Ảnh: Hoàn toàn dễ hiểu là phiên tòa của chính quyền Việt Nam xử “Luật sư Nguyễn Văn Đài và các đồng phạm” trong Hội Anh Em Dân Chủ được chín...
Ảnh: Hoàn toàn dễ hiểu là phiên tòa của chính quyền Việt Nam xử “Luật sư Nguyễn Văn Đài và các đồng phạm” trong Hội Anh Em Dân Chủ được chính phủ nhiều nước chú tâm đến thế nào.
Phạm Chí Dũng
Lần thứ hai trong vòng 9 tháng, cánh cửa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) vừa hé ra đã sập trở lại ngay trước mũi giới chóp bu Việt Nam.
Hai cú sập cửa vang động
Cú sập đầu tiên xảy ra vào tháng Tám năm 2017, ngay sau khi Nhà nước Đức ra thông báo tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin. Ít ngày trước đó là một chuyến công du của thủ tướng Việt Nam - ông Nguyễn Xuân Phúc - đến bên lề Hội nghị G20 ở Đức, với một trọng tâm của chuyến đi này là vận động Đức “linh hoạt thông qua EVFTA”. Khi đó, đã xuất hiện vài tín hiệu thuận lợi từ thủ đô Bruxelles của Bỉ - nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) - về Hiệp định EVFTA có thể được ký kết vào cuối năm 2017 và tiến tới phê chuẩn trong năm 2018. Nhưng sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, phần lớn trong số 28 nước châu Âu đã dừng kế hoạch xem xét thông qua EVFTA. Còn người Đức thì khỏi phải nói: không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Chỉ đến tháng 11/2017, trước một số hứa hẹn của giới ngoại giao Việt Nam trên bàn đàm phán song phương với Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh, phía Đức mới bớt nghiêm khắc với EVFTA và để lỏng cho hiệp định này có cơ hội được chính thể Việt Nam “quốc tế vận” ở một số nước Tây Âu và Đông Âu như Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp, Luxemburg, Hà Lan, Séc, Hungary, Bungary… Đó cũng là khoảng thời gian mà bầu không khí “Việt Nam đang tích cực vận động EVFTA” và “EVFTA sẽ được phê chuẩn và đi vào hoạt động vào đầu năm 2018” - theo lối tuyên giáo một chiều và bất cần đối sánh của báo đảng Việt Nam. Một số quan chức ngoại giao cao cấp của Bỉ và Thụy Điển cũng đến Việt Nam vào thời gian này. Tình hình có vẻ có chút thuận lợi để EVFTA có thể được Ủy ban châu Âu trình lên Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu để “linh hoạt sớm thông qua”.
Nhưng đến ngày 5/4/2018, cú sập cửa thứ hai đã vang động đất nước của những tiếng sầm sập cửa nhà tù. Bản án bất công và án tù khủng khiếp đến 66 năm đối với 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã kích thích phản ứng quốc tế có thể không mấy kém thua vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.
Vì sao EU quan tâm Hội Anh Em Dân Chủ?
Hoàn toàn trái ngược với lối quy chụp “tuyên truyền chống nhà nước” và “âm mưu lật đổ chính quyền” của chính thể Việt Nam đối với Hội Anh Em Dân Chủ, tổ chức xã hội dân sự này đã làm được nhiều hơn bất cứ tổ chức xã hội dân sự nào khác, và hơn hẳn toàn bộ khối tổ chức hội đoàn nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản… trong mục tiêu hỗ trợ ngư dân và giáo dân 4 tỉnh miền Trung đòi lại công lý và tiền đền bù sau thảm họa xả thải ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra vào hai năm 2016 và 2017.
Nếu Formosa đã trở thành một chủ đề quốc tế và được nhiều tổ chức môi trường lẫn chính phủ một số nước và báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm, số phận những lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ bị công an Việt Nam tống giam cũng bởi thế được quốc tế quan tâm không kém - theo tiêu chí các giá trị dân chủ và nhân quyền trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Hoàn toàn dễ hiểu là phiên tòa của chính quyền Việt Nam xử “Luật sư Nguyễn Văn Đài và các đồng phạm” trong Hội Anh Em Dân Chủ được chính phủ nhiều nước chú tâm đến thế nào. Trước khi phiên tòa này diễn ra vào ngày 5/4, nhiều đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam, bao gồm EU, Mỹ, Đức và Australia đã liên tiếp đề nghị chính quyền Việt Nam để đại diện chính phủ của những nước này tham dự phiên tòa.
Thông tin từ những người trong giới đấu tranh nhân quyền cho biết vài ngày trước phiên xử, lời đề nghị trên đã được chính quyền Việt Nam chấp nhận. Tuy nhiên đến chiều muộn ngày 4/4, một nhà ngoại giao từ EU cho biết Hà Nội đã rút lại phép với lý do an ninh. Nhưng đến gần 10 giờ tối cùng ngày 4/4, phía EU lại “được phép” tham dự phiên tòa, dù chỉ được vào một phòng riêng trong khu vực tòa án có màn hình để theo dõi phiên xét xử chứ không được vào phòng xử án để trực tiếp mắt thấy tai nghe về Hội đồng xét xử và tiếng nói của những người ra xét xử.
