Dân Bình Định-Phú Yên nên đọc cho biết ----------- TẠI SAO NGƯỜI BÌNH ĐỊNH , PHÚ YÊN GỌI LÀ "DÂN NẪU" ? Năm 1578, ch...
Dân Bình Định-Phú Yên nên đọc cho biết
-----------
TẠI SAO NGƯỜI BÌNH ĐỊNH , PHÚ YÊN GỌI LÀ "DÂN NẪU" ?
Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên. Do đặc điểm của vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu, Man.
Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu.
Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu.
Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm...
Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chu (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính như “Thuộc”, “Nậu” bị xóa bỏ.
Khái niệm thành tố chung cấp hành chính “Nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.
Từ “Nậu” không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ. Ví dụ:
Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bơm.
Tiếc công anh đào ao thả cá
Năm bảy tháng trời nậu lạ tới câu.
Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.
Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên - Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng”, “bả”. Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh”, “chỉ”.
Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẫu”.
Nẫu đã đi vào ca dao Bình Định, Phú Yên khá mượt mà, chân chất:
Ai về sông núi Phú Yên
Cho nẫu nhắn gở nỗi niềm nhớ quê
Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa - Quảng Nam) với “mô, tề, răng, rứa, chừ”, vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới Bình Định - Quảng Ngãi) được đổi thành “đâu, kia, sao, vậy, giờ”.
Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định - Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, bà con vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu-Phú Yên), các âm dấu ngã đều phát âm thành dấu hỏi.
Riêng đồng bằng Tuy Hòa, khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, “Nẩu” hay được phát âm là “Nẫu”.
Đồng bằng Tuy Hòa trù phú, nhiều nhà giàu trong vùng cho con cái đi học chữ phương xa. Các vị có chữ nghĩa viết chữ “Nẩu” theo phát âm quen miệng thành chữ “Nẫu”.
Nói nôm na, tiếng Nẫu là tiếng địa phương của vùng Bình Định và Phú Yên có nghĩa là họ, hay người ta, vì là “đại từ nhân xưng” nó nằm ở vị trí ngôi thứ ba vừa số ít mà cũng vừa số nhiều. Ví dụ thay vì hỏi “Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy? ” thì người dân Bình Định và Phú Yên hỏi là “Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?” hay “Cái nhà này là của họ” thì dân Nẫu sẽ nói là “Cái nhà nhà này là của nẫu”.
Chính vì vậy mà khi hòa cùng tất cả tiếng nói của mọi miền đất nước thì tiếng nẫu sẽ không lạc vào đâu được, thậm chí còn dùng những từ hoàn toàn khác với những từ thông dụng, ví dụ thay vì nói “Vào tận trong đó” thì nói là “Dô tuốt trỏng”, hay hỏi "vậy hả?” thì hỏi là “dẫy na?”, “dẫy ngheng” (vậy nghen hay thế nhé), “dẫy á” (vậy đó), “chu cha wơi” (trời đất ơi) v.v...
==================================================
....Người Việt mình từ văn minh lúa nước mấy ngàn năm đến giờ đã nổi tiếng là “nhà quê”, cho dù có ở thành thị thì vẫn là “dân nhà quê” so với các nước khác. Vậy thử hỏi trong đất Việt Nam mình, xứ nào là “nhà quê” nhứt? Đó chính là “xứ Nẫu”. Tôi đi khắp Việt Nam, ai hỏi tôi quê đâu? Tôi thưa rằng quê tôi xứ Nẫu, tôi dân Nẫu, Nẫu nè, Nẫu ơi…
Vì sao “quê”, vì ngay cái chữ “Nẫu” nghe nó đã quê rồi. Nó khởi thủy là chữ “nậu”, là một từ cổ ở miền Trung Nam Bộ, theo cụ Vương Hồng Sển, nó cổ đến mức gần như là nguyên thủy, ngày nay không còn ai dùng. Từ “nậu” để chỉ một nhóm người theo ngành nghề hoặc theo nơi ở: ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người trên rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... mãi sau, bằng nguyên lý tăng âm đặc trưng của dân Việt mình: “ông + ấy = ổng”, “chị + ấy = chỉ”, thì cái “nậu + ấy= Nẫu”.
Xứ Nẫu bắt đầu từ Bình Định, Phú Yên và một phần của Khánh Hòa. Cũng như các vùng miền khác, mà gần nhất là xứ Quảng, giọng nói người xứ nẫu không lẫn vào đâu được. Người xứ Nẫu luôn nói lớn tiếng, giọng nặng và hầu hết các âm tiết đều bị biến dạng theo hướng nặng hơn, khó phát âm hơn…khó đến nỗi chỉ người xứ Nẫu mới nói được, làm như cái cấu tạo thanh quản của dân xứ Nẫu đã khác đi so với người xứ khác. Nẫu (người ta), rầu (rồi), cái đầu gấu (gối), trời tấu (tối), cái xỉ (muỗng), tộ (chén)…người xứ Nẫu nói cho người xứ Nẫu nghe, cho nên từ ngữ quê mùa cục mịch, đến mức câu ca dao mẹ hát ru con cũng nặng trình trịch, nhưng mà nặng nhất là cái tình:
Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dzìa xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ.
Khi còn nhỏ, mỗi lần làm điều gì không đúng cha, mẹ, hay ông bà thường nói: “đửng làm dẫy, nẫu cừ” (đừng làm vậy, người ta cười). Dân Nẫu đúng như giọng xứ Nẫu, hiền nhưng cộc cằn, phóng khoáng nhưng ngang ngạnh, tình cảm nhưng hơi thô kệch…
Dân Nẫu đi đến đâu cũng là “dân nhà quê”, học hành đến mấy vẫn không trút được cái gốc “nẫu” của mình. Nẫu không khôn ngoan, khéo léo như người Bắc. Nẫu không dịu dàng, lịch lãm như người xứ Huế. Nẫu cũng chẳng rộng rãi, vô tư như người Nam. Nẫu là Nẫu. “Nẫu dzẫy” (nậu vậy), Dân Nẫu không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, tốt xấu gì cũng mặc, “kệ nẫu”. Cho nên dân Nẫu đi xứ khác làm ăn bị thiệt thòi nhiều, ít bạn, nhưng nếu có bạn, nẫu sẽ sống chết với bạn...
(ST)
Không có nhận xét nào