HỌC ĐẠI HỌC, VINH QUANG HAY LỪA ĐẢO? Lê Văn Tích (Sắp đến mùa tuyển sinh ĐH, post lại bài để các bậc phụ huynh...
HỌC ĐẠI HỌC, VINH QUANG HAY LỪA ĐẢO?
Lê Văn Tích
(Sắp đến mùa tuyển sinh ĐH, post lại bài để các bậc phụ huynh tham khảo cân nhắc)
Vài chục năm trở về trước, chuyện đậu một trường đại học(ĐH) nào đó là niềm vinh dự cho bản thân, gia đình và thậm chí là vinh quang của cả dòng họ.
Nhưng kể từ ngày trường ĐH mọc lên “như nấm sau mưa” đến nay thì việc một học sinh đậu ĐH không còn là “hàng hiếm” nữa. Thậm chí trong rất nhiều trường hợp, học xong ĐH lại trở thành điều sỉ nhục cay đắng vì công việc mà những cử nhân này đảm đương không hơn gì những người thất học.
Cử nhân kinh tế là chủ quán trà đá; Tốt nghiệp học viện ngân hàng về buôn mì tôm; Thạc sĩ văn chương xin làm công nhân dày da, lắp ráp đồ điện tử, phụ hồ... Thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, đã có hơn 2 trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ không có việc làm.
Và mới đây nhất (7/2017) là kế hoạch của Bộ LĐTBXH dự kiến đưa 54.000 cử nhân đi “xuất khẩu lao động”.
Vậy nhưng sau mùa thi năm ngoái, có vị phụ huynh cùng xã khoe với mọi người trong niềm hân hoan rằng: con bà đậu vào Học viện Tài chính. Chao ôi! Đậu Học viện cơ mà, bố mẹ nào lại không vui cơ chứ! Trong khi cuộc đời họ cũng chỉ mới cấp một, cấp hai dở giang? Đây chính là “kẻ hở” cay nghiệt để nhiều trường ĐH tiếp tục tồn tại trên sự cùng quẫn của hàng trăm nghìn gia đình nông dân hiện nay.
Phần đông dân lao động chỉ biết quần quật tối ngày kiếm tiền để nuôi con ăn học mà dường như không nắm được thông tin về nhu cầu việc làm của thị trường lao động. Phần đông trong số họ vẫn “thèm khát” mù quáng ánh hào quang giả tạo của các trường ĐH một thời mà không biết được rằng sau 4-5 năm lam lũ nuôi con ăn học, cuối cùng chỉ để ngậm trái đắng và lòng thù hận vì bị lừa đảo.
Trở lại câu chuyện của của gia đình có con đậu vào Học viện Tài chính ở trên để thấy là vì sao học đại học ở rất nhiều trường hiện nay chỉ là sự thất bại, lừa đảo.
Người nông dân kia không biết được rằng hiện đang có hàng ngàn cử nhân kinh tế ra trường không có việc làm hoặc phải làm những việc không liên quan đến chuyên môn đào tạo. Họ và con cái của họ không biết là chính cái học viện kia năm ngoái tuyển sinh thiếu đến gần một nghìn chỉ tiêu. Trong khi đó họ cứ tưởng rằng con của họ là ưu tú?
Vậy là bố mẹ chỉ còn biết “vui vẻ” cắm đầu cày như trâu, cầm cố vay mượn để con lên đô thành “dùi kinh mài sử” trong niềm hy vọng tang thương của bốn năm sau đó.
Còn các trường ĐH cũng tỏ ra vô can, có người đăng ký học thì ta cứ tổ chức thu tiền và đào tạo dù cho ngành đó thiếu hay thừa. Có vị lãnh đạo còn lập luận khốn nạn thế này: “không đào tạo sinh viên thì lấy tiền đâu nuôi đội ngũ giảng viên ở các trường?”.
Chỉ vì cuộc sống của đội ngũ giảng viên của các trường ĐH mà người ta bất chấp tất cả khổ đau của người khác. Người ta sẵn sàng coi số phận, cuộc đời của sinh viên cùng với bố mẹ của họ là những “con vịt” để họ bịp bợm và vặt long kiếm sống.
Hai trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp chỉ là báo cáo của cơ quan chức năng. Tôi đồ rằng, trên thực tế thì con số phải gấp nhiều lần chừng đó. Hàng trăm nghìn người kéo nhau lên sống cuộc sống của người đô thị đắt đỏ để “tu nghiệp” từ 4-5 năm trời ròng rã. Chi phí mà họ phải trả cho những năm tháng đó có khi còn gấp nhiều lần gia sản cả đời của người nông dân.
Chính phủ có đến hàng chục cơ quan tham mưu giúp việc, trong các cơ quan ấy có đến hàng ngàn người làm cái việc "thiết kế" tổ chức xã hội. Nhưng mọi thứ cứ diễn ra tùm lum, vô tổ chức, lãng phí như một bầy người vô chính phủ mà không ai phải chịu trách nhiệm. Cuối cùng mọi thiệt thòi, khổ đau và oan trái đổ hết lên đầu những người nông dân lương thiện ít học. Các vị phụ huynh hãy tự tìm hiểu, cân nhắc trước khi đẩy con mình đến chỗ dối trá và hận thù chứ không phải là vinh quang vẻ vang như chúng ta vẫn nghĩ.
Vậy là, hy vọng về cái “nghiệp học” để thay đổi cuộc đời vô hình trung lại tiếp tay xô đẩy số phận của họ xuống một tầng nấc tối tăm hơn, tầng nấc của nợ nần chồng chất và niềm tin mù lòa. Thật khốn khổ!
Không chỉ mất đi sản nghiệp của đời họ vì nuôi con ăn học mà con cái họ đã sống trong cơ cực và tủi hổ suốt 4-5 năm ở nơi ghẻ lạnh của kim tiền. Bốn hay năm mùa xuân qua đi mà mình không hề biết đó, đáng lý ra sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ, lại thành nổi buồn thù hận đáng quên nhất cuộc đời.
Viết điều này ra mong rằng các bạn học sinh của tôi đừng quá ảo vọng về “giấc mơ đại học” để rồi chuốc lấy cay đắng như nhiều cử nhân thạc sĩ đang tìm mọi cách để trở thành “cu li” của xứ người như hiện nay.
Mất tiền thì còn có cơ hội tìm lại nhưng để mất thời gian thì có kiếp sau mới lấy lại được.
Điều cay đắng nhất không phải hai thứ đó mà chính là lòng tin và thù hận. Các em đã bị một nhóm người hứa hẹn viễn vông về một giấc mơ sau đại học, các em đã đặt hết niềm tin vào sự hào nhoáng phù du ấy...
Cho nên, sau khi không tìm được việc làm (vì quá nhiều lý do) nhưng lý do làm các bạn uất nghẹn không dám nói ra đó là nền quản trị xã hội quá lạc hậu, công quyền thì hủ bại, tham nhũng lan tràn. Dẫn đến một nhóm người thượng lưu ở nơi đô thành sống đời sống vương giả trong khi những tấm thân lưng còng của người nông dân ít học thì như ngày càng da bọc lấy xương.
Đó chính là tấm huy chương giả tạo, tấm huy chương của vinh quang và lừa đảo mà người nông dân nước Việt chưa biết khi nào mới bớt đau khổ và “thoát thai”!!!
LVT, Diễn Châu, December/16/2016
Không có nhận xét nào