Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Có một Sài Gòn Ăn Mày Dĩ Vãng Như Thế

Có một Sài Gòn Ăn Mày Dĩ Vãng Như Thế Mình đọc báo tối nay, coi được một câu phát biểu khá buồn cười của vị giám đốc Sở Quy Hoạch TPHCM - ôn...

Có một Sài Gòn Ăn Mày Dĩ Vãng Như Thế

Mình đọc báo tối nay, coi được một câu phát biểu khá buồn cười của vị giám đốc Sở Quy Hoạch TPHCM - ông Nguyễn Thanh Nhã ở bài báo đăng trên Vnexpress.net.  Ông nêu lên rằng "trên thế giới có nhiều cách gìn giữ các công trình cũ ... Trong đó, chỉ những công trình được công nhận là di tích mới được giữ nguyên hiện trạng để thế hệ mai sau có cảm nhận về văn hóa, kiến trúc xưa.".

Bài báo tại đây >> https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tp-hcm-se-khong-bao-ton-toa-nha-130-tuoi-3743944.html/.

Mình thử đọc về luật giữ gìn các tòa nhà lịch sử ở Mỹ.  Thì thật đáng buồn, câu phát biểu của ông Nguyễn Thanh Nhã chỉ nói một nửa sự thật.

Một nửa sự thật vì chỉ có ở Việt Nam, chính quyền nắm hết trong việc xếp hạng một địa danh có là di tích hay không, chả có người dân nào được đệ đơn lên để đề cử cả.

Và chính quyền TPHCM chả hiểu họ nghĩ gì khi chợ Bến Thành hơn 200 năm tuổi đời, là biểu tượng của Sài Gòn mà lại không là di tích lịch sử Sài Gòn bạn nhỉ ? 

Nên chính quyền TPHCM, họ tự biên tự diễn, tự cho phép mình không cho địa danh vào di tích mà đem cái lý do "thế giới chỉ bảo vệ di tích" để làm cái nền đập phá di sản văn hóa của họ.

Không đâu ông Nguyễn Thanh Nhã ạ.  Ông đã lầm vì ông chỉ lòe người Việt.

Ở Mỹ, không có tình trạng tòa nhà cao tuổi nào, mà người dân đều cho là xứng đáng là di tích, mà chỉ có các ông lại không cho là "di tích".

Ở Mỹ, ngoài các cơ quan văn hóa có trách nhiệm về giữ gìn và tìm kiếm di sản văn hóa (mà họ làm việc hơi kỹ), người dân nào cũng có quyền vào mạng National Register of Historic Places (Sổ bộ Địa danh Lịch sử Quốc Gia) để mà tải đơn và bắt đầu cho việc đề cử một khu vực, địa danh, công trình xây dựng cần được bảo tồn ở cấp quốc gia.

Và ngoài mạng Sổ bộ cấp quốc gia (national level), người dân còn có các mạng Sổ bộ ở cấp tiểu bang (state level), quận hạt (county level) hoặc địa phương (local / city level) để mà đề cử.  Chắc chắn rằng quy trình tuyển chọn các di tích lịch sử hoặc tòa nhà lịch sử sẽ có rất nhiều đòi hỏi, nhưng người dân Mỹ nào cũng đều có thể tra hỏi và nếu cần thiết, đem  luôn cả chính phủ Mỹ ra tòa để mà cãi về việc nên hay không giữ lại một công trình xây dựng xưa.

