(Thời Sự Ngày Mai thu ngày 17 phát hình trên SBTN tối 20) Vladimir này chẳng khác gì Vladimir kia KN: Kim Nhung xin kính chào quý ...
(Thời Sự Ngày Mai thu ngày 17 phát hình trên SBTN tối 20)
Vladimir này chẳng khác gì Vladimir kia |
KN 1: Trong chương trình hôm nay, Kim Nhung xin đề cập tới Liên bang Nga, nơi mà cuộc bầu cử ngày 18 lại đưa Vladimir Putin làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ sáu năm, khiến ông là lãnh tụ cầm quyền từ năm 2000 tới 2024, gần một phần tư thế kỷ, chỉ thua Stalin là người lãnh đạo Liên Xô từ năm 1925 tới 1953. Câu hỏi được nêu ra là tại sao nắm chiến thắng trong tay, Putin vẫn có hành động gian hùng, thậm chí ác độc như vụ mưu át một điệp viên hai mang người Nga và con gái đang sống tại Vương quốc Anh? Vụ sát hại với chất độc hóa học Novichok khiến Thủ tướng Anh Theresa May phản ứng dữ dội và bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kết án tại phiên họp bất thường tuần qua. Theo dõi chuyện này, ông cho rằng khán thính giả của chúng ta nên thấy ra những gì và thời sự ngày mai sẽ là gì?
NXN 1: - Thời sự của một quốc gia có lãnh thổ bát ngát, trải rộng trên 17 triệu cây số vuông ngang đại lục Âu-Á không là mỳ ăn liền sẽ nuốt sạch trong 10 phút. Với người nóng ruột, tôi cho là vụ bầu cử và ám sát liên quan tới nhau nên xin giải thích qua phần bối cảnh. Chúng ta sống trong một thế giới chuyển động quá mau nên ai cũng muốn biết về mọi chuyện mà ít hiểu tại sao chuyện đó xảy ra và sẽ có hậu quả thế nào. Chưa kể là sau khi hai cha con bị mưu sát hôm mùng bốn thì hôm 12, một doanh gia người Nga lại bị bóp cổ chết gần thủ đô London của Vương quốc Anh. Ông ta sống lưu vong từ năm 2010 và công khai đả kích Putin.
KN 2: Như vậy, Kim Nhung xin đề nghị ông tình bày về bối cảnh trước, sau đó mới hỏi ông về sự việc và hậu quả là chuyện của thời sự ngày mai.
NXN 2: - Nói về bối cảnh xa, nước Nga có nhược điểm bẩm sinh là lãnh thổ bát ngát với rất nhiều tài nguyên thiên nhiên mà lại khó vận chuyển người và vật, là điều Hoa Kỳ không gặp nhờ địa dư vuông vức với mạng lưới sông ngòi đan kết ở khu vực trung tâm. Vì điều kiện địa dư hình thể ấy, lại chưa hề có nền móng dân chủ, Nga áp dụng chế độ tập quyền, nói nôm na là độc tài. Lần duy nhất họ thử nghiệm dân chủ là sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nhưng loạn lạc và tham nhũng thời Tổng thống Boris Yeltsin đưa Putin lên cầm quyền để tạm có ổn định.
- Sau gần 20 năm lãnh đạo, Putin nắm chắc nhiệm kỳ thứ tư, trước sự uể oải của dân chúng. Ông cần dân đi bầu đông đảo qua “Chiến dịch 70/70” - là 70% dân đi bầu và 70% cử tri bầu cho mình - để có chính danh bên trong và với thế giới bên ngoài khi số người tham gia bầu cử cứ giảm dần từ năm 2008.
KN 3: Quả là chuyện ly kỳ vì Putin không có đối lập trước sự thờ ơ của dân Nga. Thưa ông, đó là một phần của bối cảnh, ngoài ra, ông còn thấy gì khác nữa?
NXN 3: - Vẫn về bối cảnh, Putin có ba bài toán nan giải. Thứ nhất, về nhân khẩu hay dân số học, sắc dân Nga co cụm trước sự bành trướng của dân Hồi giáo nên mâu thuẫn sắc tộc gia tăng, mà một phần ba dân chúng lại sinh sau thời Xô viết và chẳng biết gì về công lao ổn định của Putin. Giới trẻ ham vui với phương tiện thông tin như “mạng xã hội” thì mê Putin nhưng lười đi bầu và cũng muốn chính trường thay đổi. Thay đổi thế nào?
- Thứ hai là bài toán kinh tế khi công quỹ cạn kiệt, một phần ba số ngân hàng phá sản và người dân nghèo hơn sau ba năm suy trầm từ 2014 tới 2017 vì dầu thô sụt giá và bị chế độ cấm vận sau khi Putin thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine. Để lay động lòng ái quốc Putin đưa quân vào Syria từ năm 2015 mà chưa có kết quả. Việc can thiệp vào bầu tử tại Mỹ và Âu Châu cũng để tuyên truyền về “thế lực” của Nga nhưng không khỏa lấp được sự lầm than của dân chúng, khi năm triệu người sống dưới mức bần cùng và phân nửa dân số bị cắt lương hay mất hưu liễm.
