Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Bạn có chắc là anh hùng dân tộc Nguyễn Quyền là một nhân vật lịch sử có thật không ?

Bạn có chắc là anh hùng dân tộc Nguyễn Quyền là một nhân vật lịch sử có thật không ?  Ngài Nguyễn Quyền thì người mê sử Việt chắc ai cũng qu...

Bạn có chắc là anh hùng dân tộc Nguyễn Quyền là một nhân vật lịch sử có thật không ? 

Ngài Nguyễn Quyền thì người mê sử Việt chắc ai cũng quen.  Ngài nổi tiếng là một trong những nhà chí sĩ yêu nước sáng lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục, còn để lại tiếng thơm muôn đời.

Bạn nếu làm trong chính quyền tỉnh Bến Tre, chắc không lạ gì về nhà chí sĩ yêu nước này.

Bạn đọc tiểu sử ngài trên Wikipedia tại đây >> https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Quy%E1%BB%81n.

Hoặc đọc từ trang mạng của chính quyền tỉnh Bến Tre tại đây >> http://www.bentre.gov.vn/Lists/ThongTinGioiThieu/DispForm.aspx?ID=1870&ContentTypeId=0x01006B434E144EA34B09B66CBCE45AAE3E9100ED07E69696F0C8418B4DC13610D9D943.

Hoặc bạn đọc giai thoại về ngài Nguyễn Quyền trong quyển Giai Thoại Làng Nho từ trang 98.

Nhưng than ôi, khi mình tra lại sử, thì coi bộ nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Quyền này hơi bí ẩn.  Cái tên Nguyễn Quyền của ngài chưa bao giờ đúng theo điển lễ lẫn theo bộ sách liệt kê cử nhân / tú tài triều Nguyễn là bộ Quốc Triều Hương Khoa Lục cả .  

Lý do:

1. Hai chữ Hán trên Wikipedia 阮瓘 này, đọc là Nguyễn Quán, chứ không phải là Nguyễn Quyền bạn ạ.

2. Theo bộ Quốc Triều Hương Khoa Lục, chẳng có vị Cử nhân hay Tú tài nào TRONG TẤT CẢ CÁC KHOA THI có tên là Nguyễn Quyền cả.  

Và theo bảng liệt kê tên họ các vị cử nhân / tú tài, chỉ có tên gần nhất là tên ngài Nguyễn Quyến 阮綣.  Nhưng than ôi, ngài Nguyễn Quyến đậu khoa Mậu Thìn Tự Đức 21 (năm 1868) trước khi ngài Nguyễn Quyến được sinh ra vào năm 1869.

Và đáng kinh ngạc hơn, là trong khoa Tân Mão Thành Thái 3 (năm 1891), trường Hà Nam có tên sĩ tử Nguyễn Quán 阮瓘.  Vị sĩ tử này có mã số trong sách là 3969 và được chú thích là "(Cha con, anh em, bác cháu, chú cháu cùng thi đậu).  Người xã Quảng Nguyên tỉnh Hà Nội.  Con Nguyễn Bá Kỳ; cháu Nguyễn Bá Văn, Nguyễn Bá Lâm; Nguyễn Kiến.".  Nên chắc ngài Nguyễn Quán chưa bao giờ là Nguyễn Quyền, và chắc xã Quảng Nguyên nào đó ở tỉnh Hà Nội không thể là tổng Thượng Mão phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh như mạng Wikipedia chép về quê quán ngài Nguyễn Quyễn, lẫn tỉnh Hà Nội không thể là tỉnh Bắc Ninh như được chép trong Giai thoại làng Nho.

3. Đáng kinh ngạc nhất, là theo bộ Đại Nam Thực Lục, vào năm Tự Đức 14 (năm 1861), triều đình đã đặc biệt ban lệnh kỵ húy là "Vua xem bản tâu việc của bộ Binh thấy có tên Lê Tiến Hoàng, lập tức bắt đổi làm Lê Tiến Bình và sai Quốc sử quán hội đồng với quan bộ Lễ và Nội các kính kiểm ... hợp cộng ... 47 chữ, do bộ Lễ sao lục các tỉnh trong ngoài biết. Hạ lệnh cho mọi người đều cấm không được đặt tên vào những chữ ấy, nếu ai đã chót đặt tên lầm phải thì cho đổi lại (chỉ cấm người không được dùng chữ ấy mà đặt tên, cả đến chữ ĐỒNG ÂM với chữ ấy cũng không được đặt tên)." (Đại Nam Thực Lục Tập 07 - Chính Biên Đệ tứ kỷ quyển XXV tháng 11).  Trong 47 chữ này có chữ Quyền 權 (số 34).

