Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ VỤ THẦY GIÁO BỊ ĐÂM

Mai tôi đi công tác vài ba ngày nên viết nhanh vụ này: vụ thầy giáo bị đâm. Trước tiên xin chia buồn với thầy giáo bị đâm và cực lực phản đố...

Mai tôi đi công tác vài ba ngày nên viết nhanh vụ này: vụ thầy giáo bị đâm.
Trước tiên xin chia buồn với thầy giáo bị đâm và cực lực phản đối sự manh động đầy bạo lực của học sinh.
Nhưng nói đi thì phải nói lại. Theo phương pháp đối thoại Socrates, mọi sự cần phải truy vấn lý do.
Tôi không tin chỉ vì thầy nhắc nhở cái hình xăm mà học sinh oán hận đến mức đâm thầy. Tôi nhớ một lần tận tai tôi nghe một học sinh chửi thầy giáo: đồ chết đâm! Tôi hỏi sao ăn nói bố láo vậy? Đứa học sinh ấy kể chỉ vì nó nhuộm tóc mà thầy làm nhục nó trước lớp, lôi luôn cả cha mẹ nó ra chửi rằng đồ mất dạy, quân cặn bã… Một trường hợp khác cũng bị học sinh rủa “đồ chết đâm” khi học sinh đi học trễ, thầy nhìn cặp môi đỏ son và chửi học sinh rằng, mày vác cái miệng như cái lồw heo vào lớp làm gì?
Tôi tin, những đứa học sinh chửi thì không hành động. Nhưng cũng coi chừng đứa hành động thì không chửi. Và đây là một ca điển hình. Báo chí đánh loãng thông tin với nguyên nhân đơn giản là thầy nhắc nhở trò, trong khi không thể có hiện tượng chỉ vì nhắc nhở học trò mà bị chết đâm!
Tôi mong sẽ có nhà báo điều tra rõ sự thật. Khi phản ánh không thật thì còn lâu mới có trị liệu đúng cho vấn nạn bạo lực học đường.
Theo tôi, thầy giáo bị đâm có nguyên nhân sâu xa từ sai lầm của giáo dục.
Việc học sinh nhuộm tóc, tô son hay xăm mình có gì phải cấm hay trách phạt? Đạo đức hay nhân cách nằm ở hình thức ấy sao?
Nhiều thầy cô nhân danh khuôn phép để nhục mạ học trò, phỉ nhổ luôn cả cha mẹ của chúng. Thầy cô đó là đạo đức, nhân cách chăng?
Ngoài xã hội có hàng triệu người nhuộm tóc, tô son, xăm mình, chẳng nhẽ hàng triệu người ấy thuộc thành phần cặn bã đáng bị phỉ nhổ? Không khéo những nhà giáo dục trịnh trọng ấy phỉ nhổ luôn cả vua Hùng, bởi xứ Văn Lang thời xưa từng có tục xăm mình?
Một nhà giáo dục từng lý luận với tôi rằng nhà trường đòi hỏi phải mô phạm, tức khuôn mẫu, cho nên phải có quy định hình thức từ trang phục đến tóc tai… Hóa ra giáo dục kinh viện vẫn còn sống dai dẳng trên đất nước này, nhà trường không khác tu viện thời trung cổ. Người ta quên rằng, tu viện đào tạo con người phục vụ cho tu viện, trong khi nhà trường lại sản xuất ra con người phục vụ cho xã hội. Tách nhà trường ra khỏi xã hội là bằng chứng không thể chối cãi về lối giáo dục phi thực tế, nếu không nói chính nó là nguyên nhân sinh ra những mâu thuẫn bất khả giải.
Cái gọi là mô phạm hiện nay với hàng loạt những cấm đoán đã biến trường học không khác nhà tù, trại tập trung. Chính nó gây ức chế và tạo nguy cơ phản kháng bằng bạo lực. Bằng chứng, nhà trường chỉ quản tạm thời thời gian đi học của học sinh, trong khi bước ra khỏi cổng trường, học sinh đã dịch chuyển mọi ức chế thành bạo lực. Bạo lực tràn lan, gần như ngày nào cũng có.
Tâm lý con người là lò chứa năng lượng, sự cấm đoán của nhà trường và hành xử vô đạo của thầy cô góp phần tạo nên sự bùng nổ bạo lực.
Sự tuân thủ quy tắc trong nhà trường, cả phía thầy lẫn trò, đều chỉ là giả tạo. Giáo dục như vậy không hình thành nhân cách thật sự mà chỉ tạo ra con người đạo đức giả.
Đến lúc cần xem nhà trường là một bộ phận của xã hội và thực hiện chức năng xã hội của nó. Giáo dục tạo ra con người hòa nhập với xã hội chứ không phải sinh ra những con người tách biệt với xã hội. Công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, tại sao nhà trường lại có quá nhiều điều cấm để chứng tỏ rằng nhà trường là khuôn mẫu?
Xem ra ngày nào giáo dục còn bảo thủ với những quy định khắt khe của trại tập trung hay nhà tù sẽ còn nhiều thầy... bị chết đâm!

Chu Mộng Long




Không có nhận xét nào