Dân Và Câu Chuyện Niềm Tin Mấy hôm nay, và vài hôm sắp tới nữa, vụ việc ở Bình Thuận sẽ còn là sự bàn tán. Những ngày qua, tôi đã ủn phờ ren...
Dân Và Câu Chuyện Niềm Tin
Mấy hôm nay, và vài hôm sắp tới nữa, vụ việc ở Bình Thuận sẽ còn là sự bàn tán.
Những ngày qua, tôi đã ủn phờ ren với không ít bạn bè trên facebook lẫn ngoài đời của mình khi họ mỉa mai dân nhiều nơi xuống đường biểu tình. Thậm chí họ còn cười cợt rằng vì 500k chớ yêu nước gì.
Chuyện dân bị kích động, tôi nghĩ là có. Nhưng là người có ăn học, thì chúng ta phải có cái nhìn thấu đáo hơn, hoặc viết tus cũng chừng mực chứ không nên kiểu cay nghiệt dân như thế.
Riêng câu chuyện ở Bình Thuận (hay bạo loạn ở nơi nào khác) tôi không đồng ý với cách hành xử đó của dân, càng không cổ súy họ làm việc đó. Muôn vàn lý do, có nhiều người đã phân tích rất thấu đáo, tôi không làm lại việc này.
Duy có chi tiết, tôi muốn mọi người có một cái nhìn đầy đủ, tổng quát ở Bình Thuận. Nơi mà nhà máy nhiệt điện mỗi ngày đang khiến biết bao người xa dần ký ức khung cảnh yên bình ngay cả khi họ còn sống trên chính mảnh đất quê mình.
Ba, hay bốn năm trước, ít nhất 1 lần họ cũng xuống đường bày tỏ thái độ với sự lật kèo của doanh nghiệp, của lãnh đạo địa phương.
Vài năm trôi qua, những lời hứa như khói từ ống thải của nhà máy nhiệt điện, khiến cuộc sống của họ trở nên lay lắt hơn. Lần gần nhất tôi đến Bình Thuận, đến chỗ nhà máy nhiệt điện là khoảng giữa tháng 12 năm ngoái. Khoảng 45p ở đó, tôi cảm nhận được những mất mát, tủi hờn mà họ đang nhận lấy.
Trên đuờng rời đi và đến Hàm Thuận Nam, tôi nhớ về những ngày lang thang ở mấy xã ven biển của huyện Phù Mỹ (Bình Định) nhiều năm trước. Là những năm hàng trăm, hàng nghìn người dân ở đây sống trong bão bụi bởi các nhà máy khai thác titan. Vì khai thác titan, các doanh nghiệp đã tàn sát hàng chục hécta rừng dương liễu (phi lao). Việc này khiến cho khói thải và bụi trong lúc khai thác titan bay mù mịt, ngày ngày tàn sát cuộc sống của người dân ở đó.
Bụi nhiều đến mức, nhiều người dân phải mắc mùng và chui vào đó để ăn cơm. Bụi tàn sát những rẫy ớt - một trong những nguồn thu nhập chính của dân ở đây, sau biển. Quê nhà không còn cho sự mưu sinh, họ dắt díu vô Sài Gòn mưu sinh. Người ở lại, làm quen dần với những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ở đó, những năm ấy, thỉnh thoảng có người chết đuối bởi sụp hố titan. Đó là những hố đã khai thác xong và doanh nghiệp không chịu hoàn thổ theo luật định.
Suốt những năm dài, họ kêu gào lên xã, lên huyện, lên tỉnh. Nhưng đáp lại là những tiếng thở dài mà họ lắng nghe nhau.
Cách đây vài tháng. Người dân Phù Mỹ đã tràn lên đường quốc lộ để phản đối dự án chế biến thuỷ sản (hay dự án năng lượng gió). Họ sợ, dự án này tiếp tục (mà thực tế đã xảy ra) tàn sát rừng dương liễu. Họ sợ dự án sẽ khiến họ tiếp tục sống tronh ô nhiễm như đã từng nhiều năm trước đó. Hôm ấy, dân Phù Mỹ giữ một vài cán bộ. Chiều ngược lại, lực lượng chức năng cũng bắt giữ vài người bởi có hành động quá khích.
Kể dài dòng như vậy, để thấy rằng vụ việc ở Bình Thuận như tất yếu của tức nước vỡ bờ. Trách dân 1 thì trách chính quyền phải hơn thế. Chứ không thể dè bỉu dân bị kích động, được nhận tiền.
Hôm qua, tôi có kể chuyện này với 1 đồng nghiệp của mình. Và chúng tôi đặt ra những câu hỏi rằng, nếu doanh nghiệp đến, thực hiệm đúng về bảo vệ môi trường, về tạo công ăn việc làm cho dân (hay ít nhất là không tước đi phương cách mưu sinh của dân); chính quyền lắng nghe và giải quyết bức xúc của dân, thì dân có nghe theo lời xúi giục hay vì 500k hay không?
Tôi cho là không. Bởi không ai điên dại gì ném đi tất cả cuộc sống đang ổn định của mình. Nên tôi tin rằng một phần cách hành xử của dân như thế, là bởi họ mất niềm tin vào chính quyền. Lẽ dĩ nhiên, chính quyền có lỗi nhiều hơn. Và, cách duy nhất để tránh điều đó lặp lại, là chính quyền Bình Thuận cần khôi phục lại niềm tin của dân, tất nhiên là bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Chứ không phải sự bàng quan, hay hứa lèo như những năm qua.
Tôi nhắc lại, là tôi không đồng tình cũng như không cổ súy cách hành xử không đúng mực của một số người dân Bình Thuận những ngày qua.
Sẵn đây cũng nói với những kẻ dè bỉu dân rằng. Không có sự việc ở Bình Thuận, thì việc giải cứu thanh long cũng treo lơ lửng ở trước, và trên thực tế, hầu như năm nào cũng có sự giải cứu. Còn du lịch Nha Trang điêu đứng vì khách Trung quốc hủy tour ư? Làm ơn đừng võ đoán, bởi thực tế du lịch Nha Trang có hưởng được lợi bao nhiêu từ khách Trung Quốc đâu.
Tôi nhắc lại, là tôi không đồng tình cũng như không cổ súy cách hành xử không đúng mực của một số người dân Bình Thuận những ngày qua. Hãy cảm thông với họ, kêu gọi họ cố gắng bình tĩnh và vớt vát niềm tin bị rơi vỡ đang còn vương vãi đâu đó....
P.s: Những hình ảnh phía dưới là ở Phù Mỹ
Lê Xuân Thọ
Không có nhận xét nào