- Bài toán thứ ba còn khó hơn. Dù lãnh đạo thêm sáu năm, Putin cũng biết ông chẳng thể sống mãi mà phải chuẩn bị cho thời “hậu-Putin”. Nhưng làm sao xây dựng đối lập sau nhiều năm thâu tóm quyền lực? Và trào lưu chống đối mạnh nhất hiện nay không là tả hữu, cộng sản hay tự do - với hai ứng cử viên của hai đảng cộng sản và một đảng đề cao kinh tế thị trường - mà là phản đối nạn tham ô chính trị. Nhân vật lãnh đạo phong trào chống tham ô này thì bị cấm không được ra tranh cử. Và các nhân vật chuyên môn ở tuổi 30-40 Putin đưa vào nội các có kịp cải thiện được hệ thống chính trị không? Mọi lãnh tụ cầm quyền quá lâu đều thừa thủ đoạn bảo vệ quyền bính, nhưng trao lại quyền lực cho thế hệ sau lại là một bài toán khác mà Putin không có đáp số!
KN 4: Câu hỏi cuối của Kim Nhung về bối cảnh trước khi chúng ta bước qua phần hai về vụ đầu độc tại Vương quốc Anh, thưa ông Nghĩa, thế lực quốc tế của Liên bang Nga dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin là gì?
NXN 4: - Trước hết, với dân Nga, chuyện ấy là “Cất Còng”, là cóc cần! Họ cần cái thực trong đời sống hàng ngày hơn cái hư của “thế lực quốc tế”. Putin cố tìm thế lực đã mất của Liên Xô khi tấn công Georgia năm 2008 và Ukraine năm 2014 để tái lập vùng trái độn quân sự, rồi khi tung quân can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria từ năm 2015 hoặc làm thế giới la ó về việc tác động vào các cuộc đầu phiếu tại Anh, Mỹ, Pháp, Đức, v.v…
- Nhưng đó là ảo giác quốc tế được báo chí Âu-Mỹ thổi phồng chứ không làm thay đổi cục diện bên trong nước Nga. Đừng quên rằng Liên Xô có thế lực gấp bội từ Âu qua Á tới Trung Đông, mà vẫn tự sụp đổ. Có lẽ Putin hiểu ra bài toán sinh tử: khi dân hết tin vào hệ thống chính trị thì có “Cách Mạng Tháng 10” năm 1917. Hoặc sau khi Leonid Brezhnev bành trướng trên một xứ kiệt quệ thì dù có giỏi về tình báo như Yuri Andropov hay tiến bộ như Mikhail Gorbachev cũng chẳng cứu vãn nổi tình hình. Vì vậy, Putin đang sợ hai chuyện, là sự thờ ơ của quần chúng trong cuộc bầu cử nên vận động đầu phiếu bằng nhạc rock và ca hát! Thứ hai là sự bất mãn của người dân sau bầu cử! Putin chuẩn bị thời “Hậu-Putin” để tránh một cuộc cách mạng!
KN: Quý KTG thấy ông Nghĩa ưa ví von mà nêu ra nhiều nghịch lý. Putin cho chơi nhạc rock để khích động giới trẻ đi bầu mà vẫn sợ một cuộc cách mạng sau khi ông tái đắc cử! Qua phần hai, chúng ta tìm hiểu tiếp về ám khí Novichok được sử dụng để giết cha con ông Skripal khiến cho khối Tây phương nổi giận. Xin quý vị đừng rời màn ảnh.
Thông tin Thương mại.
KN: Qua phần hai của tiết mục Thời Sự Ngày Mai với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa, chúng ta tìm hiểu vụ điệp viên hai mang của Nga là Sergey Skripal và con gái bị đầu độc trong Vương quốc Anh bằng chất hóa học gọi là Novichok khiến Thủ tướng Theresa May ra lệnh trục xuất 23 điệp viên Nga ngụy danh nhân viên ngoại giao và các nước đồng minh của Anh như Pháp Đức Mỹ đều ủng hộ quyết định này trong phiên họp bất thường của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chuyện ấy xảy ra chưa đầy một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống tại Nga nên làm dư luận kinh ngạc, nhất là khi Chính quyền Trump cũng định trừng phạt Nga vì can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và còn phá hoại mạng lưới điện của Mỹ!
KN 5: Thưa ông Nghĩa, nội vụ là thế nào và hậu quả sẽ là gì khi quan hệ giữa Liên bang Nga với Tây phương lại căng thẳng như vào thời Chiến tranh lạnh?
