Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NHẬT BẢN LÀ THẾ ? VIỆT NAM LÀ THẾ ?

NHẬT BẢN LÀ THẾ ? VIỆT NAM LÀ THẾ ? . “Đang đọc cuốn “Khái lược văn minh luận” của Fukuzawa Yukichi – nhà giáo dục học, nhà canh tân của nướ...

NHẬT BẢN LÀ THẾ ? VIỆT NAM LÀ THẾ ?
.
“Đang đọc cuốn “Khái lược văn minh luận” của Fukuzawa Yukichi – nhà giáo dục học, nhà canh tân của nước Nhật thời Minh Trị Thiên Hoàng, ngang thời với Nguyễn Trường Tộ. Cuốn sách vừa được dịch nhân kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân nước Nhật. Mua từ trước lúc sửa nhà mà bây giờ mới đọc. Trước đã đọc một số tác phẩm của ông ta nhưng cuốn này quá hay nên đọc một mạch.

Hồi nhỏ, vẫn nghĩ Fukuzawa Yukichi của Nhật và Nguyễn Trường Tộ của Việt Nam có những tư tưởng tương đồng, nước Nhật lúc đó còn nát hơn Việt Nam do tình trạng cát cứ. Thế mà chỉ vài chục năm, Nhật thành hùng cường mà Việt Nam thì không? Càng lớn (và càng già?) có lẽ càng hiểu dần. Theo mình đây là các lý do:

👉🏿1. Người Nhật ham đọc sách hơn người mình. Trong khi người mình cam phận, chỉ quan tâm đến những gì thường nhật thì người bình dân Nhật quan tâm rộng hơn. Lúc bấy giờ dân Nhật chỉ có 35 triệu mà lần xuất bản đầu tiên cuốn “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi đã bán ra được tới 3,4 triệu cuốn (khoảng hơn 10 người mua 1 cuốn). Điều này cũng có nghĩa đương thời tỉ lệ người Nhật biết chữ cao hơn Việt Nam. Từ đó đến nay cuốn này tái bản đến gần trăm lần. Các cuốn sách khác của ông ta cũng tương tự như thế.

👉🏿2) Nguyễn Trường Tộ chỉ mải mê viết các bản điều trần cho nhà vua. Trong khi đó Fukuzawa Yukichi tìm cách làm cho cả người bình dân Nhật hiểu sự lạc hậu của đất nước mình, hiểu được thế nào là văn minh. Trong khi Nguyễn Trường Tộ chỉ điều trần với nhà vua về việc thay đổi việc học thì Fukuzawa Yukichi không chỉ điêù trần mà còn vận động thành lập Trường Keiō-gijuku (Khánh Ứng Nghĩa Thục) về sau trở thành trường đại học hiện đại đầu tiên và cho đến nay vẫn là một trong những trường đại học uy tín hàng đầu, nơi đào tạo nhiều nhân tài cho nước Nhật.

👉🏿3) Trong khi Nguyễn Trường Tộ thấy việc canh tân bắt đầu từ nhà vua thì Fukuzawa Yukichi cho rằng nước Nhật muốn độc lập thì mỗi người dân Nhật phải có tư duy độc lập. Vì vậy dù cả hai đều hiểu vai trò cốt tử của giáo dục, nhưng tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi không chỉ là dạy cho người ta kiến thức hiện đại của Phương Tây mà dạy cho họ có tư duy phê phán, độc lập trong suy nghĩ.

👉🏿4) Trong khi Nguyễn Trường Tộ chỉ biết đến những ưu việt của văn minh Phương Tây thì Fukuzawa Yukichi với cuốn “Thoát Á Luận” kêu gọi rũ bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, học tập Phương Tây nhưng giữ bản sắc riêng của người Nhật.

👉🏿5) Trong khi Nguyễn Trường Tộ chỉ nghĩ đến các cải cách về giáo dục, kinh tế, kỹ thuật,… thì Fukuzawa ngoài các điều trên còn tìm hiểu thể chế của các nước Phương Tây (đặc biệt là Anh). Chính vì vậy, trong khi Việt Nam vẫn duy trì chế độ quân chủ thì Nhật Bản chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến, tuy vẫn có vua nhưng là xã hội hoạt động theo Hiến pháp và Pháp luật.

👉🏿6) Không chỉ các sách của Fukuzawa Yukichi được người Nhật say mê đọc mà trong vài chục năm nước Nhật mua và dịch rất nhiều tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn minh nhân loại. Người ta gọi đó là “một cuộc dịch thuật vĩ đại” của người Nhật.

Tóm lại sự hưng thịnh của nước Nhật không chỉ bởi Minh Trị Thiên Hoàng hay Fukuzawa Yukichi mà bởi tất cả những người Nhật bình thường nhưng được “mở mắt” bởi tư tưởng khai minh, khai sáng trong giáo dục của Fukuzawa Yukichi và sự khoáng đạt của Minh Trị Thiên Hoàng. Đó là sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật, giữa Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi từ 150 năm trước đến nay.

@Theo blog Kim Dung




Không có nhận xét nào