Bạn nếu biết tiếng Anh và muốn biết quy trình công nhận di tích ra sao ở Mỹ:

. Bạn vào đây mà đọc quy trình đề cử các địa danh cấp quốc gia (national level) >> https://www.nps.gov/nr/national_register_fundamentals.htm#start

. Bạn vào đây mà đọc quy trình đề cử các địa danh ở cấp tiểu bang (state level), ví dụ ở tiểu bang California >> http://ohp.parks.ca.gov/?page_id=1056

. Bạn vào đây mà đọc về nhóm người chịu trách nhiệm việc đề cử các địa danh cấp quận hạt (county level), ví dụ ở hạt Santa Clara >> http://santaclaraca.gov/government/board-commissions/historical-landmarks-commission

. Và trên mạng, có rất nhiều các diễn đàn để bạn tham gia vào việc gìn giữ di sản nơi bạn ở tại Mỹ, tùy theo bạn có ý thích gì.

Và đây, chỉ riêng một tiểu bang California của mình thôi, bạn coi tới Tết Congo cũng chưa hết các di tích gì gì đó >> http://www.ohp.parks.ca.gov/ListedResources/.  

Còn bạn muốn chỉ coi một phân loại dạng historical landmarks ở hạt Santa Clara, thì đây >> http://www.ohp.parks.ca.gov/?page_id=21522. 

Một tiểu bang California có 58 hạt (counties) lớn nhỏ đó bạn.  Và nước Mỹ có 50 tiểu bang, lẫn đủ thứ các di tích cấp quốc gia không liên quan tới tiểu bang.

Nên mình nói bạn đừng buồn, nhưng thật sự di tích lịch sử Sài Gòn chỉ như muối bỏ biển so với với bên Mỹ.

Vậy mà người ta chỉ còn có chút đó của Sài Gòn cũng không giữ lại, lại còn huênh hoang là muốn tạo "di sản mới".  

Mình đọc câu phát biểu của hai ông Huỳnh Xuân Thụ và Nguyễn Thanh Nhã mà thấy cả sự dốt trong ấy.  

Có thể họ chỉ nói cho bạn nghe, vì bạn quen nghe, chứ ở trên thế giới, người ta gọi đó là những câu phát biểu "linh tinh" đó.

Mình viết bài này, cho các bạn nhà báo, để nếu ông Nguyễn Thanh Nhã lại đem thế giới ra mà nói là "chỉ những công trình được công nhận là di tích mới được giữ nguyên hiện trạng để thế hệ mai sau" trên thế giới, bạn cứ hỏi ông đã nghiên cứu kỹ về luật di sản văn hóa ở Mỹ chưa ?  

Hay là ông tự vẽ ra cái luật đó, chụp mũ lên thế giới và lòe bạn.

Ví dụ nếu bạn cần và ông thách thức bạn, mình tìm thêm vài chục links về những luật lệ của các thành phố bên Mỹ, bắt buộc nhà thầu khi đập các tòa nhà có tuổi đời cao hơn 50 năm, phải nộp thêm giấy phép đặc biệt như ở thành phố Arcadia ở California nè bạn >> https://www.arcadiaca.gov/Home/ShowDocument?id=3124.  Bạn thấy đó, nhà trên 50 tuổi, thành phố cần luôn các Sử Gia tới mà phán đoán đó bạn, chứ không phải là để tới phần ông tổng Huỳnh Xuân Thụ phát biểu "linh tinh" rằng "tòa nhà đế quốc thực dân xoong chảo" gì trong đó đâu bạn, lẫn ông Nguyễn Thanh Nhã "cần phải thuộc dạng di tích mới được bảo tồn".

Bạn muốn đối mặt với bọn dốt, hãy đem tri thức ra mà nói chuyện với họ.

Di sản văn hóa ở Sài Gòn chưa bao giờ là của riêng ai cả, và mình xấu hổ là người Cộng Sản đã thống nhất đất nước, đã hô hào hàng ngày là "yêu quê hương đất nước", vậy mà họ lại có thể đập phá hết các di sản văn hóa Sài Gòn như vậy.  Họ "yêu quê hương đất nước" chỗ nào ? 

Một dân tộc mà không còn các di tích văn hóa xưa để nhớ đến, đó chỉ là một dân tộc ăn mày dĩ vãng.

Một vùng đất mà không còn các tòa nhà và các di sản văn hóa xưa, đó là một vùng đất vô văn hóa.  Và bất hạnh thay cho dân tộc nào sống ở vùng đất vô văn hóa ấy, vì họ chỉ là một dân tộc ăn mày dĩ vãng.

Bạn có thể đổ lỗi cho tất cả.

Bạn có thể không quan tâm đến các di sản văn hóa Sài Gòn.

Bạn có thể ngồi uống cà phê và bàn về cặp vú của các cô hoa hậu người mẫu ngon lành ra sao.

Nhưng mỗi ngày mà bạn không quan tâm và chúi đầu xuống đất như một con đà điểu, thì một tòa nhà xưa ở Sài Gòn lại bị mất đi, và bạn đang càng gần đến đích của một dân tộc ăn mày dĩ vãng.

Bạn không thể mãi mãi là con đà điểu chúi đầu xuống đất đâu bạn.  Thời gian không xóa phai nhòa vết xưa đâu, mà ngược lại, "trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".

Và chắc chắn với việc đập phá hiện nay, người Sài Gòn sẽ là bọn người ăn mày dĩ vãng.

Vì bạn có còn di tích văn hóa nào đâu để mà biết dĩ vãng của Sài Gòn. Bạn chỉ có thể dựa vào sách mà đọc, mà ăn mày dĩ vãng về Sài Gòn.

Và bất hạnh thay cho con cái của các bạn ở Sài Gòn, sống ngay trên vùng đất 300 năm có lẻ mà lại phải ăn mày dĩ vãng về cha ông và vùng đất của cha ông chúng.

Và bất hạnh thay cho con cái của bọn mình ở Mỹ, vì chúng có thể đi hết cả thế giới, mà Sài Gòn, nơi đáng lẽ chúng yêu quý và muốn về nhất, lại chỉ còn có đĩ điếm và các "di sản mới".  Chắc chúng chả có lý do gì để mà về nơi "quê hương là chùm khế ngọt" vô văn hóa đến vậy cả.

Và hình ảnh người Cộng Sản, qua việc này, mẻ đi hơi nhiều trong suy nghĩ của mình.

Vì đã có bao giờ một người thanh niên Nguyễn Tất Thành đầy nhiệt huyết ra đi tìm đường cứu nước, mà nay lại có các vị lãnh đạo TPHCM, những người nối tiếp việc yêu nước của ông, lại đòi đập và phá hết tất cả về Sài Gòn xưa ?

Vì mình muốn hỏi ông Huỳnh Tấn Phát, vị kiến trúc sư thủ khoa của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vị lãnh đạo Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nếu hương linh ông còn đâu đó, là ông đã cứu miền Nam ra sao để mà thế hệ kiến trúc sư Cộng Sản thế kỷ 21 của ông chê luôn tòa nhà cổ Sài Gòn là "xoong chảo".  

Và, mình muốn hỏi ông Bí Thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, người đã học 4 khóa đào tạo ở đại học Harvard bên Mỹ, là ông đã qua bên Mỹ thấy gì, mà ngày nay lại để các lãnh đạo TPHCM đập cả tòa nhà xưa ở Sài Gòn và cho nó vào hạng "xoong chảo".  Ở Mỹ, mà nhất là khu Harvard, chắc là không có tình trạng một vị lãnh đạo Sở Quy Hoạch nào đó đòi đập historic buildings chỉ vì chúng là "tàn dư đế quốc" và "không thuộc di tích bảo tồn" ông nhỉ ?

Và chắc là câu hát "Quê hương là chùm khế ngọt" nghe sao mà cay đắng quá chừng đúng không bạn ?  Ta còn đâu "quê hương" sau này nữa để mà biết nó là chùm khế ngọt ? 

Bạn đau buồn, bạn than khóc, bạn uống ly cà phê không xuống hết, mình hiểu nỗi lòng của bạn lắm.