Vậy EU đã phản ứng ra sao sau khi Hội đồng xét xử của phiên tòa trên - dù không đủ chứng cứ nên phải suy diễn theo hướng quy chụp có tội - giáng một bản án đến 66 năm đối với 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, trong đó riêng Luật sư Nguyễn Văn Đài bị giáng án đến 15 năm tù?
Cứng rắn chưa từng có
“Những bản án mà Tòa Hà Nội tuyên cho 6 nhà hoạt động dân chủ Việt Nam vào ngày 5 tháng tư là sự vi phạm trực tiếp những nghĩa vụ quốc tế mà chính Hà Nội cam kết; cũng như Liên Minh Châu Âu mong muốn được tôn trọng đầy đủ. Liên Minh Châu Âu mạnh mẽ cam kết bảo vệ những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và làm việc với các cơ quan chức năng và những đối tác liên quan nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam” - tuyên bố của Phát ngôn nhân Maja Kocijancic của EU phát đi từ Bruxelles.
Bruxelles lại là thủ phủ của EU - nơi mà các quan chức cao cấp của Việt Nam như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh liên tục đến để “vận động EU linh hoạt sớm phê chuẩn EVFTA” trong năm 2017 và đầu năm 2018.
Chi tiết ngoại giao đáng chú ý là trong tuyên bố của Phát ngôn nhân Maja Kocijancic của EU phát đi từ Bruxelles đã không còn những từ ngữ “lo ngại” hay “quan ngại” như một cách biểu lộ phản ứng nhẹ nhàng hoặc vừa phải, mà là lời lẽ cứng rắn - thậm chí còn cứng rắn hơn cả mức độ cứng rắn trong bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam - mang số hiệu 2016/2755 (RSP) mà Nghị viện châu Âu tung ra vào tháng 6/2016, vào lúc chính quyền Việt Nam bắt đầu một chiến dịch đàn áp khốc liệt kéo dài 17 tháng liên tiếp đối với giới đấu tranh nhân quyền ở quốc gia “lệ rơi hình chữ S” này.
Sau nhiều năm giữ ôn hòa với chính quyền Việt Nam và thậm chí còn bị cho là khá mềm yếu trước quá nhiều vi phạm nhân quyền, từ giữa năm 2016 đến nay EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA.
Cả Pháp cũng “ưu tiên nhân quyền Việt Nam”
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Muốn EVFTA được thông qua, Việt Nam cần có toàn bộ đồng thuận của 28 quốc hội ở 28 nước châu Âu, mà nếu chỉ một nước không đồng ý thì Hà Nội coi như trắng tay.
Đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam, EVFTA quan trọng đến mức mà vào tháng Ba năm 2018, người đứng đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng đã phải tự thân đến Pháp, để vận động Nghị viện Pháp cho EVFTA được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu “linh hoạt sớm thông qua”.
Nhưng ngay sau cuộc gặp Macron - Trọng, không phải báo đảng Việt Nam, mà những hãng thông tấn của Pháp như AFP đã loan tin là trong cuộc gặp này, Tổng thống Pháp Macron đã đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.
Đề cập và lời kêu gọi của Tổng thống Macron là logic với đánh giá cho rằng Chính phủ Pháp đã chủ động yêu cầu phía Việt Nam phải đưa nội dung “nhấn mạnh nhân quyền” vào Tuyên bố chung Việt - Pháp 2018 và đôn nội dung này lên vị trí thứ 2 trong bản tuyên bố này, vượt hơn nhiều so với vị trí thứ 6 của chủ đề nhân quyền được thể hiện trong bản tuyên bố Việt - Pháp vào tháng Chín năm 2013 trong chuyến công du Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Jean - Marc Ayrault.
EVFTA lại vô định!
Vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, “EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả”, và khẳng định “Phía sau việc trì hoãn này (EVFTA) còn có một số lý do chính trị như: ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động”.
Trước khi phiên tòa xử Hội Anh Em Dân Chủ diễn ra, báo đảng Việt Nam đã ồn ào khoa trương về việc Việt Nam đang đôn đốc vận động Ủy ban châu Âu hoàn tất bản thảo của EVFTA vào cuối tháng 3/2018 để trình Hội đồng châu Âu và sau đó trình Nghị viện châu Âu với hy vọng “sẽ thông qua vào mùa thu năm 2018”. Tuy nhiên đã hết tháng Ba và sang tháng Tư mà vẫn không có bất kỳ tin tức nào về “hoàn tất bản thảo”.
Cú giáng án bất công và quá nặng nề đối với Hội Anh Em Dân Chủ không chỉ cho thấy chuyến công du Pháp của Nguyễn Phú Trọng hầu như không đạt được kết quả nào về “vận động EVFTA sớm thông qua” mà đã dẫn đến động tác “giận cá chém thớt” những người hoạt động nhân quyền, mà còn khiến cánh cửa mới hé của hiệp định này đóng sập trước mũi Hà Nội và còn lâu mới trở thành “cứu cánh” cho nền kinh tế lẫn chân đứng chế độ độc đảng đang nhanh chóng ruỗng mục ở Việt Nam.
VOA 10/04/2018
Phạm Chí Dũng
Không có nhận xét nào