Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TRUNG QUỐC ĐI VỀ ĐÂU ?

Mao Trạch Đông qua đời, Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền và ngay sau đó đưa ra một quy định cho giới lãnh đạo Trung Quốc là người nắm chức c...

Mao Trạch Đông qua đời, Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền và ngay sau đó đưa ra một quy định cho giới lãnh đạo Trung Quốc là người nắm chức chủ tịch chỉ được quyền ở ngôi vị này không quá 2 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ là 5 năm). Hôm tuần qua, đảng Cộng sản Trung quốc ra thông cáo đề nghị xoá bỏ quy định 2 nhiệm kỳ, mở đường cho Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức chủ tịch và cai trị Trung Quốc sau khi nhiệm kỳ hai kết thúc vào năm 2023.

Nói cách khác, Trung Quốc đang trong tiến trình chuyển đổi từ một quốc gia cai trị bởi một đảng thành quốc gia cai trị bởi một người. Thay đổi này – cùng với một số tu sửa hiến pháp khác trong thời gian qua để Tập nắm thêm quyền hành – mặc dù đã có những lời đồn đãi từ hơn một năm nay, vẫn là một thay đổi quan trọng trong sinh hoạt nội bộ chính trị ở Trung Quốc và ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai của quốc gia này. Cơ chế tập thể lãnh đạo mà Trung Quốc áp dụng từ đầu thập niên 1980 đến nay đang bị đẩy ra ngoài và sẽ được thay thế bằng cơ chế lãnh đạo độc tôn của một nhân vật duy nhất: Tập Cận Bình.

Quyết định vừa rồi của đảng Cộng sản Trung quốc làm dấy lên những lo ngại Trung Quốc đang quay trở lại thể chế cai trị bằng sự độc đoán và sắt thép như thời Mao, và qua đó có thể sẽ đẩy quốc gia này vào một thời kỳ bất ổn và bế tắc chính trị.

Kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2013, những ưu tiên hàng đầu của Tập Cận Bình là ra sức sử dụng bộ máy tuyên truyền của đảng để đánh bóng hình ảnh cá nhân của mình, từ từ loại bỏ những đối thủ chính trị và tập trung quyền hành vào trong tay với tham vọng để trở thành một thứ “cha già dân tộc” và nhà lãnh đạo trọn đời giống như Mao. Do đó, quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc vừa rồi tuy không gây ngạc nhiên nhưng vẫn tạo ra những làn sóng giận dữ và chống đối trong các giới hàn lâm, luật sư, nhà báo và kinh doanh. Trong mấy năm qua, người ta đã âm thầm theo dõi với đầy sự thất vọng trong khi Tập đã lợi dụng quyền lực để bỏ tù rất nhiều nhân vật bất đồng chính kiến ở trong nước, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận và siết chặt việc kiểm soát kinh tế quốc nội.

Ngay sau khi thông cáo được đưa ra, bộ máy kiểm duyệt mạng internet của đảng đã phải nhanh chóng tìm cách ngăn chặn những lời chỉ trích tung lên mạng từ trong giới trí thức cũng như trong dân chúng. Một trong những chỉ trích xuất hiện trên mạng mô tả Tập như một vị hoàng đế thời phong kiến không đếm xỉa gì đến những quy tắc của luật pháp và lấy hình của Tập thay vào tấm hình của Mao mà người ta thường thấy được treo ở quảng trường Thiên An Môn. Một chỉ trích khác của một người nào đó đã lấy tấm hình quảng cáo bao cao su hiệu Durex với nhãn hiệu của sản phẩm là hàng chữ “Hai lần vẫn chưa đủ” (Twice is not enough) – có ý chế giễu tham vọng của họ Tập đang muốn làm chủ tịch thêm nhiệm kỳ thứ ba, mặc dù Tập mới bắt đầu nhiệm kỳ hai vào Tháng 3 này.

Quyết định xoá bỏ quy định về giới hạn nhiệm kỳ trong chức vụ chủ tịch được đưa ra chỉ ít tháng sau đại hội đảng lần thứ 19 diễn ra vào cuối Tháng 10 vừa qua khi Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ vĩ đại và sẽ trở thành một cường quốc hàng đầu của thế giới. Trong mấy năm vừa qua, Trung Quốc đã và đang cho thiết lập nhiều căn cứ quân sự trên vùng biển Thái Bình Dương và châu Phi, xây dựng nhiều hạ tầng cơ sở khắp châu Á, một  số nơi ở châu Âu và châu Phi, và đang nắm nền kinh tế mà Tập hy vọng sẽ là nền kinh tế số 1 thế giới trong vòng hai thập niên tới. Những động thái này đã làm nhiều quốc gia phương Tây nhìn Trung Quốc một cách dè dặt hơn.

