Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CÃI VỚI CÁI ĐẦU GỐI VỀ THUẾ TÀI SẢN

CÃI VỚI CÁI ĐẦU GỐI VỀ THUẾ TÀI SẢN Mặc dù đã ngồi tới vài chục cái 49 ngày, nhưng đọc những lời của ông tiến sĩ Đinh Thế Hiển đăng trên Dân...

CÃI VỚI CÁI ĐẦU GỐI VỀ THUẾ TÀI SẢN

Mặc dù đã ngồi tới vài chục cái 49 ngày, nhưng đọc những lời của ông tiến sĩ Đinh Thế Hiển đăng trên Dân Trí hôm nay vẫn thấy ngứa mắt. Ông tiến sĩ bảo : "Thuế tài sản là đúng và tôi đã trông chờ nhiều năm!". Ok, nước ta là nước tự do … chờ đợi, tôi tuyệt đối không xâm phạm đến quyền tự do chờ đợi của ông tiến sĩ.

Nhưng ông tiến sĩ lại bảo : "Thuế tài sản, trong đó có bất động sản là cần thiết, và phải thực hiện trong một quốc gia văn minh hiện đại. Đó không chỉ là do nhóm người trung bình và nghèo (thường chiếm 70 – 80%) kêu gọi, yêu cầu. Đó chính là sự cần thiết thực hiện của những người có tài sản trên mức trung bình thực hiện để đảm bảo quốc gia có nguồn lực tiếp tục phát triển, trở nên giàu có hơn, trong đó, nhóm người nộp thuế tài sản nhiều hơn, lại có sự gia tăng tài sản nhiều hơn". Chỉ 1 đoạn ngắn thôi mà chứa tới 3 cái sai : 

(1)Việt Nam có phải là quốc gia "văn minh hiện đại" chưa ? Chắc chắn là chưa. (2) Ông tiến hành điều tra từ lúc nào mà biết là 70-80% dân số "kêu gọi, yêu cầu" phải có sắc thuế này ? Như tôi đây và tất cả những người tôi quen biết cũng thuộc "nhóm người trung bình và nghèo", có thấy ông hỏi bao giờ đâu, sao lại cẩu thả bảo chúng tôi "kêu gọi, yêu cầu" ? (3) Ông nói sắc thuế này "để đảm bảo quốc gia có nguồn lực tiếp tục phát triển, trở nên giàu có hơn", nếu ông là chuyên gia kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp thì tôi không nói, còn nếu ông là chuyên gia kinh tế thị trường thì nên học lại, vì kinh tế thị trường dạy rằng, nguồn lực của tư nhân do tư nhân mang ra đầu tư mới làm cho quốc gia giàu có, còn nguồn lực tư nhân biến thành nguồn lực của nhà nước (do tăng thuế) mang ra đầu tư thì kém hiệu quả hơn nhiều, rằng sự tăng trưởng kinh tế từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay chủ yếu là do các chính sách thúc đẩy mở rộng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Ông tiến sĩ cũng nên đọc lại Adam Smith, còn nếu ông chỉ đọc Marx hay Keynes để làm chuyên gia kinh tế thì đó là quyền tự do lựa chọn của ông, tôi không có ý kiến.

Ông tiến sĩ còn lấy các nước phát triển ra làm mô hình. Cãi với ông tiến sĩ về chuyện này chẳng khác gì trật đầu gối ra mà cãi. Chỉ xin nói với các bạn tôi rằng, thời gian qua dân ta vẫn nộp thuế tài sản, qua tiền sử dụng đất, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, thuế trước bạ, thuế bán các loại tài sản... Chỉ riêng thuế tài sản thì áp dụng sắc thuế mới này là thuế chồng lên thuế, đè nặng lên toàn xã hội, vắt kiệt sức của người nghèo (vì hầu như không có căn hộ nào ở các thành phố lớn như Hà Nội có giá dưới 700 triệu). Nếu muốn so sánh tham khảo nước nào thì phải hiểu toàn bộ hệ thống thuế của người ta.Ví dụ như nước Mỹ, trong hệ thống thuế liên bang thì thuế thu nhập cá nhân là rất quan trọng, nhưng thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ có rất nhiều khoản được khấu trừ, chẳng hạn như tiền làm từ thiện, tiền khám chữa bệnh (ngoài bảo hiểm y tế) cho bản thân, cho vợ hay chồng và người sống phụ thuộc, tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, bán tài sản bị lỗ được khấu trừ khoản lỗ, tiền trả nợ vay học tập, tiền giáo viên mua sách giáo khoa, máy tính và phần mềm máy tính, chi phí chuyển gia đình, đồ đạc khi thay đổi nơi làm việc, v.v… Sao chưa thấy Bộ Tài chính học cái khoản khấu trừ văn minh nói trên ? Chưa hết, nước ta có thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng nước Mỹ thì không. Thuế tài sản (bất động sản) cũng không có trong hệ thống thuế liên bang của Mỹ, nó chỉ có ở các bang và các địa phương tùy vào đặc điểm và nhu cầu thực tế của từng vùng mà thu bao nhiêu và dùng vào việc gì đều vô cùng minh bạch. 

Ông tiến sĩ còn hùng hồn tuyên bố sắc thuế này sẽ triệt hạ các "đại tỷ phú" bất động sản nhằm làm cho người nghèo có thể rmua nhà. Hàm ý của ông là sắc thuế này chống được đầu cơ bất động sản. Ông có học kinh tế  thị trường hay không thì tôi không biết nên cũng không cần cãi với ông. Chỉ xin lưu ý với các bạn tôi, rằng tội đầu cơ đã bị loại khỏi Bộ luật hình sự 1999, trừ trường hợp lợi dụng chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh, tuy có thêm vào trường hợp "kinh tế khó khăn" trong bộ luật sửa đổi hiện hành. Tóm lại là kinh tế thị trường coi "đầu cơ" là chuyện kinh doanh bình thường, miễn là làm ăn hợp pháp. Việc giàu nhanh bất thường của một số đại gia bất động sản có nguyên nhân quan trọng nằm trong Luật Đất đai, là điều khoản cho phép Chính quyền địa phương thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp (vấn đề này tôi đã  nói ở một chỗ khác). "Thông lệ quốc tế" không có nước nào dùng thuế tài sản để chống đầu cơ, vì các nước "văn minh" kinh tế thị trường không nước nào coi đầu cơ là tội cần phải chống. Hơn nữa, nhiều công ty đại chúng của các "đại tỷ phú" bất động sản vẫn niêm yết trên thị trường chứng khoán, sao không thấy mấy chuyên gia kinh tế tư vấn mua cổ phiếu của họ để cùng họ giàu nhanh lên ? Thời gian qua thị trường bất động sản đóng băng khiến cho nền kinh tế điêu đứng, cũng có liên quan gì đến thuế tài sản đâu. Thị trường bất động sản mới ấm lên một chút, một số người đã lu loa bong bóng bong bóng, nó mà lạnh lại thì đồng thanh hô kích cầu kích cầu. Thiệt là ngán ngẫm !

HOÀNG HẢI VÂN

Không có nhận xét nào