Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về cụm từ "nhà yêu nước" Đỗ Thúc Tĩnh

Về cụm từ "nhà yêu nước" Đỗ Thúc Tĩnh Mà mình thấy rất đáng nêu lên trong bài viết này. Trước tiên, ta không bàn đến vi...

Về cụm từ "nhà yêu nước" Đỗ Thúc Tĩnh


Mà mình thấy rất đáng nêu lên trong bài viết này.

Trước tiên, ta không bàn đến việc "lòng yêu nước" đang được áp dụng trên phương diện chính trị vì đó là thuộc việc chính trị.  Điều ta nên bàn là một độc giả khi đọc sử, vị độc giả ấy nên hiểu khái niệm lòng yêu nước ra sao.  Ta lấy trường hợp ngài Đỗ Thúc Tĩnh ra làm ví dụ để phân tích xem sao.  Vì sắp đến, sẽ có cuộc hội thảo khoa học về nhà yêu nước Đỗ Thúc Tĩnh đấy bạn ạ.

Trước tiên, nếu một vị văn quan như ngài Đỗ Thúc Tĩnh thời vua Tự Đức có tiếng là một vị quan thương dân (vùng Khánh Hòa ngày nay), thì sự thương dân ấy có là lòng yêu nước không ?  Hoàn toàn KHÔNG bạn ạ.   Tại sao lại là không ?  Vì thương dân và lo cho dân nơi vị quan quản lý là trách nhiệm tối thiểu của một vị quan ấy.  Mà thực hành đúng với trách nhiệm tối thiểu mà vị quan được giao cho thì đã có gì mà phải khen là yêu nước bạn nhỉ ?

Thứ đến, nếu bạn đọc kỹ trong Đại Nam Thực Lục, thì sự "Tri phủ phủ Diên Khánh là Đỗ Thúc Tĩnh được thăng thự Ngự sử đạo Định Yên, dân hạt ấy giữ Tĩnh lưu lại. Chuẩn cho Tĩnh đổi thăng thự Thị độc, vẫn lĩnh Tri phủ phủ ấy." là điều ta nên đặt lại dấu chấm hỏi rất lớn về lòng yêu nước của ngài Đỗ Thúc Tĩnh.  Tại sao ?

Vì với việc được thăng chức Ngự Sử đạo Định Yên, đây chính là dịp cho ngài Đỗ Thúc Tĩnh trực tiếp xem xét việc đúng sai của các quan ở vùng Nam Định / Hưng Yên đấy chứ.  Mà nếu ta đọc sử, ta đều biết là thời vua Tự Đức, giặc ngoài Bắc nổi lên như ong vỡ tổ.  Nên đáng lẽ, được thăng chức Ngự Sử là ngài Đỗ Thúc Tĩnh đã có thể đem tài kinh bang tế thế của ngài ra giúp vua và triều đình trị tận gốc việc loạn ngoài Bắc, góp phần giúp lịch sử nước ta sang trang khác.  Nhưng ngài Đỗ Thúc Tĩnh lại không làm được vậy, ngài cũng không thuyết phục được người dân Diên Khánh về điều lợi to lớn cho đất nước này, mà ngài vẫn tiếp tục làm tri phủ vùng Diên Khánh là nơi mà, xin lỗi bạn, không có gì đáng để ý trong thời vua Tự Đức cả.  Biết đâu khi ngài ra làm ngự sử đạo Định Yên năm 1854, thì trong vòng 6 năm, tức là từ năm 1854 đến năm 1860, ngài đã dẹp những việc nhũng nhiễu của quan lại, giúp người dân ngoài ấy được sống yên vui và thỏa mãn, mà không làm loạn nữa.  Mà nếu không có các vụ lộn xộn ngoài Bắc, thì rất có thể, triều Nguyễn đã không ký hiệp ước 1862 vì ta đều biết, một trong những nguyên nhân triều đình ký hiệp ước 1862 do muốn dồn hết sức vào việc dẹp loạn ngoài Bắc mà, đúng không bạn ?  Nên khi ta xem vào việc lợi nhỏ, tức là việc ngài Đỗ Thúc Tĩnh ở lại làm tri phủ phủ Diên Khánh, so với cái hại lớn, tất là ngài bỏ qua cơ hội giúp triều đình trấn an ngoài Bắc, thì theo bạn, khi đem lên cán cân lịch sử, ngài Đỗ Thúc Tĩnh có là nhà yêu nước không ?  Hay chỉ là một nho sĩ chỉ biết lợi nhỏ cho danh phận của mình, cho cái xứ Khánh Hòa của mình, mà quên cả việc to lớn của quốc gia ?  Nên tại sao bạn nghĩ bạn nên khen quyết định ngài từ chối làm quan Ngự sử đạo Định Yên, và an phận ở lại làm Tri phủ phủ Diên Khánh là yêu nước và thương dân ? 

