NHỮNG AI CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG THẢM HỌA HÒA BÌNH? Hôm nay, 3 đại diện của Bộ Y tế đã đến và trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử tại phiên...
NHỮNG AI CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG THẢM HỌA HÒA BÌNH?
Hôm nay, 3 đại diện của Bộ Y tế đã đến và trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử tại phiên tòa xử BS Lương ở Hòa Bình. Nghe nói là Hội đồng xét xử đã không cho phép cả Viện kiểm sát lẫn Luật sư hỏi các thành viên đại diện cho Bộ Y tế.
Nội dung trả lời của Bộ Y tế không có gì mới, ngoại trừ một vấn đề, là ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế nói không biết Bộ Y tế có cho phép Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Hòa Bình mở Đơn nguyên Thận nhân tạo hay không (?). Thật tình, tôi không biết liệu Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát có nắm bắt ý nghĩa của vấn đề này hay không.
Về phân cấp, Bộ Y tế quản lí về chuyên môn, còn nhân sự thì do địa phương quản lí. Bộ Y tế không có kí lô gì trong việc điều động nhân sự của tỉnh Hòa Bình. Tôi không biết BS Lương thuộc diện tỉnh ủy hay Ủy ban nhân dân tỉnh quản lí, nhưng chắc chắn, ông Trương Quý Dương, giám đốc bệnh viện, và ông Khiếu, phó giám đốc bệnh viện, đều thuộc quyền quản lí của tỉnh ủy. Việc không truy tố ông Trương Quý Dương chắc chắn là có sự đồng ý của tỉnh ủy. Bộ Y tế có muốn cũng chẳng được.
Trong thời đại 4.0 này, có ai tin việc ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế không biết là Bộ Y tế có cấp phép cho Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thành lập Đơn nguyện thận nhân tạo hay không? Tôi tin là ông ấy biết, nhưng ông ấy không dám đề cập đến chuyện này, vì Bộ Y tế không cấp phép. Vậy ai là người cấp phép, thẩm định, kiểm tra…? Nếu thực sự Bộ Y tế không cấp phép thì người cấp phép là Sở Y tế tỉnh Hòa Bình.
Nếu thực sự Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cấp phép, và thẩm định cho Đơn nguyên Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Hòa bình, thì phần trách nhiệm về việc thiếu các qui trình thuộc về Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. Mặc dù Bộ Y tế có chậm ban hành qui trình xử lí nước RO của riêng Bộ Y tế, nhưng theo trình bày của ông Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế thì qui trình xử lí nước RO được áp dụng theo 2 Tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ KH&CN ban hành.
Vụ án càng kéo dài, càng nhiều tình tiết được bộc lộ. Theo luật khám chữa bệnh 2011, thì Sở Y tế có thẩm quyền thẩm định, cấp phép cho Bệnh viện thuộc tỉnh của mình. Còn Bộ Y tế thực hiện việc này với các bệnh viện thuộc Bộ, thuộc các Bộ khác, và bệnh viện tư.
Có lẽ ngoài những người có mục tiêu riêng ở Tòa án và các cơ quan chức năng quyền lực của Hòa Bình, tất cả đều thấy rõ, BS Lương vô tội. Vậy ai là người có tội? Anh thợ sửa hệ thống nước và anh cán bộ phòng vật tư thì không cần bàn.
Người chịu trách nhiệm cao nhất phải là ông Trương Quý Dương, giám đốc bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, tiếp đến là ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc công ty Thiên Sơn. Hai người này không những phải chịu trách nhiệm cao nhất về mặt pháp lí, mà trên thực tế, họ là những người được hưởng lợi lớn nhất từ việc kinh doanh dịch vụ thận nhân tạo. Chẳng thế mà không ai trong bệnh viện được biết nội dung bản hợp đồng kí kết giữa hai ông này.
Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng phải liên đới chịu trách nhiệm, vì về nguyên tắc, họ phải giám sát các hoạt động mà họ thẩm định, cấp phép.
Sau khi phiên tòa này kết thúc, tôi sẽ đăng tiếp một số bài viết về vấn đề xã hội hóa y tế ở bệnh viện công, mà tôi so sánh nó với các BOT giao thông trong một số bài đăng trên Thời Báo kinh tế Sài gòn. Đó là nơi ẩn chứa nhiều vấn đề, tiềm ẩn nguy cơ cho y khoa nói chung và cho những người bệnh sử dụng các dịch vụ xã hội hóa.
Trong vụ án này, chúng ta thấy hàng loạt nguyên tắc bị bỏ qua, thậm chí, 2 màng lọc lẽ ra phải thay nhưng lại không được thay, dẫn đến việc sử dụng 2 hóa chất không được phép sử dụng trong y khoa để rửa nó, nguyên nhân của việc tồn dư hóa chất độc trong nước lọc thận.
Tác Giả: Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào