Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về bản dịch Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở viễn đông

Về bản dịch Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở viễn đông Mà mình không biết ai là dịch giả và mình tải bản dịch từ mạng này >> http://khot...

Về bản dịch Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở viễn đông


Mà mình không biết ai là dịch giả và mình tải bản dịch từ mạng này >> http://khotailieu.com/luan-van-do-an-bao-cao/van-hoa-nghe-thuat/lich-su/co-su-cac-nuoc-an-do-hoa-o-vien-dong.html.

Và mình chịu khó đọc lại bản tiếng Anh mà mình nghĩ quyển sách dịch này đã cọp dê lại tại đây >> https://openresearch-repository.anu.edu.au/bitstream/1885/115019/2/b11055005.pdf.

Đọc hai chương trong bản dịch và so sánh lại, thì mình có thể nói với bạn, là vị dịch giả người Việt này trình độ Việt ngữ rất kém, lẫn đang "rác hóa" kiến thức của bạn về cổ sử các quốc gia Ấn độ hóa ở khu vực Đông Nam Á.

Kỳ trước nghe một người bạn nói là quyển này do thầy Nguyễn Thừa Hỷ dịch.  Nhưng bản dịch tiếng Việt mình đọc này không để tên nên mình không biết là ai.  Còn thầy Nguyễn Thừa Hỷ cùng nhóm dịch giả dịch bậy quyển Vùng đất Nam Bộ thì mình đã lên tiếng.  

Không biết bản dịch tiếng Việt có lấy từ bản tiếng Anh này không ?  Nhưng để mình nêu ra vài điều bạn tự mình kiểm tra lại vậy.

*****

1. Chương 1 (trang 10 PDF) - "Bán đảo Đông Dương và quần đảo Nam Dương là những xứ nhiệt đới chịu ảnh hưởng của gió mùa. Mặc dầu những biến đổi từ năm này qua năm khác, có thể rất tai hại đối với việc trồng trọt"

Bản tiếng Anh (trang 23 PDF) - "The Indochinese Peninsula and the islands of Indonesia are among the tropical lands dominated by the monsoons. Although there are some variations from one year to the next—variations which can be disastrous for wet rice culture, the only method of cultivation that assures an abundant supply of grain".

Tức là bạn thấy đó, "wet rice culture" chưa bao giờ là trồng trọt cả, mà là văn hóa (trồng trọt) lúa nước, là một điểm chung của các nền văn hóa cổ Đông Nam Á.  Nên bạn có đọc mà không hiểu tại sao gió mùa lại ảnh hưởng đến trồng trọt (ví dụ trồng cây ăn trái theo mùa chẳng hạn), thì đó là do bản dịch tiếng Việt mà ra.

****
2. Chương 1 (trang 10 PDF) - "Nhờ Miến Điện, bán đảo Mã Lai và đảo Xumatơra, miền ngoại Ấn có bộ mặt phía Tây quay về Ấn Độ dương mà ở đó, ..."

Bản tiếng Anh (trang 23 PDF) - "From Burma, the Malay Peninsula, and the island of Sumatra, the western face of Farther India is turned toward the Indian Ocean, where ..."

Vậy ở đây, chữ "From" là "từ" tức là "Từ Miến Điện, bán đảo Mã Lai, và hòn đảo Sumatra, mặt phía Tây của miền Viễn Ấn quay sang Ấn Độ Dương, nơi mà ...".  Nơi không có vụ "Nhờ Miến Điện" trong câu này bạn ạ.

Và tại sao Farther India lại dịch thành miền Ngoại Ấn nhỉ ? 

****
3. Chương 1 (trang 10 PDF) "Từ rất lâu trước khi những nhà hàng hải nước ngoài tới, nhân dân ở đây đã có ngành hàng hải của mình, và nhờ việc trao đổi liên tục, họ đã phát triển một nền văn hoá chung mà ta sẽ nói đến sau."

Bản tiếng Anh (trang 24 PDF) "Well before the arrival of foreign navigators, these peoples had their mariners, and although the remote origins of these peoples were probably quite diverse, they had developed, through continual trade, a certain similarity of culture that will be discussed later".

Bản dịch đã bỏ không dịch đoạn rất quan trọng "and although the remote origins of these peoples were probably quite diverse" đúng không bạn ?