Nhưng ai sẽ hiểu nỗi lòng của tất cả chúng ta, một dân tộc có lịch sử cả ngàn năm, đang dần dần trở thành một dân tộc ăn mày dĩ vãng bạn nhỉ ? 

Hay bạn đi hỏi các cán bộ Viện Sử Học thử xem.

Hay bạn đi hỏi các cán bộ Bộ Văn Hóa thử xem.

Hoặc bạn đi hỏi các thầy cô của bạn thử xem.

Hoặc bạn đi hỏi vị lãnh đạo thử xem.

Hay bạn hỏi luôn nhà thơ Đỗ Trung Quân, khi mà Sài Gòn đã mất đi hết các tòa nhà xưa, các di tích văn hóa xưa, những hàng cây xanh, thì "quê hương có còn là chùm khế ngọt" nữa không thầy nhỉ ?

Hay quê hương chỉ còn là một chốn không hồn, với những con người sống ngập ngụa trong tiền bạc và đĩ điếm.

Và chốn Sài Gòn 300 năm lẻ ấy chắc chỉ còn lại những người ăn mày dĩ vãng, với cái kết buồn không thể nào buồn hơn.

Hay bạn cho mình đặt luôn tiêu đề cho bài viết này là "Có một Sài Gòn Ăn Mày Dĩ Vãng Như Thế".  

Vì với tiêu đề này, bạn đọc và khỏi sống trong ảo tưởng là Sài Gòn có lịch sử 300 năm lẻ nữa há bạn.

Vì chúng ta đã và đang bất lực và bỏ quên Sài Gòn.  Và chính vì sự bất lực của chúng ta, mà chúng ta cũng đừng nên sống trong ảo tưởng của một Sài Gòn 300 năm lẻ nữa bạn ạ.  Chúng ta không xứng đáng với Sài Gòn 300 năm lẻ.

Sài Gòn chết rồi ư ? Chắc là không đâu.

Nhưng mình viết lên để bạn tự suy gẫm.

Mình không bỏ cuộc, mình vẫn viết và mình ở tận bên Mỹ.

Bạn đã làm gì ? Bạn sẽ làm gì ? Bạn muốn làm gì ?  Bạn hãy tự suy gẫm.

Nhưng đừng để con cháu của bọn mình sau này, đọc lại sử và lên tiếng hỏi rằng "Ba Má đã ở đâu khi Sài Gòn cần đến một vòng tay bảo vệ của Ba Má ?".

Và đừng để chúng hỏi rằng "Ông bà nội / ngoại đã làm gì khi người ta đập hết Sài Gòn ?".

Vì chúng có quyền hỏi và có quyền phán xét rằng, chúng ta đã hèn nhát và bất lực cho người ta đập phá hết Sài Gòn.

Danh tiếng "người Sài Gòn" chưa bao giờ ô nhục đến vậy đâu, bạn nhỉ ? 

Mình đọc sử thấy có Gia Định Tam Hùng nào đó.  Chả hiểu ba ông giờ đã đi đâu luôn rồi nhỉ ? 

Hay là người ta ca tụng 3 ngài lên tới mây trong khi đạp đổ hết tất cả những gì liên quan đến Sài Gòn xưa.  Gia Định Tam Hùng để mà làm gì khi Sài Gòn chả còn gì liên quan đến 3 ông nữa cả ? 

Mình tối nay sao mà nhớ câu ca dao mình thường ngâm "Má ơi đừng gả con xa, Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu ?".

Ước gì mình đừng biết về Sài Gòn.  

Mình ra biển Santa Cruz hồi chiều ngồi mà những giọt nước mắt lăn dài.  Đàn ông mà khóc coi bộ hơi sến đúng không bạn ?

Nhưng chỉ có những kẻ không còn tình yêu với quê hương đất nước mới có thể dửng dưng cho sự sống còn của các di sản văn hóa Sài Gòn.

