Sự kiện một ông sếp báo Tuổi Trẻ liên can vụ quấy rối một phóng viên tập sự, thật ra, với những người lăn lộn lâu năm trong làng báo, thì ch...
Sự kiện một ông sếp báo Tuổi Trẻ liên can vụ quấy rối một phóng viên tập sự, thật ra, với những người lăn lộn lâu năm trong làng báo, thì chuyện này không cá biệt. Đằng sau những trang báo (nói chung, không phải riêng Tuổi Trẻ) – viết về những tiêu cực xã hội, lên tiếng gay gắt những vụ án hiếp dâm, khai thác từng centimet chuyện tình tay ba, tay tư của những người nổi tiếng – là những câu chuyện gần như tương tự xảy ra ngay bên trong làng báo. Trong buổi café sáng hay bàn bia buổi chiều, một trong những “món nhắm khoái khẩu” mà một số nhà báo thích “nhậu” là những vụ xì căng đan tình ái xảy ra giữa đồng nghiệp trong “nhà” mình hay “nhà hàng xóm”. Nói cách khác, làng báo là một xã hội thu nhỏ. Chuyện gì “ngoài đời” có thì làng báo có, từ hối lộ, lăng nhăng, hù dọa, phe nhóm, đâm thọc, đến đố kỵ… Dĩ nhiên, cũng như trong xã hội, làng báo không phải chỉ có người xấu.
Thật mỉa mai khi báo chí giật những hàng tít khổng lồ trên trang nhất “Tham nhũng là quốc nạn!” nhưng tham nhũng trong làng báo là một trong những đề tài “nhạy cảm” đặc biệt mà gần như không bao giờ độc giả có thể biết được. Có nhiều kiểu tham nhũng trong làng báo: tham nhũng phe nhóm, tham nhũng quyền lực, tham nhũng quyền lợi, “tham nhũng tình cảm”… (khái niệm “tham nhũng” đang được nói đến xin hiểu như định nghĩa của “corrupt” - hàm ý đến thoái hóa, suy đồi, hư hỏng…). Có vô số biến thái tham nhũng trong làng báo.
Một phóng viên văn hóa-văn nghệ, có thể chỉ bởi “quan hệ tốt” với đạo diễn A, sẽ sẵn sàng viết bài “điểm phim” chỉ trích dữ dội một tác phẩm được dựng bởi đạo diễn B (mà B vốn là đối thủ của A). Trong thực tế, có một tòa soạn đã phải ra lệnh sa thải sau khi phát hiện một anh nhà báo “làm việc” kiểu như vậy. Gần tương tự nhưng mức độ nhẹ hơn và phổ biến hơn: nhận phong bì để quảng bá sản phẩm tiêu dùng hoặc sản phẩm văn hóa. Các bạn có thể đã đọc những bài báo khen ngợi hết lời bộ phim “Kong”. Điều đó không phải tự nhiên.
Một số đồng nghiệp của tôi đã tự hỏi lẫn hỏi lẫn nhau, rằng làm sao báo chí có thể làm tốt cuộc chiến chống tham nhũng, không phải bởi rào cản chính trị, mà là vì bản thân báo chí cũng đang tham nhũng và “góp phần” đáng kể vào “nền văn hóa tham nhũng” đang tàn phá đất nước này. Có những nhà báo đã “chạy”, nhờ quan hệ, để có được miếng đất tốt hoặc căn chung cư cao cấp mua với giá rẻ mạt. Những đường dây “chạy” như thế đã và vẫn tồn tại. Không chỉ vậy. Còn có những đường dây “chạy” để được lên chức lên quyền. Thật mỉa mai khi báo chí viết những phóng sự về hiện tượng “chạy” trong xã hội nhưng “chạy” đang xảy ra, rất nóng hổi, ngay trong làng báo. Có rất nhiều “nhà báo” mà gần như cả đời không viết nổi một bài ra hồn nhưng vẫn nghiễm nhiên ngồi ghế rất cao. Không ít người trong số đó được bổ nhiệm bởi hệ thống chính trị. Dù vậy, có không ít “nhà báo lớn” đã “lớn lên” không phải nhờ kỹ năng làm báo mà nhờ thành thục việc “chạy”.
Báo chí đang trong giai đoạn bi thảm. Từ lâu, báo chí đã không còn hừng hực không khí máu lửa như thời thập niên 1990. Sự cạnh tranh của báo mạng và mạng xã hội, cùng với sự kiểm soát ngày càng gay gắt của bộ máy kiểm duyệt, là vài nguyên nhân khiến báo chí eo sèo. Dù thế nào, nguyên nhân nữa không thể bỏ qua là báo chí không còn nhiều nhà báo biết tôn trọng ngòi bút và biết tôn trọng sứ mạng mà xã hội mặc định đang giao cho họ. Họ nhếch nhác, lôi thôi, làm quấy quá cho xong, và họ “đi làm báo” chỉ nhằm sử dụng quan hệ để kiếm sống bên ngoài phạm vi báo chí. Không chỉ vậy, họ cũng viết bài tâng bốc quan chức để xây dựng những mối quan hệ có lợi cho cá nhân. Họ có thật sự tin vào “năng lực lãnh đạo” của các quan chức ấy không? Có thể có, nhưng phần đúng hơn, chắc hẳn là không. Điều họ quan tâm không phải là năng lực điều hành, mà là “năng lực chính trị”, của quan chức ấy.
Mọi thứ đang nhếch nhác và suy sụp. Báo chí không nằm ngoài ảnh hưởng của dòng xoáy suy đồi toàn diện này. Báo chí (nhà nước) đang bị xã hội nhìn bằng nhiều con mắt tiêu cực. Báo chí hèn: không dám lên tiếng cho những người đấu tranh dân chủ; không dám chống Trung Quốc nếu chưa được bật đèn xanh; không dám đề cập những vấn đề gay gắt và đi đến cùng sự việc vì “ban tuyên giáo” ra lệnh như thế… Báo chí rẻ tiền: khai thác dữ dội chuyện đời tư người nổi tiếng. Báo chí “bưng bô”: vuốt ve quan chức, từ chuyện quan chức “nói tiếng Anh” đến quan chức “lắng nghe tâm tư nguyện vọng quần chúng” (đó là chưa kể “văn hóa báo chí” “nịnh nước Nga”). Nói cách khác, có hai thể hiện phổ biến của báo chí ngày nay: báo chí im miệng và báo chí vỗ tay. Khi im miệng, họ dán kín miệng tuyệt đối. Khi vỗ tay, họ nhảy nhót như những kẻ “nhập cốt” lên đồng.
Rốt cuộc, báo chí đang “đấu tranh” – như sứ mạng lớn nhất khi nói đến vai trò báo chí trong xã hội – cho cái gì đây? Khi bên trong báo chí ngổn ngang những vấn đề tiêu cực thì báo chí đại diện cho ai đây để “phản biện” và “đấu tranh chống tiêu cực đến cùng”? Vấn đề của báo chí ngày nay, như trong nhiều lĩnh vực khác, không phải là những câu chuyện rò rỉ liên quan đời tư cá nhân. Nó là vấn đề của một hệ thống.
Mạnh Kim
Không có nhận xét nào