Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NỀN GIÁO DỤC CHÔNG CHÊNH

NỀN GIÁO DỤC CHÔNG CHÊNH (Bài của Vương Khải Kỳ đăng trên Triviet.news) Chắc hẳn chúng ta còn chưa hết bức xúc với những câu chuyện đầy đau ...

NỀN GIÁO DỤC CHÔNG CHÊNH
(Bài của Vương Khải Kỳ đăng trên Triviet.news)

Chắc hẳn chúng ta còn chưa hết bức xúc với những câu chuyện đầy đau đớn và xót xa như chuyện cô giáo bắt hàng loạt học sinh quỳ gối trong giờ học để coi đó là một biện pháp trừng phạt hữu hiệu mà xưa nay thế hệ cha ông ta vẫn nhìn nhận đó là một nét văn hoá giáo dục có ý thức, rồi cô giáo im lặng suốt gần một học kỳ mà không nói lời nào khi bước chân lên lớp, thì mới đây, cả xã hội lại thêm bàng hoàng và cảm thấy không biết mọi thứ khi nào mới dừng lại bởi áp lực học đường đã khiến một bạn học sinh trung học viết thư tuyệt mệnh và tìm đến cái chết bằng cách tự tử, mặc dù sau đó người ta biết bạn trẻ ấy lại có một bảng điểm khá cao.

Chúng ta có bao giờ tự đặt ra câu hỏi, hoặc như chính một người trong cuộc khi nhìn những đứa trẻ của mình mệt nhọc sau một ngày đi học trở về, rằng, bọn trẻ đến trường có thực sự thích thú và có đem lại niềm vui cho chúng khi ngồi trong những ngôi trường không? Bọn chúng có coi việc đọc sách trở thành thói quen, có coi việc chia sẻ với cha mẹ là một điều tất yếu sau khi rời khỏi trường lớp? Có coi việc học là một niềm hứng khởi hay là chỉ để trả bài đầy đủ cho những giáo viên và hệ thống giáo dục đặt ra và yêu cầu? Và hơn hết, có khi nào chúng ta đặt ra câu hỏi: bọn trẻ học được gì và sử dụng được những gì được dạy dỗ ở trường vào đời sống hay không, và đam mê cũng như khả năng của chúng thực sự có phải thông qua kết quả học tập cùng những bảng điểm đẹp đẽ kia không?

Nếu một ngôi trường không thể đem lại niềm vui thú cho học sinh, nó không khiến tâm hồn bọn trẻ mở rộng ra, không thể khơi dậy được những tiềm năng còn ẩn sâu trong chúng, không thể giúp chúng trở nên tự tin vào chính mình mà chỉ nơm nớp lo sợ điểm thấp hoặc không làm hài lòng cha mẹ, thì những ngôi trường đó thực đã không dạy học sinh được điều gì quý báu mà một hệ thống giáo dục đào tào cần và phải đạt được. Những đứa trẻ dần trở nên cô độc và sợ hãi trước những đòi hỏi và điều kiện của ngôi trường để làm đẹp mặt gia đình và làm thoả mãn thành tích của giáo viên và trường lớp, chúng dần bị thu hẹp trí tuệ và dần đánh mất đi khả năng biểu đạt của mình cũng như tiềm năng thực sự đúng nghĩa của bản thân. Và đó là lý do dẫn đến những đứa trẻ phải tự đấu tranh với chính mình, bằng cách tự chúng phải chịu đựng mọi thứ để làm thoả mãn những con người còn lại, đó là con đường dẫn đến những thảm trạng như chúng ta vừa thấy.

Cô giáo bắt học sinh quỳ là do đâu? Do văn hóa coi thầy cô là trung tâm của việc học; coi quyền lực, kinh nghiệm và kỷ luật là biện pháp hiệu quả để làm cho bọn trẻ nên người, nhưng kỳ thực đó là sự đày ải và tra tấn học sinh, xâm hại vào thân thể và tinh thần của bọn trẻ, và đó là những điều giáo dục phải tránh xa hàng đầu chứ không thể coi đó là phương tiện hữu ích để đạt mục đích thành tích của giáo dục; coi việc trẻ nghe lời và trả bài tốt là những đứa trẻ giỏi giang, coi đó là phẩm chất tốt nhất cần và phải đạt được trong giáo dục; coi cha mẹ là một bệ đỡ trong việc quản lý và áp đặt bài học cũng như quan điểm lên học sinh, nghĩa là, khi rời khỏi các ngôi trường, bọn trẻ vẫn chưa thôi cảnh bị đoạ đày về tâm tưởng và sự kiểm soát của trường học; coi người học là những người tiếp nhận thụ động và chỉ cần giải đáp thảo đáng các kiến thức trong sách vở là coi như đã đầy đủ và tròn nghĩa vụ của thày cô cũng như hệ thống đào tạo; coi việc phân hạng học sinh và giáo viên là một tiêu chuẩn cốt yếu trong công tác giáo dục.

Tất cả những hành vi giáo dục nêu trên đã trở thành một gánh nặng và là một cực hình với những đứa trẻ. Thử hỏi, chính người lớn chúng ta có khi nào đặt mình vào vị trí của một người chịu đủ thứ đòi hỏi, yêu cầu và cưỡng bách từ nhiều phía đến thế mà không có cơ hội để giải thoát nó ra dù chỉ một ngày hay chưa?

Những chiếc thòng lọng trong giáo dục đang treo trên đầu các em học sinh, và khi những tâm hồn non nớt, trong sáng và đầy nhiệt huyết đó không thể có cách nào khác tốt hơn, thì cái chết chính là thứ cuối cùng các em được lựa chọn.

Mọi việc trong giáo dục hiện nay, không chỉ dừng lại ở việc những đứa trẻ phải quỳ gối để đáp ứng sự tức tối và xuẩn ngốc của giáo viên, cũng không chỉ dừng lại ở việc cả lớp lặng thinh suốt hơn ba tháng mà chẳng nói năng gì với nhau một lời. Những lớp học như những bệnh viện tâm thần, mà kẻ nào cũng không nhận ra mình là một bệnh nhân cần được cứu chữa, bằng không, tất cả bọn họ, cả nhà giáo và học trò, đều sẽ tự tìm cách để làm tổn hại cho nhau mà vẫn coi đó là bình thường cũng như là bổn phận cao quý của mình.

Cái chết của học sinh kia, trong cơn tuyệt vọng, chỉ kịp để lại lá thư tuyệt mệnh, tức là tâm hồn đó cũng không thể chia sẻ được với bất kỳ ai trước khi tước bỏ sự sống của chính mình, có làm chúng ta thức tỉnh về một nền giáo dục đang thực sự gây hoạ chứ không phải là làm con người trở nên tốt đẹp và đáng sống hơn? Cái chết đó có giúp chúng ta dừng lại để suy nghĩa và tìm cách ngồi lại bên những đứa trẻ sau mỗi ngày đến trường hay không? Cái chết đó có đủ để chúng ta thấy được áp lực học hành ở trường lớp đã trở thành một vũ khí nguy hiểm thường trực đối với các em chưa? Cái chết đó đã là điểm cuối cùng để chúng ta cần phải ra tay ngăn chặn vòng xoáy kinh hoàng và ghê rợn đó không được lan toả và tồn tại nữa hay không?

Các em đến trường để được sống và tìm hiểu về cuộc sống, chứ không phải là ổ cứng của một bộ nhớ máy tính mà chỉ cần dung nạp đủ loại kiến thức cho đầy rồi trả bài trong các buổi kiểm tra và kỳ thi thật tốt như một cú ních chuột là cho ra kết quả hoàn hảo. Cái lối giáo dục đó sẽ giết chết con người và khiến con người trở thành nô lệ của tri thức và lạc lõng khi bước ra cuộc sống chứ không thể làm các em trở nên hữu ích, giàu có và hạnh phúc.

Giáo dục, nếu coi là công cụ để thử thách trí não thì đó là sai lầm, mà giáo dục là cách để cho mỗi chúng ta biết mình có thể làm gì với những thứ đã tiếp nhận được, một cách hữu lý cho cuộc sống và cho cả những người khác nữa.

Giáo dục không phải là nấc thang mà giáo dục là khai mở; giáo dục càng không phải là những quan toà phán xét mà là môi trường thúc đẩy, khuyến khích và xây dựng; giáo dục không phải là thoả mãn những tiêu chuẩn của nhà trường hay gia đình, mà giáo dục là để làm nên cuộc sống độc lập của chính những con người đó và trong tương lai đang chờ đón phía trước.

Lê Luân 



Không có nhận xét nào