Mình khóc cho Sài Gòn của mình, của ba má mình, của ông bà mình.

Vâng mình có thể không hiểu "bản sắc người Việt" là gì vì mình ở Mỹ, nhưng mình thấy đau trong con tim khi nghĩ về số phận của dinh Thượng Thơ Sài Gòn đầy oan ức đến vậy.

Vì người Sài Gòn đã bất lực để các di sản văn hóa Sài Gòn đang mất dần đi.

Người Châu Phi có câu ngạn ngữ "It takes a village to raise a child" có nghĩa là "Một đứa trẻ cần sự dạy dỗ nuôi nấng của cả một thôn xóm".  Một đứa trẻ mà người Châu Phi họ lại còn nghĩ đến vậy.  Vậy mà một dân tộc Việt Nam có cả ngàn năm lịch sử, không thể giữ nỗi một chút xíu đó của Sài Gòn, mà lại đập phá hết các di sản văn hóa của ông cha mình.  Người Sài Gòn sẽ dạy gì cho con của họ bạn nhỉ ? Đã bao giờ sự đập phá di sản văn hóa là OK đúng không bạn ?  Ngay cả nước Trung Quốc kế bên, ngày nay họ cũng giữ lại những gì rất xưa của nước họ.  Còn Việt Nam mình, thì đập phá hết tất cả.

Bạn đừng tưởng chỉ người Sài Gòn buồn, mà sự buồn này nó sẽ từ từ ra đến miền Trung, miền Bắc.  Bạn sẽ thấm khi cả một nước Việt Nam ăn mày dĩ vãng.  Bạn sẽ thấm khi nơi mà cha mẹ bạn hẹn hò sẽ bị cho vô thùng rác.  

Bạn sẽ thấm khi một vị lãnh đạo TT Sở Quy Hoạch Hà Nội phát biểu rằng "Quốc Tử Giám là sự Hán nô đáng khinh bỉ của người Hà Thành và cần dẹp đi tàn tích phong kiến ấy".

Mình khỏi đem các nơi khác ra so sánh, vì bạn chỉ đau lòng thêm mà thôi.  Để bạn biết, sự chúi đầu như con đà điểu của bạn, chưa bao giờ là một giải pháp cả.  

Bất hạnh thay là Sài Gòn đi đầu trong việc bị phá nát các di sản văn hóa.

Ngủ đi cưng ơi.  Ngủ đi dinh Thượng Thơ Sài Gòn.

Qua ôm bậu vào lòng ru bậu ngủ, và để những giọt nước mắt của qua lăn dài trên khuôn mặt của bậu.

Vì người Sài Gòn đối xử thật tệ với bậu dù họ kiếm ăn trên mảnh đất Sài Gòn.  Dù họ xưng là "anh Ba Sài Gòn" hay "cô Ba Sài Gòn".

Vì người Cộng Sản đã thất hứa trong việc giữ gìn quê hương đất nước và họ đang đập phá tàn nhẫn Sài Gòn.

Những "anh / cô Ba Sài Gòn" đang ở đâu nhỉ ?  Họ có nghĩ về bậu không ?  Họ có buồn đêm nay không bậu ? 

Họ có buồn khi sáng mai ra uống ly cà phê không ?

Họ có nhớ tới bậu ngày mai không ?

Hay họ lại bận rộn đi kiếm tiền và cúi đầu quỳ mà bò qua trôn của kẻ có tiền để có cơm gạo đem về nuôi vợ nuôi con ? 

Ngủ đi cưng ơi, ngủ đi bậu của qua.  Ngủ đi bậu ơi ...

"Lưới thưa mà bủa cá kìm, lòng qua thương bậu bậu tìm nơi nao ?".

Người miền Nam mình có cái kết buồn quá hả bậu ? 

Bậu ơi, bậu ơi ...

Brian



Không có nhận xét nào