HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 7 Thứ hai ngày 07/05/2018 Hội nghị Trung ương 7 (HNTW7) khai mạc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chắc làm nhiều người thấ...
HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 7
Thứ hai ngày 07/05/2018 Hội nghị Trung ương 7 (HNTW7) khai mạc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chắc làm nhiều người thất vọng và nhiều người khác lại có hi vọng khi hôm nay ông về đến Việt Nam để tham dự hội nghị. Ông cũng không hề nộp đơn xin nghỉ vì lý do sức khỏe như tin đồn.
Xứ tư bản giãy chết Nhật Bản lại giúp ông đủ sức khỏe để thấy lại ánh sáng soi đường của Các Mác.
Tuy ông Quang không tự nghỉ nhưng vẫn có nhiều người muốn ông nghỉ, đó cũng là nguồn cơn của việc từ cách đây 2 tháng, dư luận đánh giá HNTW 7 sẽ nhiều sóng gió.
Sau 6 kỳ Hội nghị Trung ương, tức nửa khoá 12 này của đảng, một chút đánh giá sơ bộ về các mặt của ba nhánh nhà nước là cần thiết.
Về mặt chính phủ thì thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn xây dựng chính phủ kiến tạo. Nhưng dường như chỉ mới nhúc nhích được trên bề nổi, những việc mang tính bước ngoặc mà nhân dân có thể thấy ngay được vẫn chưa có thay đổi gì mấy. Ví dụ như trạm BOT Cai Lậy, đến nay vẫn chưa kết luận được đúng hay sai luật để có kết luận sau cùng, chưa nói các trạm BOT khác.
Thuế phí khác vẫn tăng và thêm loại hình. Hiện nay đã chiếm tỷ lệ 32% trên GDP, trong khi người dân chỉ có thể chịu đựng được ở mức khoản 20%. Ngân sách vẫn bội chi. Vấn đề sau cùng của ngân sách là giảm chi thì làm rất chậm, nhưng tăng thu thì rất nhanh.
Về mặt quốc hội thì các cải cách luật pháp diễn ra rất chậm và hầu như chưa thay đổi gì mấy so với các khoá trước, ngoài việc các đại biểu quốc hội đổ lỗi cho nhân dân nhiều hơn. Lẽ ra quốc hội cần là nơi trung gian giữa nhu cầu phát triển, hội nhập của đất nước và nhu cầu “giữ bình” của đảng thì bây giờ đà đổi mới bị hãm lại.
Về mặt đảng thì càng có xu hướng đi lùi về bảo thủ. Nếu đến giữa năm 2017, những người làm công tác tuyên giáo vẫn còn nói chuyện về dân chủ XHCN, về kinh tế thị trường đích thực, về xã hội công dân, đối thoại với đối lập...thì sau quyết định 102/QĐ-TW đầu năm 2018 thì điều này vắng bóng hẳn.
Hội nghị TW 7 là hội nghị quan trọng vì quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho quốc gia trong 20 năm nữa. Theo Trưởng ban Tổ chức TW Phạm Minh Chính thì đề án quy hoạch cấp chiến lược kỳ này được làm kỹ lưỡng, thận trọng vì tương lai của đất nước và đảng.
Tuy đánh giá cao cá nhân ông Phạm Minh Chính nhưng tôi hoài nghi về sự thành công của đề án này. 20 năm trước tôi cũng nghe đề án tương tự với những lời có cánh tương tự. Nhưng kết quả ngày hôm nay chúng ta có là vài chục cán bộ cấp chiến lược giữ không nổi tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm.
Tôi nghĩ trước khi nói đến nhân sự, quy hoạch cán bộ, đường lối gì đó...thì phải làm rõ vấn đề kiểm soát quyền lực trong đảng với nhau và nhân dân bên ngoài giám sát đảng theo Điều 4 Hiến Pháp là vấn đề bức thiết nhất hiện nay của đất nước.
Chính nhiều cán bộ cấp cao của đảng đã phải thừa nhận theo quy luật là lâu nay quyền lực đảng trở nên tha hoá vì thiếu giám sát. Theo phát biểu mới nhất của một vị nguyên là phó ban tổ chức trung ương thì có vẻ như đảng cũng đang mắc kẹt. “Ủy Ban Kiểm Soát” của đảng giao lòng vòng từ chính phủ, đảng, quốc hội...vẫn chưa phát huy hiệu quả pháp trị xứng tầm quốc gia và để nhân dân tin cậy.