Rồi nữa, khi mà một vị Bố Chánh sứ đứng đầu một tỉnh như ngài Đỗ Thúc Tĩnh, tức là đã thuộc hàng Văn giai Chánh Tam phẩm, là một phẩm cao trong quan chế triều Nguyễn, mà chỉ được xung chức "Khâm sai quân vụ" và được giao trách nhiệm, mình xin trích Đại Nam Thực Lục, "Đỗ Thúc Tĩnh thì cho đem tờ dụ Chỉ đi ngựa trạm đến ngay các tỉnh Long, Tường, An, Hà, tuyên bảo sĩ dân các tỉnh chiêu mộ nghĩa dõng", thì nó cho thấy ngài không hề có một kế sách gì dâng lên triều đình trước khi xin đi đánh giặc cả.  Ngài được vua Tự Đức khen ở lòng hăng hái, bỏ cả tỉnh mình mà đi giúp việc đánh Pháp.  Nhưng một vị Bố Chánh sứ đứng đầu tỉnh, mà sử lại không hề cho biết, là ngài có phân tích kỹ càng thời ấy người Pháp mạnh yếu ra sao, và ngài nêu lên suy nghĩ khi đầu quân mình muốn làm nhiệm vụ gì, và đã làm được gì cho công cuộc chống Pháp, thì sự yêu nước của ngài nó có khác gì về sự lao vào lửa của con thiêu thân đâu, bạn nhỉ ?  Vâng, ngài rất yêu nước nhưng ngài lại không hề được sử chép lại gì cả về các kế sách yêu nước, mà sử lại tả ngài giống như một cán bộ ban Tuyên Giáo ngày nay.  Mà đã từ bao giờ mà một vị quan đầu tỉnh đi đánh giặc mà lại nhận nhiệm vụ chỉ là cán bộ ban Tuyên Giáo nhỉ ?  Có phải vì vậy mà quân Việt ta thua hoài trong cộng cuộc đánh giữ miền Nam chống Pháp thời bấy giờ, vì lúc này triều đình ta có rất nhiều cán bộ Tuyên Giáo như ngài Đỗ Thúc Tĩnh, nhưng lại ít người có thực tài lẫn có kế sách chống Pháp thực tiễn chăng ?

Sau lại, cùng với ngài Đỗ Quang giữ Gia Định, ngài Đỗ Thúc Tĩnh giữ Định Tường.  Hai vị giữ ra sao mà khi Tây đánh thành Biên Hòa lại lấy luôn không quá khó.  Theo Đại Nam Thực Lục "Người Tây dương đánh lui quân thứ Biên Hòa, vào chiếm đóng tỉnh thành. Từ khi Nguyễn Bá Nghi khâm sai thống lĩnh quân vụ, đóng ở bên tả tỉnh thành Biên Hòa (xứ Tân Lại) để bảo viện cho tỉnh thành, lấy xứ Thạch Hãn thuộc về phận sông Long Đại làm nơi phòng thủ cốt yếu, lấy hạt phủ Phước Tuy làm đường vận lương, quan báo cho các tỉnh Gia Định, Định Tường cùng làm thanh viện với nhau. Đã đến 7 - 8 tháng nay tâu báo hơn 10 lần. Vua đã thăm hỏi các lời bàn của đình thần, nhiều lần huấn dụ rằng : cốt yếu lấy sự hòa, hiếu làm quyền nghi tạm thời, mà đánh giữ làm thực vụ. Thế mà ý riêng của Bá Nghi chủ ở giảng hòa, không sửa sang việc phòng thủ. Kịp khi người Tây dương động quân mới xin đòi gọi binh lính. Đến đây, quân Tây dương dùng thuyền quân chặn đóng con đường ở Gia Định, Định Tường đi đến ; lại đánh giữ 2 cửa biển Cần Giờ và Phước Thắng, luôn mấy ngày đánh phá vào xứ Thạch Hãn (các ngày 15, 16) quân thứ lui giữ phủ Phước Tuy. Thuyền quân của Tây dương nhân nước triều thẳng tiến đến tỉnh thành (ngày 17) dùng súng lớn bắn phá vào thành. Tỉnh thần và bọn Nguyễn Đức Hoan (Tuần phủ), Lê Khắc Cẩn (án sát, nguyên tên là Cần) thế không chống nổi cũng lùi đóng ở đồn mới Hố Nhĩ. Quân Tây dương vào chiếm lấy thành, lại tiến sát phủ Phước Tuy đánh bắn. Bá Nghi lại lùi về đóng ở phận rừng Long Kiên, Long Lập, thuộc phủ Phước Tuy. Việc tâu lên, vua nghiêm trách các quan ở quân thứ và ở tỉnh, rồi gia ơn cho cách lưu, để mưu báo hiệu sau này.".  Thế quân của ngài Đỗ Thúc Tĩnh và ngài Đỗ Quang đâu ? Chiêu dũng ra sao mà quân Pháp lại chẹn cả đường đi đến mà sử không hề viết lại được gì về việc này cả ?  Việc mất thành Biên Hòa này nghiêm trọng đến nỗi vua Tự Đức nghe theo lời khuyên của triều đình phục hồi chức tước ngài Nguyễn Tri Phương và cựu tổng đốc Định Tường là Nguyễn Công Nhàn để đem quân vào Nam đánh Tây, chứ không hề thăng chức ngài Đỗ Thúc Tĩnh làm lãnh đạo chống Tây cả.  Chắc là khi ấy, triều đình cần người võ tướng, có kế đánh giặc hơn là quan tuyên truyền, đúng không bạn ? 

Nên rất có thể, trong cuộc đấu tranh chống Pháp, lòng yêu nước của ngài Đỗ Thúc Tĩnh cần được giới hạn trong sự hăng hái, trong việc ngài giúp triều đình tuyên truyền chống giặc, chỉ vậy.  Mà nếu đúng là vậy, thì khi độc giả tách sự chăn dân của ngài lúc còn làm quan ở Khánh Hòa ra, thì sự yêu nước của ngài Đỗ Thúc Tĩnh khá là mờ nhạt, hoặc mình nói bạn đừng cười, chả có gì đáng nổi bật để mà làm gương cho người đời sau học theo cả.  Ngài có thật sự giúp gì cho việc đánh Pháp không thì ta cần tìm xem thêm dữ liệu, vì theo sử, vai trò của ngài ở miền Nam là tuyên truyền, là một chút gì đó ở vai trò hậu cần hơn là đánh Tây và có kế sách đánh Tây.  Ngài chỉ được nhắc đến qua lời khen của vua Tự Đức, qua sự chiêu dũng nào đó, nhưng sự ấy ra sao thì ta, người đọc sử, hoàn toàn không biết.  Ngài chỉ như một cái chấm rất mờ trong công cuộc chống Pháp và giữ nước của người Việt ta thời bấy giờ.

Nên khi mà, hội thảo khoa học năm 2018 lại đặt ra tiêu đề "nhà yêu nước" Đỗ Thúc Tĩnh rồi cả tiêu chí là muốn các bạn trẻ học tánh yêu nước của ngài Đỗ Thúc Tĩnh, thì không hiểu họ muốn người trẻ học gì ở đây ?  Vì:

1. Việc ngài Đỗ Thúc Tĩnh thương dân khi làm quan ở Khánh Hòa chưa bao giờ là yêu nước cả bạn ạ.  Nếu đó là sự yêu nước, thì thời xưa và nay, 90% quan lại lẫn cán bộ từ phường đến Trung Ương đều yêu nước cả.

2. Việc ngài Đỗ Thúc Tĩnh không ra làm ngự sử ngoài Bắc có thể là một trong những nguyên do làm cho các cuộc nổi loạn ngoài Bắc vỡ mạnh hơn, vì biết đâu người có tài kinh bang tế thế như ngài, ra Bắc 6 năm giúp dân sống yên ổn, dẹp yên các vụ loạn lạc, thì triều đình đã không phải lo bận tâm mà ký kết hiệp ước 1862 để tập trung dẹp loạn ngoài Bắc, và lịch sử nước ta đã sang một trang rất khác.

2. Sự hăng hái tình nguyện đi đánh giặc của ngài Đỗ Thúc Tĩnh đúng là sự yêu nước, nhưng một vị quan đứng đầu 1 tỉnh, mà tình nguyện đi, nhưng lại không có cả kế sách, mà chỉ đi làm việc tuyên truyền, thì mình đồ, việc ấy là không đáng khen bạn ạ, vì một người dân hoặc cán bộ hạng thấp cũng đi làm được việc tuyên truyền này.  Triều đình mượn tiếng to của ngài để tuyên truyền cho sự đánh giặc mà thôi.  Mà ta xem lại nữa, là ngài sau này đủ dũng cảm để đi làm việc tuyên truyền, mà trước đó lại không ra làm Ngự sử ngoài Bắc để giúp dân sống yên ổn, thì một người trẻ có nên bắt chước cho sự yêu nước kỳ cục này không ?

3. Và khi mà ta tách sự chăn dân của ngài ở Khánh Hòa, ra khỏi việc ngài vào Nam chống Pháp, thì các hành động yêu nước của ngài lúc ở miền Nam rất mờ nhạt, đúng không bạn ?

Vậy, một người đọc sử, khi đọc về hành trạng ngài Đỗ Thúc Tĩnh, sẽ thương ngài là một vị quan chăn dân đúng mẫu mực của người quan lại xưa, và ngài đúng là một vị quan cần cán công liêm rất đáng học hỏi.  Nhưng sự yêu nước của ngài, nếu có tán tụng, hãy tán tụng cho đúng với việc ngài làm, tức là chỉ giới hạn vào sự tự nguyện vào Nam của ngài, lẫn việc ngài chấp nhận làm người tuyên truyền (e.g: cán bộ ban Tuyên Giáo), chứ xin đừng đem cả việc ngài chăn dân ra để lẫn lộn vào cả việc tuyên truyền, và tán tụng lên là ngài rất yêu nước.  Không bạn ạ, chăn dân chưa bao giờ là yêu nước cả.

Mà nếu đúng là ta chỉ giới hạn sự yêu nước của ngài Đỗ Thúc Tĩnh vào các điều trên (e.g: tự nguyện / làm người tuyên truyền), thì nếu có vị tiến sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu nào mà viết trong bản Kỷ Yếu về, nào là ngài chăn dân rất giỏi, nào là ngài còn được ghi lại trong văn bia làng Ngọc Hội nào đó, tức là viết về giai đoạn trước khi ngài vào Nam, để ca tụng ngài Đỗ Thúc Tĩnh là nhà yêu nước, là bậy và dốt đấy bạn ạ.  Vì thời gian ngài làm quan ở Khánh Hòa, thời gian ấy chưa bao giờ có gì để mà người ta có thể dùng để khẳng định lòng yêu nước của ngài cả.  Và bạn để ý luôn, là nếu các tác giả này không thể viết về thời gian ngài làm quan ở Khánh Hòa, họ chắc chắn chả viết được gì về sự yêu nước của ngài Đỗ Thúc Tĩnh, vì có sử liệu đâu mà để viết ra thành cả một tập kỷ yếu về lòng yêu nước của ngài Đỗ Thúc Tĩnh.

Nên nếu bạn có đọc tập kỷ yếu sẽ được in về "nhà yêu nước" Đỗ Thúc Tĩnh, mà thấy có bài nào tác giả lấy việc ngài Đỗ Thúc Tĩnh làm quan ở Khánh Hòa gắn vào, rồi tán hươu tán vượn về lòng yêu nước, bạn cứ cười vào mặt các tiến sĩ ấy.  Vì bạn biết các tiến sĩ ấy không đủ sử liệu, nên vơ bậy trách nhiệm tối thiểu của một vị quan chăn dân của ngài ở Khánh Hòa ra làm cái nền yêu nước đấy .  

Mà bạn biết rõ, là từ xưa đến nay, yêu nước mà lại phải dùng đến việc chăn dân để làm nền, thì ta có nên đặt lại cho sự yêu nước ấy không nhỉ ? 

Vì như vậy, mình người Mỹ, cũng đáng gọi là "nhà yêu nước", và mình đã từng quản lý, nâng đỡ các nhân viên Việt Nam khi xưa làm tại Việt Nam.

Vì như vậy, cô hàng bán dạo, cũng đáng gọi là "nhà yêu nước", vì cô đã vì sự tiện lợi của người dân, khỏi đi đâu xa, cứ gánh hàng đến bán trước cửa nhà từng người.
Và dĩ nhiên luôn, nếu một chú móc cống ở Việt Nam, để người dân nơi ấy không bị tình trạng cống ngập, thì càng là "nhà yêu nước" hơn nữa.

Mà nếu vậy, thì thiên hạ, ai ai cũng là "nhà yêu nước" cả, đúng không bạn ?  Chắc chỉ có ngoại trừ ngài Trần Ích Tắc không là nhà yêu nước thôi bạn nhỉ ? 

Mời bạn đọc và cứ tự nhiên phản luận.

Brian

Không có nhận xét nào