Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về bài viết của thầy Trần Viết Ngạc phân tích sử kiện liên quan đến hai ngài Phạm Thận Duật và Phan Đình Phùng

Về bài viết của thầy Trần Viết Ngạc phân tích sử kiện liên quan đến hai ngài Phạm Thận Duật và Phan Đình Phùng Tức là bài Tấm bia "giấu...

Về bài viết của thầy Trần Viết Ngạc phân tích sử kiện liên quan đến hai ngài Phạm Thận Duật và Phan Đình Phùng

Tức là bài Tấm bia "giấu mặt" của Phạm Vọng Sơn và lá triệu bị khai quật của Phan Châu Phong mà bạn có thể đọc tại đây >> http://chimviet.free.fr/lichsu/tranvietngac/tvns_BiaGiauMat_a.htm.

Trong bài viết này, thầy Ngạc đã dựa vào những gì ghi trong tấm bia được chôn trong mộ ngài Phạm Thận Duật lẫn các dữ liệu bên ngoài để đưa đến kết luận rằng "Không có tài liệu, không có sử ký.  Nhờ những tài liệu mới phát hiện như tấm bia "giấu mặt" của Phạm thận Duật ở Yên Mô , Ninh Bình hoặc tấm minh tinh khi khai quật mộ Phan Đình Phùng ở núi Quạt, Hà Tĩnh mà ta biết được chức vụ cuối cùng của Phạm Thận Duật và Phan Đình Phùng là Khâm sai Bắc kỳ, đốc suất Cần Vương các tỉnh.".

Nhưng mình đọc xong bài viết phân tích của thầy, và tra lại sử, thì xin thưa với bạn là những gì thầy đã phân tích lẫn được khắc trên tấm bia mộ đều không đúng.

Thứ nhất, theo thầy Ngạc, trên tấm bia có khắc dòng chữ "Hàm Nghi nguyên niên, thăng thụ kim hàm, nhị sung khâm sứ toàn quyền đại thần, tam sung Điện thí độc quyển" và thầy dịch là "Hàm Nghi năm đầu, thăng thự kim hàm, sung chức Khâm sứ toàn quyền đại thần, tham gia độc quyển thi Đình.".  

Bỏ qua sự dịch không chuẩn xác của thầy trong đoạn văn trên, ta để ý là nội dung bài bia khắc viết rằng ngài Phạm Thận Duật trong năm Hàm Nghi nguyên niên (Brian chú - là năm 1885), được thăng chức Khâm sứ toàn quyền đại thần, lãnh chức Điện thí độc quyển.

Nhưng than ôi, theo Đại Nam Thực Lục quyển 09, thì cả 2 chức này, tức là chức Khâm sứ toàn quyền đại thần và Điện thí độc quyển chưa bao giờ là chức được phong thời Hàm Nghi cả.  Mà 2 chức này là 2 chức được phong trước đó 1 năm, tức là thời vua Kiến Phước năm 1884.

Mình xin trích đoạn Đại Nam Thực Lục quyển 9 - sử kiện năm 1884.

**** 

Tháng 5 mùa hạ, ... Toàn quyền đại thần Pháp là Ba-đức-na (một tên Ba-tờ-nô), Giám đốc Lê Na lại định ước mới. Trước đây Giám quốc Pháp tiếp thư của nước ta ... báo cho biết, bèn sai Thượng thư bộ Hộ là Phạm Thận Duật sung làm Khâm sai Toàn quyền đại thần, Tham tri bộ Công là Tôn Thất Phiên, quyền sung Thượng thư bộ ấy sung làm Phó toàn quyền, Tham tri Chu Đình Kế, Thị lang Lương Thành đều sung hộ tiếp để phòng bị lúc lâm thời thù ứng. Lại chuẩn cho dự bàn các công việc khoản tiếp gồm có 5 khoản để đợi:

1. Bắt đầu bộ Binh phái cho biền binh 50 tên, khí giới quần áo chỉnh tề, theo viên hộ tiếp, hễ quan toàn quyền ấy khi đến cửa biển Thuận An, tức thì tới ngay đón tiếp, và dự sai 200 tên lính trực ở bến tàu sứ quán, đợi toàn quyền ấy đến quán thì hộ tiếp cho trọng sự thể.

2. Cứ theo lời sứ Pháp thương lượng bày tỏ số lính theo hầu toàn quyền 2.300 người, yêu cầu trước bắt cho 10 chiếc thuyền đi đến cửa biển Thuận An hộ chở đến sứ quán ấy và xin sửa sang vài dãy trại lính quân thủy ở gần quán để cho lính đó tạm ở.

...

Tháng 5 nhuận, thi Điện, sai Thống chế Tả dực quân Vũ lâm là Đinh Tử Lượng sung làm Giám thí, Thượng thư bộ Hộ ... là Phạm Thận Duật sung làm Độc quyển, thự Hữu tham tri bộ Binh là Nguyễn Thuật, thự Trực học sĩ sung Sử quán Toản tu là Vũ Nhữ sung Duyệt quyển. 

...

Tháng 12 ... Sai Thượng thư bộ Hộ là Phạm Thận Duật sung Toàn quyền Khâm sứ

****

Như vậy, chức Khâm sai Toàn quyền đại thần rồi chức Khâm sứ Toàn quyền của ngài Phạm Thận Duật, chẳng những chúng không liên quan gì đến sự "Cần Vương" hay "yêu nước" gì cả, mà ngược lại, chúng được triều đình Kiến Phước năm 1884 ban cho ngài Phạm Thận Duật, để ngài làm tròn trách nhiệm đầu tiên là đón tiếp vị quan toàn quyền người Pháp đấy chứ.

