Vài điều về Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi Mà do từ đọc bài viết của thầy Trần Viết Ngạc, mình lại dò tìm trên mạng, và thấy có vài điều v...
Vài điều về Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi
Mà do từ đọc bài viết của thầy Trần Viết Ngạc, mình lại dò tìm trên mạng, và thấy có vài điều về chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi cần nêu ra, để chúng ta cùng nhau nâng cao kiến thức.
****
1. Đoạn dịch Đại Nam Thực Lục mà nhiều học giả Việt Nam đã trích đoạn xem đấy là lời thánh, có lẽ đã bị viện Sử học dịch hơi có vấn đề đấy bạn ạ.
Đoạn này tức là đoạn nằm trong phần ĐNTL Tập 9 đoạn "Tôn Thất Thuyết còn giữ giá vua còn đóng ở Sơn phòng Quảng Trị, đã kèm vua ra lệnh dụ thiên hạ Cần vương, lại sẽ dụ bảo Nguyễn Văn Tường ...".
Bạn đọc câu dịch trên, bạn hiểu gì không ? Mình thấy vài thầy trích đoạn như rất đáng tự hào về đoạn này bạn ạ.
Còn khi mình đọc bản chữ Hán ĐNTL mà mình tải lên và highlighted cho bạn xem, thì đáng ra câu chữ Hán cần dịch là "Tôn Thất (Thuyết) nói sự giữ giá vẫn trụ vào sơn phòng Quảng Trị, kiềm chế cậy ép vua truyền mệnh dụ lại (việc) thiên hạ cần vương, lại dụ riêng bảo Nguyễn Văn Tường ..."
Vậy bạn thấy đó, ở đây:
a. Là lời ngài Tôn Thất Thuyết "nói", chứ không là "còn" như viện Sử học dịch. Tức là ngài Tôn Thất Thuyết nói việc giữ giá vẫn trụ vào sơn phòng Quảng Trị. Không hiểu tại sao viện Sử học lại dịch thuyết 説 ra còn.
b. Là ngài Tôn Thất Thuyết ép vua Hàm Nghi ban lời dụ, chứ không phải vua Hàm Nghi "yêu nước thương nòi" mà tự viết đạo dụ này. Cụm từ tiếp hiệp 節挾 là chỉ cho hành động "Cậy có cái chèn được người mà xử tệ với người gọi là hiệp" (http://hvdic.thivien.net/whv/%E6%8C%BE). Tại sao viện Sử học chỉ dịch từ tiếp 節 thành kèm (chứ không là kiềm chế), rồi không dịch từ hiệp 挾 tức là cậy ép, thì đó lại là 1 dấu hỏi để sau này ai đó hỏi cán bộ viện Sử học vậy.
c. Là viện Sử học đã không dịch chữ thân 申 phó từ có nghĩa là lại (again). Viết lại (một lần nữa) lời dụ Cần vương bạn ạ, chứ không hẳn đây là lần đầu tiên viết đâu.
c. Là không có từ "sẽ" trong đây bạn ạ, mà là song song với việc truyền mệnh dụ lại việc thiên hạ cần vương này, ngài Tôn Thất Thuyết còn yêu cầu vua Hàm Nghi viết một dụ khác cho ngài Nguyễn Văn Tường. Không hiểu tại sao viện Sử học lại dịch có từ "sẽ".
Nên hay là bạn tự đọc bản chữ Hán rồi so sánh với bản dịch tiếng Việt của viện Sử học, rồi bạn cho mình biết là mình có dịch sai không ?
Vì câu này hơi quan trọng há bạn. Vì nếu nó đúng là nên dịch như mình dịch, thì việc này cho thấy là ngài Tôn Thất Thuyết quyết định mọi chuyện, và vua Hàm Nghi trong tay ngài chỉ là con cờ, chứ chưa bao giờ là một ông vua yêu nước mà tự mình viết luôn chiếu Cần Vương cả.
Và đó là phần câu dịch. Mình mời bạn đọc tiếp điều thứ 2, còn ly kỳ hơn.
****
2. Đó là, mình thấy ngày nay trên mạng, người ta viết là bài dụ này có tên chính thức là "Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương".
Hình như thuyết này là từ thầy Trần Xuân An thì phải. Hoặc có thể do nhóm học giả Việt Nam nào đấy đã tự suy ra và tôn nó lên làm tên chính thức cho bài dụ.