NXN 5: - Chiều Chủ Nhật mùng bốn, tại thị trấn Salisbury ở vùng Đông-Nam của Anh, có hai cha con gục ngã như vì ghiền ma túy. Sau đó, người ta mới biết sự việc. Người cha, Sergei Skripal, 66 tuổi, là cựu đại tá quân báo Nga sau bị cơ quan phản gián MI6 của Anh xoay ngược tại xứ Tây Ban Nha thành điệp viên của Anh sau khi Liên Xô tan ra. Bị Nga phát giác và cầm tù năm 2004, ông được qua Anh năm 2010 trong một vụ trao đổi gián điệp giữa hai nước. Cô con gái Julia 33 tuổi là người Nga, vừa qua thăm cha thì bị họa lây. Hai người bị đầu độc bằng hóa chất làm hư não bộ, tên là Novichok, là “Sản phẩm mới” theo tiếng Nga,do Liên Xô chế tạo vào thời Chiến tranh lạnh chừng 50 năm trước. Vì chỉ có Nga mới dùng sản phẩm đó nên Chính quyền Anh trực tiếp tố cáo và có phản ứng rất mạnh với hậu thuẫn của các đồng minh trong hệ thống NATO, như Pháp, Đức và Mỹ.
KN 6: Nhưng vì sao đã thả điệp viên hai mang từ năm 2010, ngày nay Nga lại ra tay sát hại và gây phản ứng như vậy?
NXN 6: - Tôi trộm nghĩ tới ba lý do. Thứ nhất là trả thù, thứ hai là khủng bố và thứ ba là khơi dậy tinh thần ái quốc của dân Nga. Gốc là sĩ quan mật vụ KGB, Putin quan tâm đến tình báo và tận dụng võ khí này. Trong khối Tây phương, Vương quốc Anh có vị trí đặc biệt là một trung tâm tài chánh lâu đời và là nơi mà các tài phiệt thân hay chống Putin thường qua sinh sống và chuyển tiền. Việc Putin cho theo dõi và ám sát các phần tử đối lập sống tại Anh quốc như tỷ phú Boris Berezovky, nhà báo Anna Politkovskaya hay cựu điệp viên Alexander Litvinenko là điều ai cũng biết, cho nên phản gián Anh mới xâm nhập bộ máy gián điệp Nga để bảo vệ an ninh của mình.
- Đáng chú ý là cách giết người bằng chất độc tinh vi chỉ có Nga sản xuất nên dễ bị lộ diện. Hóa ra, không chỉ muốn trả thù đối lập, chế độ Putin còn muốn khủng bố bộ máy an ninh của mình để không ai dám phản nữa, nhưng lại không che giấu tội ác chính là để biểu dương khí thế cho dân Nga thấy là dù bị quốc tế bao vây cô lập, Putin vẫn không sợ! Thời Xô Viết, ai phản đảng là bị thủ tiêu, Putin muốn bày tỏ sự văn minh nên chỉ cho cầm tù như trường hợp Sergey Skripal nhưng nay lại sợ bộ máy tình báo của mình bị biến chất nên cho lệnh ám sát để gây hãi sợ và chứng tỏ là bộ máy an ninh của Anh chẳng bảo vệ được các phần tử Putin muốn giết.
KN 7: Kim Nhung nghe thấy thì muốn nổi da gà. Chuyện này quả ly kỳ hơn truyện trinh thám gián điệp nữa. Nhưng rồi đây thì sẽ ra sao?
NXN 7: - Thủ tướng Anh phải làm dữ vì khi là Bộ trưởng Nội vụ, bà không phản ứng mạnh lúc Alexander Litvinenko bị đầu độc bằng chất phóng xạ Polonium 210 của Nga vào năm 2006. Lần này, chính an ninh của Anh bị đe dọa và khối Tây phương cũng thế nên mới có biện pháp đồng loạt trả đũa. Chính quyền Trump mang tiếng thân Nga trong khi ráo riết đả kích chế độ Syria dùng võ khí hóa học giết dân lành nên càng phải nhảy vào cuộc sau vụ võ khí hóa học này và hài thêm nhiều tội khác nữa như can thiệp vào bầu cử, tấn công không gian điện não hay cyberspace và mạng lưới điện lực của Hoa Kỳ. Từ nay, giới tài phiệt và đường dây buôn lậu hay rửa tiền của Nga bị chặn và các tài phiệt sẽ oán Putin. Ngẫu nhiên làm sao chuyện này xảy ra khi Trump chỉ định một nhân vật tình báo làm Ngoại trưởng, một kiểu ngoại giao dữ dằn. Phần mình, Putin đành chối tội và đánh võ lờ. Nhưng bước vào nhiệm kỳ mới mà lại bị ngáng cẳng khi ông ta chưa giải quyết nổi các bài toán bên trong thì ta có thể kết luận rằng sáu năm sắp tới của Putin sẽ là sáu mùa Đông lạnh giá. Quả là “thiên bất dung gian”!
KN: Như vậy, thể nào Thời Sự Ngày Mai cũng sẽ trở lại đề tài quái lạ này. Kim Nhung cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa xin hẹn quý KTG kỳ tới, cũng vào ngày giờ này.
Không có nhận xét nào