Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ SỰ VÔ HỌC

Trong bài “Nghĩa của câu Chuột chạy cùng sào…”, khi nói về ông giáo của thời bao cấp bần cùng đến mức phải đi kiếm cơm bằng nghề khác, tôi v...

Trong bài “Nghĩa của câu Chuột chạy cùng sào…”, khi nói về ông giáo của thời bao cấp bần cùng đến mức phải đi kiếm cơm bằng nghề khác, tôi viết: “Một số thầy giáo tranh thủ làm thêm cái nghề của người vô học như cày ruộng, nuôi gà, nuôi heo, đi xe ôm…”
Một số bạn tự ái giai cấp hét toáng lên, rằng sao bảo những nghề ấy là vô học?
Hóa ra họ tin Chế Lan Viên tuyên truyền đúng: “Những kẻ quê mùa đã thành trí thức” nên mới vặn vẹo, bắt bẻ, rằng nói như vậy là xúc phạm những nghề của giới cần lao. Họ đọc không vỡ chữ, rằng điều tôi muốn nói là cái thời điểm lịch sử ấy gần như không có sự phân biệt giữa có học và vô học. Và không chỉ thời điểm ấy, chuyện hôm nay thầy tát tai học sinh, cô giáo bắt học sinh quỳ, uống nước giẻ lau rõ ràng là khó phân biệt giữa một nhà sư phạm với một anh chăn bò, khi không hài lòng thì cứ trót đít con bò chứ không cần suy nghĩ một giải pháp có trí tuệ!
Ôi, họ la ó như vậy là tinh thần tự trọng hay tự tôn dân tộc? Nếu Chế Lan Viên và niềm tin của những ông bà này là đúng thì quả nhiên cách mạng vô sản đã thành công vĩ đại và người ta không phải than phiền về dân trí, dân khí nữa.
Không cần chứng minh những nghề cày ruộng, nuôi gà, nuôi heo, đi xe ôm… đều có trình độ 12/12 mà chỉ cần nhìn vào thành tích xóa nạn mù chữ, số lượng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư mà quân Mông–Nguyên nhìn vào cũng phải khiếp sợ thì cũng đã đủ bác bỏ điều ông Chu Mộng Long đã nói trên kia, dù ông ta đã tế nhị giới hạn thời gian rõ ràng là thời bao cấp! 
Biết là “không thể chống lại bọn ngu vì chúng rất đông” (A. Einstein), nhưng tôi cũng phải chống, bởi chống sự ngu không phải mang lại lợi ích cho mình mà cho chính họ, cho mọi người.
Đến nước này thì tôi không cần giới hạn thời bao cấp nữa mà sẽ… không giới hạn. Tôi muốn nói đến cái sự “ngu lâu” và chấp nhận ăn gạch đá của một lực lượng “ngu lâu”.
Lần trước, khi viết bài “Tản mạn về quan trí và dân trí”, không ít người, không chỉ trong nước mà chính Việt kiều ở Mỹ cũng ném đá, vì họ cho rằng tôi không khác một ông quan từng chỉ trích dân trí Việt thấp, hoặc không khác lời lẽ miệt thị của bà Đoàn Hương đối với quần chúng. Họ đọc không vỡ chữ khi không nhìn ra tôi hoàn toàn khác. Tôi không tự cao cho mình khôn hơn người mà phát ngôn vô trách nhiệm như một quan chức, hay như một kẻ sĩ không biết mình đang đứng ở đâu. Tôi không tự mâu thuẫn khi một mặt tự hào dân tộc mình vĩ đại nhưng mặt khác lại hạ thấp dân tộc mình để đề cao mình.
Những ông bà Việt kiều này cũng đang hoang tưởng rằng họ đã sống trên đất Mỹ thì ắt họ đã có dân trí cao, trong khi, xin lỗi các bạn không hoang tưởng, bà con ta ở nước người đa số biết làm nghề gì, ngoại trừ những nghề mà dân tộc dân trí cao không làm như làm nail, làm gái bao, làm osin? Đừng nghĩ ông nông dân Việt Nam qua Mỹ có khả năng làm nông dân Mỹ!