Và tại sao lại có cả cụm từ "nhân dân" thời cổ bạn nhỉ ? Còn ở những đoạn khác, thì cụm từ này lại biến thành "cư dân".  Từ bao giờ, các dịch giả cho phép mình dịch cụm từ "people" trong các nền văn hóa cổ đại là nhân dân nhỉ ?  

****
4. Chương 1 (trang 10+11 PDF) "Ở đó người dân văn minh, chủ yếu và duy nhất là người ở miền đồng bằng, họ bỏ lại cho người thổ dân, miền núi không phải là nghèo nàn lắm, trong lúc họ đã có từ lâu cách sử dụng, khai thác nhờ họ có kê, một vài thứ lúa và các đàn gia súc”.

Bản tiếng Anh (trang 25 PDF) "The civilized man of that area ... is essentially, uniquely a man of the plains; he leaves to the aborigines the high places, which are not necessarily poor, for the aborigines have long been able to utilize them thanks to millet, certain kinds of rice, and herds."

Vâng, mình đọc bản tiếng Anh hiểu rất rõ câu này, bạn đọc bản dịch tiếng Việt có hiểu thật rõ không ?  Bạn hiểu chữ "họ" ra sao trong câu dịch này ? 

****
5. Chương 1 (trang 13 PDF) "Vào thời đại đồ đá mới, người ta nhận thấy giữa các vùng phía bắc và phía trung của diện tích địa lý nghiên cứu ở đây, một sự tách ra, có lẽ vì sự di thực của những yếu tố di thực Mông Cổ hay đã Mông Cổ hoá đầu tiên. Miền Trung Đông Dương hay miền Nam Trung Quốc và Đông Bắc Ấn Độ là những vùng có các loại rìu có chuôi tra cán, là dụng cụ đặc biệt của những cư dân nói tiếng gần gũi với tiếng Nam Á trong lúc ở những nước nói tiếng Anhđônêdiêng ở phía Nam chỉ biết tới những cái rìu đục có tiết diện hình tam giác hay bán nguyệt."

Bản tiếng Anh (trang 26 PDF) "In the Neolithic period, we notice a split between the northern and southern regions of the geographic area studied here, perhaps caused by a migration of the first Mongoloid or Mongolized ethnic elements. Mainland Southeast Asia, southern China, and northeast India are the region of the axe with a shouldered tenon, the characteristic utensil of peoples speaking languages of the Austro-Asiatic family, while the region of the Indonesian languages, situated to the south, is scarcely familiar with anything but the chiseled axe that is semicircular or triangular in cross section."

Bạn thấy dịch như vậy là có gì đó không đúng không ?  

Mình ví dụ, we có dịch là người ta không nhỉ ? Geographic area có nên dịch là diện tích địa lý nhỉ ? Mà người ta nghiên cứu diện tích địa lý hay khu vực địa lý nhỉ ? Và làm thế nào mà migration lại được dịch thành di thực ? Mình dò từ điển Hoàng Phê, thì thấy có cụm từ "di thực - đưa một giống cây nào đó đến trồng ở một vùng khác, ví dụ Cây cà phê được di thực vào Việt Nam từ lâu".  Còn mà dùng để chỉ sự di dời sinh sống, thì ta có cụm từ di cư, cũng theo bộ từ điển Hoàng Phê, "Di cư - Dời đến ở một miền hay một nước khác để sinh sống, ví dụ Di cư vào miền Nam, di cư sang Mĩ".  Và ta có cả các cụm từ di trú, di dân nữa.

Mà nếu bạn cho rằng di thực là di cư, xin bạn viết cả chữ Hán lẫn phân tích để mình rõ.

****
6. Chương 2 (trang 22 PDF) "Tóm lại, đây không phải là một ảnh hưởng đơn giản mà theo tất cả sức mạnh của từ đó chính là một cuộc xâm thực thật sự".

Bản tiếng Anh (trang 35 PDF) "In short, it was not a question of a simple influence but, in the full meaning of the term, a true colonization."

Bạn nghĩ sao về câu dịch này ?  Bạn có nghĩa sự dịch "in the full meaning of the term" qua tiếng Việt "theo tất cả sức mạnh của từ đó" là đúng câu cú tiếng Việt nước ta không ?

Và từ khi nào mà cụm từ colonization lại được biết là "xâm thực" nhỉ ? Mình tra từ điển Hoàng Phê thì lại thấy có chép là "Xâm thực - như xói mòn - (hiện tượng) làm hủy hoại dần dần lớp đất đá trên mặt đất do tác dụng của dòng nước chảy, của sức gió".  Nên chắc cụm từ xâm thực này dùng chỉ cho hiện tượng tự nhiên hoặc hiện tượng xấu hay có hại gì đó như vi khuẩn chẳng hạn, chứ không thể nào chỉ cho sự colonization chung chung của loài người bạn nhỉ ? 