Nhưng than ôi, cái cụm từ "Lệnh dụ thiên hạ cần vương", chắc là các học giả Việt Nam đã lôi nó ra từ bản dịch Quốc Ngữ Đại Nam Thực Lục như mình nêu ở phần 1.
Thế sự đáng buồn ở đây là gì ?
Đó là nếu ta tra tự điển, "truyền bảo sự lớn gọi là mệnh 命, truyền bảo sự nhỏ gọi là lệnh 令. Lời của chức Tổng-thống tuyên cáo cho quốc dân biết gọi là mệnh lệnh 命令." (http://hvdic.thivien.net/whv/%E5%91%BD). Bạn đọc trong sử bản chữ Hán, hễ lời vua ban ra là mệnh 命 bạn ạ, chứ không là lệnh 令. Thế thì khi viện Sử học dịch từ mệnh 命 ra lệnh 令, ấy là các cán bộ viện Sử học dịch theo động từ "ra lệnh" đó bạn, chứ chắc họ không hẳn đánh thấp "mệnh" danh từ xuống "lệnh" danh từ đâu bạn.
Thế mà không hiểu do đâu, các học giả Việt Nam lấy luôn cả câu dịch này thành ra một câu danh từ "Lệnh dụ" dành cho lời mệnh của vua. Một khi đã đổi thành "Lệnh dụ" danh từ, ấy là các vị học giả Việt Nam đã kéo "mệnh" xuống "lệnh" rồi đấy. Và vậy là sai và đáng xấu hổ. Nó cũng y hệt như một "bài chiếu", bị ai đó dịch ra thành một "bài dụ" vậy.
Nên khi các học giả Việt nam cho tờ chiếu này cái tên Quốc Ngữ nửa nạc nửa mỡ "Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương", thì sự đặt tên này, chẳng những là đáng xấu hổ, vì các thầy đã cọp dê sự dịch thuật tờ lờ mờ của viện Sử Học, mà các thầy còn đem cả cái oai nghiêm của mệnh vua mà thành ra lệnh tướng đấy. Không hiểu các thầy có biết sự khác biệt này không ?
Nhưng mình lại ngờ, chẳng lẽ các thầy biết rất rõ sự khác nhau giữ Chiếu và Dụ trong chữ Hán, mà lại không biết sự khác nhau giữa Mệnh và Lệnh trong chữ Hán sao nhỉ ?
Hay là các thầy chỉ biết có Quốc Ngữ, và lấy tên dịch này vì nó có mùi Hán ngữ ?
Mà việc các thầy tự ban cho cái tên chính thức "Lệnh dụ Thiên hạ Cần Vương" này, chắc các thầy đã làm bao năm nay, mà tại sao không người Việt nào lên tiếng nhỉ ?
Hay là các thầy Hán học Việt Nam, biết rõ Mệnh và Lệnh khác nhau nhưng không lên tiếng ? Có phải vì các thầy để sự này ở yên đó để mỗi khi trà dư tửu hậu, các thầy cười hô hố cho cái sự học An Nam chăng ?
Mà bạn có biết trong ĐNTL, các sử gia ghi rõ là "Hàm Nghi Đế Cần Vương chi Chiếu" 咸宜帝勤王之詔 không nhỉ ? Tại sao các thầy không viết như vậy, dễ hiểu cho tất cả, hoặc nếu cần câu dịch Quốc ngữ, thì cứ gọi là "Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi". Tại sao các thầy lại đem cả cái câu dịch sai của viện Sử học "Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương" mà đặt thành tên chính thức nhỉ ?
Vậy nếu bạn đã rõ, chữ Mệnh và Lệnh khác nhau, mà bạn vẫn cho rằng, trong Quốc Ngữ Mệnh hay Lệnh đều giống nhau cả, nên "Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương" là đúng, chẳng có gì sai.
Thế bạn có bao giờ đọc và viết "Lệnh chiếu Dời đô" chưa ? Hay bạn chỉ đọc và viết Chiếu Dời Đô ? Mà tại sao không bạn nhỉ ? Có phải do bạn đọc chữ Chiếu, bạn đã hiểu (dù bạn không biết chữ Hán), là chiếu đã có cả mệnh lệnh trong ấy không ? Vậy bạn có biết Chiếu và Dụ đều do vua ban ra không ?
Hay là bạn nghe theo mình, chả ai viết "lệnh dụ" bạn ạ, cũng như chả ai viết "lệnh chiếu cả", vì đó là sự đặt tên nửa nạc nửa mỡ quái dị đấy. Ta viết Dụ Cần Vương, Chiếu Cần Vương, Chiếu Dời Đô, chứ không viết Lệnh Dụ Cần Vương nhé bạn. Vâng, bạn có thể gọi các học giả nào đó đã đặt tên gọi "Lệnh dụ Thiên hạ Cần Vương" là dốt (Hán ngữ).