Điều kỵ húy này còn được ghi lại rõ ràng trong bộ Chữ Húy của GS Ngô Đức Thọ Chương V trang 156 mà mình tải lên cho bạn tham khảo.

Nên có lẽ vì chữ Quyền và các chữ đồng âm đọc Quyền là chữ kỵ húy không cho đặt tên từ thời Tự Đức 14 (năm 1861), nên chẳng ai dám đặt tên Quyền cả (vì nếu có cũng phải đổi đi).  Vậy, chắc là nếu ngài Nguyễn Quyền sinh năm 1869, tức là chỉ 8 năm sau khi lệnh kỵ húy 47 chữ được ban ra, thì cha mẹ ngài có cho tiền cũng không thể nào DÁM ĐẶT TÊN ngài là Nguyễn Quyền, chứ đừng nói đến việc ngài Nguyễn Quyền dám đi thi trong các khoa thi triều đình, đậu tới Cử nhân hay Tú Tài với tên Nguyễn Quyền.  

Nên không hiểu dựa vào nguồn sử liệu nào mà các sử gia nước ta đem luôn vị Nguyễn Quyền này ra và tung hô ngài như một vị anh hùng dân tộc yêu nước thời cận đại ? 

Hay là họ dựa vào bộ Giai thoại làng Nho mà viết thêm về ngài để nước ta có thêm một vị anh hùng dân tộc Lê Văn Tám thời kháng Pháp ? 

Và làm thế nào mà cụ Huỳnh Thúc Kháng lại không biết sự kỵ húy chữ Quyền này nhỉ, để mà ông viết bài thơ có câu ca tụng "Người tỉnh Bắc Nguyễn Quyền là một" ?  Hay là tờ báo Mai nào đó hoặc cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc đã đưa câu này vào miệng cụ Huỳnh Thúc Kháng ? 

Lẫn các nhà chí sĩ yêu nước quen với ngài Nguyễn Quyền này, có học ra sao, nghe nói các cụ đều có đi thi khoa cử và đỗ cao cả, mà chẳng thấy cụ nào hỏi thử chữ Quyền này do đâu mà có ?

Hay là cái tên Nguyễn Quyền này chỉ là một cái tên cách mạng nào đó ?  

Hoặc giả ngài Nguyễn Quyền đã ngụy tạo lý lịch của mình ? 

Còn tỉnh Bến Tre thì chắc là do tỉnh là nơi ngài Nguyễn Quyền này ở cuối đời ,nên tỉnh thấy tự hào, vì vậy mà cho đăng tin về ngài Nguyễn Quyền rất kỹ trên trang mạng của tỉnh, truyền bá cho cả nước hay ngày nay chăng ?

Và theo Wikipedia, ở Hà Nội còn có con đường tên Nguyễn Quyền ở phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng.  Và vài tỉnh khác ở Việt Nam còn có tên đường mang tên ngài nữa.

Nhưng đến nay, chưa ai hỏi thử là tên Nguyễn Quyền có thật hay không, đúng hôn bạn ?  

Có khi ngài Nguyễn Quyền này lại là phiên bản ngược của Professor Snape trong bộ truyện Harry Potter thì sao ?

Còn nếu không, chắc là các cán bộ Viện Sử Học / Ban Tuyên Giáo lẫn tỉnh thành Bến Tre tại Việt Nam cũng nên để thời gian mà nghiên cứu lại vụ tên Nguyễn Quyền này nhỉ ?

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Regards,

Brian 

P.S:  Còn ngài Nguyễn Quyến 阮綣 (mã số 2734 trong bộ Quốc Triều Hương Khoa Lục), là người thuộc xã Thượng Nông huyện Nam Chân đỗ trường thi Nam Định Ân Khoa Mậu Thìn Tự Đức 21 (năm 1868) bạn ạ.  Năm 1868 là một năm trước khi ngài Nguyễn Quyền được sinh ra (năm 1869).

Và ngài Nguyễn Quán kia (mã số 2533) Khoa Đinh Mão Tự Đức 20 (năm 1867) (mã số 2533 trong bộ Quốc Triều Hương Khoa Lục), là người thuộc xã Xa Lang huyện Hương Sơn.  Ngài thi đậu khoa Đinh Mão Tự Đức 20 (năm 1867), rồi đậu Phó bảng khoa Mậu Thìn Tự Đức 21 (1868).  Năm 1868 là một năm trước khi ngài Nguyễn Quyền được sinh ra (năm 1869).














Không có nhận xét nào