CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRANH LUẬN VỀ CHỦ QUYỀN VÀ ĐẶC KHU Clip về các phát biểu xung quanh vấn đề Luật Đặc khu. Dài, nhiều nội dung và có nhữ...
CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRANH LUẬN VỀ CHỦ QUYỀN VÀ ĐẶC KHU
Clip về các phát biểu xung quanh vấn đề Luật Đặc khu. Dài, nhiều nội dung và có những tương tác thú vị.
Các đại biểu có nói đến thử nghiệm "may/ rủi" trong việc cho thuê đất hay "nhượng địa" ở ba đặc khu. Nhưng tiếc là các đại biểu mới chạm đến mà chưa nói rõ. Theo tôi, cả may lẫn rủi trong thương vụ này nhân dân đều gánh chịu hậu quả nặng nề.
Một là, dù may hay rủi trong cách làm kinh tế kiểu này thì các nhóm lợi ích đều được hưởng lợi. Không gì lợi lớn bằng đầu cơ đất, kể cả đầu cơ các loại hình kinh tế, du lịch như công nghiệp, casino, phố đèn đỏ, nhà nghỉ, khách sạn. Kể cả rủi ro là mất an ninh lãnh thổ, như sự hợp thức hóa dần đường lưỡi bò, làn sóng di dân của nước láng giềng, bành trướng bằng hình thức mua bán hoặc chiếm đoạt thêm đất của dân, mất an ninh về văn hóa như kinh doanh cờ bạc, đĩ điếm, ma túy... thì các tập đoàn lợi ích vẫn thu lợi nhuận khổng lồ.
Hai là, điều rủi ro mà các đại biểu đề cập đến như mất an ninh lãnh thổ, lệ thuộc chính trị, kinh tế, các tệ nạn về văn hóa, đạo đức thì nhân dân hoàn toàn gánh chịu và gánh lâu dài. Trong thời gian 99 năm hay 70 năm, để gia tăng lợi nhuận, các công ty phải xả thải ra môi trường xung quanh, nếu cạnh tranh không sòng phẳng, thì giá thành sản phẩm hàng hóa và du lịch tăng cao, trong khi chất lượng sản phẩm thì thấp xuống, thậm chí bẩn thỉu, độc hại mà nhân dân phải hưởng. Không chỉ độc hại về vật chất mà còn độc hại về tinh thần, một thế hệ bị ảnh hưởng lối sống ăn chơi, trụy lạc, đĩ điếm, ma túy... Đó là chưa nói, trong khi được quyền sử dụng một thời gian bằng sự sinh đẻ ba bốn thế hệ, khi đáo hạn thì kẻ có trách nhiệm đã hết trách nhiệm hoặc đã chết, nhân dân lại phải tốn xương máu để đòi đất, đòi nhà đòi cửa cho mình, nếu không thì sẽ tự biến cả dân tộc mình thành thiểu số.
Đặc khu hình thành trong điều kiện như vậy thì không chỉ là hiểm họa trước mắt cho cả dân tộc mà còn là hiểm họa cho cả đảng cầm quyền. Không có đảng nào tồn tại lâu dài nếu tách rời khỏi quan hệ hữu cơ với nhân dân.
Đừng nghĩ dân Việt Nam hèn, sợ hãi đủ điều. Có hèn hay sợ hãi chăng là ở kẻ cầm quyền, ở những tên trọc phú. Điều đó đã được chứng minh suốt bốn ngàn năm lịch sử với những triều đại chỉ vì sợ hãi mà cúi đầu bán đất hoặc nô dịch nước lớn. Còn đối với nhân dân, dù không tấc sắt không tay, khi cần thiết vẫn đứng lên quật khởi để giữ gìn giang sơn gấm vóc.
Ở thời đại ngôn luận, không lẽ người dân Việt lại phải tốn xương máu trong các cuộc tranh chấp bằng vũ lực? Đó là điều phải cân nhắc chứ không phải hèn hay sợ hãi như mấy ông thua cuộc đang chạy trốn ở Cali suốt ngày ra rả kích động và nhục mạ nhân dân trong nước.
Cho nên, theo tôi, không phải "thận trọng" như một số đại biểu nói mà kiên quyết ngăn chặn hậu họa lâu dài cho con cháu đời sau nếu dự luật này thật sự còn tiềm ẩn những nguy hại đáng ngờ.
Làm kinh tế chân chính phải phát huy từ nội lực, vừa làm lợi cho mình vừa mang lại lợi ích cho toàn dân. Kinh tế chân chính không phải là canh bạc hên xui!
Chu Mọng Long
Không có nhận xét nào