Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

KINH NGHIỆM VỚI AN NINH TRONG VÀ NGOÀI TRẠI GIAM

Ls. Lê Công Định 1. Giấy triệu tập.  Giấy triệu tập của cơ quan điều tra chỉ có thể bắt buộc phải tuân thủ nếu việc triệu tập được thực hiện...

Ls. Lê Công Định

1. Giấy triệu tập. 

Giấy triệu tập của cơ quan điều tra chỉ có thể bắt buộc phải tuân thủ nếu việc triệu tập được thực hiện trong phạm vi một vụ án hình sự đã khởi tố theo pháp luật tố tụng hình sự. Vì vậy tại buổi làm việc đầu tiên theo giấy triệu tập, chúng ta cần hỏi rõ về vụ án (bao gồm tội phạm bị khởi tố và/hoặc các bị can bị khởi tố) và yêu cầu được xem hoặc cấp quyết định khởi tố vụ án có liên quan. Nếu quyết định khởi tố vụ án không được công bố, chúng ta có quyền từ chối đến dự bất kỳ lệnh triệu tập nào kế tiếp.

2. Giấy mời.

Nếu vụ án chưa được khởi tố theo luật định, việc chấp nhận lời mời hay không hoàn toàn thuộc quyền quyết định của công dân, bởi lẽ luật hiện hành không buộc công dân phải tuân thủ mọi lời mời của cơ quan an ninh. Vì vậy, chúng ta có quyền từ chối hoặc đề nghị một lịch biểu làm việc khác thuận tiện hơn đối với chúng ta.

3. Từ chối làm việc sau 5 giờ chiều.

Nếu bị cưỡng bức thẩm vấn, dù tại trụ sở công an hay trong trại giam, người bị thẩm vấn có quyền từ chối làm việc sau 5 giờ chiều, nhất là vào ban đêm, vì lý do sức khỏe và tình trạng minh mẫn của mỗi cá nhân. Cơ quan an ninh có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của công dân, mà không được nại lý do an ninh quốc gia để xâm phạm sức khỏe của bất kỳ ai.

4. Quyền im lặng.

Trong mọi buổi làm việc hay thẩm vấn, dù tại trụ sở công an hay trong trại giam, người bị thẩm vấn có Quyền im lặng và, do đó, có quyền từ chối trả lời mọi câu hỏi của cơ quan an ninh, bất kể có hay không có sự hiện diện của luật sư của mình, bởi vì đây là quyền luật định của mọi công dân. Quyền này được áp dụng trong suốt toàn bộ vụ án, kể từ lúc điều tra cho đến lúc xét xử.

5. Không khai nhận chứng cứ.

Đối với các Bloggers và Facebookers, cơ quan an ninh luôn yêu cầu ký xác nhận tài khoản Blog, Facebook, tài khoản Email và các bài viết/thông tin đăng trên đó. Bất kể mọi lời dụ dỗ, lừa dối, khích bác, đe dọa hay hành động đánh đập nào từ phía cơ quan an ninh, chúng ta cần tuyệt nhiên không cung cấp mật khẩu, không thừa nhận tài khoản và nội dung bài viết/thông tin trong đó, cũng như không ký tên xác nhận trên bất cứ bài viết/thông tin, tài liệu hoặc chứng cứ nào do họ đưa ra hoặc in từ các tài khoản đó hay từ nguồn khác, bởi chữ ký của chúng ta sẽ là cơ sở pháp lý chống lại chính chúng ta. Tất nhiên cơ quan an ninh có thể quy chụp rằng chúng ta chống đối họ, nhưng hãy bình tĩnh trả lời rằng: “Các ông đang xâm phạm Quyền im lặng luật định của công dân!”

6. Cẩn thận các “biện pháp nghiệp vụ”.

Cơ quan an ninh thường sử dụng các “biện pháp nghiệp vụ” trong quá trình làm việc hay điều tra. Các biện pháp đó thật ra chỉ là dụ dỗ, lừa dối, khích bác, đe dọa hay đánh đập mà thôi. Họ được đào tạo kỹ và giỏi bấy nhiêu “biện pháp nghiệp vụ” đó mà thôi. Thiếu tỉnh táo và sợ hãi sẽ khiến chúng ta dễ dàng tin hoặc đầu hàng họ. Cách bảo vệ tốt nhất của chúng ta trước các “biện pháp nghiệp vụ” như vậy chính là Quyền im lặng. Hãy im lặng, kể cả khi bị đánh đập. Khi họ phải dùng đến biện pháp đánh đập chúng ta, họ đang chứng tỏ sự đuối lý và thất bại của mình. Vì vậy, cứ tiếp tục im lặng!

7. Giữ thái độ ôn hòa và tránh khiêu khích.

Sự thắng thế luôn thuộc về người ôn hòa. Vì chúng ta có chính nghĩa, nên phải làm cho chính nghĩa đó thắng thế trong mọi hoàn cảnh bằng sự ôn hòa. Cơ quan an ninh sẽ luôn tìm cách khiêu khích để chúng ta nổi nóng và bạo động, để họ có cớ dung bạo lực ngược lại. Không những không sa vào sự khiêu khích đó, bản thân chúng ta cần tránh khiêu khích họ bằng bất cứ lời lẽ hay thái độ thô lỗ và hung hăng nào.

8. Tranh luận hay không tranh luận.

Tranh luận ôn hòa để giải thích chính nghĩa của chúng ta là điều nên làm, nhưng chỉ đạt kết quả tốt nếu được thực hiện bằng sự ôn hòa và bởi người có khả năng lập luận/phản bác giỏi. Nếu chúng ta thiếu tự tin về kiến thức trong một lĩnh vực nào đó hoặc về khả năng lập luận/phản bác, tốt nhất không nên sa vào tranh luận với cơ quan an ninh, vì như thế sẽ bị họ khai thác, hoặc vô tình khiêu khích lại họ. Trong trường hợp thiếu tự tin tranh luận như thế, nên im lặng.

9. Không viết tường trình và không ký biên bản.

Trong mọi buổi làm việc hay thẩm vấn, dù tại trụ sở công an hay trong trại giam, cơ quan an ninh luôn yêu cầu đương sự viết tường trình trước, rồi họ lập biên bản hỏi đáp sau. Trên cơ sở Quyền im lặng luật định nêu trên, chúng ta có quyền từ chối viết tường trình và từ chối ký cả biên bản hỏi đáp. Đó là quyền của chúng ta, nên hãy luôn thực hiện quyền của mình, bất kể cơ quan an ninh có thể quy chụp rằng chúng ta chống đối họ. Nếu họ quy chụp như thế, hãy bình tĩnh trả lời rằng: “Các ông đang xâm phạm Quyền im lặng luật định của công dân!”

Không có nhận xét nào