ĐẠI BIỂU HAY LÀ CÁC QUAN ĐẠI THẦN Khi ông Thủ tướng nói: luật đặc khu đã tạo ra một làn sóng khủng khiếp trong dân. Tức rằng ông ấy nhận ra ...
ĐẠI BIỂU HAY LÀ CÁC QUAN ĐẠI THẦN
Khi ông Thủ tướng nói: luật đặc khu đã tạo ra một làn sóng khủng khiếp trong dân. Tức rằng ông ấy nhận ra một điều hiển nhiên là, người dân cả nước đã thực sự bày tỏ một cách công khai và đòng loạt trên diện rộng về sự sôi sục cùng nỗi bất an, lo lắng xen lẫn cả sự phẫn nộ tột độ dành cho dự luật này khi nó được đem ra thảo bàn tại nghị trường.
Thế nhưng cũng trong những ngày này, đối nghịch lại với tình trạng cấp bách ở trên từ phía nhân dân, các đại biểu quốc hội của nước ta đang trong tình trạng như thế nào, khi mà có đoàn đại biểu vắng tới hơn một nửa số người có trách nhiệm đại diện cho dân, dù về mặt hình thức, để tham gia một cách đầy đủ và toàn vẹn nhất trong những kỳ họp như vậy?
Quốc hội, là nơi mà những đại diện cho người dân, được người dân trả lương, nhận uỷ thác quyền lực và vị thế chính trị từ nhân dân để làm việc và đưa ra những quyết sách thay dân. Nhưng trong tình cảnh nhân dân cả nước đang hoang mang và giận dữ về các vấn đề trọng đại nhất của quốc gia, thì có những đại biểu lại thản nhiên vắng mặt như câu chuyện đi chợ hay là cuộc họp cơ quan mà anh ta là người đứng đầu. Những kẻ đó có xứng đáng hay không về vai trò đại biểu thay dân gánh vác trọng trách về những quyết sách lớn của đất nước, những kẻ vô trách nhiệm và tệ hại về nhận thức như vậy, trong khi nhân dân còng lưng đóng thuế nuôi họ và giao cho họ quyền lực của mình?
Chúng ta cũng biết, trước đây còn có chuyện, đại biểu đi họp còn được nhắc nhở là không nói về vấn đề tham nhũng vì sợ bị cắt các dự án đầu tư hoặc bị thanh kiểm tra. Mà thực ra hầu hết đại biểu là đảng viên đảng cộng sản (khoảng 470/496), chịu sự chỉ đạo của đảng, không chỉ về mặt tổ chức đảng phái chính trị mà còn về mặt tổ chức chính quyền được ghi vào ngay phần đầu của Hiến pháp 2013 (Điều 4). Nhân dân thì không quản lý được các đại biểu quốc hội là đảng viên này, nhưng đảng thì chỉ cần nhắc nhở là họ sẽ run sợ và nghe lời răm rắp. Vậy tại sao trong cuộc họp này họ lại vắng mặt nhiều như thế, đảng không quản được họ hay thiếu đi trọng lượng đối với những đại biểu vô tổ chức này hay sao? Và vấn đề đặt ra là, khi họ không tham dự bàn thảo về các vấn đề hệ trọng của đất nước, thế thì đến ngày bấm nút thông qua dự luật chắc họ vẫn “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của mình?
Đại biểu quốc hội mà còn với nhận thức và tình trạng tệ hại như thế với vị trí chính trị quan trọng hàng đầu đối vói vận mệnh dân tộc và quốc gia, họ bàng quan như thế với công việc đất nước, thì trách sao người dân khó có thể thụ hưởng được những điều tốt đẹp từ những con người với phẩm chất như vậy. Chính quyền sao có thể trở nên mạnh mẽ và tử tế được nếu còn bao gồm những con người mà coi quốc hội như cái chợ nhà, thích thì đến còn không muốn thì sẵn sàng vắng mặt? Họ kiến tạo được điều gì hay giá trị thiết thực và hữu ích nào cho xã tắc với tâm thức và hành xử như vậy?
Đại biểu phải là những người chuyên trách, không nên và chuẩn xác hơn là không được kiêm nhiệm các chức vụ ở các nhánh quyền lực khác, tức mỗi dân biểu không đảm nhận những chức vị ở nhánh hành pháp và tư pháp, mà chỉ gánh vác bổn vụ đại diện cho dân về mặt lập pháp tại quốc hội mà thôi. Và bản thân họ phải không bị chi phối bởi những quyết định và sự quản lý nội bộ của đảng, hoặc phải có sự giám sát ngang bằng bởi một cơ chế quyền lực với vai trò một đảng chính trị khác thì mới có thể kiểm soát được các đại biểu này trong nhiệm kỳ mà lá phiếu của nhiều người dân đã lựa chọn ghi tên họ.
L.Luân
Không có nhận xét nào