Những kẻ càng nghèo, càng thất bại ( trong sự nghiệp, trong công việc, trong tình cảm v.v...) luôn nung nấu trong lòng quyết tâm mãnh liệt c...
Những kẻ càng nghèo, càng thất bại ( trong sự nghiệp, trong công việc, trong tình cảm v.v...) luôn nung nấu trong lòng quyết tâm mãnh liệt cho những sự việc lớn lao, long trời lở đất, kinh thiên động địa. Càng thất bại nặng nề, càng kém chúng bạn hay tiêu chuẩn so sánh đương thời , càng thúc đẩy ý chí mạnh mẽ đó.
Trong thâm tâm những kẻ thất bại cho rằng họ có tài nhưng không gặp thời, hoặc sống trong một cơ chế, một xã hội mà ở đó, tài năng của họ không được trọng dụng, không có chỗ phát huy. Vì vậy họ muốn thay đổi, một cách triệt để. ý chí mong muốn chủ quan đó ngày càng gia tăng theo thời gian, tỷ lệ nghịch với khoảng cách thành công - thất bại nếu so với bạn bè hay chuẩn mực chung phổ biến.
Từ xưa đến nay, những kẻ làm cách mạng, phất cờ khởi nghĩa, nổi dậy, cướp kho thóc, lấy của người giàu chia cho dân nghèo, thay đổi triều đại v.v... đều là những thành phần: vô sản, thi rớt, không được làm quan, nghèo rớt mồng tơi v.v... Nếu họ thành đạt, vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng, tiền của đầy nhà,... sẽ không bao giờ có chuyện đi làm cách mạng, khởi nghĩa, lật đổ vương triều v.v...
Xã hội càng phát triển, điều này càng gần hiển nhiên như 1 chân lý. Trong bóng đá có câu " nếu một đội đang đá thắng, không một huấn luyện viên nào lại đi thay đổi đội hình". Nếu một người hài lòng với cuộc sống hiện tại của họ, họ chẳng có lý do gì để làm "cách mạng", hay làm chuyện đại sự lớn lao làm gì.
Trở lại với những tên ngày ngày hô hào làm cách mạng, làm này làm nọ, rồi nghĩ về những thứ lớn lao, đòi hỏi này kia.. thì đích thị những tên này là vô công rồi nghề, thất bại trong cuộc sống, sinh ra bất mãn, rồi tự huyễn hoặc mình hay ảo tưởng về bản thân, mong muốn làm đấng cứu rỗi cho những người còn lại.
Tôi lấy ví dụ như bản thân tôi, là 1 vô công rồi nghề, chém gió làm vui, tôi hay nghĩ đến những điều lớn lao như: xã hội văn minh, dân chủ, đất nước hùng cường, thậm chí tôi còn từng ảo tưởng mình có thể làm bộ trưởng/thứ trưởng một bộ. Rồi tôi vạch ra đường lối, sách lược, chỉ cho những người đang có trách nhiệm lèo lái đất nước phải làm thế này thế nọ, và cần phải thay đổi như này như kia v.v....
Tôi còn thấy nhiều tên thất bại thảm hại trong cuộc sống, học hành dang dở, năng lực tầm thường... mà vẫn mơ mình làm lãnh tụ, rồi lập đản này phái kia, tự phong chức cho mình, chửi người khác ngu còn mình thì khôn, đòi cạnh tranh quyền lãnh đạo, đòi làm cách mạng triệt để, đòi abc xyz,....
Giờ đây nhìn lại tôi thật thấy mình đáng thương, chứ không phải tôi thấy tôi giỏi giang gì cả. Nếu tôi giỏi, tôi đã không thất bại, tôi sẽ tự tạo ra thời thế, tôi sẽ tự nâng tầm mình và rồi công việc và địa vị sẽ đến với tôi, nhưng một lẽ tất nhiên, tôi sẽ đóng góp sức mình vào cải tạo hệ thống, xã hội, giúp nó phát triển. Còn như bây giờ, tôi là một kẻ thất bại ngồi chê bai, đòi hỏi này nọ và "chờ thời".
Thật ra thì con người ai cũng vị kỷ, nếu những tên hô hào đòi thay đổi, đòi cách mạng, đòi quyền được lãnh đạo v.v... mà chúng có được những gì chúng muốn, chúng vẫn sẽ cố giữ lấy cho thân mình mà thôi. Còn những kẻ thất bại khác thay vào vị trí của chúng, rồi lại đòi hỏi, rồi nung nấu quyết chí làm này nọ để thay đổi, vòng lặp cứ thế diễn đi diễn lại, nếu đạt mục đích, chúng sẽ "hạ cánh an tòan" hoặc dông sang 1 xứ nào đó ( có thể tự đi, hoặc tị nạn, hoặc người ta "vận động" theo đường nhân đạo vv..) để rồi hưởng thụ và bỏ mặc phần còn lại mà trước đây chúng hô hào làm đại sự là vì họ. Những con lợn trong "trại súc vật" của G. Orwell là minh họa sinh động rõ ràng nhất.
Đôi khi mình lại phì cươi bản thân mình, còn những kẻ như mình đề cập ở trên, vừa cười nhạt vừa xen lẫn khinh bỉ, vì bọn chúng là những kẻ bản thân hạ tiện mà nghĩ mình cao cả, chứ thực ra, chúng chỉ nghĩ cho bản thân chúng theo một cách ích kỷ rất lộ liễu mà người khác hay chúng ta có thể nhìn thấy một cách dễ dàng và rõ ràng.
Hồ Đông Thuỵ
Không có nhận xét nào