Nên hay là nếu bạn có viết về Chiếu Cần Vương, bạn đừng đem cái tên "Lệnh dụ Thiên hạ Cần Vương" nữa nhé.
****
4. Và đáng ngờ hơn, là theo tác giả Trần Xuân An, bài Dụ Cần Vương này là bài dụ duy nhất và chính thức trong các bài dụ / chiếu Cần Vương.
Vì theo thầy 2 tờ chiếu / dụ của người Pháp là có đầy điểm đáng ngờ trong ấy.
Ừ, mình cũng đồng ý là 2 tờ chiếu / dụ của người Pháp coi bộ có vấn đề đó. Thế nhưng mình chưa hiểu tại sao các học giả Việt Nam, mà trong đó có thầy Trần Xuân An cho rằng tờ chiếu Cần Vương tương tự tờ mà ta đọc trên Wikipedia là thật ? Bạn đọc tờ trên Wikipedia tại đây >> https://vi.wikisource.org/wiki/Chi%E1%BA%BFu_C%E1%BA%A7n_V%C6%B0%C6%A1ng.
Vì trước tiên, tờ chữ Hán Chiếu Cần Vương mà mình đọc là một tờ giấy chép lại, không hoa văn, chả dấu ấn gì cả. Nó như một tờ giấy nháp không hơn không kém. Tại sao một tờ giấy nháp như vậy mà ta lại tung hô nó, cho rằng nó là một tờ chiếu đúng và chính thức ? Hay là do các học giả Việt Nam quá yêu nước, nên thành ra thấy tờ giấy nháp ấy, có lẽ do vị Văn Thân nào đó chép hoặc viết, mà cho rằng nó là bản chính thức ? Trong ngành khảo cổ học và sử học nước ta, đã có bao giờ 1 tờ giấy nháp viết lại tờ chiếu / dụ / sắc được cho là bản chính thức chưa ? Mình mời bạn cho ví dụ.
****
Nên với 4 điều trên, bạn nghĩ mình có dịch sai, có phân tích sai không, nếu có thì xin bạn cứ lên tiếng để chúng ta cùng học hỏi.
Và bạn để ý luôn cho mình một điều, là các học giả ngày nay cứ đem bộ Đại Nam Thực Lục ra làm chứng cớ, ví dụ như thầy Trần Xuân An chẳng hạn, nhưng hầu như họ hoàn toàn không đưa ra văn bản chữ Hán, hoặc có viết chữ Hán gì trong bài của họ cả. Nên không hiểu họ có đọc bản Hán ngữ bộ Đại Nam Thực Lục không ? Hoặc đáng hỏi hơn, họ có biết đọc chữ Hán không ?
Vậy ở đây, nếu viện Sử học dịch mà không đúng, không đủ, rồi các học giả Việt Nam lại lấy bản dịch ấy mà làm nền, rồi không chừng, đáng buồn hơn, là lấy cái sự dịch chết người ấy mà đem luôn cái danh từ "lệnh dụ Thiên hạ Cần vương", thì nếu có người như mình nêu ra thắc mắc, theo bạn ai là người nên chịu trách nhiệm xin lỗi người Việt chúng ta nhỉ ?
Ta có nên đổ lỗi cho nhóm dịch giả cán bộ Viện Sử Học không ?
Hay là ta đổ lỗi cho các thầy học giả Việt Nam ỷ y đọc bộ Đại Nam Thực Lục mà không tra lại văn bản chữ Hán ?
Hoặc giả chả có ai chịu trách nhiệm cả, vì cả chục năm nay, dưới chế độ đương thời, dân Việt Nam lo nhiều việc cơm áo, nên lờ và đã quen với việc bị "rác hóa" kiến thức, nên xem các việc này như những việc "chuyện thường ngày ở huyện", mà không để ý là kiến thức của họ về lịch sử ông cha đang tuột dốc thê thảm ?
Mà tại sao sự việc này chắc đã có hơn 10 năm, mình thấy có quá trời bài viết, mà chả ai lên tiếng cho những sự sai này nhỉ ?
Mình chỉ để ý vụ này do hôm qua share và kiểm lại bài viết của thầy Trần Viết Ngạc, thấy thầy sai hơi nhiều.
Bạn cứ suy gẫm và lên tiếng.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào