Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

KHI CÁC YẾT HẦU BỊ BÓP NGHẸT

KHI CÁC YẾT HẦU BỊ BÓP NGHẸT (Tôi gửi lời xin lỗi đến sếp tôi, Nguyen Anh Tuan, bởi đã phá vỡ lời thề bảo vệ bí mật tòa soạn. Rất tiếc với n...

KHI CÁC YẾT HẦU BỊ BÓP NGHẸT

(Tôi gửi lời xin lỗi đến sếp tôi, Nguyen Anh Tuan, bởi đã phá vỡ lời thề bảo vệ bí mật tòa soạn. Rất tiếc với những người cảm thấy bị tổn thương, bằng lý do này hay lý do khác, trong câu chuyện này. 

Cá nhân, tôi đã chấp nhận lên thớt một lần nữa. Câu chuyện này bản chất như một cuộc chiến, liên quan đến số phận hàng chục con người của khối Tác chiến - Điều tra (TC-DT), từng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ xương sống kỷ luật của VNN.

Cái giá của quá khứ quá đắt, không nên để tương lai phải lặp lại).

Bạn nên lấy tấm bản đồ đất liền VN ghi chú các địa điểm tôi nhắc tới trong diễn trình của vụ việc này, lấy một cái bút đỏ để bên cạnh, tôi sẽ chỉ bạn cách sử dụng cuối stt này.

Xuất phát

"InnovGreen (IG) đang làm gì trên biên giới VN?", là tên của một chuyên đề điều tra của báo VNN 8 năm trước. Đầu năm 2010, một lá thư của huyền thoại chỉ huy đoàn 559, những người giăng màn trên đỉnh Trường Sơn được công khai. Lá thư đó của tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Tướng Nguyên đặt vấn đề về việc cùng lúc tại sao đồng loạt giao hơn 300.000 ha đất trên các vùng đất thuộc 6 tỉnh có địa bàn biên giới cho công ty IG. Lá thư đó được chuyển từ khối Chính luận - Vĩ mô thuộc VNN về TC-DT.

6 tỉnh: Bình Phước, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng được nhắc tới. Dữ liệu thực tế không có.

Từ 2004, có một đơn vị bí mật được manh nha hình thành từ một tờ báo còn rất trẻ tên VNN. Trải suốt 6 năm, tới 2010, bởi có quá nhiều sự việc diễn ra nên tôi không đi vào chi tiết. Thời điểm IG, quân số dự bị lẫn động viên có 22 người, trải vùng rất rộng.

Tôi đề nghị cho người lên Bình Phước, đầu văn phòng phía Nam từ chối. Tôi đề nghị Đà Nẵng lên Quảng Nam, hời hợt. Từ HN, lính TC-DT lên đường, quét Quảng Ninh. Tại Bắc Trung Bộ, đội quân từng bươn dòng Nậm Giải thêm một lần vượt đường tới Quế Phong, huyện miền núi xa nhất của Nghệ An, giáp Lào.

Loạt bài đầu tiên lên trang, 9 kỳ, như một lời cảnh báo. Cùng lúc đó, đá trắng Quỳ Hợp, khoáng sản Đông Bắc, ... buộc tất cả chúng tôi lên đường.

Mệnh lệnh triệu hồi khi tôi đang ở sát biên Đông Bắc sau 18 ngày cân não vì một việc khác: "Về ngay, nhà có chuyện". Tôi tất tay nốt canh bạc, đưa người về, xin ngủ 1 đêm, 4 ngày sau chúng tôi lại lên đường.

Tại sao?

Không hề xuất hiện bất kỳ một từ TQ nào (dẫn lại lời BT Dũng hôm nay cho kịp thời sự trong việc này) từ công ty IG. Cái tên này xuất phát từ Đài Loan, chuyển tiền qua ngả Hồng Kong, hợp thức qua một công ty ở nước thứ 3 khác trước khi xin đầu tư vào VN. Mọi chi nhánh của họ đều được thành lập tại các tỉnh thành mà họ muốn vào.

Lĩnh vực xin đầu tư: Trồng rừng. Sản phẩm: Cây ngắn ngày (tràm, keo lai...). Địa bàn: Vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn.

Chỉ có 2 điều chỉ trên thực địa mới nhìn thấy: mỗi m2 đất được đền bù với giá không mua được 1 bó rau muống thời điểm đó; và các địa điểm họ chọn được cho thuê 50 năm.

Không có một điều luật nào cho phép, cho tới thời điểm này.

4A, 4B, 4C, trục đường huyết mạch từ Quảng Ninh sang tới Cao Bằng, khi tôi dẫn quân thực địa, phải trực tiếp cầm bút vẽ trên bản đồ.

Tại Quảng Ninh, là xã Hải Hà, một vùng núi cao khuất nẻo, nhìn về phía sông Ka Long. Tôi đứng ở bờ Bắc Phong Sinh và đùa với Nguyễn Duy Tuấn rằng: Buôn lậu thì anh chọn ở đây. Vài năm sau, diễn ra thật, một vụ án rúng động vùng biên này.

Chưa dừng lại, trục ở Móng Cái - Bãi Cháy, thuộc Tiên Yên, là một loạt đồi cao, nhìn ngay ra vùng đầm phá Hải Hà. Nơi đây, từng là kho vũ khí.

Tại Lộc Bình, là 3 xã biên giới khóa chặt trục đường 4B. Tới QL1A, xuôi về Nam, là Hữu Lũng. Tiếp tục qua Đồng Đăng, tới Tràng Định, nơi con hùm xám đường 4 cất tiếng trong biên giới 50, đỉnh cao nhất là Hùng Sơn cũng đã bị cày. Vào sâu tới xã giáp biên Tân Minh, sườn đồi trồng rừng như đường xương cá.

Cao Bằng vẫn chưa kịp giao.

Tại Nghệ An, huyết mạch trục Đông - Tây là đường 7A. Từ đường 1A đi tới huyện xa nhất là Quế Phong, chừng 130km. Trục 7A cắt với đường mòn Hồ Chí Minh tại Tân Kỳ, km0. Cứ bám trục ven quốc lộ 7A, càng xa càng tốt, dự án IG len lỏi tiến vào, giáp biên Lào.

(Tôi cám ơn những người lính của Bắc trung Bộ trong công việc, nhưng là những người anh, người bạn, người em trong cuộc sống, khi triển khai cuộc thực địa gấp gáp 8 năm trước, mà chắc hôm nay họ đã hiểu rõ hơn).

Tại Quảng Nam, IG lấy vùng Tây Giang - Đông Giang - Nam Giang. Đường Hồ Chí Minh từ  A Lưới kéo tới Thạnh Mỹ, hoặc xuôi về Nam Giang, hoặc ngược đèo Lò Xo lên QL14, nối tiếp tới Tây Nguyên.

Ai chưa từng vượt Lò Xo thì trèo cho biết. Đổ xuống là vùng Ngọc Hồi, Kon Tum. Còn ngược chút nữa tới cửa khẩu Bờ Y rồi. 

Tại Bình Phước, IG xin vào mạn giáp trục 14 và 13.

Kết cuộc

Loạt thứ 2 cũng 9 kỳ, "IG đang làm gì trên biên giới của chúng ta?", là câu hỏi mà tôi đặt tựa. Tính trên bài toán kinh tế, một sản phẩm quá xa xôi về quãng đường với giá trị thấp nếu không có công nghiệp chế biến hỗ trợ, 50 năm hay 100 năm sau làm sao có lãi lớn?

Về mặt luật, sao họ xin 50 năm trong khi tối đa thì luật chỉ cho phép 49 năm?

Về mặt an ninh: Toàn bộ các điểm được chọn đầu tư đều là các yết hầu của trục máu giao thông của đất nước. Khi chọn các cao điểm, phải là một mục đích khác. Họ chọn vì mục đích gì???

... Một ngày đẹp trời của một thời gian ngắn sau, khi tôi đang nằm thực địa ở Thái Nguyên, sếp tôi, anh Tuấn Nguyễn gọi gọn lỏn: "Đang ở đâu? Về ngay". Chưa bao giờ tôi phải phi xe ẩu đến thế. 

Hơn 1h sau, trên một bàn trà ở HN, với bộ quần áo lấm lem, đầu tóc hôi rình, chân dép lê loẹt quẹt, sau khi xin mượn tấm bản đồ hành chính, lẫn bản đồ quân sự đều không có sẵn, tôi xin mấy tờ giấy A4, vẽ ra toàn bộ sơ đồ kỳ lạ trên.

Ngày đó nếu vẽ sai một chi tiết, và không chứng minh được cái "lưỡi bừa" tôi gọi từ thực địa trên bản vẽ tay, chắc cả trăm quân VNN đã ra đường.

Giờ thì bạn dùng cây bút đỏ nối liền các địa điểm tôi liệt kê, sẽ ra câu chuyện được rồi.

... 3 tháng sau, tôi quay lại Tràng Định, văn phòng đại diện của IG đã biến mất. Góc chéo 45 độ đối diện bên kia đường, tấm bia "Chiến thắng đường số 4" vẫn đứng sừng sững, tới nay.

P/s: Một thời gian sau đó, VNN chịu cuộc tấn công dã man nhất trong lịch sử báo điện tử ở VN: Hơn 40.000 botnet tấn công DDos cộng backdoor. Lịch sử dữ liệu gần như đã bị xóa sạch. 

Tuy nhiên, với sự kiện IG, như tôi vẫn thường trêu đùa với người thân: "Không có vị tướng nào rời chiến trận mà không biết cài lại bom sau lưng mình". Tôi nói thật đấy, không tin mở cái phong bì tôi ký niêm phong ra mà xem.

(Nhà báo Võ Trường Giang, cựu PV VNN)





Chú thích: Ảnh từ FB tác giả.

Không có nhận xét nào