Còn chức Điện thí Độc quyển thì vào tháng sau, tức tháng 5 nhuận, cũng liên quan đến triều vua Kiến Phước 1884, chứ không liên quan gì đến vua Hàm Nghi cả.

Mà tại sao tấm bia chôn trong mộ gió ngài Phạm Thận Duật lại viết là các chức trên được phong vào thời vua Hàm Nghi, tức 1 năm sau ?  

Thì mình đồ, ấy là người ta đã cố ý viết sai, hoặc đơn giản hơn, vì người ta nghĩ rằng ngài Phạm Thận Duật đi theo vua Hàm Nghi, nên nếu viết ngài Phạm Thận Duật đã giữ chức Khâm sai toàn quyền thời vua Kiến Phúc để cùng người Pháp bàn bạc, chắc là "không yêu nước" và hơi "phản bội" chăng ?  Nên người ta sẵn ngài Phạm Thận Duật theo vua Hàm Nghi, viết luôn là ngài Phạm Thuận Dật đã được ban các chức trên cho chúng đúng quy trình "yêu nước" chăng ? 

Sự viết ra sao trên bia mộ là 1 chuyện, nhưng cái sự đáng ngờ ở đây, là tại sao thầy Trần Viết Ngạc, một nhà nghiên cứu, lại không tra bộ Đại Nam Thực Lục, mà lại viết luôn là "Không có tài liệu, không có sử ký.  Nhờ những tài liệu mới phát hiện như tấm bia "giấu mặt" của Phạm thận Duật ở Yên Mô , Ninh Bình hoặc tấm minh tinh khi khai quật mộ Phan Đình Phùng ở núi Quạt, Hà Tĩnh mà ta biết được chức vụ cuối cùng của Phạm Thận Duật và Phan Đình Phùng là Khâm sai Bắc kỳ, đốc suất Cần Vương các tỉnh" nhỉ ?   Mình để câu trả lời này lại cho bạn và thầy Ngạc.

Rồi có 3 điều sau đây mình muốn chia sẻ với bạn luôn:

1.  Nếu bạn đọc về hàng tung của ngài Phạm Thận Duật thời vua Tự Đức, thì hiểu rõ ngài đã giữ các chức quan ngoài Bắc, ví dụ Tuần phủ hộ lý Tổng đốc Ninh - Thái.  Nên vua Hàm Nghi, do đã sẵn việc ngài Phạm Thận Duật giữ chức Khâm sứ toàn quyền thời vua Kiến Phước, lệnh ngài ra Bắc để mộ binh Cần Vương, thì có gì là đáng ngạc nhiên đâu, đúng hôn bạn ?  Mà điều này thầy Ngạc lại không hề cho ta biết.  Thầy phân tích như là ngài Phạm Thận Duật người Huế được cho ra Bắc thời vua Hàm Nghi vậy.

2. Chức Khâm sai Bắc kỳ đại thần khắc trên bài vị của ngài Phạm Thận Duật thì mình không biết có đúng không, vì hình như chức Khâm sứ toàn quyền, còn ghi trong Đại Nam Thực Lục, là lớn hơn cả Khâm sai Bắc kỳ đại thần đúng hôn bạn ? Vậy tại sao bài vị lại khắc chức nhỏ hơn nhỉ ? Hay người ta hoàn toàn không biết và chỉ nghe đâu đó và khắc theo điều họ biết ? 

3.  Đáng ngờ hơn, là thầy Ngạc lại nối luôn cả chức "Khâm sai Bắc kỳ đại thần" của ngài Phạm Thận Duật với chức "đốc chư tỉnh quân vụ đại thần"  của ngài Phan Đình Phùng sau này, và cho rằng vua Hàm Nghi đã lệnh cho ngài Phan Đình Phùng giữ chức thay thế cho ngài Phạm Thận Duật đã bị bắt.  Tức là thầy Ngạc cho 2 chức này giống nhau.

Nhưng nếu ta đọc kỹ lại, thì chắc là chức Khâm sai Bắc kỳ đại thần, hay đúng hơn, là chức Khâm sứ  toàn quyền của ngài Phạm Thận Duật, chắc là như một vị tổng quản mọi việc, như a general manager ngày nay, nhiệm vụ gần như là một vị tổng quản sứ giả.  Chức Khâm sứ toàn quyền của ngài Phạm Thận Duật được ban cho là để đối với vị Toàn quyền Pháp, có thể là để thay vua và triều đình giải quyết rất nhiều việc, chứ không chỉ là việc quân đội.  Còn chức "đốc chư tỉnh quân vụ đại thần" của ngài Phan Đình Phùng giới hạn trong việc mộ binh, việc quân đội, chắc là do ngài Phan Đình Phùng không thể có chức lớn hơn ngài Tôn Thất Thuyết khi đó, nên có lẽ trách nhiệm của ngài Phan Đình Phùng là lo về mộ binh, quân sự còn của ngài Phạm Thận Duật là như một sứ giả lo đủ chuyện.  Do đó hai chức này rất khác nhau.  Nên không hiểu làm sao mà thầy Ngạc nghĩ rằng 2 chức này là 2 chức giống nhau nhỉ ? 

Mời bạn tham khảo.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian




Không có nhận xét nào