Kể từ thời chính quyền Bill Clinton qua tới George W. Bush rồi đến Barack Obama, nước Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi một chính sách ngoại giao hoà hoãn và kiên nhẫn với Trung Quốc với quan niệm rằng khi một quốc gia trở nên phú cường thì điều tất yếu là sẽ đưa tới những cởi mở về chính trị và do đó sẽ đưa Trung Quốc xích gần lại với thế giới phương Tây hơn. Nhưng trớ trêu thay, ít ra là ngay vào lúc này, điều đó đã không xảy ra và tệ hơn nữa, Trung Quốc đi về hướng ngược lại.

Trong quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc, sự kết thúc của cái gọi là chiến tranh lạnh không phải là điều họ mong muốn, vì nó đưa tới kết quả của một loạt những chế độ độc tài độc đảng trên thế giới bị sụp đổ. Những cuộc biểu tình của dân chúng năm 1989 đưa đến sự sụp đổ của nhiều chính phủ cộng sản ở khu vực Trung và Đông Âu, và cũng đã lan tới Trung Quốc. Chỉ ít tháng trước khi bức tường Bá Linh bị đập bỏ, hàng trăm ngàn học sinh và sinh viên Trung Quốc đã tràn vào quảng trường Thiên An Môn đòi hỏi thay đổi chính trị mà các giới chức ở Bắc Kinh coi đó như một sự thách thức và đe doạ cho sự tồn tại của đảng, và quan điểm này đến nay vẫn còn là sự nhắc nhở trong đầu giới lãnh đạo Trung Quốc.

Chính sách cải cách perestroika được lãnh tụ Sô Viết Mikhail Gorbachev phát động và theo sau đó là sự sụp đổ của Liên Sô hiện vẫn là nỗi ám ảnh đối với giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, trong đó kể cả cá nhân Tập Cận Bình. Và vì vậy, Tập tin rằng chỉ có sự ổn định chính trị mới có thể bảo đảm biến thành hiện thực cái tham vọng về một Trung Quốc trong tương lai trở thành cường quốc số 1 của thế giới. Cá nhân Tập Cận Bình thành thật tin tưởng rằng chỉ có ông ta mới là người đầy đủ tài năng để lãnh đạo và đưa đất nước tới thành công.

Theo nhận định của một số quan sát viên quốc tế thì không có gì bảo đảm rằng việc Tập Cận Bình thâu tóm tất cả quyền lực trong tay và nay mai trở thành nhà lãnh đạo độc tôn có thể giúp ông ta thành công đưa Trung Quốc tiến lên để thành cường quốc số 1 như ông ta mong muốn. Lý do là từ ngay trong bản chất của chế độ độc tài toàn trị và thêm vào đó là bản chất của một lãnh tụ độc tôn.
 
Bản chất của một chế độ độc tài toàn trị là luôn luôn có những mầm mống chống đối ở trong nội bộ, và nhiều khi đưa tới những kết quả khốc liệt. Bản chất của một lãnh tụ độc tôn là luôn luôn tưởng mình là thiên tài và do đó thường có những quyết định độc đoán.

Trở thành một lãnh tụ độc tôn trong một chính phủ không có cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực như ở các nước dân chủ phương Tây, Tập chắc chắn sẽ ngày càng thâu tóm thêm quyền lực và tự đưa ra quyết định về tất cả mọi chính sách của quốc gia. Để có thể tồn tại và thăng tiến trong một thể chế độc tài với một lãnh tụ độc tôn thì các thuộc cấp phải tỏ ra trung thành với lãnh tụ. Mà trung thành với lãnh tụ có nghĩa là trung thành luôn với những chính sách và mục tiêu mà lãnh tụ đưa ra. Lẽ đương nhiên, thước đo của lòng trung thành là làm sao đạt được những mục tiêu trong chính sách bằng bất cứ giá nào, và vì vậy, các giới chức thuộc cấp sẽ phải nộp lên những báo cáo với những con số tưởng tượng.

Do đó, độc đoán sẽ đưa đến sai lầm, như các chính sách thời Mao, đi từ hết sai lầm này đến sai lầm khác, từ chương trình Đại Nhảy Vọt, tập thể hoá nông nghiệp và kỹ nghệ hoá nông thôn, đưa đến kết quả là nạn đói làm chết khoảng 50 triệu người; rồi kế đến là cuộc Cách mạng Văn hoá, được phát động chỉ ít năm sau Đại Nhảy Vọt, làm cho cả một xã hội Trung Hoa điên đảo – chính là lý do mà Đặng Tiểu Bình đã đặt ra quy định giới hạn hai nhiệm kỳ ngay khi vừa trở lại nắm quyền là để phòng ngừa thêm một trường hợp tôn sùng lãnh tụ theo kiểu của Mao trong tương lai.

Nhưng nay Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị xoá bỏ nó và nhiều người lo ngại về một tương lai ảm đạm cho người dân Trung Quốc.

*Vũ Hiến*












Không có nhận xét nào