Trước hết, tôi không tự hào dân tộc, cũng không tự kiêu cá nhân, mà tự thú nhận mình ngu từ sớm cùng với sự ngu của cả dân tộc. Tôi nhớ lời Lão Tử dạy: “Người có trí tuệ thật sự biết rõ những điều anh ta không biết”. Socrates cũng nói: “Ý thức về cái chưa biết là khởi đầu của sự hiểu biết”, và “Hiểu biết là đức hạnh”.
Không biết rõ mình ngu thì mới ngu lâu và tự tin mình khôn để coi thường kẻ khác!
Nói nghề cày ruộng bốn ngàn năm của cha ông người Việt là có học thì sao bốn ngàn năm ấy vẫn con trâu đi trước, cái cày (thực chất là ông nông dân) theo sau? Đến mức sang thế kỷ 21, trong khi ông nông dân nước văn minh còn biết lái máy bay chăm sóc đồng ruộng, thì ông Chủ tịch nước của ta vẫn giống như ông vua Nghiêu, vua Thuấn thời cổ đại, hàng năm đến lễ tịch điền mặc áo nâu, đi chân đất cầm cày đi sau đít con trâu cho dân học tập, dù là tượng trưng?
Nói cày ruộng, nuôi heo, nuôi gà ở Việt Nam là có học thì sao sản phẩm do họ làm ra càng ngày càng bẩn thỉu, độc hại để toàn dân phải ăn hàng ngày? Từ lúa gạo đến rau quả, hải sản không xuất đi đâu được mà chỉ có thể xuất sang Tàu, rồi người Tàu chế biến xong lại xuất sang cho người Việt dùng vì họ tin người Việt ngu, có khả năng làm bẩn thì ăn bẩn?
Nói đi xe ôm ở Việt Nam là có học thì sao tại các bến xe, tại các điểm dừng trả khách, khi xe chưa kịp dừng thì hành khách đã bị cánh xe ôm xí từng người như xí của rơi, hay sang hơn thì chỉ phần như đi ăn “gà chỉ”?
Và đẹp chăng khi ông giáo thời bao cấp, thành phần gọi là “dài lưng”, vừa dạy về là lăn xả vào hố xí hai ngăn lấy phân đi tưới rau, chúi đầu, chúi mũi vào chuồng gà, chuồng lợn để kiếm cái ăn. Tôi còn nhớ như in ngay cả thời tôi vào đại học, nhiều thầy cô mang dép lê đen thủi, áo quần còn dính phân gà, đẫm mùi phân heo… lên lớp. Không ít lần về quê nghỉ hè rồi nhập học, khi vừa đến bến xe, tôi gặp cảnh các bạn sinh viên gọi “xe ôm, xe ôm”, khi xe ôm tới thì không khỏi ngỡ ngàng “thằng xe ôm” với mũ cối, quần áo lếch thếch đó lại là thầy mình!
Không phải thầy giáo có học phải đi làm cái nghề của người không cần học sao?
Đó là tôi chưa nói đến các giáo sư, tiến sĩ đường đường mang danh là nhà khoa học, là ông quan đảng viên duy vật mà làm cái gì cũng coi bói, cúng kính hương khói nghi ngút để cầu may, khác gì anh nông dân đến con chuột phá lúa cũng bày mâm cỗ cúng Ông Tý để thoát nạn đồng ruộng bị tàn phá! Có học hay hiểu biết đấy chăng?
Với tôi, thầy giáo là một nghề bình đẳng như mọi nghề chứ không có chuyện kỳ thị. Nhưng khi một nghề đã được phân công lao động rõ ràng mà lại lẫn lộn tùng phèo thì khó có thể có được sự tôn trọng. Thầy giáo hôi hám, bẩn thỉu như heo vì “heo nuôi thầy” (Văn Như Cương), đối xử với học sinh như côn đồ: tát tai, cho uống nước giẻ lau, vì cho rằng học sinh hư hỏng phải giáo dục như vậy, thì sao có thể phân biệt thầy giáo với những kẻ vô học? Cũng như nhiều lần tôi từng viết mạnh mẽ cho nghề của cô giáo mầm non. Rằng người ta bắt cô giáo mầm non học hành 4 năm đại học phải làm việc hơn 10 tiếng một ngày, ngoài dạy dỗ, cô giáo làm luôn cả nghề osin (dỗ dành, cho trẻ con ăn, ỉa, dọn dẹp vệ sinh…), lương chỉ vài ba triệu nhưng phải bỏ ra đến một triệu làm đồ chơi, xã hội không xem cô giáo mầm non thấp hơn con ở mới là chuyện lạ. Người ta còn bắt các cô giáo hầu rượu các quan thâu đêm, thiên hạ chưa xem cô giáo như gái bao là còn may!
