Về di thảo số 1 Thiên hạ phân hợp đại thế luận của ngài Nguyễn Trường Tộ Mình đọc bản dịch Quốc Ngữ rồi so lại với bản chữ Hán gốc trong tạ...
Về di thảo số 1 Thiên hạ phân hợp đại thế luận của ngài Nguyễn Trường Tộ
Mình đọc bản dịch Quốc Ngữ rồi so lại với bản chữ Hán gốc trong tạp chí Nam Phong số 100, thì xin có ý kiến như sau:
1. Văn phong trong di thảo này rất hiện đại, chứ chả có gì là văn phong xưa cũ cả. Hiện đại nghĩa là viết theo lối văn phong những năm đầu thế kỷ XX, dạng như Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim hay của cụ Phan Bội Châu chẳng hạn. Nếu bạn có biết một bài văn khác năm 1863 (là năm mà bức di thảo này được viết) ở Việt Nam mà có văn phong như vậy, bạn cho mình xem được không ?
Chứ còn mình đọc, mình thấy nếu đúng ngài Nguyễn Trường Tộ được khen là thông Hán ngữ, một "Trạng Tộ", mà viết văn phong thế này vào năm 1863 là một sự lạ, hay đúng hơn, là gần như không ai có thể viết được vậy cả, nếu họ lớn lên trong môi trường Nho giáo thời bấy giờ.
Mình đọc bài văn chữ Hán ông viết, chỉ cần sửa vài chữ thì mình nghĩ người ta đọc, sẽ nghĩ là bài văn Hán ngữ viết ở thế kỷ 21. Lý do là bài văn gần như viết theo dạng bạch thoại, chứ có cổ điển gì đâu ?
2. Ngài chuyện gì cũng biết, từ trận đánh Crimean War năm 1856 cho tới việc Tây chiếm châu Phi. Ấy thế mà ngài lại chỉ viết việc Đà Nẵng thất thủ và đặt câu hỏi "tại sao họ không thừa thế chẻ tre, xua quân tinh nhuệ tiến tới mà lại thôi ?". Mình đánh dấu hỏi rất lớn cho điều này. Vì nếu ngài quả thật ở Sài Gòn phiên dịch cho quân Pháp năm 1861, chắc là các sĩ quan Pháp, mà trong đó có thể có nhiều sĩ quan đã tham gia trận đánh Đà Nằng, có nói về lý do tại sao quân Pháp không tiến đánh ở Đà Nẵng năm 1860 rồi chứ ? Ngài thông thiên đủ chuyện, vậy mà lại hỏi câu hỏi như vậy về trận Đà Nẵng, mình e, hoặc ngài biết nhưng ngài giả vờ đánh trống lãng, hoặc ai đó viết chớ không phải là ngài viết.
Mà có ai, cả đời ở Việt Nam, lớn lên trong môi trường Nho giáo, mà chỉ đi 2 năm ở đâu đó về, lại đổi hoàn toàn cách viết như văn phong thế kỷ đầu XX không nhỉ ?
Đáng ngờ hơn nữa, là ngài còn khẳng định "Xưa nay chưa có ai buôn bán mà âm mưu chiếm nước người ta bao giờ.". Nhưng trong lịch sử Tây phương, chính vì muốn có lợi nhuận buôn bán mà người ta chiếm đất đánh nhau cả. Chả ai chỉ đi đánh vì "yêu nước". Mà điều này, tức là phong trào colonialism hay imperialism, ai ai bên Tây cũng biết là bắt đầu từ lòng tham của con người cả, nhất là ở thế kỷ 15 trở đi, khi các nước Tây phương bắt đầu dòm ngó thế giới để nắm giữ sự giao thương quốc tế.
Thế mà tại sao ngài Nguyễn Trường Tộ trên thông dưới thuộc, biết đủ cả, mà lại khẳng định một câu "Xưa nay chưa có ai buôn bán mà âm mưu chiếm nước người ta bao giờ." thế nhỉ ?
Có ai thấy vậy không ?
Có ai đã đọc thử bài văn chữ Hán để cảm nhận như mình cảm nhận không ?
Và bạn lưu ý, là trong bộ Đại Nam Thực Lục, sử kiện liên quan tới ngài Nguyễn Trường Tộ viết rất ngắn và chỉ vài điều.
Và không, di thảo Thiên hạ phân hợp đại thế luận này chưa bao giờ có thể đạt tiêu chuẩn để dâng lên triều đình cả. Văn phong như vậy, viết mà như đi chỉ dạy vua, thì chắc là thời quân chủ, không có vụ này đâu bạn. Nhất là một người chả có chức tước quan lại gì, lẫn là một người giáo, thì lại càng chả ai dám viết vậy cả.
Đã có ai đọc thử bản chữ Hán gốc các bài di thảo của ngài Nguyễn Trường Tộ và nhận xét về chúng chưa nhỉ ?
Có ai đã thử nêu ra giả thuyết là có thể do ai đó vào thế kỷ XX tự viết ra các di thảo này, rồi cho vào tay ngài Nguyễn Trường Tộ không ?
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào