Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

ĐỀ VĂN 2018: KHÔNG CHÉP ĐƯỢC VĂN MẪU LÀ ĐỀ HAY?

ĐỀ VĂN 2018: KHÔNG CHÉP ĐƯỢC VĂN MẪU LÀ ĐỀ HAY? Bộ Giáo dục và Đào tạo yên tâm vì có không ít ý kiến khen đề văn 2018 là hay. Tôi mà làm Bộ ...

ĐỀ VĂN 2018: KHÔNG CHÉP ĐƯỢC VĂN MẪU LÀ ĐỀ HAY?

Bộ Giáo dục và Đào tạo yên tâm vì có không ít ý kiến khen đề văn 2018 là hay.
Tôi mà làm Bộ trưởng, tôi phát thưởng cho những ý kiến khen đề hay ngay lập tức để duy trì và khuếch trương hơn nữa phong trào mẹ hát con khen hay.
Tôi đọc hết các bài khen đều thấy có cùng một lập luận: Đề mở, đầy sáng tạo, học sinh không thể chép văn mẫu. Vậy là Đạo Mẫu, Đạo Văn hết tín đồ?
Lý luận đề không thể chép văn mẫu là đề hay là một sáng kiến chưa có trong lịch sử. Nhưng nó tối tăm đến mức nếu học sinh viết tùy tiện, bất luận tính logic như một yêu cầu của nghị luận, dù là nghị luận xã hội hay nghị luận văn học, thì vẫn được điểm cao?
Bốn câu hỏi đọc hiểu văn bản và một câu nghị luận xã hội xoay quanh một trục dựa trên văn bản thơ Nguyễn Duy là năm câu hỏi phi logic, câu nọ đá câu kia. Câu nghị luận văn học càng ông chẳng bà chuộc, liên hệ chắp vá một cách thô thiển.
Câu 1 phần Đọc hiểu hỏi đoạn trích được viết theo thể thơ nào là câu hỏi đọc hiểu văn bản của lớp 2, lớp 3 chứ không phải trình độ tú tài. Quan trọng là thể thơ tự do được học sinh nhắm mắt trả lời chẳng có liên quan gì đến giá trị của bài thơ và nội dung được hỏi sau đó. Chiếc áo thể loại gọi là “tự do” trở thành kệch cỡm giống như bộ đồ rách khoác lên một thân thể… ghẻ ruồi. 
Xin lỗi nhà thơ Nguyễn Duy, xét về giá trị của bài thơ, đây là tác phẩm dở nhất của ông mà tôi được biết. Nó tự do đến mức phơi trần những câu gọi là thơ nhưng rất phi thơ. Trong khi thơ tự do chỉ mang nghĩa tự do về âm luật chứ không mang nghĩa tự do đến dễ dãi chảy tràn, thêm cái ngắt hàng cho thành thác ghềnh. Quý ông bà khen bài thơ hay để khen luôn cả đề thi thử chỉ cho tôi xem có câu nào trong cái đoạn trích ấy đáng được gọi là có chất thơ? 
Về nội dung được hỏi, câu 2 hỏi chỉ để học sinh liệt kê các yếu tố thuộc về “tiềm lực tự nhiên của đất nước”. Đó là câu hỏi về địa lý: khoáng sản, châu báu, rừng, biển, sông, phù sa… Địa lý của tiểu học. Người ra đề biến Nguyễn Duy thành nhà thơ địa lý. Câu 3 tôi dám chắc với các nhà ngữ học rằng, không có câu hỏi nào trong đoạn thơ là “câu hỏi tu từ”. Toàn là những câu hỏi bình thường, không khác thầy giáo địa lý hỏi học sinh: “còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?”, “lòng đất rất giàu, mà mặt đất cứ nghèo sao?” Có tính chất tu từ chăng thì lại nằm ở hai từ “lòng đất”, “mặt đất” (đơn giản là chỉ tiềm năng và sự sống) chứ không tu từ ở câu hỏi. Người ra đề không phân biệt được câu hỏi tu từ và tu từ từ vựng, câu hỏi tu từ và câu nghi vấn. Riêng câu hỏi 4 tưởng hay nhưng chẳng ăn nhập gì với văn bản đọc hiểu và hiện thực đất nước. Quan điểm của Nguyễn Duy là quan điểm tầm phào. Ông cười cợt đám nhà thơ lấy tiềm lực đất nước làm nguồn “đẩy đưa… ngọt lạt”, tức đĩ mồm. Còn “tiềm lực ngủ yên” thì đã quá lỗi thời, nếu không nói chính Nguyễn Duy đã bật đèn xanh cho sự khai thác cạn kiệt tài nguyên. Một giáo viên bảo phải hiểu đó là tiềm lực con người. Ơ, toàn đoạn thơ chỗ nào nói dù là hàm ý về tiềm lực con người? Cả đoạn thơ chỉ nói về tiềm lực trong lòng đất, lòng sông, núi rừng, biển cả, theo Nguyễn Duy là hãy khai thác để làm giàu. Nó tầm phào, nếu không tầm phào thì ngây ngô đến mức, ông không biết những quốc gia giàu có nhất hiện nay như Mỹ, Nhật, Sing và các nước châu Âu… không hề “đánh thức tiềm lực” tự nhiên của đất nước mình. Người ta làm giàu bằng trí tuệ, bằng nguồn tiền lấy từ bên ngoài quốc gia, còn tài nguyên đất nước mình, dù có tiềm lực hay không có tiềm lực, thì cũng lo bảo tồn để gìn giữ môi trường, làm vốn cho con cháu đời sau. “Phù hợp thực tiễn” gì ở đây khi người ta không đánh thức tài nguyên mà làm cạn kiệt tiềm lực đất nước để làm giàu cho một nhóm người và cho ngoại bang, còn nhân dân thì hứng lấy thảm họa môi trường?
