hiệp hội Gang Thép quyền thương thảo giá cả với bên ngoài. Trên tư thế ấy, họ đòi các công ty khoáng sản giảm giá từ 40 đến 50%.
Nhưng trò đời lại không đơn giản như vậy.
Các công ty khoáng sản biết võ công Bắc Kinh và cũng chẳng cần tiền đến nỗi phải phá giá. Với nhiệm vụ do nhà nước chỉ đạo, Hiệp hội Gang Thép thì khư khư đòi hỏi tối đa. Năm ngoái, việc thương thuyết kéo dài và kết thúc trong tan vỡ. Kết quả?
Các doanh nghiệp thép của Trung Quốc không biết giá quặng trong mùa tới sẽ là bao nhiêu và đành chịu hiện giá thị trường.
Bất chấp quan điểm của Hiệp hội Gang Thép, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc túng thế bèn xé rào và ký thẳng hợp đồng cung cấp với nước ngoài theo giá tiêu biểu của Nhật là 63 Mỹ kim một tấn/thước khối. Doanh nghiệp chậm chân thì phải mua trên thị trường hiện giá suốt thời gian còn lại và càng lỗ nặng vì giá tăng vọt lên 100 đô la! Giá trung bình trong sáu tháng sau khi thương thuyết tan vỡ là 96 đô la, cao hơn giá 63 đồng!
Giận quá mất khôn, tháng Bảy năm ngoái, do chỉ thị của chính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhà chức trách Thượng Hải bắt giam Giám đốc Thương mại của Rio Tinto tại Trung Quốc, một kiều dân Úc gốc Hoa, vì tội gián điệp và hối lộ. Ông Stern Hu này có nhiệm vụ thương thuyết, nên thu thập dữ kiện về thị trường thép Hoa lục và tiếp xúc với một số doanh nghiệp địa phương. Một số doanh nghiệp thép Trung Quốc cũng bị truy tố tội toa rập và hối lộ...
Đâm ra khẩu hiệu "xã hội hài hòa" và "quật khởi hoà bình" của Hồ Cẩm Đào bị lủng nặng. Cả thế giới nhìn ra cách hành xử của Bắc Kinh. Và không như Hà Nội, các quốc gia sản xuất quặng sắt đều có phản ứng.
Năm nay việc thương thuyết lại tái tục cho mùa tới và tình hình kinh tế toàn cầu khả quan hơn khiến các công ty khoáng sản dự trù tăng giá nên Bắc Kinh phải sớm đạt thỏa thuận. Càng trễ càng lỗ. Không có thỏa thuận thì còn lỗ nặng hơn vì lại phải mua quặng trên thị trường hiện giá.
Áp dụng nghệ thuật bẻ đũa từng chiếc, Bắc Kinh tìm thế hùn hạp với tổ hợp Vale của Ba Tây, và cho quốc doanh về nhôm của mình là Chinalco tăng gấp đôi phần hùn vốn vào Rio Tinto nhằm phá vỡ thế liên kết giữa ba đại gia BHP, Rito Tinto và Vale. Rồi còn hăm dọa dùng luật chống độc quyền để chặn một liên doanh giữa BHP và Rio Tinto... Rút kinh nghiệm thư lại của Hiệp hội Gang Thép, lần này có thể Bắc Kinh cho tập đoàn Baosteel (Bảo Cương, tại Thượng Hải) đứng ra thương thuyết.
Ở bên này, các công ty cung cấp khoáng sản và cả hội đồng cổ đông đều hiểu ra toan tính đó.
Tổ hợp Vale hoan hỉ tiếp nhận việc Trung Quốc đầu tư rất tốn kém vào hạ tầng cơ sở Ba Tây - bến cảng sâu hơn và tầu chuyên chở lớn hơn - để mở mang giao thương giữa hai nước. Tiền đầu tư ấy còn đắt hơn giá quặng sắt sẽ bán cho Trung Quốc, mà chưa đủ để Vale trở mặt với hai tổ hợp BHP và Rio Tinto. Cả ba nhà cung cấp đều biết ý định lâu dài của Bắc Kinh.
Các chính quyền khác - kể cả Hoa Kỳ - cũng theo dõi việc Chinalco hùn vốn vào Rio Tinto, và họ có quyền lên tiếng. Việc Bắc Kinh dọa dùng luật chống độc quyền để chặn liên doanh BHP và Rio Tinto cũng chẳng được quốc tế ủng hộ. Chuyện giám đốc của Rio Tinto bị giam từ năm ngoái mà chưa thấy xét xử càng khiến các nước không có thiện cảm với Bắc Kinh.
Khi đọc tin thời sự về vụ Trung Quốc thương thảo giá cả quặng sắt, ta có thể nghĩ rằng đấy chỉ là tin tức thị trường. Thật ra, đây là trận đấu gay gắt về một vấn đề sinh tử cho Trung Quốc là kỹ nghệ thép và sức tăng trưởng kinh tế. Trong trận đấu, tư thế Bắc Kinh không cải thiện cho vững hơn năm ngoái. Ngược lại, vì kinh tế toàn cầu đang phục hồi với yêu cầu về quặng sắt sẽ tăng cùng giá cả, Trung Quốc còn yếu thế hơn. Các công ty khoáng sản đều biết như vậy. Họ biết là xứ này đói ăn, khát dầu, thèm sắt mà cứ đòi chơi cha thiên hạ.
Ta nên theo dõi trận này, có khi lại nhìn ra cái hớ của Hà Nội trong chuyện bauxite!
_____
Thiết khoáng Úc sẽ bán cho Trung Quốc
Không có nhận xét nào