Chuyện gì đã xảy ra với danh từ "thực dân" ta thường dùng ? Hay là do vì các sử gia chế độ đương thời đã cả trăm năm nay trét bùn lên cụm từ "thực dân" nên thành ra bản thân học giả Việt Nam ngày nay không dám dùng từ "thực dân" nữa ?

Mà colonization đáng ra phải là sự thực dân hóa đúng không bạn ?  

Và không hiểu các sử gia Việt Nam có dịch sự colonization của người Anh trên đất Mỹ ngày nay là sự "xâm thực" không ? Và cuộc Nam Tiến của người Việt từ miền Bắc xuống miền Trung và miền Nam Việt Nam có là sự "xâm thực" không nhỉ ? Hay ta có thể viết là "người Việt nào cũng tự hào cho sự xâm thực từ Bắc vào Nam trong lịch sử giữ và dựng nước của dân tộc mình" không nhỉ ? 

Mà hình như chữ "xâm" hơi nhạy cảm đúng không bạn ?  Vì khi đọc chữ xâm, ta lại nghĩ đến sự xâm lăng, xâm chiếm.  Và nếu ta ngại dùng cụm từ xâm thực cho việc Nam Tiến trong lịch sử Việt Nam, thì tại sao vị dịch giả này cho phép mình dùng cụm từ xâm thực để chỉ cho sự Indianization trong khu vực Đông Nam Á nhỉ ? 

****
7.  Chương 3 (trang 47 PDF) "Lâm Ấp là một nước Champa, đi vào lịch sử vào hồi cuối thế kỉ thứ II"

Bản tiếng Anh (trang 62 PDF) "Lin-yi was the first center of the Cham country, which enters into history at the end of the second century."

Bạn thấy đó, bản tiếng Anh viết rằng "Lâm Ấp là một trung tâm đầu tiên của nước Champa", chứ đâu có Lâm Ấp là một nước Champa bạn nhỉ ?

****
8.  Chương 3 (trang 47 PDF) "Hình như Lâm Ấp “Kinh đô Lâm” là chữ Tượng Lâm Ấp “Kinh đô của Tượng Lâm” viết tắt".

Bản tiếng Anh (trang 62 PDF) "At first it was thought that Lin-yi, "the capital Lin," was an abbreviation of Hsiang-lin-yi, "the capital of Hsiang-lin," but one scholar has proposed more recently that it is an ethnic name."

Đoạn dịch này thiếu đoạn "but one scholar has proposed more recently that it is an ethnic name" hơi quan trọng đúng không bạn ?

****
9.  Chương 3 (trang 47 PDF) "Sự sáng lập ra vương quốc Lâm Ấp năm 192 còn xảy ra sau âm mưu của Tượng Lâm nửa thế kỉ trước vào năm 137 do một toán độ 1.000 rợ ở phương nam bên kia biên giới Nhật Nam lại, tên nó là Khu Liên, viết bằng nhiều chữ khác nhau, không có lẽ là sự phân ly tên của người sáng lập ra Lâm Ấp."

Bản tiếng Anh (trang 62 PDF) "The creation of the kingdom of Lin-yi in 192 had been preceded a half-century before, in 137, by a first attempt to invade Hsianglin by a band of about a thousand barbarians from beyond the frontiers of Jih-nan; their name Ch'ü-Iien, although written with different characters, can scarcely be dissociated from that of the founder of Lin-yi."

Bạn thấy đó, bản tiếng Anh khi dịch thoát đoạn liên quan là "tên nhóm rợ ấy là "Khu Liên", mặc dù tên này được viết bằng các chữ khác nhau, người ta không thể tách rời sự liên hệ giữa tên nhóm "Khu Liên" này và tên "Khu Liên" của người sáng lập ra vương quốc Lâm Ấp."

Còn sự dịch "tên nó là Khu Liên, viết bằng nhiều chữ khác nhau, không có lẽ là sự phân ly tên của người sáng lập ra Lâm Ấp" thì thật là sự dịch từ Google (và mình nghĩ là dịch giả đã dùng Google để dịch).

