Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Hoạt động hải quân chung đem lại gì cho VN?

Hoạt động hải quân chung đem lại gì cho VN?  Ý kiến chuyên gia Biển Đông rằng việc Việt Nam đẩy mạnh hoạt động hợp tác quân sự trên biển tạo...

Hoạt động hải quân chung đem lại gì cho VN? 

Ý kiến chuyên gia Biển Đông rằng việc Việt Nam đẩy mạnh hoạt động hợp tác quân sự trên biển tạo ra đối trọng và sự e dè nhất định từ Trung Quốc.

Chỉ trong vài tháng đầu năm 2018, Việt Nam liên tục có các hoạt động hợp tác trên biển.

Tháng trước, Hải quân Việt Nam vừa kết thúc đợt tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Theo tờ The Diplomat ngày 30/4, hoạt động này nhấn mạnh một hoạt động mà cả hai nước đã tiến hành thời gian qua để giải quyết các thách thức hàng hải trong mối quan hệ song phương mở rộng.

Tác giả bài báo, Prashanth Parameswaran, bình luận rằng lĩnh vực hàng hải từ lâu đã tạo nên sự hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Thái Lan.

Hợp tác này không chỉ bao gồm khai thác các cơ hội kinh tế từ hai phía mà còn giải quyết các thách thức đang diễn ra nhưng ít được điều trần công khai trong các tuyên bố chính thức như phân định hàng hải và đánh bắt trái phép.

Đây là cuộc tuần tra chung lần thứ 37 của hải quân Việt Nam và Hải quân Hoàng gia Thái Lan, diễn ra từ 22-25/4.

Tờ the Diplomat cho biết các cuộc tuần tra chung bao gồm diễn tập trên biển và thủy thủ Việt Nam thăm tàu của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Từ 20-21/4 hai bên đã thực hiện sáu phiên tuần tra với khoảng cách khoảng 400 hải lý, bao gồm tìm kiếm và cứu hộ đến vận hành Bộ Quy tắc ứng xử trong các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES).

Cũng theo tờ The Diplomat, vào 26/4, tàu khu trục hạng nặng RSS Intrepid của Singapore cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của khu trục Intrepid, các phái đoàn của Singapore như Bộ Tư lệnh Vùng 3, Quân khu 5 đã có hàng loạt các hoạt động tại Đà Nẵng như tập huấn tìm kiếm cứu nạn, thực hành truyền thông và tín hiệu hàng hải quốc tế.

Vào 17/4, một tàu hải quân Việt Nam cũng có chuyến thăm Thái Lan và Cambodia, tờ The Diplomate đưa tin.

Vào đầu tháng Ba, tàu khu trục của Mỹ Carl Vinson có chuyến thăm lịch sử tới Đà Nẵng. Chuyến thăm này thu hút sự chú ý của cộng đồng trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam tìm kiếm hậu thuẫn quốc tế trước sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thấy gì sau hàng loạt hoạt động hàng hải chung?

Theo ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TPHCM, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc phát triển các quan hệ quốc phòng này có nhiều ý nghĩa.

"Thứ nhất, Việt Nam đang cần tăng cường sức mạnh quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân và không quân. Cho nên qua sự giao lưu này, Việt Nam có thể tìm kiếm các cơ hội nâng cao khả năng huấn luyện, tác chiến cũng như thay thế các vũ khí cần thiết."

"Thứ hai, việc đẩy mạnh các quan hệ quân sự này cũng tạo ra thế đối trọng và tạo nên sự e dè nhất định đối với Trung Quốc."

Chuyên gia biển Đông Hoàng Việt nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh hôm 2/5 rằng thời gian gần đây, Trung Quốc có những bước đi rất mạnh bạo trong việc thực hiện ý đồ chiếm lĩnh Biển Đông. Nước này đổ tiền đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu một "đường chữ U liền" chứ không đứt đoạn như trước.

