Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CẠP ĐẤT MÀ ĂN

Cách đây mấy năm, cô Ngọc Trinh, một người nổi tiếng nhờ nhan sắc đã tuyên bố một câu xanh rờn:”Không tiền thì cạp đất mà ăn à”. Báo chí kha...

Cách đây mấy năm, cô Ngọc Trinh, một người nổi tiếng nhờ nhan sắc đã tuyên bố một câu xanh rờn:”Không tiền thì cạp đất mà ăn à”. Báo chí khai thác câu nói này dữ lắm và một thời cũng là câu cửa miệng của nhiều người. Rất nhiều người gật gù cho rằng cô gái này học hành chẳng bao nhiêu mà nói nghe rất chí lí.

Thế nhưng, càng nghĩ lại càng thấy cô gái này nói tào lao, nói trật bù lon rồi. Quý vị nghĩ xem đi, các đại gia đang được gọi là giàu nhất Việt Nam hiện nay đều phất lên nhờ cái gì? Nếu không  nhờ đất thì lấy đâu mà giàu dữ vậy? Ở xứ ta, cho đến nay cái ốc vít còn chưa sản xuất được thì lấy đâu ra người giàu nhờ công nghệ. Tất cả đều nhờ cạp đất mà giàu. Cả xã hội ùn ùn đi buôn bất động sản, đi buôn đất. Đại gia đánh miếng lớn, tiểu gia ôm miếng nhỏ. Giá cả lên vùn vụt từng ngày. Bây giờ ra quận 9 mà coi, giá đất sáng một giá, đến chiều đã có giá khác. Bay đến thành phố Nha Trang, đi đâu người ta cũng bàn về giá nhà giá đất, bởi nó lên giá chóng mặt, theo không kịp. Phú Quốc, Đà Nẵng một thời cũng thế. Chính đất đẻ ra tiền, không cạp đất thì cạp gì? Đất đem đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ nên san bằng được, thâu tóm được, tịch thu được, cướp được người ta sẵn sàng thực hiện ngay bất chấp lương tâm, đạo lý.

Trong vòng xoáy đó có sự góp phần đắc lực của các cán bộ lãnh đạo  cấp nhà nước và địa phương. Họ vẽ ra dự án, họ bày ra quy hoạch và cấu kết với các doanh nghiệp để cạp đất. Mua rẻ bán đắt. Đền bù một bán gấp trăm, gấp ngàn lần. Và cũng chính vì món lợi quá lớn, họ đạp đổ tất cả. Họ đập phá chùa chiền, nhà thờ là những chốn tâm linh. Họ đập bỏ thần linh. Họ sẵn sàng san bằng một dấu tích, linh hồn của một phố thị, ký ức của một đô thị. Họ trở thành những kẻ nhẫn tâm, ác độc xua đuổi những dân nghèo rời khỏi miếng đất gắn bó mấy đời. Họ cướp trắng những căn nhà nhỏ, phá tan cuộc sống ấm êm của những gia đình. Họ san bỏ những mảnh vườn, ruộng lúa của những người dân. Tất cả để có một vùng đất đã giải toả sạch giao cho các doanh nghiệp dựng lên những cao ốc, những khu nhà ở đắt tiền, những biệt thự nguy nga. Tất cả đều từ đất mà ra đấy.

Vì những lợi nhuận khổng lồ, họ tìm cách lừa dối nhân  dân, lừa dối cấp trên để chiếm đất. Khi mọi chuyện có thể bị phơi bày ra ánh sáng, họ tìm cách chối tội. Vụ bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị mất một cách bí ẩn cũng nằm trong âm mưu đó. 

Chỉ cần một cái chỉ tay của doanh nghiệp FLC, cả hệ thống chính trị và ban ngành dưới sự lãnh đạo của chủ tịch tỉnh đã cuống quýt chạy quanh để giao cả một  vùng đất, vùng biển và đảo Lý Sơn, dẹp bỏ một đồn biên phòng để dọn đường cho doanh nghiệp. Đằng sau sự sốt sắng cao độ đó là gì? Không nói ra thì ai cũng hiểu. 

Những vụ án gây dư luận như vụ Đoàn Ván Vươn, như vụ Hà Tây đều bắt nguồn từ tranh chấp đất giữa dân và chính quyền.

Tất cả đều từ đất mà ra. Nhiều địa phương, lãnh đạo suốt ngày chỉ loay hoay với các dự án đất đai. Và khi càng nhiều đất đai bị quy hoạch, bị tước đoạt, bị cưỡng chế, được giao bán càng nhiều thì số người dân là nạn nhân của những vụ cạp đất càng đông. Họ lũ lượt khăn gói ra trung ương, lên thành phố kêu oan. Nhưng rồi chẳng mấy ai giải quyết được cho họ. Bởi khi chúng mưu toan cướp đất, chúng đã chuẩn bị giấy tờ, quyết định, nghị quyết đúng quy trình cả rồi. Chính vì những sự vụ như thế mà nảy sinh ra nhiều cảnh tréo ngoe. Có bà mẹ Việt Nam anh hùng, có năm ba đứa con đều là liệt sĩ, hôm trước là công thần với cách mạng, hôm sau bị cướp đất trở thành dân oan, chửi bới cách mạng không tiếc lời, bị gọi là phản động. Đa phần những vụ dân oan đều dính dáng đến đất đai.

Chính đất đã khiến xã hội rối loạn, kỷ cương chẳng còn. Mọi người vì lợi nhuận tham gia cạp đất, bán đất. Đến một lúc nào đó, những đất đã bàn giao, đã cho thuê, đã bán đứt kia lại lọt vào tay của ngoại bang. Chúng đã âm mưu bày kế thế đã lâu, khi ta phát hiện thì việc đã rồi.

Báo chí thường dùng từ cơn sốt đất, nhưng thật ra là lòng người đang sốt. Một nền kinh tế mà chỉ chạy quanh và phát triển trên cơ sở bất động sản thì chẳng mang lại lợi ích gì cho dân. Một đất nước mà số người giàu đều nhờ đất đai thì đất nước đó cũng chẳng dựa vào đâu để phát triển. Tiếc thay, tất cả đều đang cạp đất mà ăn. 

Điều 53, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”

Trước những bê bối về đất đai hiện nay, có lẽ cũng nên xét lại điều này trong Hiến pháp.
5.5.2018
DODUYNGOC






Không có nhận xét nào