NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI (Bài này bàn về triết lý và phương pháp giáo dục hơn là đưa ra giải pháp giải quyết sự vụ. Mời đọc thêm bài TRẢ THÙ ...
NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI
(Bài này bàn về triết lý và phương pháp giáo dục hơn là đưa ra giải pháp giải quyết sự vụ. Mời đọc thêm bài TRẢ THÙ NGANG BẰNG tôi viết ngày hôm qua, 05/03/2018, để hiểu cách xử lý vấn đề).
Tôi thấy thực sự lo lắng cho đa phần suy nghĩ của nhiều người trong xã hội thông qua việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ, khi họ chỉ thực sự tập trung hầu hết mọi sự phẫn nộ dành cho giáo viên này mà gần như tuyệt nhiên không để tâm gì đến việc cô ta bắt học sinh quỳ gối, mà còn coi đó là điều có thể chấp nhận được.
Đây là một tư duy sai nghiêm trọng về logic và cũng đặc biệt nguy hiểm cho con người, nhất là trẻ em. Những đứa trẻ bị xâm hại lại bị bỏ mặc hoặc tiếp tay bởi sự lạc hậu của xã hội.
Cô giáo bị bắt quỳ gối thì mọi người phẫn nộ lên án, nhưng chính một đứa trẻ cũng bị bắt quỳ gối thì mọi người làm lơ và cho là không đáng nói. Vậy một người trưởng thành bị bắt quỳ vì làm một điều sai với một đứa trẻ còn chưa đủ thành niên bị bắt quỳ gối để trừng phạt vì học chưa tốt hoặc làm việc gì đó chưa hợp lý thì ai mới đáng phải được bảo vệ và hành vi nào đáng phải lên án hơn?
Không một nhà nước hay xã hội văn minh nào mà lại coi hành vi bắt trẻ em, học sinh quỳ gối là chấp nhận được, còn người lớn (nhân danh giáo dục và đào tạo, đầy đủ quyền hành) bị bắt quỳ thì lại là nghiêm trọng hơn. Trong hoạn nạn hoặc trong chính sách phúc lợi thì đứa trẻ được đặt lên đầu tiên, sau đó đến người tàn tật, người già và cuối cùng là mới là phụ nữ. Và trong luật pháp người ta đặt mọi chế độ bảo vệ trẻ em lên hàng đầu, nên chỉ có luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em chứ không có luật phụ nữ.
Người ta không thể được coi là nghiêm trọng hơn và đáng bị lên án hơn chỉ vì lý do nghề nghiệp đơn thuần trước một hành vi cùng tính chất, mức độ và nạn nhân lại là trẻ em. Hơn nữa, học sinh chính là một người “lệ thuộc” vào người dạy, nên hành vi của giáo viên còn đáng bị phải trừng phạt nặng hơn vì lợi dụng vị thế nghề nghiệp để hành hạ và xâm hại trẻ em. Và nếu nói về lý do, với kiểu lập luận đó, phụ huynh kia sẽ có thể cho rằng bắt cô giáo này quỳ cũng là để giáo dục lại và trừng phạt cô ta bởi một điều sai, điều đó là đúng đắn.
Cô ta còn được quyền để bắt học sinh quỳ, còn học sinh không đủ sức mạnh hay ý chí để lựa chọn việc không làm. Cô ta còn được chọn lựa việc không thực hiện quỳ gối vì đủ lý trí và vị thế độc lập để làm điều đó trước phụ huynh kia, còn đứa trẻ thì không có lựa chọn nào khác trước những hậu quả có thể xảy đến trong học tập và cả từ phía gia đình (nếu họ cũng tư duy theo kiểu việc bắt học sinh quỳ là không vấn đề gì).
Một đứa trẻ đáng bị quỳ hơn là giáo viên của đứa trẻ ấy? Và về đạo đức thì càng không ai cho phép một người dạy người khác bằng cách bắt nó phải quỳ xuống trước mặt người khác thì được gọi là lễ nghĩa hay là sự rèn giũa con người ở đây. Đó là sự bức hại ý chí, hành hạ thân xác, làm nhục danh dự, nhân phẩm và kể cả xâm hại sức khoẻ trẻ em (trẻ em chưa hoàn thiện về trí tuệ (nhận thức), năng lực hành vi và thể chất).
Tôi thấy đặc biệt lo lắng cho công tác giáo dục và trồng người khi còn nhiều lớp người được cho là trưởng thành chỉ tập trung vào phẫn nộ đối với hành vi bắt cô giáo quỳ mà bỏ qua (xuê xoa) hành vi chính cô giáo đó bắt học sinh của mình quỳ gối trong học tập.
Chúng ta sẽ lại tiếp tục giáo dục ra những thế hệ hư hỏng, bạo lực và dễ dàng quỳ gối trước cái sai của người khác và lớn lên nó sẽ lại thực hiện điều đó vì nó coi chuyện đó là bình thường và có thể là được phép trong một xã hội dễ dàng đồng thuận với hành vi đó.
Lê Luân
Không có nhận xét nào