Chu Mộng Long: Sau năm 1975, Tổng phụ trách đội hay tổ chức cho bọn trẻ trâu của chúng tôi chơi trò đố cờ. Đủ các loại cờ: cờ Liên Xô, cờ Tr...
Chu Mộng Long: Sau năm 1975, Tổng phụ trách đội hay tổ chức cho bọn trẻ trâu của chúng tôi chơi trò đố cờ. Đủ các loại cờ: cờ Liên Xô, cờ Trung Hoa, cờ Việt Nam, cờ Cu Ba… Bài hát Đố cờ:
- Nào các bạn cùng ra đây, ta cùng nhau đố cờ
Đố ai biết được cờ nước Liên Xô hùng cường tự do
- Nào có khó chi nào lại đây tôi xin nói liền
Cờ Liên Xô tự do búa liềm trên nền đỏ tươi, hú…
- Nào các bạn cùng ra đây, ta cùng nhau đố cờ
Đố ai biết được cờ nước Trung Hoa hùng cường tự do
- Nào có khó chi nào lại đây tôi xin nói liền
Cờ Trung Hoa tự do 5 sao vàng trên nền đỏ tươi, hú…
- Nào các bạn cùng ra đây, ta cùng nhau đố cờ
Đố ai biết được cờ nước Việt Nam hùng cường tự do
- Nào có khó chi nào lại đây tôi xin nói liền
Cờ Việt Nam tự do một sao vàng trên nền đỏ tươi, hú…
Hồi đó cái đầu trẻ trâu cảm giác tự ti vì khi hát lên thấy cờ mình có “một sao” nhỏ bé quá! Lại ao ước một ngày kia hết đói nghèo, cờ ta sẽ có một trăm sao để các cường quốc phải hoa mắt.
Bây giờ mới biết, trong thời chiến tranh, cuộc chọi cờ bên bờ Hiền Lương còn hoành tráng hơn cuộc chơi đố cờ của trẻ trâu chúng mình. Té ra bên bờ Hiền Lương hồi đó vui, vui như Tết!
--------------------------
CHỌI CỜ
Bữa trước nói chuyện chọi loa, nay tiếp chuyện chọi cờ.
Hiệp định Giơnevơ ký hôm trước, hôm sau Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh cho toàn lãnh thổ miền Nam (vĩ tuyến 17 trở vào) treo cờ rủ để tỏ thái độ phản đối. Với một tâm thế và thái độ ứng xử hoàn toàn khác, miền Bắc ngậm bồ hòn làm ngọt, gượng gạo tuyên truyền “thắng lợi”, bí mật cài cắm lực lượng “nằm vùng”, hân hoan chờ đón tổng tuyển cử.
Theo tinh thần đó, ngày 10-8-1954 ở bờ Bắc cầu Hiền Lương, lá cờ đỏ sao vàng rộng 15,36 mét vuông được kéo lên, vênh vang tung bay trên ngọn cây phi lao (còn gọi là cây dương) thẳng tưng, cao 12 mét. Quân Pháp ở bờ Nam giật mình, liền trương cờ tam tài (quốc kỳ Pháp) lên nóc lô cốt Xuân Hòa, cao 15 mét.
Thấy nó cao hơn mình 3 mét, bờ Bắc không chịu. Các chiến sĩ biên phòng lên rừng Trường Sơn, sau mấy tuần lặn lội, kiếm được một cây lim thẳng đứ đừ, cao nghều nghệu. Cột cũ được thay bằng cột mới, cao 18 mét với lá cờ cũng mới, rộng 24 mét vuông. Thế là cờ bờ Bắc vượt bờ Nam 3 mét.
Trước khi nhận bàn giao từ tay Pháp, từ giữa tháng 2-1956 Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho xây cột bằng xi măng cốt thép, cao 30 mét, có đèn nhấp nháy đủ màu ở bờ Nam, trương cờ 3 sọc lên. Loa phóng thanh rêu rao: “Tổng thống VNCH cho dựng cột cờ cao 30 mét ở vĩ tuyến 17 để dân chúng Bắc Việt thấy rõ chánh nghĩa quốc gia”.
Thế rồi, sau khi xin được của Liên Xô, đầu tháng 7-1957, bờ Bắc đột ngột xuất hiện cột cờ bằng thép ống, to chắc lừng lững, cao ngất ngưởng: 34,5 mét. Đỉnh cột có gắn ngôi sao bằng đồng vàng chóe, đường kính 1,2 mét. Mỗi đỉnh ngôi sao có gắn 3 bóng điện 500W, tổng cộng là 15 bóng, sáng lung linh. Lá cờ mới rộng 108 mét vuông, tung bay phấp phới như chọc tức bờ Nam.
Không chịu thua, bờ Nam cho tôn cột cờ thêm 5 mét nữa, thế là cao 35 mét, hơn bờ Bắc nửa mét. Loa phóng thanh lại rêu rao: “Bắc Việt muốn chọi cờ, nhưng chọi sao nổi Quốc gia!”.
Tức mình, bờ Bắc huy động làm cột cờ khác cao hơn. Năm 1962, từ Hà Nội, cán bộ công nhân Tổng Công ty xây lắp đưa vào đây một cây cột thép cao 38,6 mét. Cách đỉnh cột 10 mét có một ca-bin để người có thể đứng thu và treo cờ dễ dàng. Dựng cột xong, lá cờ 134 mét vuông được thượng lên, phần phật bay trong gió.
Từ năm 1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá khu vực giới tuyến. Cột cờ Hiền Lương là mục tiêu trước tiên. Sau nhiều đợt đánh phá, đến trưa ngày 2-8-1967 cột cờ gãy gục và cầu Hiền Lương bị sập. Ngay chiều hôm đó, cột cờ khác được dựng lên, tuy không cao nhưng cũng đủ kiêu hãnh. Cũng đêm hôm đó, các chiến sĩ đặc công thủy của Đoàn 126A dùng bộc phá đánh sập cột cờ bờ Nam.
Kể từ đó đến khi kết thúc chiến tranh, bầu trời giới tuyến sạch bóng cờ 3 sọc, chỉ duy nhất cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ tung bay.
Copy từ Thọ Nguyễn Hữu.
Chu Mọng Long
Không có nhận xét nào