Hội nghị tuy sẽ không có thay đổi các vị trí then chốt nhưng dự kiến bổ sung để thay thế cho 2 ủy viên bộ chính trị cũ đã thôi ghế là ông Đinh Thế Huynh và ông Đinh La Thăng. Hai ứng viên sáng giá thì dư luận nói là ông Nguyễn Xuân Thắng và ông Phan Đình Trạc. Về ông Trạc thì chưa bàn tới, ông Thắng thì có vẻ kiên định trong việc dùng ánh sáng chủ nghĩa Mác để soi đường cho đất nước.
Tôi sẽ tin tưởng chủ nghĩa Mác nhiều hơn nếu ánh sáng của nó có thể soi đường cho chúng ta tìm coi ai tổ chức lấy trộm hơn chục tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm cất trong các cơ quan quan trọng như Văn Phòng Chính Phủ, Văn Phòng Trung Ương Đảng...Chủ nghĩa Mác soi sáng đất nước hơn mấy chục năm rồi nhưng đất nước bị mất trộm ngày càng gia tăng về lượng và chất.
Cũng liên quan đến vụ tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị mất được đảng cho công bố ra sau 20 năm che dấu là việc đảo chiều dư luận về cái lò chống tham nhũng mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đốt. Vụ công bố “siêu đại án” này có vẻ như góp phần thay đổi lịch trình chống tham nhũng đang được định sẵn của cái lò nóng. Nó làm đảng phải nâng cao năng lực ta tự đánh ta của mình một cách nhanh hơn, mạnh hơn.
Nếu vụ siêu đại án này làm rốt ráo đúng người đúng tội, thì dư luận sẽ hiểu là lò chống tham nhũng được tổng bí thư lập ra không phải vì đánh phe phái với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng , mà thực sự nó có lợi ích cho nhân dân.
Xứng tầm lãnh đạo chung theo pháp trị hay chỉ ở tầm lãnh đạo phe phái đảng trị là những bước ngoặt này.
Cũng tương tự thế, sau khi Đức xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đảng cần xem lại tư duy hội nhập là vận dụng pháp trị hay vận dụng nghị quyết.
Nếu lò của tổng bí thư qua vụ này mà xử lý đến các cựu chủ tịch nước từng có liên quan trực tiếp hay gián tiếp thì tôi tin là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi vào lịch sử hơn hẳn các tổng bí thư tiền nhiệm. Tổng bí thư Lê Duẩn chống ngoại xâm thì tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chống nội xâm.
Hội nghị trung ương 7 thay đổi nghị trình cũng có phần ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế.
Sự thay đổi về chính sách đối ngoại của Triều Tiên sẽ làm tình hình Biển Đông thay đổi nhanh hơn và điều đó đã diễn ra. Chỉ trong vài ngày sau thượng đỉnh liên Triều, Đảng anh CSTQ đã mang tên lửa hạng mạnh đến đặt ở Trường Sa, trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là hành vi nghiêm trọng.
Tổng bí thư Đảng anh CSTQ đã đơn phương xé bỏ thỏa thuận “Không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông” với tổng bí thư Đảng em CSVN. Đây là lần thứ n+1 và dĩ nhiên chưa phải lần sau cùng.
HNTW 7 khai mạc trong bối cảnh trong ngoài như vậy nên phải thay đổi nghị trình và sách lược đã định ra trước khi khai mạc là lẽ dĩ nhiên. Một trong các “bí quyết” để giữ bình lâu nay của đảng là “dĩ bất biến ứng vạn biến” và bài học đó chưa bao giờ là cũ.
Nhân dân đang trông đợi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm ra tấm bản đồ Thủ Thiêm bị mất sau HNTW7 , để họ còn có thể tiếp tục cùng đảng nghiên cứu tấm bản đồ tiến lên CNXH mà hơn 80 năm đảng vẽ chưa xong.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đứng trước hai cánh cửa đi vào lịch sử, chưa biết ông theo hướng nào.
H.M
Không có nhận xét nào