"Mặc dù năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế khẳng định yêu sách quyền lịch sử đối vùng biển nằm trong "đường chữ U" của Trung Quốc là vô giá trị, nhưng trước sự thay đổi trật tự thế giới và các tính toán lợi ích của nhiều quốc gia, Trung Quốc thấy có thể phớt lờ phán quyết. Việc tung ra nghiên cứu "đường chữ U liền" là Trung Quốc muốn thăm dò phản ứng của quốc tế nhằm tính toán các bước đi tiếp theo", ông Hoàng Việt nói.

Còn theo nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman viết trên blog The RAND ngày 26/3, riêng trong tháng 3/2018, việc Việt Nam 'bận rộn' với hàng loạt hoạt động lần đầu được công khai rầm rộ.

Đó là sự kiện hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson thăm Đà Nẵng (5/3), Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bàn về tự do hàng hải ở Biển Đông và hợp tác Ấn Độ-Thái Bình Dương, rồi việc Việt Nam cùng 16 nước tham gia diễn tập hải quân Milan do Ấn Độ tài trợ...là nhằm cải thiện vị thế quốc phòng của mình vào mùa đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc.

Ngoài ra, các hoạt động này còn chỉ ra Việt Nam đang tăng cường ngoại giao quốc phòng với các đối tác có thể cung cấp hỗ trợ - ngay cả khi chỉ bằng lời lẽ - trong trường hợp Trung Quốc lại có các động thái như đơn phương đặt dàn khoan trên vùng biển tranh chấp (diễn ra năm 2014), tàu cá Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam, theo ông Derek Grossman.

"Bẫy gác tranh chấp, cùng khai thác"

Bên cạnh tăng cường hợp tác các hoạt động quân sự trên biển, Việt Nam còn cần phải làm nhiều việc trước bẫy "Gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc, theo ông Hoàng Việt.

"Bẫy" này được Trung Quốc "giăng ra" sau khi Việt Nam được cho là bị buộc ngưng hai dự án khai thác dầu vào tháng 7/2017 và 3/2018.

"Thực chất, một mặt Trung Quốc ngăn chặn các quốc gia khai thác trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của họ (nghĩa là họ đương nhiên được hưởng quyền này theo luật biển quốc tế). Mặt khác Trung Quốc có ý đồ gợi ý cùng khai thác trên vùng biển này để gác lại tranh chấp. Việc Trung Quốc và Philippines gần đây đang thúc đẩy việc khai thác chung chính là nằm trong chiến thuật "không đánh mà thắng" trong việc giành việc kiểm soát thực tế trên biển Đông", ông Hoàng Việt nói.

"Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tỉnh táo để tránh rơi vào cái bẫy tương tự của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy vai trò của ASEAN trong việc hình thành một bản Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) để ngăn ngừa các xung đột cũng như ràng buộc các quốc gia liên quan không làm phức tạp thêm tình hình."

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng hôm 1/4 có bài về việc Bắc Kinh và Hà Nội "hứa gìn giữ hòa bình trên Biển Đông" trong đó bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Trần Bình Minh được trích lời, nói sẽ hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Một bài viết của Veeramalla Anjaiah trên Eurasiareview ngày 3/7/2017, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia ASEAN Đông Á lần thứ 31 tại Manila cũng lập luận rằng các nước ASEAN không nên rơi vào cái bẫy của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và COC.

Tác giả đưa ra hai kịch bản, một là Trung Quốc có thể tìm cách kéo dài hoặc trì hoãn bản COC cuối cùng cho tới khi đạt được các mục đích trên Biển Đông, sau đó mới ký COC. Hai là tìm cách làm giảm nhẹ các nội dung của COC để bộ quy tắc này không có cơ chế ràng buộc về pháp lý.

Để làm được việc đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục lôi kéo các nước bằng những ưu đãi về kinh tế, du lịch, thương mại, bao gồm các vấn đề trên Biển Đông.

"Nhưng các thành viên ASEAN phải gắn chặt vị thế của mình với một COC mạnh mẽ và có tính ràng buộc về pháp lý dựa trên các nguyên tắc của luật hàng hải quốc tế", bài viết trên tờ Eurasiareview đưa ra gợi ý. 

Mỹ Hằng
BBC, Bangkok




Không có nhận xét nào