****
10.  Chương 3 (trang 47 PDf) "Mặc dù thế nào, gần như chắc chắn rằng, “những rợ ở bên kia biên giới Nhật Nam” là những người Champa, nếu họ chưa Ấn Độ hóa thì cũng sắp sửa. Quảng

Bản tiếng Anh (trang 63 PDF) "In any case, it is almost certain that these "barbarians from beyond the frontiers of Jih-nan" were, if not all Chams, at least Indonesians who, if they were not already Indianized, soon became so."

Mà bạn thấy đó, dịch giả đã xóa phần rất quan trọng tức là "if not all Chams, at least Indonesians" tức là"nếu không phải tất cả là người Chàm, ít nhất là người Nam Dương".  Vậy ở đây, chắc là tác giả George Cœdès đang muốn viết về sự có mặt của người Mã Lai ở xứ Chàm, đúng không bạn ?  Một giả thuyết rất đáng suy gẫm đấy chứ.

Còn khi qua tay vị dịch giả này, thì phần "ít nhất là người Nam Dương" đã bị xóa.

****

Và mình để ý, là quyển sách tiếng Anh dày 432 trang, còn quyển sách dịch tiếng Việt dày 241 trang, nên rất có thể quyển dịch tiếng Việt không hề là quyển dịch lại của quyển của học giả George Cœdès, mà chỉ dịch đoạn nào cần dịch.  Nhưng điều này lại nêu ra 1 vấn đề khá nhạy cảm, đó là bạn mà có đọc bản dịch tiếng Việt trên, là bạn đang đọc một quyển sách tuyên truyền "rác hóa" qua sự dịch bậy và thiếu, hay là bạn thật sự cầm trên tay một quyển sách quý về khảo cổ và sử học thế giới ?

Nên nếu đây là bản dịch của thầy Nguyễn Thừa Hỷ, thì đó là sự xuống cấp thêm một bậc nữa của trình độ Anh ngữ lẫn Việt ngữ của thầy.  

Còn nếu đây là bản do quý vị nào đó dịch, thì bạn tìm luôn tên vị dịch giả này để mình đọc các sách dịch của vị này và cho bạn biết là vị này có dịch bậy hay không.

Còn nếu bạn biết bản tiếng Anh mình nêu trên không hề giống bản tiếng Pháp hoặc ví dụ các phiên bản trước đó, thì xin bạn cho mình biết là từ bản nào mà bản dịch tiếng Việt này đã dùng để dịch.

Vì tất cả chúng ta đều là người Việt, và ta có quyền đòi hỏi các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu Việt Nam gì đó, lẫn các trường đại học gì đấy bên Việt Nam, khi dịch một quyển sách, họ cần hiểu là họ có đủ trình độ để dịch không.  Vì chúng ta đã ở thế kỷ 21, chứ không còn ở thời bán khai bình dân học vụ nữa.  

Vì rất có thể, để tranh luận với thế giới, trước nhất, chúng ta cần các bản dịch đúng và đủ, để ta có một kiến thức vững vàng, chứ không đọc các tác phẩm dịch thuật ba xí ba tú, rồi ra thế giới, người ta lại cười người Việt mình hiểu sai cả các kiến thức thông thường về lịch sử thế giới bạn ạ.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có, mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian

P.S: Và bạn để ý là phần giới thiệu của bản dịch hoàn toàn giống đến 90% bản tiếng Anh.  Nhưng đáng sợ là ngay trong trang 1 bản tiếng Anh viết là "The geographic area here called "Farther India" consists of ... and northern Vietnam, whose history developed outside Indian influence.", có nghĩa là vùng địa lý được gọi là Viễn Ấn ... và ngoại trừ miền Bắc Việt Nam, là vùng mà lịch sử đã phát triển ngoài tầm ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ.

Còn trong bản dịch, thì dịch giả đã tự động bỏ luôn vào cụm từ "Bắc kỳ và Bắc trung kỳ Việt Nam" trong câu dịch "trừ Bắc kỳ và Bắc trung kỳ Việt Nam là những vùng mà lịch sử đã phát triển ngoài ảnh hưởng của Ấn Độ".  Thế theo bạn, dịch giả đã muốn bạn hiểu gì về cụm từ "trừ Bắc Trung Kỳ" này ?  

Mà Bắc Trung Kỳ là ở đâu nhỉ ?  Và từ khi nào mà Northern Vietnam nên được dịch là Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ Việt Nam bạn nhỉ ?

Brian 

1 nhận xét