BẢO TỒN DINH THƯỢNG THƠ - TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN Về những ý kiến của các nhà quản lý ở thành phố cho rằng, công trình Dinh Thượng thơ k...
BẢO TỒN DINH THƯỢNG THƠ - TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN
Về những ý kiến của các nhà quản lý ở thành phố cho rằng, công trình Dinh Thượng thơ không phải là di tích đã được xếp hạng, cũng không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa thể thao nên không thể bảo tồn mà sẽ phá đi để xây dựng công trình mới. Tôi cho rằng những ý kiến này chưa thể hiện hết trách nhiệm của chính quyền thành phố!
Việc khẩn cấp xếp hạng một di tích, hay trước mắt đưa ngay vào danh mục kiểm kê di tích để sau đó đánh giá toàn diện giá trị của công trình, là việc làm không quá khó khăn và cần nhiều thời gian. Tôi có thể đưa ra một trường hợp cụ thể: vào năm 1997 – 1998 bảo tàng lịch sử TPHCM tổ chức khai quật di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8), đây là di tích thuộc “xóm lò gốm Sài Gòn xưa” duy nhất còn lại khá quy mộ, tuy đã hư hỏng rất nhiều.
Cuộc khai quật chia làm 2 đợt, xong đợt 1 vào cuối năm 1997, nhận thấy giá trị đặc biệt của di tích này, từ việc nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành về KCH, được chính quyền thành phố đồng ý, Sở VHTT lúc đó đã khẩn trương làm hồ sơ và trình Bộ VHTT, chỉ trong thời gian rất ngắn, vào tháng 4/1998 Bộ VHTT đã có quyết định công nhận Lò gốm cổ Hưng Lợi là di tích KCH cấp quốc gia. Sau đó, Bộ VHTT và thành phố đã cho cho phép BTLS tiếp tục khai quật đợt 2 để nghiên cứu bảo tồn tại chỗ, phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa một di tích của “Sài Gòn 300 năm”.
Vì vậy, đối với công trình Dinh Thượng thơ hoàn toàn có thể tiến hành những thủ tục pháp lý theo cách thức như vậy! Trước hết cần đưa ngay công trình vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố, tổ chức cho những nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn di sản, kiến trúc và quy hoạch, quản lý văn hóa... tọa đàm, hội thảo khoa học về giá trị lịch sử, kiến trúc của công trình và cả cảnh quan khu vực công trình tọa lạc, vì di tích kiến trúc xưa cần được đặt trong cảnh quan và quy hoạch đô thị.
Đồng thời lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân vì “di sản là tài sản và ký ức” của nhiều thế hệ cộng đồng trong quá khứ và tương lai, di sản phải được bảo vệ và di truyền cho đời sau chứ không thể tùy tiện phá hủy vì lợi ích trước mắt của một đời, một “nhiệm kỳ”. Các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp thành phố cho công trình này. Cũng cần thấy rằng, di sản văn hóa SG – TPHCM không phải của riêng thành phố này mà là “tài sản văn hóa” chung của đất nước!
Tất cả những công việc trên sẽ làm được với một điều kiện quan trọng: chính quyền thành phố tôn trọng những di tích ít ỏi còn lại của Sài Gòn, nhất là ở khu vực trung tâm, cần thể hiện trách nhiệm của chính quyền một thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” mà trước hết là văn minh trong ứng xử với di sản văn hóa, hiện đại theo xu hướng bảo vệ di sản văn hóa của thế giới và nghĩa tình với quá khứ của mảnh đất mình đang sinh sống!
TS. Nguyễn Thị Hậu
Phó Tổng Thư ký Hội KHLSVN
Không có nhận xét nào