Đất đai, tài nguyên đã là máu thịt, linh hồn của mỗi con người Việt Nam, mỗi xâm phạm đều để lại ghẻ lở muôn đời không lành lặn được, “đánh thức tiềm lực” cái gì?
Nguyễn Duy nên học thủ lĩnh người da đỏ, ông Seattle, với bức thư bất hủ về đất đai và sự sống, rồi may chăng mới có thể làm nhà thơ lớn: 
“Khi người da trắng chết đi, họ thường dạo chơi giữa các vì sao và quên đi đất nước họ sinh ra. Còn chúng tôi, chúng tôi chẳng thể quên được mảnh đất tươi đẹp này. Bởi lẽ mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi. Những bông hoa ngát hương là người chị, người em của chúng tôi. Những mỏm đá, những vũng nước trên đồng cỏ, hơi ấm của chú ngựa con và của con người, tất cả đều cùng chung một gia đình”… (http://www.zeronews.us/2013/07/buc-thu-cua-nguoi-thu-linh-da-o.html).
Với nội dung bài thơ xem tài nguyên chỉ là của cải cần khai thác để làm giàu một cách vô hồn vô cảm, người ra đề tạo ra câu làm văn nghị luận xã hội với yêu cầu “suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực” là hoàn toàn trống rỗng. Cứ cho là đề khuyến khích tự do thể hiện chính kiến thì người làm bài vẫn ở thế mắc kẹt. Nếu viết lên sự thật, rằng không còn tiềm lực nào để đánh thức, vì rừng trọc, biển chết, không khí ô nhiễm, thực phẩm độc hại thì hoàn toàn mâu thuẫn với yêu cầu “suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực”. Còn nếu nói dối theo đúng yêu cầu của đề để được điểm cao thì thành thừa, bởi vì em nói cái điều người ta đã làm. Từ khi thực hiện kinh tế thị trường đến nay qua mấy mươi năm, giới tư bản trong nước lẫn ngoài nước đã “đánh thức” lâu rồi, đánh thức bằng cách giết chết. Rừng khô, biển độc, sông chết, đất cằn… Nanh vuốt của bọn tham lam này đã “đánh thức tiềm lực đất nước” không khác Mã Giám Sinh đánh thức tư cách đàn bà của nàng Kiều sau chuyến đi “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”.
Câu 2 nghị luận văn học là câu làm cho người thông minh cũng thành dở hơi. Liên hệ làm sao về “vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực của gia đình hàng chài với “cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu”? Một trí tuệ bình thường thì mọi liên hệ đều dựa vào hệ quy chiếu của trục tương đương và dị biệt để phát hiện sự kế thừa và sáng tạo trong nghệ thuật. Ở đây chẳng có một tương đương nào, ngoại trừ một dị biệt lớn đến mức không thể nối kết là giữa “hình ảnh con thuyền ngoài xa” và “đoàn tàu”, giữa “cảnh bạo lực gia đình” và “phố đêm”. Đó chỉ có thể là một liên tưởng tâm thần khi bộ não bị chập hai hình ảnh khác biệt lại với nhau thành bài nghị luận hổ lốn.
Văn nghị luận ở trình độ tú tài là lập luận chặt chẽ, mạch lạc hay sáng tác đồng dao ngẫu hứng ở mầm non?
Không khéo người ra đề và những người vỗ tay khen hay sẽ biện luận theo Freud, rằng tâm thần là động lực của sáng tạo? Đúng là sáng tạo này chưa có mẫu nào nên không thể chép văn mẫu. Khi ấy không chừng tôi lại mất công giảng lại nhập môn phân tâm học để hiểu đúng phân tâm học, nếu không sẽ bị tâm thần cả lũ.
-------------
Tham khảo thêm bài nhận xét của GS. Trần Đình Sử:
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=857244901127343&id=100005255232519
Và một ý kiến điển hình của sự khen “đề hay” vì học sinh không thể chép mẫu:
https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/de-thi-van-thpt-quoc-gia-khong-co-cho-cho-ghi-nho-may-moc-3768662.html

Chu Mọng Long





Không có nhận xét nào