Tôi theo nghề thầy giáo vì truyền thống tổ tiên, vì ước nguyện của cha mẹ và vì tấm gương “thanh sạch” của ông thầy đồ xưa và ít nhất là thầy giáo thời Việt Nam cộng hòa. Họ đúng nghĩa là “thầy cho ra thầy”. Còn bây giờ “thầy chẳng ra thầy” thì có đáng bị gọi là “thầy chết đâm” hay “cô giáo giẻ lau” không?
Các thầy cô giáo và trí thức đạo mạo tự hào về nghề của mình. Riêng tôi thấy nhục!
Sự vô học mà tôi nói ở đây mang nghĩa rất rộng: “thiếu hiểu biết” và “không cần hiểu biết”, chỉ cần thấy lợi trước mắt là làm mà không biết lợi bất cập hại. Điều đó phản ánh một trình độ dân trí thảm hại.
Sự vô học của quan chức gây nên ô nhiễm môi trường và gây ra tất cả. Sự vô học của trí thức làm ra con người nguy hiểm và gây ô nhiễm văn hóa tinh thần. Sự vô học của nông dân làm ra thực phẩm độc hại. Không phải phàn nàn và đổ tội cho nhau vì phàm cái gì chúng ta làm ra chúng ta phải tận hưởng.
Điều tôi quan tâm là, đến lúc không chỉ trí thức, kể cả nông dân của nước tôi phải thức tỉnh để thoát tình trạng vô học. Lúc ấy mới có một quốc gia gồm những người có học, tức hiểu biết đúng nghĩa. Sự hiểu biết bắt đầu từ hiểu biết rằng mình đã ngu và đến lúc phải làm cách mạng chấm dứt sự ngu lâu. Trí thức phải là đầu tàu cho mọi sự tiến bộ, cung cấp cho xã hội những con người tiến bộ thì mới gọi là trí thức. Nông dân phải hiểu biết để sản xuất ra thực phẩm an toàn cho cộng đồng mới có thể làm nông dân có học. Ở nước văn minh, làm nông như Việt Nam không thể sống được. Tôi nghĩ phong trào “nông thôn mới” không phải là bê tông hóa các con đường mà phải bắt đầu từ việc xây dựng hình ảnh nông dân mới. Cũng như vậy, “trường học chất lượng cao” không đồng nghĩa xây nhà học cao tầng, bê tông hóa sân chơi mà bắt đầu từ xây dựng chương trình, nội dung và phương pháp học chất lượng cao. 
Người Nhật từ thời Minh Trị và đặc biệt là sau Thế chiến thứ hai, cuộc cách mạng vĩ đại của họ bắt đầu từ sự nhận ra cả dân tộc mình ngu, và nhờ nhận ra mình ngu, họ đã cải thiện cả giống nòi để vươn lên thành quốc gia siêu cường. Các nước văn minh khác cũng vậy. Ngược lại, những dân tộc chỉ biết tự tôn, tự đại, dân tộc đó mãi mãi tăm tối, hoang dã. Đó là sự thật.
Người ta sẽ nói, rằng cần phải có “lộ trình”. Tôi bảo lộ trình đã gần một thế kỷ rồi, khi chỉ biết tự hào, tự tôn mà không nhận ra cái ngu của mình và của dân mình thì không có lộ trình nào cả. Càng đi trên cái lộ trình mù với nền giáo dục giáo điều, sáo rỗng, thì con đường đó chỉ có thể đến với cái “thung lũng trí tuệ” đen như nước cống mà nhà máy hàng ngày vẫn thải ra.

Chu Mộng Long




Không có nhận xét nào